Home / Chia Sẻ / “NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI”

“NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI”

ngoiLoiCó lần, khi dẫn các vị khách không cùng tôn giáo đi thăm hang đá Giáng Sinh, có vị đã hỏi ý nghĩa của dòng chữ ghi trên hang đá “Ngôi Lời đã làm người”, tôi thấy thật khó để giải thích một điều cốt lõi của Đức tin Kitô giáo.  Quả vậy, mầu nhiệm Nhập thể không thể diễn đạt trong vài câu từ.  Ngay cả đối với các Kitô hữu, tín điều này là một huyền nhiệm mà lý trí hữu hạn của con người phải im lặng cung kính tôn thờ trước quyền năng cao cả và tình thương vô bờ của Thiên Chúa Tối cao.

“Ngôi Lời đã làm người”, Tác giả Tin Mừng thứ bốn khẳng định với chúng ta như thế.  Ông đã khởi đầu tác phẩm của mình bằng cách đi tìm nguồn gốc của Ngôi Lời thiên linh.  Ngôi Lời ấy đã hiện hữu từ muôn thuở.  Ngôi Lời vừa giống Chúa Cha, lại vừa khác với Ngài.  Ngôi Lời giống Chúa Cha vì Ngôi Lời là Thiên Chúa, Ngôi Lời khác với Chúa Cha vì “Người vẫn hướng về Thiên Chúa.”  Sự tương tự và khác biệt chỉ có thể hiện hữu do quyền năng của Thiên Chúa.  Thánh Gioan muốn chứng minh: Đức Giêsu Kitô thành Nagiarét là Thiên Chúa thật, và cũng là người thật.  Như trên đã nói, lý trí con người hữu hạn, suy bao nhiêu cũng không thể hiểu được mầu nhiệm Nhập Thể, tức là sự kiện Thiên Chúa và con người nên một nơi Đức Giêsu.  Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Đức Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha.  Lời tuyên xưng ấy nói lên sự tương tự huyền nhiệm này.

“Ngôi Lời đã làm người”, để làm gì?  Thưa, để chiếu sáng thế gian.  Đức Giêsu là ánh sáng trần gian.  Chính Người đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian.  Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).  Sứ mạng của Đức Giêsu là soi sáng trần gian, giúp con người nhận ra Chân lý, và nhờ đó họ được sống đời đời.  Ánh sáng của Chúa Giêsu là cuộc đời và giáo huấn của Người.  Ai đến với Người, thì không còn phải đau khổ, vì họ được an ủi và tìm thấy bình an.  Lịch sử Kitô giáo hai ngàn năm qua đã chứng minh điều đó.  Bất cứ ai đến với Đức Giêsu, đều được Người đón nhận.  Sự kiện lễ Giáng sinh được cử hành vào nửa đêm theo truyền thống từ xa xưa, cũng nhằm khẳng định Đức Giêsu là ánh sáng bừng lên trong đêm tối cuộc đời.

“Ngôi Lời đã làm người” trong hoàn cảnh nào?  Tác giả Tin Mừng thứ bốn viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).  Thánh Gioan muốn nói đến những người khước từ Chúa Giêsu.  Sự khước từ ấy thể hiện qua việc Thánh Giuse và Đức Trinh nữ Maria gõ cửa nhiều quán trọ, mà không tìm được một chốn trú ngụ qua đêm.  Những chủ quán thời đó có thể khước từ vì thấy hai ông bà nghèo nàn, mà bà thì lại sắp sinh con.  Chính vì sự khước từ này mà Ngôi Lời đã phải khởi đầu hành trình trần thế trong khung cảnh nghèo nàn tột bậc.  Đó là hang đá, nơi dùng cho chiên bò trú ngụ qua đêm để tránh sương lạnh mùa đông buốt giá.  Trải dài suốt lịch sử, có rất nhiều người đón nhận Chúa Giêsu và thực thi giáo huấn của Người.  Tuy vậy, cũng có nhiều người khước từ Chúa.  Những người đón tiếp Chúa vì đã nhận ra nơi Người con đường Chân lý và ý nghĩa cuộc đời.  Những người khước từ Người vì thấy nơi Người những ràng buộc kìm hãm mọi đam mê của họ.  Theo Đức Giêsu phải chấp nhận bỏ mình.  Bởi lẽ, Đức Giêsu đã đi trên con đường thập giá và đã chết trên thập giá.  Kitô hữu là người nên giống Chúa Kitô trong cuộc sống, thì cũng phải nên giống Người trong mầu nhiệm thập giá.  Cũng tác giả Tin Mừng thứ bốn đã khẳng định: “Những ai đón nhận, tức là tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (c 12).

“Ngôi Lời đã làm người” dạy ta điều gì?  Thiên Chúa cao cả đã hạ mình trở nên Hài Nhi bé nhỏ, sinh ra bởi một người phụ nữ.  Đó là sự khiêm nhường của Thiên Chúa.  Mầu nhiệm nhập thể dạy chúng ta, muốn nên thánh, trước hết phải là con người theo đúng nghĩa, tức là con người với đầy đủ những đức tính nhân bản.  Có những người chưa làm người đã đòi làm thánh, vì vậy họ sống trong ảo tưởng, lang thang vô định mà chẳng thấy bình an.  Noi gương Đức Giêsu, chúng ta sống khiêm nhường trước mặt Chúa và đối với anh chị em mình, vì “ai hạ mình xuống sẽ được Chúa nâng lên.”

Ngôi Lời đã làm người”, và hôm nay Người đang ở giữa chúng ta.  Hang đá máng cỏ chỉ là phác họa sự kiện lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm.  Khi mừng lễ Giáng sinh, mỗi tín hữu hãy nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương ấy.  Và, cũng như Gioan Tiền hô, mỗi chúng ta cũng hãy trở nên nhân chứng của Ánh Sáng ngàn đời, đem Chúa đến với anh chị em chúng ta, những người đang khát khao Chân lý và đang tìm ý nghĩa cuộc đời.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …