Home / Chia Sẻ / Nghĩ về “Ơn Gọi Chung” Nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi  

Nghĩ về “Ơn Gọi Chung” Nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi  

ongoiHàng năm vào Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội cử hành Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi.

Trong Sứ điệp nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn thiên triệu lần thứ 59 năm nay 2022 với chủ đề : “Được kêu gọi xây dựng gia đình nhân loại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “ơn gọi chung” trong lòng Giáo Hội hiệp hành. Ngài mời gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa rộng lớn hơn của “ơn gọi” trong bối cảnh của một Giáo hội hiệp hành, một Giáo hội lắng nghe Thiên Chúa và thế giới. Đức Thánh Cha xem “ơn gọi” theo nghĩa rộng chính là tiếng gọi của Chúa dành cho tất cả mọi người chúng ta. Đức Thánh Cha viết : “Mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa”. Thật vậy, “nhờ Bí tích Rửa tội đã lãnh nhận, mọi thành phần Dân Chúa đã trở thành môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19).

Theo Đức Thánh Cha : “Từ ngữ “ơn gọi” không nên hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ dùng để chỉ những ai theo Chúa trên con đường dâng hiến cụ thể. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô là quy tụ nhân loại đã phân tán và hoà giải nhân loại với Thiên Chúa”. Vì thế, dù bất cứ bậc sống nào chúng ta cũng đều được mời gọi sống “ơn gọi căn bản là: mỗi người trong chúng ta là một thụ tạo được Thiên Chúa mong muốn và yêu thương; mỗi người chúng ta đều có một vị trí riêng và đặc biệt trong ý muốn của Thiên Chúa”. Vì thế, trước khi nghĩ đến bất kỳ ơn gọi đặc thù nào, mỗi người hãy sống trọn vẹn ơn gọi căn bản ấy của mỗi Kitô Hữu trước. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha viết : “Chúng ta phải đề phòng tâm lý tách biệt giữa linh mục và giáo dân, coi linh mục là nhân vật chính và giáo dân là người thi hành…. Toàn thể Giáo hội là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng… Trong bối cảnh những luồng gió giá lạnh của chiến tranh và áp đặt, chúng ta thường chứng kiến những hiện tượng người ta chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta đã khởi sự tiến trình đồng nghị: chúng ta cảm thấy cùng tiến bước với nhau, xây dựng những chiều kích lắng nghe và chia sẻ. Cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, chúng ta muốn góp phần xây dựng gia đình nhân loại, chữa lành những vết thương và hướng Giáo hội về một tương lai tốt đẹp hơn” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ơn Gọi 2022).

Trong ơn gọi chung này : “Thiên Chúa đặt một lời kêu gọi cụ thể cho mỗi người chúng ta. Người chạm đến cuộc sống của chúng ta bằng tình yêu của Người và hướng nó đến mục đích tối hậu, đến sự viên mãn vượt trên cả ngưỡng cửa của cái chết. Đó là cách Thiên Chúa đã muốn và đang nhìn cuộc sống của chúng ta.” Chính vì thế, tất cả chúng ta đều được mời gọi hướng đến mục đích cao nhất là để Thiên Chúa chạm vào chúng ta.

Michelangelo Buonarroti được cho là đã khẳng định rằng: “Mỗi khối đá đều có một bức tượng bên trong và nhiệm vụ của nhà điêu khắc là phải khám phá ra bức tượng đó”. Nếu đây có thể là cái nhìn của người nghệ sĩ, thì Thiên Chúa còn nhìn chúng ta hơn biết dường nào: nơi cô gái làng Nadarét, Người đã nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa; nơi ngư phủ Simon, con ông Giôna, Người đã thấy Phêrô, tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Người; nơi người thu thuế Lêvi, Người nhận ra vị tông đồ và thánh sử Matthêu; nơi Saulô, một người bắt bớ khắc nghiệt các Kitô hữu, Người đã thấy Phaolô, tông đồ của dân ngoại. Ánh mắt yêu thương của Người luôn hướng nhìn chúng ta, chạm vào chúng ta, giải thoát chúng ta và biến đổi chúng ta, khiến chúng ta trở thành những con người mới. Đây là động lực của mọi ơn gọi: chúng ta gặp được cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022).

Công đồng Vatican II đã khẳng định : “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành, chứ không chỉ qua con đường tu trì” (x. LG 11, 42). Đức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng mọi tín hữu đều được Chúa kêu gọi đặt chương trình cho mỗi người chúng ta : “Ơn gọi đã được sinh ra theo cách này, nhờ nghệ thuật của Nhà điêu khắc là Thiên Chúa, với “bàn tay” của mình, Người làm cho chúng ta ra khỏi chính mình để trở nên kiệt tác mà chúng ta được kêu gọi trở thành” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022).

Chúa có một tư tưởng duy nhất và đặc biệt cho mỗi người. Mỗi người có một tia lửa của Chúa ở trong tâm hồn và chúng ta được kêu gọi phát triển tia lửa ấy, góp phần làm tăng trưởng một nhân loại được linh hoạt nhờ tình thương đối với nhau và đón nhận nhau. Theo một câu tục ngữ của Viễn Đông, “người khôn nhìn quả trứng có thể thấy chim ưng; nhìn vào hạt giống họ thấy một cây lớn; nhìn tội nhân họ thấy một vị thánh ”. Đó là cách Chúa nhìn chúng ta: trong mỗi chúng ta, Ngài thấy một tiềm năng nào đó, đôi khi chính chúng ta không hề hay biết” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022).

Về những ơn gọi khác nhau, Đức Thánh cha viết : “Cuộc sống chúng ta thay đổi khi chúng ta đón nhận cái nhìn của Chúa. Tất cả trở thành một cuộc đối thoại ơn gọi giữa chúng ta với Chúa, và cả giữa chúng ta với nhau và với những người khácKhi chúng ta nói về “ơn gọi”, thì đó không chỉ là việc lựa chọn hình thức sống này hay hình thức sống kia, cống hiến cuộc đời mình cho một sứ vụ nào đó hoặc được lôi cuốn bởi đặc sủng của một dòng tu, phong trào hay cộng đoàn giáo hội. Đó còn là việc biến giấc mơ của Thiên Chúa thành hiện thực” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022).

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên mỗi người chúng con và đặt định ý Chúa nơi mỗi chúng con, này chúng con đây, xin Chúa thực hiện chương trình của Chúa trong cuộc đời chúng con.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …