Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.4)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.4)

 

 

II. NGƯỜI CHA TRONG DỤ NGÔN
1. Người cha trong dụ ngôn.
1.1. Người cha luôn muốn con được hạnh phúc nhưng không cưỡng bách.
Với tư cách là cha, ông muốn con cái mình tự do để yêu. Sự tự do ấy cũng bao gồm khả năng rời khỏi nhà, đi đến “phương xa” và đánh mất tất cả. Trái tim của người cha biết hết nỗi khổ đau do sự lựa chọn ấy đưa tới, nhưng tình yêu khiến ông hoàn toàn bất lực để ngăn cản. Với tư cách là cha, ông ước mong sao mọi người trong nhà vui hưởng sự hiện diện của ông và cảm nghiệm lòng trìu mến của ông . Nhưng cả ở đây nữa, ông chỉ muốn dâng hiến một tình yêu mà tình yêu sẽ được tiếp nhận một cách tự do. Ông đau khổ vô cùng khi con cái chỉ tôn ông bằng môi mép còn lòng chúng thì xa ông (Is 29, 13). Ông biết “miệng lưỡi phỉnh phờ” và “con tim gian xảo’ của chúng (Tv 78, 36-37), nhưng ông không thể ép chúng yêu mình để đánh mất tình phụ tử đích thực.
Với tư cách là cha, thẩm quyền duy nhất mà ông đòi cho mình là thẩm quyền của lòng thương cảm. Thẩm quyền ấy chỉ được tậu bằng cách để cho tội lỗi con cái đâm thủng trái tim mình. Nơi những đứa con lầm lạc này, không có sự tham lam, thèm khát, giận dữ, oán hờn, ganh tỵ hoặc sự trả thù nào mà không làm cho ông sầu não cả. Nếu sự phiền muộn của ông sâu xa đến thế là vì trái tim của ông trong sạch. Từ điểm nội tâm ấy, nơi mà tình yêu ông ôm ấp hết mọi đau khổ của con người, người cha giơ tay về phía con cái mình. Cử chỉ của đôi tay đang phát ra một ánh sáng nội tâm, chỉ tìm sự chữa lành mà thôi.
nguoi_con_hoang_dangThiên Chúa, Đấng tôi đặt niềm tin là thế đó. Một người cha mà ngay từ lúc tạo thiên lập địa, đã đưa đôi cánh tay ra trong một cử chỉ chúc phúc đầy từ bi, không hề áp đặt với bất cứ ai bao giờ, nhưng luôn luôn chờ đợi, không hạ đôi cánh tay xuống, dấu chỉ của tuyệt vọng, nhưng luôn trông cậy rằng con cái mình sẽ trở về, rồi Ngài sẽ thổ lộ tình thương của mình với chúng. Đặt đôi tay rã rời lên vai chúng. Ước muốn duy nhất của Ngài là chúc phúc. Chúc phúc trong tiếng la tinh là benedicere, theo sát nghĩa là nói những lời tốt lành. Qua đôi tay hơn là giọng nói, người cha muốn thốt lên những điều tốt lành về con cái mình. Ngài không hề muốn sát phạt chúng. Chúng đã bị phạt một cách quá đáng do chính sự lầm lạc của chúng, cả bên trong lẫn bên ngoài. Người cha chỉ đơn giản cho họ biết rằng tình yêu mà họ tìm kiếm qua những con đường quanh co ngoằn ngoèo đã, còn và sẽ ở đây, cho họ. Người cha muốn nói bằng đôi bàn tay hơn bằng miệng lưỡi “chúng là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta”. Ngài là vị mục tử “chăn giữ đoàn chiên, tập trung cả đoàn dưới cánh tay, lũ chiên con ngài ấp ủ vào lòng” . (Is 40, 11). [1]
1.2. Người cha chạy lại và ôm hôn người con hoang đàng.
  • Ông chạy lại. Người ta chỉ chạy khi vội vàng. Chạy khi không có thì giờ. Chạy là muốn rút ngắn. Chạy là bị thúc đẩy bởi một động lực rất mạnh. Chạy thì ít an toàn hơn đi thong thả. Biết ít an toàn mà người cha già vẫn chạy là liều chấp nhận một thiệt thòi có thể xảy đến cho mình. Không ai có thể suy ngghĩ, tính toán, sáng tác trong lúc chạy. Càng chạy nhanh thì càng mất đi hình ảnh bên cạnh. Chạy thì quên hết những gì chung quanh để chỉ còn một mục tiêu duy nhất đang nhắm tới. Người cha già đã quên hết mọi sự, trước mắt chỉ thấy con. Chạy là muốn rút ngắn thời gian mong nhớ.
  • Ông bá cổ nó mà hôn lấy hôn để. Cái hôn của Giuđa lạnh lùng bao nhiêu, thì cái hôn của người cha già tha thiết bấy nhiêu. Ít khi nào Phúc Âm kể chi tiết như ở đây. Cái hôn của người cha như vội vàng, hối hả, như sợ sắp mất, như một trông đợi vô cùng.[2]
 
1.3. Người cha trao ban những cái tốt nhất.
Người cha đã không để cho con mình có cơ may xin lỗi. Người xóa bỏ trước những lời xin lỗi của con bằng một sự thứ tha bộc phát và được xét là chẳng quan trọng, so với niềm vui của cuộc trở về. Không những người cha tha thứ mà lại còn không hề chất vấn điều gì. Và hình như người cha không thể chờ đợi lâu hơn nữa để trao ban cho cậu một đời sống mới, một đời sống dồi dào (Jn 10, 10).
Phải cho nó cái tốt nhất, trong khi đó, người con chỉ trông chờ được xử sự như một trong những người tôi tớ, thì người cha yêu cầu người ta mang đến cho cậu chiếc áo của ngày đại lễ được dành cho những khách quí. Và dầu người con tự cảm thấy không còn xứng đáng được gọi là con ông, người cha vẫn cho xỏ chiếc nhẫn vào ngón tay và xỏ giầy vào chân cậu. Giầy mới mang một ý nghĩa biểu tượng, vì đôi chân không, nói lên sự nghèo khó và thường dành cho nô lệ. Giầy dép là dành cho những người giầu có và quyền thế. Giầy che chân khỏi bị rắn cắn, cung cấp sự an toàn và sức mạnh. Đối với nhiều người nghèo, mang được đôi giầy là thăng tiến trên bậc thang xã hội. Một bài hát của những người da đen (negro spiritual) ở Phi Châu và Mỹ Châu nói rất đúng: “Tất cả con cái Thiên Chúa đều có giầy. Khi tôi đến cùng Thiên Chúa, tôi sẽ xỏ đôi giầy vào chân và có thể đi dạo quanh mọi nơi, trên bầu trời của Thiên Chúa[3]
1.4. Phải chăng việc cho người con thứ ăn mặc sang trọng trong lúc này là không thích hợp.
Có lẽ chúng ta phải công nhận rằng mặc áo thượng hạng ở khung cảnh này hoàn toàn không thích hợp. Người con mới ở phương xa về, phải chăn heo mà sống, đói rách, đau ốm, tóc tai dơ bẩn vì bụi đường. Mặc áo thượng hạng ở đây coi như dị đời. Theo thường tình, ông phải đợi con về nhà, tắm rửa, chuẩn bị kỹ càng cho bữa tiệc khao đã, rồi bấy giờ mới mặc áo quí. Nhưng người cha già đã quá luýnh quýnh, ông không biết làm sao giữ được hạnh phúc trong con tim ông. Ông nghĩ gì nói vậy chứ không cần xét rằng mặc áo thượng hạng lúc này chẳng thích hợp với hoàn cảnh. Ông không dùng lý trí để phân tích hoàn cảnh, nhưng chỉ nghe tiếng nói của tình thương. Tất cả hành động ở đây đều là hành động muốn đốt cháy thời gian vì đã mong nhớ quá lâu. Đã chờ đợi quá dài. Ông “chạy hối hả”, ông “bá cổ”, ông “hôn lấy hôn để”, ông truyền lệnh “mau mau”. [4]

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM


[1] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.148-149

[2] Nguyễn tầm Thường, Nước mắt và hạnh phúc, p.97-97

[3] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.148-149

[4] Nguyễn tầm Thường, Nước mắt và hạnh phúc, p.99

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN