Khi các Kitô hữu ở khắp mọi nơi nhớ lại cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm, rất dễ quên rằng Chúa Giêsu đã chết vào một ngày lịch sử đặc biệt.
Một số thần học gia tin rằng ngày Chúa Giêsu chịu chết vào ngày 3 tháng 4 năm 33. Điều này tương ứng với dữ liệu lịch sử rằng nguyệt thực xảy ra vào ngày đó. Trang web Star of Bethlehem (Ngôi Sao Belem) cho biết: “Chỉ có một lần nguyệt thực dịp Lễ Vượt Qua có thể thấy được từ Giêrusalem khi Philatô đương nhiệm. Nó xảy ra vào ngày 3 tháng 4 năm 33 sau Công Nguyên.”
Tuy nhiên, truyền thống Thời Trung Cổ lại kể một câu chuyện khác. Những người theo Kitô giáo từ xa xưa tin rằng Chúa Giêsu chịu chết vào ngày 25 tháng 3 và gán cho một số sự kiện quan trọng khác cho đến ngày đó.
Ngày 25 tháng 3 được cho là ngày Thiên Chúa tạo nên Ađam và Êva, và cũng là ngày họ phạm tội trong Vườn Địa Đàng. Ngày đó cũng được tính là ngày Luxiphe rơi từ Thiên Đàng xuống Hỏa Ngục, đồng thời là ngày dân Israel vượt qua Biển Đỏ để bắt đầu cuộc hành trình tới Miền Đất Hứa.
Không có gì ngạc nhiên khi truyền thống cho rằng đó cũng là ngày mà Ápraham dâng Isaác làm hy tế. Giáo Hội tiếp tục cử hành ngày 25 tháng 3 là ngày Tổng Thần Gabriel báo tin cho Đức Trinh Nữ Maria rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa.
Tại sao những người Kitô giáo lại tổ chức tất cả những sự kiện quan trọng này vào cùng một ngày?
Mặc dù rất khó có khả năng tất cả những sự kiện này xảy ra trong cùng một ngày, nhưng các Kitô hữu muốn nhấn mạnh mối liên hệ tâm linh sâu sắc giữa tất cả các sự kiện đó. Điều này có lẽ được Thánh Irênê thành Lyons tóm tắt: “Chính sự vâng phục của Đức Maria đã cởi nút thắt của sự bất tuân của Bà Êva. Vì điều đó mà Bà Êva đã bị kết tội bất tín, và cũng vì điều đó mà Trinh Nữ Maria đã được giải thoát nhờ đức tin.”
Rõ ràng cách Chúa Giêsu đến để tạo ra một thụ tạo mới và hủy bỏ sự bất tuân của Ađam và Êva bằng sự vâng phục hoàn toàn và kiên định của Đức Maria. Sự liên kết các sự kiện đó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến để đánh bại tội lỗi và sự chết, đồng thời mở cửa Thiên Đàng tới Miền Đất Hứa mới. Vào ngày này, Chúa Giêsu đã trở thành Chiên Con thật của Thiên Chúa, Đấng tự nguyện hiến thân trên thập giá. Đó là ngày Chúa Giêsu đến thế gian trong cung lòng Đức Mẹ, và là ngày Chúa Giêsu rời thế gian này trong cung lòng mồ mả.
Biểu tượng tâm linh của ngày này kết nối mọi sự trong lịch sử cứu độ, cho thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.
Ngày 25 tháng 3 có thể không phải là ngày lịch sử đóng đinh của bất kỳ sự kiện nào trong số những sự kiện này, nhưng mối liên quan giữa tất cả những sự kiện đó là có thật và sâu sắc đáng để chúng ta suy ngẫm.
Có một điều khác nữa là ngày 25 tháng 3 cũng là ngày lễ Thánh Dismas – ông tướng cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên đồi Canvê và được vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu ngay hôm xưa đó.
PHILIP KOSLOSKI
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)
Lễ Truyền Tin – 2023