Home / Chia Sẻ / Ngẫu Tượng Hiện Đại

Ngẫu Tượng Hiện Đại

 

PHI LỘ – Danh từ “ngẫu tượng” có vẻ trở thành xa lạ với chúng ta ngày nay, vì chúng ta cho rằng ngẫu tượng chỉ có trong thời Cựu ước, ngày nay không còn ai thờ ngẫu tượng nữa! Thật vậy không? Phải chăng chúng ta tốt lành và đạo đức hơn người xưa? Không, chúng ta vẫn thờ ngẫu tượng mà chúng ta không biết, vì chúng ta có những cách tự biện hộ “khéo léo” hơn. Đó là những ngẫu tượng hiện đại, những con bò vàng tinh vi. Đọc bài này chắc hẳn bạn sẽ “giật mình” đấy!

NgauTuong HienDaiTất cả các dạng ngẫu tượng hiện đại đều có một điểm chung: Cái Tôi. Chúng ta không cúi lạy các ngẫu tượng và hình ảnh, nhưng chúng ta tôn thờ Thần Bản Ngã. Nhãn hiệu này của ngẫu tượng hiện đại rất đa dạng.

Thứ nhất, chúng ta tôn thờ chủ nghĩa vật chất vì nó thỏa mãn nhu cầu đề cao “cái tôi” của chúng ta qua việc giành được nhiều thứ hơn. Gia đình chúng ta đầy ắp những động thái chiếm hữu. Chúng ta xây dựng nhà càng ngày càng to lớn hơn để chứa nhiều đồ hơn và tiện nghi hơn để sống thoải mái hơn, thậm chí có những thứ chúng ta không tốn mồ hôi nước mắt, không do công sức của chúng ta. Đa số những thứ đó đều đã cũ, lỗi thời, vô ích, vì thế chúng ta bỏ nó trong kho chứa hoặc vứt bỏ đâu đó. Rồi chúng ta lại đua nhau mua những thứ mới hơn, nào là quần áo, giày dép, xe cộ, máy móc, dụng cụ,… Lòng tham không bao giờ có đáy, đồ mới hơn cũng chẳng là gì hơn ngoài lòng tham và muốn chứng tỏ mình “ngon” hơn người – gọi là “sĩ diện hão”.

Điều răn 10 cảnh báo chúng ta đừng là nạn nhân của lòng tham: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20:17). Thiên Chúa không muốn chúng ta mua sắm ồ ạt hàng loạt, hoang phí. Ngài biết chúng ta sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc khi nuông chiều lòng ham muốn của mình vì đó là cái bẫy của Satan khiến chúng ta tập trung vào chính mình chứ không tập trung vào Thiên Chúa.

Thứ nhì, chúng ta tôn thờ bản ngã và sự kiêu ngạo. Điều này thường có dạng ám ảnh công việc và sự nghiệp. Hàng triệu người dành 60-80 giờ mỗi tuần để làm việc. Ngay cả ngày nghỉ cuối tuần và kỳ nghỉ, chúng ta vẫn bận rộn nhiều thứ, bận từ trong ý nghĩ, muốn được thăng chức, tăng lương,… Đủ kiểu tính toán cho cuộc sống trần thế này. Trong khi đó, con cái chúng ta thèm được cha mẹ quan tâm và yêu thương. Chúng ta tự lừa dối mình trong những suy nghĩ, cố tìm cách làm cho cuộc sống ngày càng thoải mái hơn. Nhưng những gì chúng ta đang nỗ lực để thành công thì cũng chỉ là theo con mắt thế gian. Đó là ngu xuẩn! Lao động và thành tựu sẽ vô ích đối với chúng ta sau khi chúng ta chết, được thế gian ca tụng rồi cũng chẳng là gì cả, vì những điều này không có giá trị vĩnh hằng. Chính Chúa Giêsu đã chất vấn: “Được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Mt 16:26; Mc 8:36; Lc 9:25). Còn Vua Salomon nói: “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời? Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 2:21-23).

Thứ ba, chúng ta tôn thờ nhân loại qua chủ nghĩa tự nhiên và sức mạnh của khoa học. Điều này làm cho chúng ta ảo tưởng rằng chúng ta làm chủ thế giới này và xây dựng lòng tự trọng ngang hàng như thần thánh. Chúng ta loại bỏ Lời Chúa và sự sáng tạo trời đất của Ngài, chúng ta chấp nhận sự vô nghĩa của sự tiến hóa và chủ nghĩa tự nhiên. Chúng ta ấp ủ vị thần về “môi trường luận” (environmentalism – thuyết cho rằng môi trường quan trọng hơn di truyền trong sự phát triển văn hoá), chúng ta tự lừa dối mình khi cho rằng chúng ta có thể duy trì trái đất này dù Thiên Chúa tuyên bố trái đất này có giới hạn sự sống và sẽ còn mãi tới tận thế. Lúc đó, Ngài sẽ hủy hoại tất cả những gì Ngài đã tạo dựng, rồi Ngài sẽ tạo nên trời mới và đất mới. Thánh Phêrô đã nhắc nhở: “Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ. Muôn vật phải tiêu tan như thế, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng. Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3:10-13). Thật rõ ràng, sự tập trung của chúng ta không nên đặt vào việc tôn thờ môi trường, mà hãy đặt vào việc sống thánh thiện khi chúng ta mong chờ Đấng Cứu Độ trở lại, chỉ có Ngài mới đáng để chúng ta tôn thờ mà thôi.

Cuối cùng, và có thể gây bất ngờ nhất, chúng ta tôn thờ sự tự phóng đại mình (ngôn từ ngày nay gọi là “nổ”) hoặc tự thỏa mãn tới mức loại trừ người khác và nhu cầu của người khác. Cách tự biểu lộ này cũng giống như tự thỏa mãn khi uống rượu, sử dụng ma túy, và ăn uống. Những người ở các nước giàu rất dễ nghiện rượu, nghiện ma túy (ở mức cao, thậm chí cả trẻ em), và mê ăn uống. Tỷ lệ béo phì ở Hoa Kỳ đã tăng vọt, và chứng tiểu đường ở trẻ em do ăn uống quá nhiều đang trở thành đại dịch. Sự tự kiềm chế mà chúng ta cần đã bị hủy bỏ vì chúng ta vô độ về ăn uống, và dùng thuốc bổ ngày càng nhiều. Chúng ta chống lại mọi nỗ lực hạn chế khẩu vị, và chúng ta kiên quyết tự biến chúng ta thành thần linh của cuộc đời mình. Điều này có nguồn gốc từ Vườn Địa Đàng, nơi ma quỷ đã cám dỗ bà Eva ăn trái cấm với những lời đường mật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:5). Do đó mà con người khao khát trở thành thần thánh, thành chúa. Sự tôn thờ chính mình là nền tảng của tất cả các dạng tôn thờ ngẫu tượng hiện đại.

Mọi cách tôn thờ chính mình có 3 thèm muốn: “Vì mọi sự trong thế gian: như DỤC VỌNG CỦA TÍNH XÁC THỊT, DỤC VỌNG CỦA ĐÔI MẮT và THÓI CẬY MÌNH CÓ CỦA, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2:16). Nếu chúng ta tránh khỏi sự tôn thờ ngẫu tượng hiện đại, chúng ta phải cố vươn lên và loại bỏ nó ở mọi dạng. Ngẫu tượng không là Thiên Chúa, mà là Satan, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn ở nơi nó. Đó là sự nói dối ghê gớm và là sự lừa dối mà Satan đã từng dụ dỗ ông bà Adam và Eva. Nhưng buồn thay, chúng ta vẫn sa ngã vì lời lừa dối đó! Thậm chí còn buồn hơn, nhiều nơi vẫn truyền bá điều đó khi rao giảng về sức khỏe, vật chất, và sự thịnh vượng được xây dựng trên ngẫu tượng của sự tự đề cao. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc nếu tập trung vào chính mình. Tâm trí chúng ta phải tập trung vào Thiên Chúa và tha nhân. Đó là lý do mà khi được hỏi điều răn nào cao trọng nhất, Chúa Giêsu đã trả lời rạch ròi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22:37-38).

Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân bằng tất cả mọi sự trong con người của mình thì chúng ta sẽ không còn khoảng trống nào trong lòng mà dành cho ngẫu tượng nữa.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ GotQuestions.org)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN