Home / Chia Sẻ / Ngày Hòa Bình thế giới 2016 “Vượt thắng sự thờ ơ để có hòa bình”

Ngày Hòa Bình thế giới 2016 “Vượt thắng sự thờ ơ để có hòa bình”

 popedovesLTS: Ngày 1 tháng 1 hàng năm, nhân ngày lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, được Giáo hội Công Giáo chọn là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong bối cảnh một thế giới đang xảy ra biết bao cuộc chiến tranh, mà dai dẳng nhất hiện nay là cuộc chiến đang xảy ra tại Syria, Iraq, khiến các cường quốc trên thế giới phải lập ra một liên minh chống lại phiến quân hồi giáo IS, tổ chức đã gây ra nhiều tội ác cho nhân lọai. Mới đây, tổ chức này đã đánh bom tại Paris, thủ đô nước Pháp, làm hàng trăm người thương vong. Rồi cuộc chiến tranh tương tàn giữa các dân tộc và tôn giáo tại Châu Phi, khiến nhiều người phải bỏ quê hương đi tỵ nạn. Đức Giáo hòang đã đến ba nước thuộc Châu Phi để kêu gọi sự hòa giải, kêu gọi hòa bình. Ngài nói Chiến tranh thế giới thứ 3 dường như đang bắt đầu xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì thế, Ngài kêu gọi Kytô hữu và mọi người hãy cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Hiệp thông với Ngài, chúng ta cùng tìm hiểu về ngày Thế giới hòa bình mà Giáo hội cổ võ hàng năm và sứ điệp năm 2016 mà Đức Giáo Hoàng đã công bố.

  1. LỊCH SỬ NGÀY HÒA BÌNH THỀ GIỚI

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng đó là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm, theo thông lệ, vào ngày 01/01, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

  1. SỨ ÐIỆP NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI 2016

Trong thông cáo công bố hôm 11/8/2015, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã công bố chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế giới Năm 2016 là: “Vượt thắng sự thờ ơ để có hòa bình“

“Ðây là sứ điệp thứ 3 của Ðức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình thế giới. Sự dửng dưng lãnh đạm đối với những tai ương ngày nay là một trong những lý do chính làm cho thiếu hòa bình trên thế giới. Sự dửng dưng ngày nay thường gắn liền với nhiều hình thức cá nhân chủ nghĩa, tạo nên sự cô lập, u mê, ích kỷ, và do đó không dấn thân. Sự gia tăng thông tin tự nó không có nghĩa là gia tăng sự chú ý đối với các vấn đề, nếu không kèm theo một sự cởi mở của lương tâm con người theo chiều hướng liên đới; và với mục đích ấy, điều tối cần thiết là sự đóng góp của các giáo chức, các nhà đào tạo, các nhân viên văn hóa và truyền thông, các nhà trí thức và các nghệ sĩ, có thể dành cho các gia đình. Ta chỉ có thể khắc phục sự dửng dưng bằng cách cùng nhau đương đầu với thách đố này”.

“Hòa bình cần phải được chinh phục: đó không phải là một thiện ích người ta có thể đạt được mà không cần cố gắng, không cần hoán cải, không có tinh thần sáng tạo và trao đổi. Vấn đề ở đây là gây ý thức và huấn luyện về ý thức trách nhiệm đối với những vấn đề rất trầm trọng đang đè nặng trên gia đình nhân loại, như trào lưu cực đoan và các cuộc thảm sát do nó gây ra, những cuộc bách hại vì tín ngưỡng và chủng tộc, những vi phạm tự do và các quyền của các dân tộc, sự bóc lột và nô lệ hóa con người, nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức, chiến tranh và thảm trạng người tị nạn và cưỡng bách di dân. Ðồng thời công trình gây ý thức và huấn luyện như thế cũng liên quan tới những cơ hội và những dịp bài trừ các tai ương ấy: phát triển một nền văn hóa tôn trọng luật pháp và giáo dục về đối thoại và cộng tác là những hình thức cơ bản về phản ứng xây dựng trong bối cảnh này.

“Một lãnh vực trong đó hòa bình có thể được xây dựng ngày qua ngày bằng cách vượt thắng sự dửng dưng, đó là lãnh vực những hình thức nô lệ trên thế giới ngày nay, cũng là đề tài sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới 2015 “Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em”. Cần tiếp tục sự dấn thân này, với ý thức và gia tăng cộng tác.

“Hòa bình là điều có thể tại nơi nào quyền của mỗi người được nhìn nhận và tôn trọng, theo tự do và công lý…”

Sứ điệp năm 2016 muốn là một văn kiện từ đó khởi hành để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hóa và trong các phương tiện truyền thông, hành động – mỗi người theo khẳ năng và khát vọng tốt đẹp nhất của mình – cùng nhau kiến tạo một thế giới ý thức và từ bi hơn, và nhờ đó xây dựng một thế giới tự do và công chính hơn

  1. TẠI SAO ĐỨC THÁNH CHA ĐÃ CHỌN CHỦ ĐỀ NÀY?

 Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình nhận định: “Ngày nay, sự thờ ơ thường gắn với chủ nghĩa cá nhân vốn gây ra sự cô lập, thiếu nhận thức, ích kỷ, và vì thế khiến người ta từ chối dấn thân. Có nhiều thông tin hơn không có nghĩa là quan tâm đến các vấn đề nhiều hơn. Cần phải cởi mở lương tâm để liên đới với nhau”.

 Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sự thờ ơ của con người trước các vấn đề của thời đại chúng ta là một trong những mối đe dọa chính đối với hoà bình trên thế giới. Vì thế Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2016 là “Vượt thắng sự thờ ơ để có hoà bình”.

  Trong thông cáo giải thích lý do tại sao Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề này, Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình nhận định: “Ngày nay, sự thờ ơ thường gắn với chủ nghĩa cá nhân vốn gây ra sự cô lập, thiếu nhận thức, ích kỷ, và vì thế khiến người ta từ chối dấn thân. Có nhiều thông tin hơn không có nghĩa là quan tâm đến các vấn đề nhiều hơn. Cần phải cởi mở lương tâm để liên đới với nhau”. Vì thế lời kêu gọi này được gửi tới các gia đình, các nhà giáo dục, các người làm truyền thông, giới trí thức, nghệ sĩ, để thúc đẩy một chiến dịch nâng cao nhận thức và nhận trách nhiệm trước những thách đố nghiêm trọng có ảnh hưởng đến cả nhân loại”.

  1. CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?

Với mỗi người tín hữu, chúng ta vâng nghe lời giáo huấn của Giáo hội, Trong năm Thánh LÒNG THƯƠNG XÓT, mỗi người tín hữu tha thiết nài xin Thiên Chúa dủ lòng thương xót của Ngài ban ơn bình an cho thế giới như lời các Thiên Thần đã loan báo trong đêm Chúa Giáng trần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho lòai người Chúa thương“. Người Việt Nam chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương khi chiến tranh xảy ra trên quê hương mình. Chúng ta xin Chúa đón nhận lời nguyện cầu của mọi người trên thế giới. Xin cho các nhà lãnh đạo các dân tộc nghe tiếng Chúa mời gọi, biết nhận chân giá trị của Công Lý Hòa Bình Đức Kitô đã đến trần gian loan báo, hầu biết tương nhượng, kiềm chế để mọi dân tộc, mọi đất nước được sống trong nền hòa bình chân chính. Mỗi người tín hữu chúng ta biết hy sinh, hãm mình cầu nguyện liên lỉ để “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Cụ thể qua cách sống thân ái, bao dung trong cuộc sống, biết quan tâm giúp đỡ nhau, không thờ ơ, vô cảm với những đau khổ của đồng lọai. Từ đó tình yêu Đức Kitô sẽ lan tỏa. Thế giới sẽ có được hòa bình, do có ngày càng nhiều những con người thiện tâm vậy.

Fx Đỗ Công Minh

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN