Home / Chia Sẻ / NGHỀ NGHIỆP

NGHỀ NGHIỆP

NGHỀ NGHIỆPNghề là cái mình muốn, Nghiệp là cái mình không muốn. Nhưng người ta thường dùng danh từ kép “nghề nghiệp” để nói về công việc của một người. Cái “nghề” và cái “nghiệp” có liên quan với nhau. Có khi người ta chọn được cái nghề mà mình yêu thích, nhưng có khi người ta không muốn chọn nghề đó mà vẫn phải làm nghề đó – người ta gọi đó là “nghiệp.” Cái “nghiệp” đó là cái “chướng” – thường gọi là “nghiệp chướng.” Dù đó là cái “nghề,” cái “nghiệp” hay cái “chướng,” người ta vẫn phải có niềm đam mê, nhờ đó mà khả dĩ thành công, nói đơn giản là lòng yêu nghề.

Cuộc sống luôn là ẩn số, không ai biết. Trải qua những gì đã xảy ra, người ta cho rằng “nghề nào thì nghiệp nấy” – dù làm việc bằng chân tay hoặc trí óc. Nghề gì cũng có dụng cụ đặc trưng để làm việc. Nghề mộc liên quan gỗ, ngày xưa thường là sản xuất thủ công. Ngày nay có máy móc hỗ trợ. Thợ mộc có các dụng cụ như bào, cưa, đục, thước thợ, búa, kìm, đinh, cưa tay, cưa dây, cưa đĩa, cưa vòng, đồ tách gỗ, phay bảng, thanh nẹp,… Nhiều dụng cụ lắm. Tâm linh cũng có các dụng cụ đặc trưng.

Đức Thánh Giuse là “bác thợ mộc” chính hiệu. Nghề mộc bình thường nhưng không tầm thường, thậm chí là cao quý. Chắc chắn không ai lại không sử dụng các sản phẩm của thợ mộc. Các thợ mộc cũng hãnh diện vì làm nghề mà chính Dưỡng Phụ Giuse và Chúa Giêsu đã làm.

Cái “nghề” là cái “nghiệp,” thường gọi là nghề nghiệp. Có khi người ta chọn được cái nghề mà mình yêu thích, nhưng có khi người ta không chọn nghề nhưng vẫn làm nghề đó, người ta gọi là “nghiệp.” Cái “nghiệp” đó là cái “chướng,” quan niệm Phật giáo gọi là “nghiệp chướng.” Dù là cái “nghề,” cái “nghiệp” hay cái “chướng,” người ta vẫn phải có niềm đam mê, nhờ đó mà khả dĩ thành công. Theo quan niệm Công giáo, đam mê đó là đức ái – một trong ba nhân đức đối thần, và là nhân đức cao quý nhất, tồn tại cả đời này và đời sau.

Theo sách truyện Đức Mẹ dạy Chân Phước Agreda, Thiên Chúa ban cho Đức Thánh Giuse nhiều đặc ân để cứu trợ những ai đến cầu xin ngài, đặc biệt là 7 ơn này:

  1. Lướt thắng các chước cám dỗ trái nghịch đức khiết tịnh;
  2. Được sám hối, từ bỏ đường tội lỗi;
  3. Tôn sùng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria;
  4. Được khỏe mạnh phần xác;
  5. Được an ủi nâng đỡ lúc sầu khổ;
  6. Được chết lành;
  7. Được có con nối dòng trong các gia đình Công giáo.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện lạ về một chiếc cầu thang tại Nguyện đường của một tu viện ở Loretto, người ta gọi đó là “Cầu Thang Thánh Giuse.” Thánh Têrêsa Avila nói: “Tôi xin gì với Thánh Giuse cũng được. Ai không tìn, hãy thử mà xem.” Thánh Têrêsa Avila cũng đã soạn bản “Kinh Cầu Thánh Giuse Bảo Trợ Những Vụ Khó Khăn” mà ngày nay được nhiều người sử dụng.

Người ta có câu: “Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ.” Thật vậy, làm việc là điều cần thiết, nhiều lợi ích cho chính mình, cho người khác, và khỏi “nhàn cư vi bất thiện.” Có ngụ ngôn “Con Châu Chấu và Con Kiến” kể rằng…

Trên cánh đồng nọ, vào một ngày mùa Hạ, có một con Châu Chấu đang nhảy nhót, miệng và ca hát cho thỏa lòng. Đi ngang qua là một con Kiến mệt nhọc kéo lê một mẩu bắp về tổ. Châu Chấu nói với Kiến: “Lại đây nói chuyện với tớ cho vui. Sao mà cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy?” Kiến trả lời: “Tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực cho mùa Đông sắp đến. Tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy.” Châu Chấu cười khẩy: “Sao lại phải bận tâm đến mùa Đông làm gì? Bây giờ chúng ta đang có thừa mứa thức ăn kia mà!” Nghe Châu Chấu nói vậy nhưng Kiến vẫn đi và tiếp tục làm việc.

Rồi mùa Đông đến, Châu Chấu chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói. Nó nhìn thấy Kiến đang đứng bán bắp và ngũ cốc mà Kiến vẫn thu nhặt được trong những ngày mùa Hạ. Bấy giờ Châu Chấu mới biết điều cần thiết: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày mình sẽ cần sử dụng. Nước đến chân mới nhảy thì đã muộn!

Có thể ví công việc giống như chiếc cái xe cút kít, chẳng có gì xảy ra nếu chúng ta không bắt đầu đẩy nó đi. Cái “nghề” là việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống; cái “nghiệp” là sự cống hiến hết mình cho nghề. Nghề nào cũng cần có chuyên môn để có thể sinh lợi ích hiệu quả và có giá trị thực sự.

Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Đó là Ngài muốn đề cao sự lao động của con người, đồng thời cũng xác nhận giá trị của công việc, của sức lao động. Không hề úp mở, Thánh Phaolô nói thẳng: “Ai không chịu làm việc thì cũng đừng có ăn.” (2 Tx 3:10) Thật chí lý!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN