Hàng năm chúng ta đều kỷ niệm “Ngày của Cha”, ngày mà chúng ta được mời gọi để nói lên lòng biết ơn với người cha. Đối với một số người đây là chuyện dễ dàng vì họ có một người cha tốt, đối với một số người khác, đây là điều khó khăn: Làm sao mình biết ơn người cha khi cha của mình phần lớn thời gian vắng mặt trong cuộc đời hoặc ngược đãi mình?
Đáng buồn thay, thế giới của chúng ta có quá nhiều người cha vắng mặt và ngược đãi. Vì vậy, nhiều người trong chúng ta đi suốt cuộc đời trong cố gắng chật vật, dù vô thức, để tìm cho được thăng bằng lành mạnh giữa tự do và kỷ luật. Thay vào đó chúng ta luôn luôn giao động giữa một bên là quá khắt khe với bản thân và một bên là quá dễ dãi với bản thân.
Hơn nữa, nếu chúng ta có một người cha vắng mặt hoặc ngược đãi, chúng ta có khuynh hướng sống, luôn luôn đi tìm – một cách vô thức – một điều gì đó đã không được trao cho, đó là sự chấp thuận của người cha. Điều này khiến chúng ta rụt rè, thường giận dữ, và đói khát hình ảnh một người cha.
Nỗi đói khát này, đói khát được người cha hay một ai đó đại diện cho ông để khẳng định và chúc phúc cho mình, có lẽ đó là cơn đói sâu sắc nhất trên thế giới ngày nay, đặc biệt đối với phái nam. Rất ít người trong cuộc đời được cha ruột hay hình ảnh một người cha khẳng định và chúc phúc.
Một người cha là như thế nào? Các nhà nhân loại học cho chúng ta biết hình mẫu người cha có những phẩm chất này: Ông là người thu xếp để tạo trật tự, cáng đáng, nuôi sống và chúc phúc cho gia đình. Điều đó có nghĩa gì?
Trước tiên, ông phải là cội nguồn của trật tự chứ không phải của rối loạn. Một người cha tốt sống theo cách mà gia đình ông cảm thấy yên ổn, an toàn khi có ông bên cạnh. Một người cha tồi, qua việc ông vắng mặt, không đáng tin cậy, hoặc ngược đãi đã làm cho gia đình cảm thấy bất ổn. Ví dụ, người cha có gốc là rối loạn khi ông không chung thủy, nghiện rượu, hoặc đang mang một thói nghiện ngập nào đó. Khi đó, cách hành xử của ông sẽ không lường trước được, lúc nào các con cũng đoán xem ông có về nhà hay không – nếu về thì tâm trạng của ông lúc đó sẽ như thế nào. Dần dà, tính chất khó lường này sẽ thấm vào con cái, đến một lúc chúng cảm thấy cha mình là nguồn gốc của mất trật tự, của hỗn loạn. Ngược lại, một người cha tốt, kể cả khi gia đình ông coi ông là chán ngắt và tẻ nhạt, sẽ làm cho gia đình cảm thấy an toàn và an ổn.
Thêm nữa, người cha tốt gánh vác gia đình hơn là đòi hỏi gia đình gánh vác ông. Người cha tốt là người lớn, người có tuổi đáng kính, chứ không phải là anh chị em hay là một đứa trẻ (xét về hành vi) mãi mãi đòi hỏi gia đình phải gánh vác mình. Một người cha tốt không để vấn đề và mối lo, những chuyện đau lòng và mệt mỏi của riêng mình, thành tâm điểm chú ý của cả gia đình. Thay vào đó ông vượt lên chuyện mệt mỏi và đau lòng của riêng mình để tập trung vào những chuyện đau lòng, đau đầu của gia đình.
Vượt lên trên điều đó, một người cha tốt nuôi dưỡng gia đình chứ không bắt gia đình nuôi dưỡng ông. Không đòi hỏi, cho dù vi tế và vô thức, con cái phải mang lại ý nghĩa, sự hài lòng và vinh quang cho ông. Thay vào đó ông quan tâm nhiều hơn đến việc con cái và gia đình tìm thấy được ý nghĩa, sự hài lòng và hạnh phúc trong chính cuộc đời của họ. Những người cha người mẹ tốt nuôi dưỡng con cái mình; những người cha người mẹ tồi bắt con cái phải nuôi dưỡng mình.
Cuối cùng, một người cha tốt khẳng định và ngưỡng mộ con cái thay vì đòi hỏi chúng khẳng định và ngưỡng mộ ông. Một người cha tốt tỏ ra cho con thấy ông tự hào về chúng chứ không ghen ngược lại về tài năng và thành tựu của chúng. Ông không đòi hỏi con cái nói lên lòng tự hào của chúng về ông. Daniel Berrigan, trong cuốn tự truyện chính chắn viết hồi cuối đời, chia sẻ ông đã phải cố gắng chật vật ra sao với nhiều vấn đề trong suốt cuộc đời, đặc biệt với vấn đề thẩm quyền, vì ông thiếu lời chúc lành của người cha. Chẳng hạn, ông thường thấy sợ không dám nói với cha tin vui là ông vừa xuất bản một cuốn sách vì sợ cha ông ghen tỵ. Sau khi kể điều đó, ông hỏi độc giả: Có kinh ngạc gì không trước chuyện ông đã luôn ranh mãnh và nghi ngờ mọi hình bóng thẩm quyền trong suốt cuộc đời người lớn của mình? Sự vắng bóng lời chúc lành của người cha làm cho tâm hồn của chúng ta co lại.
Có lẽ hình ảnh này có thể giúp ích ở đây: Khi con bò mẹ sinh con, con bê non rơi ra khỏi tử cung trong tình trạng bị bó chặt, cứng đơ, toàn thân bị quấn trong bọc nhau giống như keo dính. Nhưng Tự nhiên đã tính đến chuyện này và đã ban cho bò mẹ bản năng đúng đắn. Ngay lập tức, bò mẹ quay ra phía sau và liếm cái bọc bó chặt đó khỏi thân bê con cho kỳ hết. Ngay khi được liếm xong, bê con đứng dậy, dò dẫm và bắt đầu tự đi được.
Con người chúng ta cũng sinh ra trong tình trạng tương tự. Chúng ta cũng bước vào cuộc đời trong tình trạng bị bó chặt, nhưng trong trường hợp chúng ta, sự bó chặt không hẳn là về mặt thân thể. Đó là sự bó chặt sâu hơn và phức tạp hơn nhiều – và cha mẹ là người xóa bỏ tình trạng đó bằng cách thu xếp để tạo trật tự, gánh vác, nuôi dưỡng và chúc lành cho chúng ta. Không người cha nào làm được điều đó một cách hoàn hảo, nhưng nếu cha của bạn đã làm điều đó thậm chí chỉ được một nửa mức thỏa đáng, thì bạn hãy bày tỏ lòng biết ơn, và bạn nên biết là bạn được phước lành!
Rev. Ron Rolheiser, OMI