Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.2)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.2)

I. NGƯỜI CON THỨ
1. Người con thứ ra đi.
Con người ngày nay càng ngày càng mất dần ý thức về tội lỗi vì họ mất dần ý thức về Thiên Chúa. Tội lỗi chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tội lỗi, trước hết là hành động xúc phạm tới Thiên Chúa, vi phạm Luật Chúa và từ chối tình thương của Ngài.
1.1. “Trẩy đi phương xa” là cắt đứt hoàn toàn với lối sống của cha ông.
images

Gia tài của cha, do công khó nhọc của cha đổ ra. Hai đứa con đã cộng tác để gia tài đó lớn dần lên và cả gia tài sẽ thuộc về họ vì “mọi sự của cha đều là của con”, nhưng việc người con thứ đòi chia gia tài là một sự xúc phạm nghiêm trọng. Người ta chỉ chia gia tài của người đã chết. Đòi chia gia tài của người đang sống có nghĩa là muốn người đó chết đi hoặc muốn cắt đứt mọi liên hệ với người đó.

Khi thánh Luca viết :”người con thứ trẩy đi phương xa”, thánh sử muốn diễn tả người con thứ muốn cắt đứt hoàn toàn với một lối sống, một nếp nghĩ và hành động đã được chuyển giao cho người con thứ từ đời này qua đời kia như một báu vật thiêng liêng. Đồng thời thánh Luca cũng muốn diễn tả sự phản bội của người con thứ đối với các giá trị quí báu của gia đình và cộng đồng. “Phương xa” ở đây là một thế giới trong đó tất cả những gì được xem là thiêng liêng trong gia đình đã bị loại bỏ.[1]
1.2. “Trẩy đi phương xa” là bước vào một thế giới của những điều kiện.
Trong nhà của cha, người con thứ luôn được yêu mến. Nhưng một khi bước vào thế giới “ở phương xa”, anh luôn phải băn khoăn trăn trở tự hỏi: người đời thực sự có yêu mến mình không ?
và thế giới “ở phương xa” sẽ trả lời:
– Vâng, tao yêu mày quí mày nếu mày đẹp, thông minh và giầu có.
– Vâng, tao yêu mày nếu mày được giáo dục tốt, có việc làm tốt và những tương quan tốt.
– Vâng, tao yêu mến mày nếu mày còn sản sinh ra được một cái gì đó, nếu mày bán nhiều và tiêu thụ nhiều.
Không ngừng có những chữ “nếu” được ẩn giấu trong sự quí chuộng mà thế gian dành cho chúng ta, làm cho chúng ta bị nô lệ, vì không thể nào đáp được mọi đòi hỏi của nó. Sự quí chuộng của thế gian luôn luôn có điều kiện. Bao lâu chúng ta còn đi tìm con người thật của mình nơi sự yêu thương có điều kiện của thế gian, bấy lâu chúng ta sẽ bám vào thế gian bằng cách cố gắng, rồi trật chìa, lại bắt đầu trở lại. Đó là một thế giới điều kiện làm phát sinh những cái lệ thuộc. Những lệ thuộc này làm cho chúng ta bám víu vào cái mà thế gian cho là chìa khóa của mọi thành công. Bao lâu chúng ta còn sống dưới sự khống chế của những ảo tưởng mà thế gian đưa ra, những lệ thuộc ấy buộc chúng ta cứ mãi phải tìm kiếm một cách vô vọng “ở phương xa”. Trong một thế giới mà những “lệ thuộc” ngày càng nhiều, chúng ta cứ phải lang thang xa nhà, xa nhà của cha.[2]
1.3. “Trẩy đi phương xa” là bước vào một thế giới của những bất an.
Ở nơi phương xa, người con thứ phải làm việc cật lực để làm vừa lòng người khác, để thành công, để được thừa nhận. Nếu anh thất bại, anh cảm thấy chua xót và ganh tỵ với những người thành công. Khi anh thành công, anh lại cũng sợ những người khác ghen ghét, ganh tị với anh. Anh luôn ngờ vực và ở trong thế tự vệ. Anh luôn sợ không đạt được điều mình kiếm tìm hoặc mất đi cái mình đang có. Bị trói buộc trong những nhu cầu và ham muốn chằng chịt, anh đi tới chỗ chẳng còn biết đâu là những động cơ của mình nữa. Anh cảm thấy mình là nạn nhân của những người chung quanh và anh tỏ ra dè chừng đối với những gì họ làm hoặc họ nói. Luôn luôn cảnh giác, anh bắt đầu phân chia thế giới thành hai phe: những người phò anh và những người chống anh. Anh tự hỏi có ai quan tâm thực sự tới mình chăng. Và anh bắt đầu đưa ra những bằng chứng biện minh cho sự ngờ vực của mình. Và bất cứ nơi nào anh đến, anh đều thấy rằng không thể tin ai được.[3]
1.4. “Trẩy đi phương xa” là bước vào một thế giới của những vụ lợi.
Người con thứ mau nhận ra rằng người ta chỉ quan tâm đến tôi chừng nào tôi còn phục vụ cho lợi ích của họ. Nhưng khi tôi không còn tiền để xài, không còn quà cáp để biếu xén, thì tôi không còn hiện hữu đối với họ nữa. Khi những người chung quanh thôi nhìn người con thứ như một con người, anh cảm thấy hoàn toàn bị cô lập. Một nỗi cô đơn hoang vắng nhất đối với một con người.[4]
1.5. “Trẩy đi phương xa” là xa rời tình thương của người cha.
Người con thứ đã “trẩy đi phương xa” , đến với một thế giới đầy tính khai thác không hề biết đến giá trị đích thực của con người. Y như thể anh muốn chứng minh cho thế giới cũng như chính mình rằng anh chẳng cần đến tình yêu của người cha, để ở đó anh có thể sống với một cuộc sống của riêng mình. Quả thực sự từ chối của người con hoang đàng phản ánh cuộc nổi loạn nguyên thủy của Ađam: Việc loại bỏ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tạo dựng nên chúng ta và và giữ gìn chúng ta trong sự sống. Chính cuộc nổi loạn đã đặt chúng ta ra bên ngoài Địa Đàng, xa cây sự sống. Nhưng người cha là Thiên Chúa, không thể bắt con mình ở lại nhà. Ngài không thể áp đặt tình yêu của Ngài cho người con yêu. Ông đã phải để nó tự do ra đi mặc dù biết rõ việc ra đi ấy sẽ gây đau khổ cho nó và cả chính ông nữa. Chính tình yêu đã ngăn cản ông giữ lại đứa con ở nhà. Chính tình yêu đã cho phép để con mình đi tìm cuộc sống của nó dù ông biết chắc rằng nó có nguy cơ đánh mất chính cuộc sống ấy.[5] (còn tiếp)

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 


[1] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p. 53

[2] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p. 64-64

[3] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.70

[4] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.71

[5] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.65-66

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN