Tin Mừng theo Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đề cập “Cây Nho Thật” là chính Ngài, và Ngài cho biết: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15:2). Đặc biệt hơn, chính Ngài đã minh định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Chúng ta là những cành nho, chắc chắn không thể tách khỏi Cây-Nho-Giêsu. Đó là tình hiệp nhất, là tính duy nhất của Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập. Nhưng trong thực tế đã có hai cuộc ly giáo lớn.
- Ngày 16-7-1054, Giáo Hội Tây phương và Giáo Hội Đông phương ra vạ tuyệt thông lẫn nhau, chia thành Công giáo và Chính Thống giáo.
- Ngày 31-10-1517, Martin Luther (linh mục Dòng Augustinô, người Đức, giáo sư phân khoa thần học) khởi xướng phong trào cải cách, Luther đưa ra một luận văn với 95 điều chống lại Công giáo, rồi ly khai. Từ đó đã phát sinh hàng ngàn giáo phái khác như chúng ta thấy ngày nay. Có lẽ ít người biết dạng này: Những người theo Tin Lành Lutheran cũng có tên thánh như người Công giáo, mục sư cũng sử dụng chén lễ và bánh như Công giáo, lễ phục cũng khá giống, nếu không tinh ý thì rất dễ lầm tưởng là Công giáo. Hãy cẩn trọng!
Ngoài ra, có một cuộc ly khai khác cũng không thể không quan tâm. Đó là vụ 30 năm trước, ngày 30-6-1988, TGM Marcel François Marie Joseph Lefèbre (1905-1991) đã thành lập SSPX (Society of St Pius X – Huynh Đoàn Piô X). Chân Phước GH Phaolô VI đã gọi Lefèbre là “antipope” (người chống giáo hoàng) và từ chối các yêu cầu của ông về cái gọi là Operation Survival (tạm dịch: sự khôn sống mống chết về hoạt động). Sau đó, Thánh GH Gioan Phaolô II đã nói rằng TGM Lefèbre là ông già ngạo mạn, và gọi Operation Survival là Operation Suicide (tạm dịch: sự tự tử về hoạt động).
Và rồi các nhóm ly khai với Công giáo cũng như những mảnh vụn, phân tán thành nhiều bè phái khác, không còn đặc tính Duy Nhất và Tông Truyền, thế nên cũng khó mà duy trì được đặc tính Thánh Thiện.
Trước khi TGM Lefèbre qua đời vào năm 1991, những người đồng hội đồng thuyền với ông vẫn không công nhận Gioan Phaolô II là giáo hoàng. Người ta gọi tình trạng đó là “động lực của chủ nghĩa bè phái” (dynamics of sectarianism).
Đó là nỗi đau của Nhiệm Thể Đức Kitô. Vì thế, rất cần phải tiếp lời cầu nguyện của Thầy Giêsu chí thánh: “Lạy Cha, xin hiệp nhất chúng con nên MỘT” (Ga 17:20-23).
TRẦM THIÊN THU
Sáng 22-6-2018