Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.1)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.1)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca
GIUSE 013Một người kia có hai con trai.
Người con thứ nói với cha rằng: ”Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”.
Và người cha đã chia tài sản cho hai con.
Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó, anh sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.
Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
Bấy giờ anh hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha thôi.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đang xa, thì người cha đã trông thấy.
Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.
Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, và bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Và họ bắt đầu ăn mừng.
“Lúc ấy người con cả đang ở ngoài đồng.
Khi anh ta về đến gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.
Người ấy trả lời: “Em cậu đã trở về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy vẫn khoẻ mạnh”.
Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu năn nỉ.
Cậu trả lời cha: Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào con trái lệnh cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng.”
Nhưng người cha nói với anh ta: “con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
(Luc 15, 1-3.11-32)
HENRI NOUWEN
VỚI CÁC NHÂN VẬT TRONG
DỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG
Sau năm tôi lưu lại tại Pháp và đã đi thăm “ngôi nhà cô tịch”, những tâm tình tuyệt vọng đã đẩy đưa tôi tự đồng hóa rất mạnh mẽ với người con hoang đàng thì nay đã trở thành thứ yếu trong lương tâm tôi. Tôi đã quyết định đến sống ở Daybreak tại Toronto và do đó, tôi cảm thấy tự tin hơn trước.
Giai đoạn thứ hai trên lộ trình thiêng liêng của tôi bắt đầu từ một buổi tối khi tôi đang tranh luận về bức họa của Rembrandt với một ông bạn người Anh, Bart Gavigan, người này đã biết tôi khá nhiều, năm vừa qua. Tôi giải thích cho anh tại sao tôi đồng hóa mình với người con thứ, anh ta nhìn tôi chằm chằm và nói: tôi tự hỏi anh có giống người con cả hơn không đấy”. Với lời này, một khoảng không gian mới mở ra trong tôi.
Thực ra, tôi chưa bao giờ nhận mình là người con cả, nhưng một khi Bart đặt tôi trước khả năng ấy, nhiều ý tưởng vô kể bắt đầu nảy sinh trong tâm trí tôi. Trước hết, nguyên sự kiện tôi chính là người con cả trong gia đình, tôi thấy mình đã sống một cuộc đời hoàn toàn hiếu thảo. Từ tuổi lên sáu, tôi đã muốn trở thành linh mục và đã không bao giờ thay đổi. Tôi đã sinh ra và đã chịu phép Rửa Tội, Thêm Sức và chịu chức linh mục trong cùng một thánh đường. Tôi đã luôn vâng lời cha mẹ, các thầy cô, các giám mục và Thiên Chúa. Tôi chưa bao giờ bỏ nhà ra đi, đã không hề tốn công trong các cuộc truy hoan, chưa hề lầm đường lạc lối “trong rượu chè trác táng”.
Suốt đời, tôi đã tỏ ra có trách nhiệm, trung thành với truyền thống, thậm chí thích quanh quẩn trong nhà. Nhưng bất chấp tất cả, cũng có thể tồi tệ hư hỏng như người con thứ. Lúc bấy giờ tôi tự nhìn mình một cách hoàn toàn mới. Tôi thấy sự ghen tức, nỗi giận dữ hờn mát, tính lì lợm và sự ngầu đời của mình và trên hết, tự cho mình là con người đàng hoàng. Tôi đã nhận thấy mình thích càu nhàu đến mức nào. Những suy nghĩ và cảm nhận của mình lại đầy những oán giận. Trong một thời gian, tôi không sao hiểu được làm thế nào lại chẳng bao giờ nhận ra mình là đứa con thứ, không nghi ngờ gì nữa, tôi là đứa con cả, nhưng cũng hư hỏng như đứa con thứ, mặc dù suốt đời “tôi luôn ở nhà”.
Tôi đã làm việc cật lực ở nông trại của cha tôi, nhưng chưa bao giờ thật sự cảm nếm niềm vui được ở nhà. Thay vì phải biết ơn vì bao ân huệ đón nhận được, tôi đã trở nên một con người đầy thù oán: ganh tỵ với em trai, em gái của tôi, chúng đã dám phiêu lưu để rồi được tiếp đón nồng hậu khi trở về. Suốt năm rưỡi ở tại Daybreak, nhận xét sáng suốt của Bart đã tiếp tục hướng dẫn đời sống nội tâm của tôi.
Còn một việc khác nữa. Mấy tháng sau khi kỷ niệm ba mươi năm linh mục, tôi dần dần bước vào những khoảng cách nội tâm đầy tăm tối và bắt đầu cảm thấy vô cùng lo âu đến độ không còn cảm thấy an toàn trong chính cộng đoàn của mình nữa và đã phải ra đi, cầu cứu đến một nơi khác để phấn đấu và trực tiếp lo cho việc chữa lành nội tâm của mình. Một vài cuốn sách mà tôi mang theo đều nói về Rembrandt và dụ ngôn người con hoang đàng. Sống ở một nơi cô quạnh, xa bạn bè và cộng đoàn, tôi cảm thấy được an ủi nhiều, khi đọc qua cuộc đời đầy sóng gió của nhà họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan và khi biết rằng chính lộ trình đầy lo âu của ông, cuối cùng đã đưa đẩy ông vẽ bức họa tuyệt diệu đó.
Trong hàng giờ tôi đã ngắm nhìn các bản phác họa và các bản vẽ ông đã sáng tác giữa những thử thách, những mất ảo tưởng và nỗi khổ của mình và cuối cùng tôi hiểu được cách nào, đã nảy sinh dưới cây cọ của ông, gương mặt của một cụ già gần như đã mù, ôm trong tay đứa con, với một cử chỉ đầy thương cảm, tha thứ tất cả. Một nghệ sĩ đã phải trải qua nhiều cái chết và đã phải sa lụy không ít, để có thể vẽ lên chân dung của một Thiên Chúa khiêm tốn quá đỗi như thế.
Chính trong thời gian đau khổ lớn lao này, mà một người bạn nữ đã nói lên lời lẽ mà tôi cần nghe nhất, mở ra giai đoạn thứ ba của cuộc hành trình của tôi. Sue Mosteller có mặt tại cộng đoàn Daybreak đầu những năm 70, người đã đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của tôi về sống ở Daybreak, đã nâng đỡ tôi trong tình trạng rất khó khăn, và là một điều không thể thiếu được để đi tới sự tự do nội tâm thực sự. Khi cô đến thăm tôi “trong ngôi nhà cô tịch của mình” và khi nói đến người con hoang đàng, cô đã nói rằng “dù anh là người con thứ hay người con cả, anh cần ý thức rằng anh được mời gọi trở nên người cha”.
Lời này như “một quả bom làm nổ tung tâm hồn tôi”. Từ khi sống với bức họa và nhìn ông cụ già ôm đứa con mình, chưa bao giờ ý nghĩa rằng người cha nói lên rõ nét nhất ơn gọi của mình, lại có thể nảy ra trong đầu tôi.
Sue đã không để cho tôi có thời gian phản bác lại. “Suốt đời anh đã đi tìm bạn bè. Anh đã luôn đi tìm tình luyến ái từ khi tôi biết anh. Anh thích cả trăm thứ. Anh thích được chú ý, thích được đề cao. Đã tới lúc anh phải nắm vững ơn gọi thật của mình – là một người cha có thể đón tiếp con cái mình tại nhà, không đặt vấn đề cũng không chờ đợi bất cứ điều gì từ chúng. Hãy nhìn kỹ người cha trong bức họa và anh sẽ biết anh được gọi trở nên người nào. Ở Daybreak đây, hầu hết những người chung quanh anh, chúng tôi không cần anh trở thành người bạn tốt, thậm chí cả một người anh em tốt nữa. Chúng tôi cần đến một người cha có khả năng đòi cho mình thẩm quyền của một sự thương cảm thực sự”
Khi nhìn ông cụ già với chòm râu dài, dưới chiếc áo khóac màu đỏ, trong thâm tâm, tôi chống lại việc nhìn thấy chính mình dưới những nét ấy. Tôi cảm thấy mình sẵn lòng tự đồng hóa với người con hoang đàng hoặc với người con cả đầy giận dữ hơn, nhưng ý niệm là như ông cụ già kia, chẳng còn gì để mất, vì đã mất hết sạch mà chỉ còn cho đi, là tôi tràn ngập lo âu sợ hãi. Dù vậy, Rembrandt đã chết vào tuổi 63 và tuổi tôi gần với tuổi ông hơn là tuổi hai cậu con trai. Rembrandt đã sẵn sàng đặt mình vào chỗ của người cha.Tại sao lại chẳng phải là tôi nhỉ ?
Một năm rưỡi trôi qua, từ ngày Sue Mosteller đã đưa ra thách đố của mình, là thời gian mà tôi đã bắt đầu sáp nhập tình phụ tử thiêng liêng của tôi. Đó là một cuộc chiến chậm chạp và cam go và đôi khi tôi vẫn cảm nhận ước muốn vẫn là đứa con để không già đi. Nhưng tôi cũng đã cảm thấy niềm vui lớn lao được đón tiếp con cái, đặt trên chính đôi tay mình trong cử chỉ tha thứ và chúc phúc. Tôi đã đi đến cảm nghiệm được, dưới dạng thu nhỏ, ý nghĩa việc làm của một người cha, không đặt vấn đề mà chỉ mong đón tiếp con cái mình trong nhà.
Tất cả những gì tôi đã sống, từ ngày gặp bức họa của Rembrandt, không những đã linh ứng cho tôi viết cuốn sách này mà còn gợi lại cả cho tôi cấu trúc của nó nữa. Tôi sẽ nói lên suy tư của mình về người con thứ, kế đến là người con cả và cuối cùng về người cha. Vì thực ra, tôi là người con thứ và tôi cũng là người con cả, đang trên đường trở thành người cha. Và tôi cầu nguyện cho các bạn là những người đang chia sẻ lộ trình thiêng liêng của tôi, để các bạn có thể khám phá ra nơi chính mình không những đứa con hư hỏng của Thiên Chúa mà còn cả chính Thiên Chúa đầy lòng thương xót ấy vừa là cha vừa là mẹ. [1] (còn tiếp)

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM


[1] Henri Nouwen, Cuộc trở về của đứa con hoang đàng, p.32-37

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …