Thời Trung Cổ, khách hành hương đã tới Rôma và ngạc nhiên về bức tượng Thánh Phêrô bằng đồng lớn hơn người thật. Tác giả bức tượng này là điêu khắc gia Arnolfo di Cambio hồi thế kỷ XIII, mô tả giáo hoàng tiên khởi giơ tay phải ban phép lành, còn tay trái cầm chìa khóa Nước Trời.
Nhưng nhiều du khách chú ý tới bàn chân của Thánh Phêrô. Khách hành hương thời Trung Cổ đã hôn và vuốt mòn mấy ngón chân phải của bức tượng khi họ đến cầu nguyện với Thánh Phêrô. Họ tha thiết xin Thánh Phêrô mở cửa Thiên Đàng cho họ nếu họ chết khi đang đi hành hương.
Năm 1871, người ta đặt sau lưng Thánh Phêrô một bức khảm vàng màu đỏ, giống như tấm vải thêu. ĐGH Piô IX, triều đại kéo dài hơn 25 năm, đã cho đặt bức khảm đó.
Các du khách tới Rôma vào ngày 29 tháng 6, lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, không khỏi ngạc nhiên khác: Bức tượng được mặc lễ phục bằng vải thật và mũ thật, có cả chiếc nhẫn ngư phủ dành cho giáo hoàng.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ patheos.com)