Người đàn ông kết hôn có hai trách nhiệm: làm chồng và làm cha. Cả hai trách nhiệm đều nặng nề, hai trách nhiệm khác nhau nhưng vẫn nối kết với nhau, vì hai trách nhiệm nhưng chỉ có một người phải thực hiện sao cho vuông tròn.
Muốn làm cha thì dễ nhưng để làm cha thì khó. Đối với con cái, người mẹ quan yếu về lĩnh vực tình cảm, người cha quan yếu về lĩnh vực tính cách. Vai trò nào cũng có tầm vóc riêng, nhưng phải làm sao giáo dục cho con cái biết sống có trách nhiệm, như R. Tagore nói: “Từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, những bài học về nghĩa vụ được coi là sự giáo dục toàn diện.”
Nữ giới hướng nội, nam giới hướng ngoại. Đó là quan niệm cổ xưa, bất cân bằng. Nữ là âm, nam là dương. Càn khôn phải có âm dương hòa hợp. Nội hay ngoại đều cần, không thể tuyệt đối bất di bất dịch mà chỉ nhiều hơn hay ít hơn một chút, nội hay ngoại đều có một vị trí nhất định. Thói gia trưởng đã và đang là mối quan ngại đối với phụ nữ trong việc lập gia đình, sinh con, tham gia hoạt động xã hội,… Làm chồng thì đừng áp chế vợ, và làm cha thì đừng đè nén con cái.
Chăm sóc gia đình không chỉ là đưa tiền về nhà với động thái “ban phát,” mà nam giới còn phải cởi mở thân thiện để vợ con không ngại trò chuyện hoặc cảm thấy xa cách. Xã hội ngày nay cần có sự bình đẳng tích cực, cha mẹ cùng chăm sóc con cái. Dĩ nhiên không ai được phép ỷ lại hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Đừng tự quan trọng hóa cũng đừng khinh suất!
Sẽ là bình đẳng nếu nam giới biết chia sẻ một nửa công việc chăm sóc gia đình với phụ nữ, nhưng vẫn giữ vai trò “chống mũi chịu sào” của gia đình. Và như vậy, người chồng luôn được người vợ nể trọng, người cha luôn được con cái kính yêu.
Để có được cái nhìn bình đẳng thực sự trong gia đình, chính nam giới phải có sự thay đổi ngay từ trong nếp nghĩ. Thật vậy, càng hiểu biết nhiều thì người ta càng dễ cảm thông và tha thứ. Sự khiêm nhường luôn có hệ lụy với sự khoan dung, còn lòng kiêu ngạo luôn gắn liền với lòng ghen tị.
Sống tốt là sống chân thành, không xu nịnh, không vụ lợi hoặc thực dụng, dù là trong các vấn đề sinh tử. Đó là bổn phận làm người. Lão Tử dạy: “Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.” Sống tốt ngay từ trong gia đình, vì gia đình là nền tảng của đất nước và xã hội, để tạo lập và bảo vệ hạnh phúc đích thực – cái mà không thể mua bằng vàng bạc hay bất cứ loại châu báu nào.
Mọi người đều là thiên thần, nhưng thiên thần chỉ mới có một cánh. Chúng ta có thể bay lên cao được nhờ biết hợp tác, biết đồng lao cộng khổ và cùng chung lưng đấu cật ở mọi hoàn cảnh. Nghèo không sợ và khổ không nao, đó là con người không bao giờ bị khuất phục. Syrius khuyên: “Nên tin vào sự can đảm của mình hơn là sự may mắn.” Không ghen ghét ai và không cầu cạnh ai thì làm gì cũng tốt. Ca dao Việt Nam có triết lý sống đơn giản nhưng vẫn thâm thúy:
Bề trên lượng cả khoan hồng
Khiến cho bề dưới đem lòng kính yêu
Thiên Chúa luôn đề cao gia đình, vì chính Chúa Giêsu cũng sống trong một gia đình và được cha mẹ chăm sóc. Hôn nhân là một trong bảy bí tích được Thiên Chúa thiết lập. Kinh thánh dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ.” (Hc 3:1-16) Và rồi Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục cha mẹ. (Lc 2:51)
Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên về đời sống gia đình: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl 3:18-21) Thánh Phaolô cũng nói riêng về trách nhiệm cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6:4)
Phàm điều gì là bổn phận và trách nhiệm thì không hề dễ thực hiện, nhưng vẫn phải làm, vì thế mới phải không ngừng cố gắng!
TRẦM THIÊN THU