Home / Chia Sẻ / NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH CỦA RIÊNG CHÚNG TA

NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH CỦA RIÊNG CHÚNG TA

 

 

14 - Jesus on the Cross 28Khi người Rôma thiết lập đóng đinh thập giá là phương thức tử hình, họ không chỉ nghĩ đến việc giết một ai đó. Họ muốn đạt được một điều khác nữa, cụ thể là khiến cái chết này thật ghê gớm để làm nhụt chí người ta, khiến bất kỳ ai chứng kiến nó sẽ phải nghĩ lại về chuyện phạm cùng tội như tội của người đang bị đóng đinh đó.

 

Thế nên, đóng đinh thập giá được thiết kế để làm vài điều khác nữa, chứ không chỉ giết ai đó. Nó được thiết kế để gây ra đau đớn ghê gớm nhất mà thân thể con người có thể chịu nổi. Do đó, đôi khi họ cho người bị hành hình thuốc an thần, không phải để đỡ đau, mà để người đó tỉnh táo nhằm phải chịu nhiều đau đớn hơn nữa. Có lẽ điều tàn ác nhất, là đóng đinh thập giá được thiết kế để sỉ nhục tận cùng thân thể của người bị đóng đinh. Người đó bị lột trần, những phần phải giấu kín giờ phơi ra hết, và khi cơ thể co thắt chắc chắn bộ ruột của người đó sẽ phơi rõ toàn bộ. Còn sự sỉ nhục nào tệ hơn thế?

 

Tôi tin là có những đau khổ của con người gần hoặc tương đương như thế, và đáng buồn là những thứ này ngày càng phổ biến. Những trường hợp bạo lực xảy ra hằng ngày trong thế giới chúng ta (bạo hành gia đình, bạo lực tình dục, tra tấn, bắt nạt nhẫn tâm, và tương tự thế) đang bắt chước sự sỉ nhục của thập giá. Và đôi khi, chúng ta thấy dạng sỉ nhục thân thể này nơi những người chết vì ung thư, và những chứng bệnh gây suy kiệt khác. Người đó không chỉ chết, mà còn chết trong đau đớn, thân thể bị sỉ nhục, phẩm giá bị xói mòn, những gì phải giấu kín giờ bị phơi bày, hệt như Chúa Giêsu khi chết trên thập giá.

 

Tôi ngờ rằng đây là lý do Thiên Chúa để cho (dù không dự tính) Chúa Giêsu chịu đựng đau khổ và sỉ nhục như thế trong giờ chết. Nhìn cách Chúa Giêsu chết, thật khó để ai đó nói: “Quá dễ cho Ngài, Ngài đâu có chịu đau khổ như tôi!” Sự sỉ nhục của thập giá khiến Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với tất cả những ai từng biết đến đau khổ và nỗi hổ thẹn khi bị sỉ nhục.

 

Nhưng hoa trái của việc Chúa Giêsu đồng cảnh ngộ với chúng ta không chỉ là sự an ủi khi biết rằng chính Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trước, nhưng nó còn cho chúng ta chia sẻ những gì diễn ra sau khi đóng đinh thập giá, cụ thể là theo lời Thánh kinh, chia sẻ sự an ủi với Ngài. Những lời thật không dễ nghe. Có sự an ủi khi bị sỉ nhục chứ? Được gì khi phải chịu đau đớn tủi hổ như thế? Nói đơn giản, điều ta đạt được là sự sâu sắc của linh hồn.

 

Không gì, tuyệt đối không điều gì, thúc đẩy chúng ta đi vào chiều sâu của tâm hồn và linh hồn cho bằng sự sỉ nhục. Cứ hỏi mình câu này đi: Điều gì cho tôi chiều sâu cá tính? Điều gì cho tôi chiều sâu tâm hồn con người? Điều gì cho tôi nhận thức sâu sắc hơn? Tôi ngờ rằng, câu trả lời trong mọi trường hợp là một điều gì đó mà bạn hổ thẹn không dám nhắc đến, một sự sỉ nhục nhức nhối với nỗi đau và nỗi xấu hổ của nó đẩy bạn vào chốn thâm sâu hơn trong lòng.

 

Tôi tin rằng, các Tin mừng dạy chúng ta điều đó. Ví dụ như, khi hai tông đồ Giacôbê và Gioan đến với Chúa Giêsu và hỏi xem liệu khi đến ngày vinh quang họ có thể được ngồi bên tả và bên hữu Ngài hay không, Chúa Giêsu đã không nhân cơ hội đó mà dạy họ về sự khiêm nhượng. Thay vào đó, Ngài dạy họ rằng họ thiếu hiểu biết về ý nghĩa của vinh quang và con đường dẫn đến vinh quang. Dĩ nhiên, họ đã nhầm lẫn khái niệm về vinh quang là mọi thứ đối ngược với sự sỉ nhục,yếu đuối và đồng cảnh ngộ. Với họ, và tôi cho rằng với tất cả chúng ta nữa, vinh quang được xem là tách biệt với quần chúng, vượt trên quần chúng, được là cầu thủ xuất sắc nhất, là giành giải Nobel, là ngôi sao điện ảnh mà ai cũng ghen tị, là người hấp dẫn không dễ gì bị sỉ nhục, là người vượt trên muôn người. Và Chúa Giêsu hỏi Giacôbê và Gioan xem họ có thể “uống chén đắng”, và chén đó như chúng ta đã thấy nơi cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu trong Vườn Giếtsêmani, chính là chén sỉ nhục.

 

Theo Chúa Giêsu và theo những gì chân thật nhất trong cảm nghiệm của chính chúng ta, uống chén sỉ nhục, chấp nhận thập giá, chính là những gì cho chúng ta vinh quang, cụ thể là, chiều sâu tâm hồn, chiều sâu linh hồn và chiều sâu nhận thức và cảm thông. Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã cảnh báo, uống chén sỉ nhục này, dù nó tự động cho chúng ta chiều sâu, nhưng không tự động bảo đảm cho chúng ta vinh quang (như Chúa Giêsu đã nói, “vinh quang đó ta không ban cho được”).  Sự sỉ nhục cho chúng ta chiều sâu, nhưng nó không cho chúng ta chiều sâu theo cách đúng đắn. Nó cũng có thể cho chúng ta tác động ngược lại.

 

Đây chính là phép tính cho chúng ta: Như Chúa Giêsu, chúng ta đều sẽ chịu sỉ nhục trong đời, chúng ta đều sẽ uống chén đắng, và nó sẽ cho chúng ta chiều sâu, nhưng rồi chúng ta phải có một lựa chọn: Sự sỉ nhục này sẽ cho chúng ta sâu sắc trong sự cảm thương và thông hiểu, hay nó sẽ khiến chúng ta sâu sắc trong giận dữ và cay đắng. Đây quả thật là lựa chọn luân lý cao nhất mà ta đối diện trong đời, không phải chỉ là trong giờ chết mà là vô số lần trong đời. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, và những gì nó đòi buộc nơi chúng ta, là điều mà chúng ta phải đương đầu hằng ngày.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN