Những dấu hiệu để nhận ra người thân quen là gương mặt và giọng nói.
Tuy cách nhau, nhưng nhớ đến ai, ta vẫn hình dung ra được gương mặt người ấy; nghe giọng nói qua điện thoại, ta nhận ra ngay người thân quen của ta là ai.
Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Các chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga. 10,27), hay “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga. 10,14).
Động từ “biết” trong Kinh Thánh có một ý nghĩa đặc thù diễn tả tình yêu thương kết hợp nơi thân xác của vợ chồng để cả hai trở nên một như Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha. Khi nghe Thiên Thần báo tin: “Này Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu…”, Trinh nữ Maria đã trả lời: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Như thế “biết” là không chỉ có ý nghĩa thuần túy thuộc phạm trù nhận thức mà còn bao gồm cả về phương diện tình cảm. Biết là thân thương, trìu mến, gắn bó, kết hợp.
Ta biết các chiên Ta
Chúa Giêsu đã tự xác nhận mình là Mục Tử. Ngài là chủ đàn chiên chứ không phải người chăn thuê và là một Mục Tử Nhân Lành. Khác với chủ chăn đích thực, người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về anh ta, anh ta không thiết gì đến đàn chiên, nên khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy, mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chúng chạy tán loạn.
Người Chăn Chiên Nhân Lành ấy biết đàn chiên của mình là con cái cùng một Cha, cùng chung một mái nhà, là anh em, là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ…, biết từng con chiên một, biết đàn chiên yếu đuối hay sa ngã, biết chúng đang phải sống một kiếp sống hủy diệt vì tội lỗi, biết chiên đang khát vọng tìm một đồng cỏ xanh tươi, một dòng suối mát cho cuộc sống để nghỉ ngơi…
Vì yêu thương đàn chiên, muốn giải cứu chúng khỏi kiếp sống diệt vong ấy để được sống hạnh phúc viên mãn nơi Nhà Cha trên trời, người Mục Tử Nhân Lành đã xuống thế mang thân phận thấp hèn của con chiên, đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên để từ sự phục sinh của người Mục tử Nhân Lành, đàn chiên được sống trong an bình và hy vọng.
Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, Mục Tử Nhân Lành đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, cho từng con người. Ngài muốn chăn dắt, gìn giữ, nuôi sống từng con chiên một trong đàn chiên. Mục Tử Nhân lành biết các chiên của mình là như thế đó! Và dung mạo của Chủ Chăn ấy là nhân lành, yêu thương, biết các chiên, hy sinh mạng sống vì đàn chiên và bảo vệ đàn chiên là như thế đó!”
Là con chiên thuộc đàn chiên của Mục Tử Nhân Lành, ta đã biết chủ chăn, nghe tiếng Đấng ấy như thế nào? Đã cảm nhận được sự hy sinh, bảo vệ, chăm sóc qua cái “ biết” của Mục Tử ấy chưa?
và các chiên Ta biết Ta, chúng nghe tiếng Ta
Nhờ dấu hiệu nào giúp chúng ta “ biết” Chủ Chăn?
Qua Kinh Thánh và nhất là qua Tin Mừng và phép Thánh Thể, ta biết Ngài, nghe tiếng Ngài kêu gọi. Ngài là Đấng Phục Sinh, nghĩa là Đấng Hằng Sống. Ta sẽ biết rõ Ngài hơn, nhiều hơn, thân mật hơn, nếu ta sống và đi vào cuộc sống với, sống cùng các chiên khác.
Chúng ta đọc Kinh Thánh để nhận biết Người Chăn Chiên, để nghe tiếng Đấng ấy kêu gọi, nhưng ta nhận biết và nghe được tiếng gọi ấy bằng cách nào? Bằng phân tích, lý luận hay bằng tình cảm tin yêu?
Ba người ngồi trao đổi với nhau về bản dịch Kinh Thánh.
Ông thứ nhất nói:
– Tôi thích bản dịch A. Nó sáng sủa hơn những bản dịch trước. Bản dịch này đọc dễ hiểu hơn.
Ông thứ hai nhận định:
– Tôi thì thích bản dịch B hơn. Bản dịch vừa rõ ràng lại vừa văn chương, rất thích hợp cho chúng ta cầu nguyện.
Ông cuối cùng nhỏ nhẹ nói:
– Phần tôi, tôi thích bản dịch của mẹ tôi nhất. Mẹ tôi dịch Thánh Kinh ra thực thế, làm cho Thánh Kinh dễ dàng áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Mỗi ngày, có thể ta sẽ viết thêm một trang mới vào cuốn sách Tin Mừng sống của thời đại bằng chính những việc ta làm, bằng những lời ta nói.Nếu những lời nói và hành động của ta không phản ảnh được những giá trị của Tin Mừng, thì những lời nói và hành động ấy cũng chẳng nói lên được gì cả.
Sống và thực hành lời Chủ Chăn kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, nhiệt thành tham dự Thánh Lễ để từ đó sống kết hợp với Ngài là ta biết và nghe tiếng Mục Tử Nhân Lành kêu gọi.Bổn phận của con chiên là biết nghe tiếng của chủ chăn. Chỉ có một tiếng thôi, không có tiếng nào khác để chiên nghe theo mà được yên ổn, an vui, sống hạnh phúc ngoài tiếng Giêsu.Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ, chưa trọn vẹn bổn phận mà còn phảibước theo sự dìu dắt của Mục Tử nhân lành.
và chúng theo Ta”(Ga. 10, 27)
Đã biết Chủ Chăn, và đã phân biệt được tiếng gọi của Ngài với tiếng gọi của người chăn chiên thuê, ta phải mau mắn, tin tưởng đi theo. Đi theo để được chăm sóc, được bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Không như người chăn thuê, khi thấy sói rừng đến thì bỏ mặc đàn chiên mà chạy thoát thân; trái lại, Mục Tử Nhân Lành của ta sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên. Đi theo và tin tưởng phó thác vào sự bao bọc chở che của Chủ Chăn đã lấy mạng sống Ngài để bảo vệ, cứu thoát ta khỏi tội lỗi và cái chết hủy diệt, để đưa ta vào sự sống Phục sinh vĩnh cửu như tác giả Thánh vịnh 22 đã cảm nghiệm:
Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ.
Ngài đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Ngài dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Ngài.
Lạy Chúa, dầu qua thung lũng tối tăm,
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm…
Thế nhưng, ta có sẵn sàng chịu nghe tiếng của Chủ Chăn để tìm về với Ngài mỗi khi đi lạc đường, có sẵn sàng đi theo Ngài để cho Ngài bảo vệ, chăm sóc hay lại tìm cách tách rời đàn chiên để đi tìm những bãi cỏ tiền tài, danh vọng, bãi cỏ ý riêng…thay vì gặm cỏ xanh tươi, uống nước dòng suối mát nơi đồng cỏ Tin Mừng và Thánh Thể!
Phải coi chừng chủ chăn giả hay người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về ngưới ấy, nên họ thiếu trách nhiệm với đàn chiên, ích kỷ sợ nguy hại đến bản thân mình hơn đến số phận của đàn chiên. Ngược lại, Mục Tử nhân lành là người yêu thương, bảo vệ, chăm sóc đàn chiên, biết từng con chiên một.
Tiêu chuẩn cuối cùng để phân biệt chủ chăn đích thực và người chăn chiên thuê là thí mạng sống vì đàn chiên. Chỉ có Mục Tử Nhân Lành Giêsu là Đấng đã làm như thế cho đàn chiên của mình.
Là chiên trong đàn chiên của Chúa, có ba điều ta cần phải suy xét và thực hành trong cuộc sống của mình là:
Chiên Ta nghe tiếng Ta, chúng biết Ta và chúng theo Ta. Sống và thực hành ba điều đó không phải chỉ để mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình mà còn phải cùng Mục Tử nhân Lành thực hiện một sứ vụ khác, một nỗi trăn trở khác là:“Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên đó ta cũng phải mang về đàn, chúng sẽ nghe tiếng ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.”
Khi gặm cỏ, gặp những chiên khác chưa thuộc đàn chiên của Chủ Chăn Giêsu, chúng ta có thái độ nào? Đố kỵ hay thân thiện, nhường nhịn chia sẻ hay ganh ghét tranh phần, yêu thương hay thù hận, tiếp đón giúp đỡ hay làm ngơ bỏ mặc, cộng tác hay dửng dưng, đối thoại hay khép kín?
Ghen ghét, đố kỵ, phân cách, tự mãn, tự kiêu, ích kỷ… có giúp gì được cho mong ước quy tụ những chiên khác chưa thuộc về đàn chiên của Mục Tử Giêsu thành một đàn chiên duy nhất và chỉ một chủ chiên mà thôi không?
Lm Trịnh Ngọc Danh