Home / Chia Sẻ / NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN

NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN

(11-2-2018) NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂNTừ năm 1992, lễ Đức Mẹ Lộ Đức đã trở thành ngày thế giới cầu cho các bệnh nhân. Biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức đã khơi dậy lòng nhiệt thành cầu nguyện và sống bác ái, nhất là việc phục vụ bệnh nhân và chăm sóc người nghèo của Đức Kitô như lời Mẹ nhắn nhủ: “Hãy cầu nguyện, hãy ăn năn sám hối, hãy hãm mình đền tội, hãy cải thiện chính mình”, để luôn biết mình và tuân phục Ý Chúa trong sự khiêm nhường.

Thông phần đau khổ với Đức Kitô qua việc chia sẻ, chăm sóc và an ủi các bệnh nhân, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa đích thực của việc tông đồ đầy tính nhân bản và bác ái Kitô giáo nhân dịp Ngày Thế giới Bệnh nhân năm nay – 2018. Thánh GH Gioan Phaolô đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức làm Ngày Thế Giới Bệnh nhân. Đức Mẹ đã và đang chữa lành nhiều người bị bệnh – cả tâm bệnh và thể bệnh.

  1. Ý NGHĨA CỦA NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN

Ngày này đối với các bệnh nhân, các nhân viên y tế, các Kitô hữu và mọi người thiện chí là “thời điểm ưu tiên để cầu nguyện, chia sẻ, dâng các hy sinh đau khổ để mưu ích cho Giáo Hội, đồng thời nhắc nhở tất cả mọi người cần nhận ra Thánh Nhan Đức Kitô nơi khuôn mặt của bệnh nhân, để nhận ra Đấng cứu độ nhân loại qua cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại” (Gioan Phaolô II, thư thành lập Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, 13-5-1992, số 3).

  1. HIỆN THÂN ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH

Ngài là những người đang sống trong thử thách gian nan vì bệnh bật và đau khổ tại các bệnh viện, nhà từ thiện, dưỡng đường hoặc tư gia. Những con người đau khổ đó chính là hiện thân của Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh. Các Nghị Phụ Công đồng Vatican II đã động viên các bệnh nhân: “Anh chị em không bị bỏ rơi, cũng chẳng phải là vô dụng, anh chị em được Chúa Kitô kêu gọi, và là hình ảnh trong sáng của Chúa” (Sứ điệp gửi người nghèo, các bệnh nhân và người đau khổ).

  1. THIÊN CHÚA HÀNH ĐỘNG

Nhiều Giáo Phụ đã nhìn thấy chính Chúa Giêsu nơi hình ảnh người Samaritano Nhân Lành, và các vị nhìn thấy nơi người bị cướp đả thương, Adam, nhân loại bị hư mất và bị thương vì tội lỗi của mình (x. Origne, Bài giảng về Tin Mừng Luca XXXIV, 1-9; Ambrogio, Chú giải Tin Mừng Thánh Luca, 71-84; Augustino, Bài giảng 171). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng làm cho tình thương của Chúa Cha hiện diện, tình thương trung tín và vĩnh cửu, không có hàng rào chắn, cũng chẳng có biên độ. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Đấng “tự cởi bỏ chiếc áo thần linh của Ngài”, hạ mình xuống từ thân phận thần linh, để mặc lấy hình người (Pl 2:6-8), và đến gần đau khổ của con người, đến độ xuống ngục tổ tông, như chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính, và mang lại hy vọng và ánh sáng. Ngài không coi sự đồng hàng với Thiên Chúa, địa vị là Thiên Chúa của Ngài như một kho báu riêng (x. Pl 2,6), nhưng cúi mình xuống, đầy lòng từ bi, trên vực thẳm đau khổ của con người, để đổ dầu an ủi và rượu hy vọng.

  1. ĐỨC TIN và ĐỨC ÁI

Đức tin và đức ái liên quan lẫn nhau. Kinh Thánh cho biết: “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Ra-kháp, cô gái điếm cũng vậy: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao? Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:24-26). Thời gian chúng ta đang sống là cơ hội thuận tiện để tăng cường việc phục vụ bác ái trong các cộng đoàn Giáo Hội của chúng ta, để mỗi người trở thành người Samari Nhân Lành đối với tha nhân, trở thành người như Tông đồ Gioan đón Đức Mẹ về nhà mình, thể hiện lòng thương xót với những người đang ở xung quanh chúng ta.

  1. CHỨNG CỚ CỤ THỂ

Một trong các nhân chứng là Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị thánh đã biết sống kết hiệp sâu xa với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, và căn bệnh đã đưa thánh nữ đến cái chết qua đau khổ lớn lao.

aCòn nữa, Đấng Đáng Kính Lm Luigi Novarese được nhiều người còn giữ các kỷ niệm sống động. Khi thi hành sứ vụ, ngài đặc biệt cảm thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho và với các bệnh nhân và những người đau khổ, ngài thường tháp tùng đến các trung tâm Thánh Mẫu, nhất là tới Hang Đá Lộ Đức. Hoặc như ông Raoul Follereau, được đức bác ái thúc đẩy, đã dâng hiến trọn cuộc đời để săn sóc những người bị bệnh phong cùi nơi vùng xa xăm hẻo lánh nhất trên trái đất. Ông đã cổ võ Ngày Thế Giới Chống Bệnh Phong Cùi. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta luôn bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, luôn ra đường với xâu chuỗi Mân Côi trong tay, để gặp gỡ và phụng sự Chúa nơi những người đau khổ, nhất là nơi những người “không được yêu thương, không được chăm sóc”.

Thánh nữ Anna Schaeffer ở làng Mindelstetten (Đức) cũng biết kết hiệp những đau khổ của chị với khổ đau của Chúa Kitô: “Chiếc giường đau khổ trở thành căn phòng tu viện, và đau khổ trở thành công tác phục vụ truyền giáo. Được củng cố nhờ Rước lễ hằng ngày, Chị trở thành dụng cụ chuyển cầu không biết mệt mỏi trong kinh nguyện và phản ánh tình thương của Thiên Chúa đối với nhiều người đến tìm lời khuyên của Chị” (Bài giảng lễ phong thánh, 21-10-2012).

Hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria nổi bật trong Phúc Âm, Mẹ đã theo Con chịu đau khổ đến tột cùng là hy tế trên đồi Golgotha. Mẹ không bao giờ mất niềm hy vọng nơi chiến thắng của Thiên Chúa trên sự ác, đau khổ và sự chết; và Mẹ biết đón nhận với vòng tay tin yêu cả khi Con Thiên Chúa sinh ra trong khó nghèo nơi hang đá Belem và khi Con Chúa chết nhục nhã trên Thập Giá. Mẹ tín thác mạnh mẽ nơi quyền năng của Thiên Chúa được chiếu sáng nhờ sự sống lại của Đức Kitô, Đấng ban niềm hy vọng cho những ai sống trong đau khổ, và Mẹ canh tân niềm xác tín qua sự gần gũi và an ủi của Con Chúa.

  1. THAY ĐỔI Ý THỨC HỆ

Rất cần thay đổi ý thức hệ. Ước gì tất cả đều gia tăng ý thức rằng “khi quảng đại và yêu thương tiếp đón mỗi sự sống con người, nhất là những người yếu thế và bệnh tật, Giáo hội ngày nay đang sống một thời điểm căn bản trong sứ vụ của mình” (Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục “Người Tín Hữu Giáo Dân”, số 38).

  1. CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN NĂM 2018

ĐGH Phanxicô chọn chủ đề cho năm nay là: “Mẹ Giáo Hội: ‘Đây là con của Mẹ, đây là Mẹ của con’. Từ lúc ấy môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19:26-27).

Lời đó là nguồn gốc sứ mạng của Đức Mẹ – Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại, săn sóc nhân loại như người con và cũng là nguồn gốc ơn gọi làm mẹ của Giáo Hội đối với những người túng thiếu và các bệnh nhân. Ơn gọi đó được cụ thể hóa qua dòng lịch sử, qua nhiều sáng kiến giúp đỡ các bệnh nhân. Không thể quên lịch sử của sự tận tụy đó, lòng tận tụy còn được tiếp tục trên thế giới cho tới ngày nay. ĐGH Phanxicô cho biết: “Tại những nước có hệ thống y tế công cộng đủ, công việc của các dòng tu Công Giáo, các giáo phận và các nhà thương Công Giáo, không những cung cấp sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng, nhưng còn tìm cách đặt con người ở trung tâm tiến trình trị liệu và thi hành việc nghiên cứu khoa trọng trong niềm tôn trọng sự sống và cá giá trị luân lý Kitô”.

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, chúng con xin dâng các bệnh nhân đang từng giờ, từng phút phải chiến đấu với bệnh tật của mình, có những người mắc bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chạy chữa, họ đang đau khổ, chán nản, thất vọng, niềm tin có thể bị lung lay, có thể mất lòng tin cậy nơi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu đau khổ vì chúng con, xin thương chữa lành các bệnh nhân đang ngày đêm kêu cầu Ngài, xin thương ban nhiều tâm hồn quảng đại biết xả thân phục vụ những con người đau khổ. Lạy Đấng Cứu Độ, xin cho các bệnh nhân biết ngước nhìn Thánh Giá để được thêm sức mạnh vượt qua những đau đớn thể xác và tâm hồn được bình an.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã nhiều lần hiện ra tại Lộ Đức và các nơi khác, nhờ tình yêu và lời cầu nguyện của Mẹ, xin giúp chúng con được kết hiệp mật thiết với Con Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Mẹ của nguồn cậy trông, xin Mẹ nâng đỡ và chữa lành tất cả những ai chạy đến kêu xin Mẹ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN