Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.5)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.5)

 

II. NGƯỜI CHA TRONG DỤ NGÔN (tiếp theo)
2. Lòng khoan dung nhân từ của Thiên Chúa.

Qua bài dụ ngôn “người con hoang đàng”, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta có tự do,
Ngài cũng muốn đối xử với chúng ta như một con người có tự do.
Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta
qua hình ảnh một người cha không muốn cứ khư khư giữ lấy đứa con,
trái lại,
ông đã chia gia tài cho nó, để nó được tự do xử dụng tất cả những gì thuộc về nó.
Nhưng cho dẫu người con có lên đường ra đi tạo lập một cuộc sống riêng
thì người cha vẫn không ngừng theo dõi, chờ đợi đứa con.
Ông khắc khoải từng giây từng phút, ngày ngày ra trước ngõ để ngóng trông chờ đợi đứa con trở về và khi vừa thấy đứa con xuất hiện,
ông vội vã chạy ra,
ôm lấy cổ đứa con và hôn nó tới tấp.
Ông đưa nó vào nhà, nhà của nó mà!
Ông nói với các đầy tớ:
Mau lên,
Phải mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất,
Xỏ nhẫn vào ngón tay cậu,
Mang giầy vào chân cậu.
Mau lên,
dọn tiệc ăn mừng,
vì “con ta đã chết nay sống lại,
đã mất nay lại tìm thấy”.
Có lẽ trong văn chương nhân loại từ cổ chí kim, chưa có một áng văn nào lại tuyệt vời như thế.
Thiên Chúa yêu thương con người đến độ luôn khắc khoải tìm kiếm, ngóng trông con người từng giây, từng phút.
Và Thiên Chúa đã ngóng trông chờ đợi như thế nào?
Câu chuyện kể rằng, có một người đạo đức nọ,
khao khát tìm gặp Thiên Chúa,
ông đi khắp nơi để thụ giáo với những bậc thánh hiền,
ông vùi đầu vào những pho sách dầy cộm,
nhưng vẫn không gặp được Chúa.
Một ngày nọ, ông đến một dòng sông, ngồi thơ thẩn nhìn dòng nước trôi lững lờ,
ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội.
Đàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời xa mẹ.
Còn vịt mẹ thì lúc nào cũng phải canh chừng hết con này đến con khác.
Phải vất vả như vậy nhưng vịt mẹ không hề tỏ vẻ giận giữ hay gắt gỏng.
Nhìn hình ảnh đó, người đạo đức mỉm cười mãn nguyện.
Ông chợt khám phá ra một sự thật
“bấy lâu nay tôi đã đi tìm Thiên Chúa
và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng
chính Thiên Chúa lại đang đi tìm tôi”.
Con vịt mẹ không ngừng đi tìm kiếm con mình,
Thiên Chúa cũng không ngừng đi tìm kiếm con người như vậy.
Quả thực Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm con người
và Thiên Chúa cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm mãi.
Thiên Chúa chính là người cha trong dụ ngôn.
Một người cha có hai đứa con và lúc nào cũng như thấy mất một.
– Đứa con thứ dại dột, bỏ nhà ra đi với những kẻ xấu nết. Ông tưởng chừng như đã mất, nhưng nó đã quay trở về.
– Đang khi người con thứ trở về, ông lại phải chạy ra năn nỉ người con cả vào nhà.
Anh không chịu vào vì anh không thể tha thứ cho người em tội lỗi.
Anh không chịu vào vì sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm.

Anh không chịu vào, vì anh không cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của người cha.

Thiên Chúa là như thế đó.
Nỗi khổ tâm của Thiên Chúa là như thế đó.
Và một điều làm chúng ta suy nghĩ “hình như niềm vui của Thiên Chúa không có lúc nào được trọn vẹn khi ở giữa Dân Người”.

Vì lúc nào Thiên Chúa cũng như thấy mất một.

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN