Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.3)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.3)

 

I. NGƯỜI CON THỨ
2. Người con thứ trở về.
2.1. Người con thứ đã trở về.
Sau một thời gian ăn chơi phóng đãng, hết tiền, anh phải đi chăn heo cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người. Đối với người Do Thái, đây là một công việc hèn hạ, vì heo là một con vật nhơ nhớp đối với Do Thái giáo. Chăn heo đã là một việc hèn hạ, mà ở đây đói quá, muốn được ăn những thứ heo ăn mà cũng không được. Điều đó nói lên tất cả những gì là nhục nhã nhất và hèn hạ nhất mà anh ta đang phải chịu.
Vừa đói khát thiếu thốn, vừa ân hận tủi hổ, một ngày kia, anh quyết định trở về thưa với cha:
“Thưa cha, con đã đắc tội với Trời và với cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Hãy coi con như một người làm công trong nhà”.
2.2. Hình hài người con thứ lúc trở về.
Người thanh niên mà người cha đang ôm trong vòng tay và chúc lành là một người nghèo, rất nghèo. Ra đi khỏi nhà đầy kiêu ngạo, tiền đầy túi, anh quyết sống cuộc đời xa cha, xa cộng đồng, trở về trắng tay: tiền bạc, sức khỏe, danh dự, lòng tự trọng…tất cả đều ra mây khói.
Rembrandt đã diễn tả người con thứ trở về với cái đầu trọc. Bây giờ chẳng còn bộ tóc bồng bềnh gợn sóng nơi con người hoang đàng đầy kiêu hãnh và ngạo mạn nơi nhà thổ. Đầu anh giống đầu một tù nhân mà cái tên đã bị thay bằng con số. Một bộ áo rách rưới khoác lên một thân hình rã rượi. Hai bàn chân nói lên một cuộc hành trình dài lê thê và nhục nhã. Chân trái, dép bị sút ra, mang nhiều thương tích. Chân phải với chiếc dép rách nát, cũng nói lên những nỗi đau khổ và cơ cực. Đây là một con người bị tước đoạt tất cả, trừ một vật, đó là chiếc kiếm. Thanh gươm hay chiếc kiếm muốn nói lên rằng, dù trở về như một người hành khất và như một tên đáng nguyền rủa, anh vẫn không quên rằng anh luôn là một người con của cha. Chính địa vị làm con ấy, được trân trọng và không bao giờ bị quên lãng nhờ đó mà anh quyết định trở về.[1]
2.3. Động lực khiến người con thứ trở về.
Ý nghĩa cuộc trở về của người con thứ được biểu lộ một cách ngắn gọn: “thưa cha…con chẳng đáng được gọi là con cha nữa”. Một cách nào đó, người con thứ đã đánh mất phẩm giá làm con của mình, nhưng đồng thời, ý nghĩa của phẩm giá đã bị đánh mất cũng làm cho anh ý thức mình thật là đứa con đã có một phẩm giá để mất.
download (1)(45)Cuộc trở về của người con thứ diễn ra vào thời điểm chính xác lúc anh kêu gọi đến địa vị làm con, dù có đánh mất hết phẩm giá dính liền với địa vị ấy. Trong thực tế, đó là việc đánh mất tất cả những gì đã đưa anh tới chính trung tâm căn tính của mình. Anh đã đụng chạm được cái lỗi của địa vị làm con. Khi nhìn lại, hình như đứa con hoang đàng đã phải mất hết để tiếp xúc được với chỗ sâu kín nhất của bản thể mình. Khi anh bắt gặp chính mình đang mong được xử sự như một trong những con heo, thì anh đã ý thức rằng mình chẳng phải heo mà là một con người, con của cha mình. Ý thức ấy đã trở thành nền tảng cho việc anh lựa chọn sống hơn chết. Một khi đã tiếp xúc lại được với sự thật về địa vị làm con, anh đã nghe được tiếng nói dù còn yếu ớt – gọi anh là đứa con, và đã cảm nhận – dù còn xa – xúc giác của bàn tay chúc lành. Ý thức ấy cùng sự chắc chắn về tình thương của cha mình, dù chỉ như trong mây mù, cũng đã đem lại cho anh nghị lực đòi lại cho mình địa vị làm con, dù việc đòi hỏi ấy chẳng dựa vào một thứ công đức nào cả.[2]

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM


[1] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.68-69

[2] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.73-74

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN