Home / Tiêu Điểm / Ngày cuối cùng tại New York và sáng đầu tiên tại Philadelphia

Ngày cuối cùng tại New York và sáng đầu tiên tại Philadelphia

 

AP3093718_LancioGrandeTường thuật ngày cuối ĐTC viếng thăm New York và sáng ngày đầu tiên tại Philadelphia

Sáng thứ bẩy 26 tháng 9 ĐTC bắt đầu chặng thứ ba trong chuyến công du Hoa Kỳ đó là viếng thăm tổng giáo phận Phialadelphia và tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình lần thứ 8.

Sau đây xin kính mời quý vị cùng chúng tôi theo dõi các sinh hoạt cuối cùng của ĐTC tại New York và sáng thứ bẩy tại Philadelphia.

Tại New York sau khi phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lúc 11 giờ sáng thứ sáu 25 tháng 9 ĐTC đã đến thăm đài tưởng niệm Ground Zero, là nền cũ của Tháp Song Sinh, đã bị khủng bố, cháy và sập ngày 11 tháng 9 năm 2001. 

Sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 lúc 8 giờ 48 phút chiếc American Airline 11 đã đâm vào ngọn tháp phiá bắc. Rồi vào lúc 9 giờ 3 phút chiếc máy bay United Airline 175 đâm vào tháp phía nam. Vì sức nóng kinh khủng của xăng cháy, cấu trúc bằng thép của hai tháp sụp đổ làm cho vài dinh thự khác của Trung Tâm Thương Mại cũng bị sập theo, khiến cho 2.896 người bị thiệt mạng.  Đây là số nạn nhân bị thiệt mạng cao nhất trong lịch sử các tai họa chết người tại  Hoa Kỳ. Năm 2002 đã có cuộc thi tái thiết Tháp Song Sinh và kiến trúc sư Daniel Libensky đã thắng với dự án “Trung tâm thương mại mới”.

Công viên tưởng niệm rộng 33.000 mét vuông, gồm một đám rừng nhỏ có trồng 400 cây sồi trắng và hai thác nước nhân tạo lớn nhất Hoa Kỳ cung cấp nước cho hai hồ mỗi hồ rộng 4.000 mét vuông. Hai hồ này là dấu vết nền cũ của Tháp Song Sinh, có song chắn bằng đồng chung quanh, bên trên khắc tên của tất cả các nạn nhân của hai vụ khủng bố ngày 26 tháng 2 năm 1993, và vụ khủng bố Tháp Song Sinh ngày 11 tháng 9 năm 2001. Bên trong lòng của khu tưởng niệm có một viện bảo tàng trưng bầy hình ảnh và vết tích của các biến cố thê thảm ấy.

Tại đây lúc 11 giờ rưỡi sáng 25  tháng 9 đã diễn ra buổi cầu nguyện đại kết, với sự tham dự của các đại diện Ấn giáo, Phật giáo, đạo Sihk, Jain, Thổ dân, Do thái, Hồi giáo, và các Giáo Hội Kitô khác tại New York.

Xe chở ĐTC đã dừng gần phông ten nước phía nam, nơi ĐTC đã cùng với ĐHY Dolan đặt một vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân và chào 20 thân nhân của các nhân viên cấp cứu bị thiệt mạng. Sau đó hai vị đi vào bên trong Đài Tưởng Niệm, lấy thang máy lên lầu 4 có phòng khánh tiết. ĐTC bước lên bục nơi đã có 12 vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và các tôn giáo khác chờ sẵn. Có vài trăm người tham dự buổi tưởng niệm đại kết này. ĐHY Dolan đã chào mừng và cám ơn sự hiện diện của mọi người. Ngài nói “người dân New York chúng con là những kẻ tội lỗi có nhiều thói xấu và phạm nhiều lỗi lầm, nhưng có một điều đã biết làm tốt: đó là xây dựng tình bạn chân thành và phong phú giữa các tôn giáo. Các vị lãnh đạo tôn giáo cùng nhau gặp gỡ, làm việc, cầu nguyện và phục vụ các tín hữu và thành phố.”

Tiếp đến là lời cầu nguyện của Rabbi Elliot Cosgrove, trưởng hội đường Do thái, và Imam Khalid Latif, tuyên úy Hồi giáo đại học New York. Rabbi Elliot nói: Tại nơi bạo lực đã bị vi phạm một cách sai lạc nhân danh Thiên Chúa các đại diện tôn giáo thế giới tụ họp để cống hiến các lời an ủi và cầu nguyện, để nhớ tới các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 với tình yêu thương trìu mến và cầu nguyện cho linh hồn họ. Imam Latif nói: Những người tấn công nơi này lòng tràn đầy bất khoan nhượng và không biểu biết. Lòng can đảm của buổi tụ họp nhau hôm nay khiên cho chúng ta khác với những người chống lại tự do tôn giáo vì chúng ta cùng nhau đứng đây như anh em để lên án các hành động kinh khủng cùa bạo lực và vinh danh từng sự sống đã mất đi một cách vô điều kiện như vậy. Như chúng ta đọc trong sách Coran: “Mỗi sự sống mất đi giống như toàn nhân loại mất đi” và “mỗi sự sống được cứu giống như toàn nhân loại được cứu”. Đối với Thiên Chúa mọi sự sống đều thánh thiêng và quý báu. Nơi đâu những người khác thất bại, thì chúng ta hãy là những người nhắc nhớ ý niệm sự tạo dựng này của Ngài.

Rồi ĐTC đọc lời nguyện: xin Thiên Chúa của tình yêu, lòng thương cảm và hoà giải, trong sự nhân lành của Ngài, ban ánh sáng và hòa bình vĩnh cửu cho tất cả những người đã chết tại nơi đây… tất cả mọi người nam nữ vô tội, nạn nhân của thảm cảnh này, chỉ vì công việc và bổn phận của họ đã đưa họ tới đây ngày 11 tháng 9 năm 2001. ĐTC cũng xin Chúa chữa lành những người đau khổ vì các thương tích và bệnh tật, cũng như nỗi khổ đau của các gia đình còn đang thương khóc vì đã mất người thân.. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh tiếp tục sống với lòng can đảm và hy vọng. Tiếp tục lời cầu nguyện ĐTC cũng nhớ đến những người đã chết hay bị thương, và những người đã mất người thân trong cùng ngày tại Ngũ Giác Đài và tại Shanksville bên Pennsylvania. Ngài nói tiếp trong lời nguyện: “Lậy Thiên Chúa của hòa bình, xin đem Hoà Bình của Chúa đến trong thế giới bạo lực của chúng con; hòa bình trong các con tim của mọi người nam nữ, hòa bình giữa các quốc gia của trái đất. Xin Chúa dẫn những người có tâm trí bị thù hận soi mòn về Con đường tình yêu của Chúa. Lậy Thiên  Chúa của sự hiểu biết, bị đè nén bởi chiều kích lớn lao của thảm cảnh này, chúng con tìm ánh sáng và sự hướng dẫn của Chúa, trong khi chúng con đang đứng trước các biến cố kinh khủng như thế. Xin ban cho những người còn sống có thể sống làm sao để các mạng sống đã bị mất không mất đi một cách vô ích. Xin Chúa củng cố và an ủi chúng con, xin Chúa củng cố chúng con trong hy vọng, và ban cho chúng con sự khôn ngoan và lòng can đảm làm việc không biết mỏi mệt cho một thế giới, trong đó hoà bình và tinh yêu chân chính ngự trị giữa các quốc gia và trong con tim của mọi người”.

Lễ tưởng niệm tiếp tục với các lời suy niệm và cầu nguyện cho Hoà Bình của các đại diện Ấn giáo, Phật giáo, đạo Sikh, Kitô và Hồi giáo và các tôn giáo khác, rồi có lời cầu bằng tiếng Do thái cho các nạn nhân.

Nước mắt khóc thương mọi nạn nhân của bạo lực, tàn phá bất công trên toàn thế giới

Ngỏ lời trong dịp này bằng tiếng Tây Ban Nha, sau khi bầy tỏ các tâm tình và xúc động khi đứng tại nơi hàng ngàn người đã bị cướp mất mạng sống trong một khoảnh khắc của tàn phá vô nghĩa, và khi nhìn dòng nước chảy tại đài tưởng niệm, ĐTC nói:

Nước mà chúng ta thấy chảy về trung tâm trống rỗng, nhắc cho chúng ta nhớ tới tất cả các mạng sống đã ở dưới quyền lực của những người tin rằng sự tàn phá là phương thế duy nhất để giải quyết các xung khắc. Đó là tiếng kêu thầm lặng của những người đã khổ đau trong thịt xác mình vì cái luận lý của bạo lực, thù hận và báo oán. Một thứ luận lý chỉ có thể sản xuất ra khổ đau, tàn phá và nước mắt. Nước chảy xuống cũng biểu tượng cho nước mắt chúng ta. Nước mắt vì các tàn phá của ngày hôm qua kết hiệp với biết bao tàn phá của ngày hôm nay. Đây là nơi, trong đó chúng ta khóc, chúng ta khóc nỗi đớn đau vì cảm thấy bất lực trước bất công, trước cảnh anh em giết nhau, trước việc không có khả năng giải quyết các khác biệt bằng đối thoại. Tại nơi này chúng ta khóc vì những người vô tội bị mất mạng cách bất công và nhưng không, vì không thể tìm ra các giải pháp cho công ích. Đó là nước nhắc cho chúng ta nhớ tiếng khóc của hôm qua và của hôm nay.

ĐTC nói tiếp trong bài phát biểu : Ở đây giữa khổ đau xé lòng, chúng ta có thể sờ mó được với bàn tay khả năng của lòng tốt anh hùng, mà con người có thể có ; nó là sức mạnh dấu ẩn mà chúng ta luôn phải kêu gọi. Trong lúc khổ đau nhất anh chị em đã là chứng nhân của những cử chỉ tận hiến và trợ giúp vĩ đại nhất. Các bàn tay giơ ra, các mạng sống hiến dâng. Trong một thành phố lớn xem ra không cá tánh, vô danh, cô đơn, anh chị em đã có khả năng cho thấy tình liên đới mạnh mẽ của sự tương trợ lẫn nhau, của tình yêu và của hy sinh cá nhân. Trong lúc này đã không có vấn đề dòng máu, nguồn gốc, khu phố, tôn giáo hay lựa chọn chính trị ; nhưng đã là vấn đề của tình liên đới, của sự cấp thiết, của tình huynh đệ. Nó đã là vấn đề nhân đạo. Các nhân viên cứu hỏa New York đã vào hai tháp đang sập, mà không chú ý tới mạng sống của họ. Nhiều người đã ngã gục trong khi phục vụ, và với hy sinh của họ họ đã cứu mạng sống của biết bao nhiêu người khác.

Nơi chết chóc này cũng biến thành một nơi của sự sống, của các mạng sống được cứu vớt, một bài ca đem chúng ta tới chỗ khẳng định rằng sự sống luôn luôn được chỉ định chiến thắng các ngôn sứ của huỷ diệt, của cái chết, rằng sự thiện sẽ luôn luôn thắng sự dữ, rằng sự hòa giải và hiệp nhất sẽ chiến thắng thù hận và chia rẽ.

 Tại nơi của khổ đau và tưởng nhớ này, cơ may kết hiệp với các vị lãnh đạo đại diện cho nhiều tôn giáo làm giầu cho thành phố này, khiến cho tôi tràn đầy hy vọng. Tôi hy  vọng rằng sự hiện diện của chúng ta tại đây là một đấu chỉ mạnh mẽ ý chí của chúng ta chia sẻ và tái khẳng định ước muốn là các sức mạnh của sự hoà giải, các sức mạnh của hòa bình và công lý trong cộng đoàn này và tại khắp nơi trên thế giới. Trong các khác biệt, trong các bất đồng có thể sống trong một thế giới hòa bình. Trước mỗi mưu toan đồng nhất hóa chúng ta có thể và cần hiệp nhất với nhau giữa các tiếng nói, các nền văn hóa, tôn giáo khác nhau và trao ban tiếng nói cho tất cả những gì muốn ngăn cản nó. Hôm nay chúng ta cùng nhau được mời gọi  nói « không » với mọi mưu toan đồng nhất hóa, và nói « có » với một sự khác biệt được chấp nhận và hòa giải.

Vì mục đích này chúng ta cần loại trừ các tâm tình thù ghét, báo thù, oán hận. Và chúng ta biết rằng điều này chỉ có thể như một ơn của trời. Ở đây, tại nơi tưởng niệm này, mỗi người trong cách thức riêng của mình, nhưng cùng nhau. Tôi xin đề nghị với quý vị giữ một lúc thinh lặng và cầu nguyện. Chúng ta xin trời ơn dấn thân cho lý tưởng của hòa bình. Hoà bình trong các nhà, hòa bình trong các gia đình, trong các trường học, trong các cộng đoàn của chúng ta. Hoà bình tại các nơi chiến tranh xem ra không chấm dứt. Hoà bình trên các gương mặt đã không biết tới gì khác ngoài khổ đau. Hoà bình trong thế giới rộng rãi này mà Thiên  Chúa đã ban cho chúng ta như là nhà của tất cả mọi người và cho tất cả mọi người. Chỉ có hòa bình thôi.

ĐTC và mọi người đã thinh lặng cầu nguyện.

Rồi ngài kết luận : Như thế cuộc sống của các người thân yêu của chúng ta sẽ không phải là một cuộc sống kết thúc trong quên lãng, nhưng sẽ hiện diện mỗi lần chúng ta chiến đấu để là ngôn sứ của sự tái thiết, ngôn sứ của sự hòa giải, ngôn sứ của hòa bình.

Tiếp đến các thành viên ca đoàn thiếu nhi và bạn trẻ thuộc nhiều nước khác nhau đã lên đứng vây quanh khán đài, nắm tay nhau hát thánh ca hoà bình. Mọi người được mời gọi trao ban bình an cho nhau. Các đại diện tôn giáo được tặng mỗi người một huy hiệu chuyến viếng thăm của ĐTC.

Sau khi chào tữ giã ĐTC đã vào thăm viện bảo tàng, nơi trưng bầy các hình ảnh và nhiều chứng tích của cuộc khủng bố.

Lúc 12 giờ 30 ĐTC đã trở về khu vực dành cho Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc cách đó 2 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát, trưóc khi tiếp tục các sinh hoạt khác vào ban chiều.

Lúc 6 giờ chiều giờ New York, ĐTC đã đến thăm trường « Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thẩn” cách đó 4 cây số rưỡi, gặp gỡ các trẻ em và gia đình các người di cư. Trường học này tọa lạc trong khu phố Brooklyn. Tên gọi Brooklyn đến từ tiếng Hoà Lan « Breuckelen » là tên ngôi làng người di dân gốc Hoà Lan đã thành lập năm 1624. Với 2,5 triệu người Brooklyn là khu phố đông dân cư nhất trong 4 khu phố tại New York. Năm 1898 nó được gắn liền với New York nhưng vẫn tiếp tục duy trì căn tính riêng. Là nơi cập bến của người di cư, nó gồm các cộng đoàn thuần nhất theo chủng tộc và tôn giáo. Tại Brooklym có cây cầu nổi tiếng nối liền Brooklyn với Manhattan xây năm 1883, và Viện bảo tàng xây năm 1897, là một trong các viện bảo tàng lớn nhất Hoa Kỳ với hơn 1,5 triệu tác phẩm nghệ thuật thuộc các nưóc từ Ai cập cho tới các tác phẩm ngày nay.

Giáo phận Brooklyn được thành lập năm 1853 có  hơn 1,4 triệu tín hữu công giáo trên gần 4,9 triệu dân, gồm 187 giáo xứ, 437 linh mục giáo phận, 167 linh mục dòng, 284 tu huynh, 769 nữ tu, 225 phó tế vĩnh viễn, 57 đại chủng sinh. Giáo phận diều khiển 203 cơ cấu giáo dục và 277 trung tâm bác ái.

Trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần là một trưởng tiểu học có 282 học sinh tuổi từ 5 tới 14, trong đó 69% có học bổng. Các trẻ em là con các gia đình di cư có lợi tức thấp 69% đến từ châu Mỹ Latinh, các gia đình khác đến từ Phi châu và Trung Đông, 22% là người Mỹ gốc Phi châu. Trường này là một trong số 6 trường do tổng giáo phận New York điều hành với tổng cộng 2.100 học sinh, trong đó có ¼ không nói tiếng Anh.

Trưởng học là đại gia đình cho tất cả mọi người

ĐTC đã được bà giám đốc trường tiếp đón tại cửa hông của trường. Bà đã tháp tùng ĐTC vào trong phòng thể thao thể dục nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Ngỏ lời với các em, ĐTC bầy tỏ sự hài lòng được ở với các em như trong một gia đình. Ngài đặc biệt xin lỗi các giáo chức vì đã lấy  ít phút giờ học. Các em thuộc các gia đình đến từ các nước khác. Cả khi không dễ mà tìm được nhà mới, các bạn bè và láng giềng mới và cuộc sống bắt đầu với nhiều vất vả : học tiếng mới, thích hợp với một nền văn hóa mới, khí hậu mới. Phải học biết bao nhiêu điều chứ không phải chỉ có bài tập của trường học. Nhưng có điều đẹp đó là các em cũng gặp các bạn mới, các người mở rộng cửa tiếp đón và cho thấy sự dịu hiền, tình bạn, sự cảm thông, và họ tìm giúp đỡ chúng ta để chúng ta không cảm thấy xa lạ. Trong cách thế đó trường học trở thành một đại gia đình cho tất cả mọi người, nơi chúng ta học giúp đỡ nhau cùng với cha me, ông bà, các nhà giáo dục, thầy dậy và bạn bè, học chia sẻ những gì là tốt lành nơi từng người, cho đi cái tốt nhất của mình, làm việc theo nhóm và kiên trì trong các mục đích. ĐTC nhắc đến một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên xã hội Hoa Kỳ như sau :

Bên cạnh đây có một con đường rất quan trọng với tên của một người đã làm biết bao điều tốt lành cho tha nhân, mà cha muốn cùng tưởng niệm với các con. Cha muốn nói đến Mục sư Martin Luther King. Một ngày kia ngài đã nói : « Tôi có một giấc mơ » Ngài đã  mơ rằng biết bao nhiêu trẻ em, biết bao nhiêu người có được sự bình đẳng và cơ may. Ngài đã mơ rằng biết bao trẻ em như các con được giáo dục. Thật là đẹp có các giấc mơ và chiến đấu cho các giấc mơ đó.

Hôm nay chúng ta muốn tiếp tục mơ và chúng ta mừng tất cả các cơ may cho phép các con cũng như người lớn  không đánh mất đi niềm hy vong vào một thế giới tốt đẹp hơn với nhiều khả thể hơn. Cha biết rằng một trong các giấc mơ của cha mẹ các con là các con có thể lớn lên trong tươi vui. Thật luôn luôn là điều đẹp, trông thấy một trẻ em cười. Ở đây người ta thấy là các con tươi cười : hãy tiếp tục như thế, và hãy giúp làm cho niềm vui lây lan tới mọi người sống chúng quanh các con.

Các trẻ em thân mến, các con có quyền mơ, và cha rất vui mừng vì các con có thể tìm thấy trong ngôi trường này, nơi các bạn bè và các thầy dậy của các con sự nâng đỡ cần thiết để làm điều ấy. Nơi đâu có các giấc mơ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu là niềm vui, và muốn giúp chúng ta để cho niềm vui ấy kéo dài mọi ngày.

Trước khi từ biệt các con cha muốn cho các con một bài tập về làm ở nhà, có được không ? Đó là một lời xin đơn sơ nhưng rất quan trọng : các con đừng quên cầu nguyện cho cha, để cha có thể chia sẻ với biết bao nhiêu người khác niềm vui của Chúa Giêsu. Và chúng ta cũng cầu nguyện để nhiều người có thể nếm hưởng niềm vui mà các con có.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các con và xin Đức Trinh Nữ che chở các con.

ĐTC dã tặng cho trường Đức Bà Nữ Vương các thánh Thiên Thần Harlem một bức tượng bằng gỗ Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi, do các điêu khắc gia vùng Trentino đông bắc Italia tạc. Sau đó ngài đi ra phiá trước trưòng để chào giới phụ huynh và dân chúng trong khu phố.

Lúc 17 giở 15 phút chiều 25 tháng 9 ĐTC dã đi xe đến Madison Square Garden cách đó 9 cây số để chủ sự thánh lễ cho tín hữu tổng giáo phận New York. Madison Square Garden là sân vận động xây năm 1968 và tái thiết năm 1991, có 20.000 chỗ ngồi, nơi diễn ra các cuộc tranh tài thể thao thể dục, hoà nhạc, các hội nghị và các đại hội của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ Mỹ.

Thiên Chúa đông hành với con người trong mọi môi trường sống và muốn soi sáng khắp nơi

Thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình và công lý đã được cử hành bằng ba thứ tiếng Latinh, Anh và Tây Ban Nha. Các lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng Gaelico, Ba Lan, Đức, Tigrino và Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc trích từ chương 9 sách ngôn sứ Isaia nói rằng: « Dân tộc bước đi trong tối tăm đã nhìn thấy một ánh sáng lớn » (Is 9,1)

Chúng ta đang ở trong sân vận động Madison Square Garden, là nơi biểu tượng của thành phố này, là trụ sở của các cuộc gặp gỡ thể thao, nghệ thuật, âm nhạc, tụ họp người của nhiều nơi, không phải chỉ là của thành phố mà của toàn thế giới. Dân bước đi giữa các sinh hoạt, các lo lắng thường nhật của mình, dân bước đi mang nặng các thành công và các  lầm lỗi, các sợ hãi và các cơ may, các niềm vui và niềm hy vọng, cũng như các thất vọng và cay đắng của mình đã trông thấy một ánh sáng lớn.

Trong mọi thời đại dân Thiên Chúa đưọc mời gọi chiêm ngưỡng ánh sáng đó, ánh sáng muốn chiếu soi mọi quốc gia, muốn đến trong mọi góc của thành phố này, với mọi công dân, mọi không gian của cuộc sống. Một trong các đặc thái của Dân có niềm tin là khả năng trông thấy, chiêm ngưỡng giữa các tối tăm của mình, ánh sáng mà Chúa Kitô đem đến. Dân có niềm tin biết nhìn, phân định và chiêm ngắm sự hiện diện sống động của Thiên Chúa giữa cuộc đời mình, giữa thành phố của mình. Sống trong một thành phố lớn có nhiều phức tạp, với một môi trường đa văn hóa và các thách đố lớn không đễ giải quyết. Các thành phố lớn nhắc cho chúng ta biết sự phong phú ẩn dấu trong thế giới chúng ta là các nền văn hóa, các truyền thống và lịch sử khác nhau, các tiếng nói, cách ăn mặc khác nhau. Các thành phố lớn diễn tả sự da diện của các cung cách sống và hành xử của chúng ta. Nhưng các thành phố lớn cũng che dấu gương mặt của biết bao nhiêu người bị coi như công dân hạng hai. Giữa các tiếng di chuyển  ồn ào, trong tiết nhịp các thay đổi cũng bị che dấu các tiếng nói của biết bao nhiêu gương mặt không có quyền công dân, không có quyền là thành phần của thành phố – các người nước ngoài, con cái họ không được học hành, các người không đuợc săn sóc sức khỏe, các người vô gia cư, các người già cô đơn, bị ở bên lề các đường đi của chúng ta, trong một sự vô danh ầm ĩ. Họ bưóc vào trong một cảnh tượng thành thị từ từ trở thành tự nhiên trước mắt và đặc biệt là trong tim chúng ta. Tuy nhiên, trong mọi trạng huống đó vẫn có Chúa đồng hành với chúng ta. ĐTC nói :

Biết rằng Chúa Giêsu tiếp tục bước đi trên các con đường của anh chị em, trà trộn với dân Ngài môt cách sống động, để cho mình bị liện lụy và lôi cuốn con người vào trong một lịch sử cứu độ duy nhất khiến cho chúng ta tràn đầy hy vọng, một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi sức mạnh thúc dẩy chúng ta cô lập hóa mình và không biết đến cuộc sống của người khác, cuộc sống của thành phố. Một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi các liên lạc trống rỗng, các phân tích trừu tượng, hay nhu cầu có các cảm xúc mạnh. Một niềm hy vọng không sợ hãi tháp nhập vào và hành động như men trong những nơi bạn phải chung đụng và sống. Một niềm hy vọng mời gọi chúng ta nhìn giữa « khói mù ô nhiễm » sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng tiếp tục bước đi trong các thành phố của  chúng ta.

Ngôn sứ Isaia giới thiệu Chúa Giêsu với chúng ta như « Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa quyền năng, Cha muôn thuở, Hoàng tử của hoà bình » (Is 9,5). Với những nguời hỏi cho biết họ phải làm gì, câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu là đề nghị, khích lệ và động viên. Ngài luôn luôn đề nghị các môn đệ ra đi, và thúc đầy họ ra đi gặp gỡ những người khác tại những nơi họ sống, ra đi không sợ hãi, không nhờm gớm, ra đi loan báo niềm vui cho mọi dân tộc. Và nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa trở thành Emmamuel luôn đi bên cạnh chúng ta, trà trộn với chúng ta trong nhà của chúng ta. Không ai và không có gì có thể tách rời chúng ta khỏi Ngài. Ra đi loan báo Thiên Chúa là Cha luôn chờ đón chúng ta để ôm chúng ta vào lòng. Đi tới với những người khác để chia sẻ tin vui Thiên Chuá là Cha, đồng hành với chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi cảnh vô danh, khỏi chiến tranh thi đua, tự quy hướng về mình, để mở ra con đường hoà bình cho chúng ta. Thiên  Chúa sống trong các thành phố của chúng ta, Giáo Hội sống trong các thành phố của chúng ta và muốn là men trong đám đông trà trộn với tất cả mọi nguời đồng hành với tất cả mọi người để loan báo các điều kỳ diệu của Đấng là « Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa quyền năng, Cha muôn thuở và Hoàng Tử hòa bình.

Sau thánh lễ ĐTC đã trở về trụ sở Quan sát viên thường trực của Toà Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Sáng thứ bẩy 26 tháng 9 lúc 7 giờ rưỡi  ĐTC đã đi xe ra tới sân trực thăng cách đó 12 cây số để tới phi trường Kennedy lấy máy bay đi Philadelphia. Máy bay đã tới phi trường quốc tế Philadelphia sau 50 phút bay.

Philadephia là thành phố đông dân hàng thứ 5 của Hoa Kỳ và là thành phố quan trọng nhất của tiểu bang Pensylvania.  Các người thuộc địa âu châu đã tới đây năm 1646. Vài chục năm sau vùng này nằm dưới quyền kiểm soát của Anh quốc. Năm 1682 ông William Pen thành lập thành phố Philadelphia có nghĩa là « tinh yêu huynh đệ ». Vào hậu bán thể kỷ 18 thành phố trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của cuộc Cách Mạng Mỹ và là nơi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, rồi Hiến pháp quốc gia năm 1787. Thành phố hiện có hơn 1,5 triệu dân 45% da trắng, 43% mỹ gốc phi châu, 8% nguời nói tiếng Tây Ban Nha, 4% gốc Á châu.

Tổng giáo phận đưọc thành lập năm 1808 có 1,5 triệu tín hữu trên tổng số hơn 4 triệu dân cư. Giáo phận có 235 giáo xứ, 18 cứ điểm truyền giáo, 564 linh mục giáo phận, 344 linh mục dòng, 447 tu huynh, 2.543 nũ tu, 281 phó tễ vĩnh viễn 49 đại chủng sinh. Giáo phận điều khiển 329 cơ sỏ giáo dục và 58 trung tâm bác ái.

Ra đón ĐTC tại phi trường có ĐTGM Charles Joseph Chaput và một số giới chức đạo đời khác. Từ phi trường ĐTC đã đi xe tới nhà thờ chính tòa cách đó 16 cây số để chủ sự thánh lễ với các Giám Mục và linh mục với sự tham dự của các tu sĩ nam nữ Phialadelphia và toàn bang Pensylvania. Nhà thờ chính toà kính hai thánh Phêrô Phaolô được xây năm 1846, theo mẫu nhà thờ thánh Carlo ở Roma, có 1500 chỗ ngồi

Giáo Hội cần sự cộng tác tích cực hơn nữa của các nữ giáo dân và nữ tu

Giảng trong thánh lễ ĐTC nhấn mạnh rằng lịch sử của Giáo Hội trong thành phố Philadelphia này là một lịch sử nói với chúng ta về các thế hệ công giáo dấn thân đi ra các vùng ngoại biên và xây dựng các cộng đoàn cho việc phụng tự, giáo dục, bác ái, và phục vụ xã hội nói chung.

Người ta có thể trông thấy lịch sử ấy tại nhiều đền thánh trong thành phố và nhiều nhà thờ giáo xứ, mà các tháp chuông nói về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các cộng đoàn. Người ta trông thấy nơi cố gắng của các linh ục, tu sĩ và giáo dân tận tụy trong hai thế kỷ  lo lắng cho các nhu cầu tinh thần của dân nghèo, người di cư, người bệnh và các tù nhân. Người ta trông thấy nơi hàng trăm trường học, trong đó các tu huynh và nữ tu đã dậy các trẻ em biết đọc biết viết, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, góp phần xây dựng cuộc sống xã hội Hoa Kỳ, như những công dân tốt. Tât cả điều này là một gia tài lớn lao mà anh chị em đã nhận được và được mời gọi làm giầu và thông truyền.

Tiếp đến ĐTC kể lại ơn gọi của chị Caterina Drexel một trong các vị thánh lớn của Giáo Hội Hoa Kỳ. Khi chị nói chuyện với ĐGH Leô XIII ngài hỏi chị: “Thế còn con. Con sẽ làm gì?” Câu hỏi đó đã thay đổi cuộc đời của chị, vì chúng nhắc cho chị nhớ rằng mỗi kitô hữu, do Bí tích Rửa Tội, đã nhận một sứ mệnh. Mỗi người trong chúng ta phải trả lời làm thế nào để đáp trả lại tiếng gọi của Chúa cách tốt nhất hầu xây dựng Thân Mình Ngài là Giáo Hội.

Câu hỏi đã được nói với một nữ giáo dân trẻ có nhiều lý tuởng và đã thay đổi cuộc đời chị. Nó đã làm cho chị nghĩ tới công việc mênh mông phải làm, và đưa chị tới ý thức phải làm cái gì đó trong nghĩa này. Có biết bao nhiêu người trẻ trong các giáo xứ và trường học của chúng ta có cùng các lý tưởng cao quý, tinh thần quảng đại, tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng ta có thử họ, có cho họ không gian và giúp họ thực hiện nhiệm vụ của họ không? Chúng ta có tìm cách chia sẻ sự hăng say và các ơn của họ với cộng đoàn, nhất là thực thi các việc bác ái thương xót và chú ý tới người khác không? Chúng ta có chia sẻ niềm vui và sư hăng say của chúng ta trong việc phục vụ Chúa không?

Một trong các thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội trong lúc này là làm lớn lên trong tất cả các tín hữu, ý thức trách nhiệm đối với sứ mệnh của Giáo Hội, và khiến cho họ có khả năng chu toàn trách nhiệm đó như là các môn đệ thừa sai, như men Tin Mừng trong thế giới. Điều này đòi hỏi khả năng sáng tạo và thích ứng với các tình trạng thay đổi để thông truyền niềm vui Tin Mừng mọi ngày, suốt đời.

 

Tương lai của Giáo Hội trong một xã hội thay đổi nhanh chóng đòi buộc sự chia sẻ của các giáo dân tích một cách cực hơn. Giáo Hội Hoa Kỳ đã luôn luôn dấn thân trong việc đạy giáo lý và giáo dục. Thách đố ngày nay là xây dựng trên các nền tảng vững chắc, và làm cho ý thức cộng tác và chia sẻ trách nhiệm lớn lên trong việc đưa ra chương trình cho tương lai, biết phân định và khôn ngoan đánh giá các ơn đa diện  mà Chúa Thánh Thần đổ xuống trên Giáo Hội, để khích lệ sự góp phần mênh mông mà các nữ giáo dân và các nữ tu đã và đang cống hiến cho cuộc sống của các cộng đoàn.

ĐTC dã khích lệ các linh mục và nam nữ tu sĩ can đảm canh tân niềm vui của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô, và rút tiả ra từ đó lòng trung thành và sức mạnh đổi mới. Ngài xin các vị suy tư về việc phục vụ các gia đình, các cặp chuẩn bị hôn nhân và giới trẻ. ĐTC xin các vị sốt sắng cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho các quyết định của Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình.

Với lòng biết ơn về tất cả những gì chúng ta đã nhận được, và với lòng tin tưởng chắc chắn giữa các nhu cầu của chúng ta, chúng ta hãy hướng tới Đức Maria Mẹ Rất Thánh. Với tình yêu là mẹ, xin Mẹ bầu cử cho Giáo Hội tại Mỹ để nó tiếp tục lớn lên trong chứng tá ngôn sứ về quyền năng của Thập Giá của Con Mẹ, hầu đem lại niềm vui, hy vọng và sức mạnh cho thế giới. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi.

Linh Tién Khải

Nguồn: Vietnamese Vatican Radio

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN