Home / Chia Sẻ / NẾU TÔI KHÔNG HOANG ĐÀNG

NẾU TÔI KHÔNG HOANG ĐÀNG

NeutoikhonghoangdangTrong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32), chúng ta thấy người con lớn chưa bao giờ rời khỏi nhà cha, không bao giờ nổi loạn, quậy phá, phung phí tiền của cha, phản bội gia đình hay tự làm xấu mặt mình. Anh ta chưa bao giờ nói với cha mình rằng anh ta không thể đợi ông ấy chết để có thể nhận được phần thừa kế.

Vì vậy, khi người cha tổ chức tiệc mừng tại nhà cho người con ngỗ nghịch, người con lớn đã từ chối bước vào nhà để chung vui. Anh ta giải thích một cách cay đắng rằng anh ta chưa bao giờ mắc sai lầm, luôn làm việc chăm chỉ vì cha mình, nhưng anh ta chưa một lần được tổ chức một bữa tiệc để vinh danh chính mình.

Nếu bạn cũng như tôi, cảm thấy mình đã làm mọi việc đúng đắn, đã hy sinh quá nhiều cho Chúa mà không nhận được gì, thì bạn nên làm gì?

Có thể bạn biết niềm tin mà bạn có lúc này không hoàn toàn như đáng lẽ ra phải thế. Bạn không cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc. Thay vào đó, bạn cảm thấy nặng trĩu bởi gánh nặng duy trì thành tích hoàn hảo, bảng điểm không tì vết của mình. Gánh nặng cuộc đời như nặng trĩu dù biết là không nên. Tôi đã suy ngẫm và cầu nguyện về điều này trong nhiều tháng nay và trong những điểm sau đây, tôi sẽ chia sẻ với bạn những gì bạn có thể làm để chuyển từ hình ảnh “người con lớn cay đắng” thành “người con hoang đàng” nhận biết rằng vòng tay cha đang mở rộng cho mình.

1.THỰC HÀNH SỰ BIẾT ƠN

Nếu bạn thực sự nghiêm túc về việc rời khỏi vị trí của người con lớn thì tôi thực sự khuyên bạn nên đọc bài về người môn đệ trưởng thành. Trong đó, Lm Ron Rolheiser viết rằng “trở thành một vị thánh phải được thúc đẩy bởi lòng biết ơn, không hơn không kém.” Lòng biết ơn không phải là sự yếu đuối, không phải là sự lòng thòng nhạt nhẽo. Lòng biết ơn mạnh mẽ, đôi khi đau đớn, nhưng luôn biến đổi. Được thực hành đúng cách, lòng biết ơn sẽ không khiến bạn trở thành người cũ rích. Tôi gọi đó là lòng biết ơn tột độ bởi vì đôi khi bạn cảm thấy như thể bạn không có gì để biết ơn và phải nỗ lực rất nhiều để biết ơn, nhưng luôn có điều gì đó để biết ơn. Hãy bắt đầu biết ơn về những điều cơ bản nhất. Hãy xây dựng nó thành thói quen hằng ngày. Bạn sẽ thấy nó thay đổi cách bạn cảm nhận về cuộc sống, sẽ cho bạn thấy sự thật quan trọng, rằng Chúa Cha đã ban cho bạn nhiều như đứa con hoang đàng đã nhận được khi trở về nhà.

2.CHẤP NHẬN SỰ BÌNH THƯỜNG

Thực hành lòng biết ơn hằng ngày giúp bạn an bình với cuộc sống, với những phần mà bạn thấy nhàm chán, lặp đi lặp lại, gây khó chịu. Là con người, chúng ta muốn những điều kỳ diệu, có kịch tính, mới lạ và phấn khích, nhưng sẽ có lúc chúng ta được yêu cầu lặng lẽ quay trở lại cuộc sống bình thường và sống hết mình với những gì mình đã trải qua. Điều này không phủ nhận thực tế của phép lạ hoặc điều kỳ diệu của những câu chuyện hoán cải đáng kinh ngạc. Đó là những bằng chứng về vinh quang của Thiên Chúa. Chúng không bị loại bỏ, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua những điều kỳ diệu hằng ngày. Thực tế là chúng ta đang sống và đang thở. Thực tế là chúng ta không tạo ra chính mình. Bí tích Thánh Thể được cử hành lặng lẽ trong Thánh Lễ hằng ngày cho các giáo đoàn nhỏ tại các giáo xứ trên khắp thế giới. Đó là phép lạ Thánh Thể. Những phép lạ thông thường nhắc nhở chúng ta về mầu nhiệm Nhập Thể, rằng Thiên Chúa đã trở thành một hài nhi nhỏ bé không nơi nương tựa để gặp gỡ những người thân yêu của Ngài theo những cách thực tế nhất.

3.BỎ KIÊU HÃNH MÀ SỐNG VUI

Chúng ta không thể tham gia bữa tiệc mừng đứa con hoang đàng nếu chúng ta bị ám ảnh bởi việc trở thành trung tâm của nó. Nếu chúng ta cảm thấy bị Chúa thay đổi, có thể vì chúng ta không muốn thừa nhận những gì Ngài đã làm cho chúng ta, những tội lỗi Ngài đã tha thứ cho chúng ta, những lần Ngài đón nhận chúng ta trở về như đứa con hoang đàng – dù sao chúng ta cũng là thế, tất cả những người trong dụ ngôn này vào những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của chúng ta. Khi chỉ quan tâm đến bản thân, chỉ quan tâm đến việc trở nên hoàn hảo, chúng ta quên rằng Thiên Chúa muốn có mối quan hệ yêu thương VỚI chúng ta, và mối quan hệ đó có thể đưa chúng ta VÀO những cuộc phiêu lưu thú vị nhất, ngay cả trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đức cố GH Bênêđictô XVI đã nói: “Với Chúa, cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ nhàm chán.” Chỉ vì bữa tiệc không được tổ chức cho bạn, không có nghĩa là bạn không thể vui mừng và tận hưởng nó: “Tất cả anh em trong đời tôi đã mất mà nay lại tìm thấy.” Đó là lời mời dành cho tất cả chúng ta, để vui mừng về những gì Thiên Chúa đã làm cho toàn thế giới.

4.AI CŨNG PHẢI SÁM HỐI

Tất cả chúng ta đều phải đi bộ về nhà giống như đứa con hoang đàng. Chỉ vì hành trình sám hối của chúng ta không giống với hành trình sám hối của người khác, không khiến chúng ta trở thành một người tốt hơn hay hoàn thiện hơn. Nếu chúng ta nghĩ mình không cần phải tự mình thực hiện cuộc hành trình đó thì có lẽ chúng ta đã không nhận ra rằng niềm kiêu hãnh đang làm tê liệt chúng ta, và niềm kiêu hãnh có thể giết chết, làm mù quáng và làm tàn tật cũng tệ hại (nếu không muốn nói là tệ hơn) như những tội lỗi mà chúng ta có thể nghĩ mình rất tốt vì đã không phạm. Khi chúng ta cầu xin Chúa ban ân sủng để loại bỏ lòng kiêu hãnh, chúng ta có thể chìm đắm trong niềm tin tưởng trấn an chúng ta rằng vòng tay Chúa cũng đang mở rộng cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã sống hoàn toàn không bẩn thỉu như heo, không bụi bặm và nghèo khó, như những đứa con hoang đàng khác đang sống.

5.CHÚNG TA KHÔNG NÔ LỆ

Điều quan trọng là chúng ta đề cập sự kiện là người con lớn nói rằng anh ta “làm nô lệ” cho cha mình. Từ quan điểm hợp pháp, bạn có thể hiểu tại sao con người thấp kém, để tỏ lòng biết ơn vì được tạo ra, tin rằng làm nô lệ cho Đấng Tạo Hóa là phản ứng thích hợp duy nhất để được tạo ra. Nhưng Thiên Chúa không tạo ra chúng ta vì sự sỉ nhục. Ngài tạo dựng chúng ta để chúng ta nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và để phục vụ Ngài, trong bối cảnh của hai điều đầu tiên. Chúng ta không làm nô lệ cho Ngài. Chúa Giêsu xác định: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15)

Trong dụ ngôn, người cha chỉ dịu dàng nói với đứa con bối rối và cay đắng của mình. Ông nhắc nhở nó về mối quan hệ huyết thống, không phải là sự trao đổi kỹ năng và tiền lương. Chúng ta không tồn tại để trao cho Chúa bảng chấm công số giờ làm việc và tiền lương đã nhận. Chúng ta tồn tại bởi vì Ngài hài lòng với chúng ta và muốn biết chúng ta như một người cha đối với con mình.

6.NGƯỜI CHA RẤT SÂU SẮC

Những từ ngữ thật tốt đẹp, thật thương xót và cứu chuộc; câu trả lời của người cha dành cho người con lớn cũng đáng kinh ngạc như sự chào đón người con hoang đàng trở về. Người cha đáp lại sự cay đắng của người con lớn đứng trong bóng tối và từ chối bước vào hơi ấm bằng cách nói: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc 15:31-32)

Có thể tìm thấy sự cạnh tranh ở mọi nơi trên thế giới, nhưng không có sự cạnh tranh nào với Chúa Cha. Những gì Ngài dành cho đứa con hoang đàng thì Ngài cũng chia sẻ với những đứa con khác. Ngài không giữ lại gì cả. Nếu cảm thấy mình đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn mức có thể thì hãy nhớ lời Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10:29-30)

Giờ đây, xin mời bạn hãy đào sâu câu trả lời của Chúa Cha, hãy suy niệm và cầu nguyện với câu đó, xin Ngài cho bạn thấy những gì Ngài đã chia sẻ với bạn trong cuộc sống của bạn, và bỏ lại những cay đắng của người con lớn ở phía sau. Hãy vui mừng hồn nhiên như trẻ thơ khi chúng ta được chào đón trở về Nhà Cha.

RUTH KENNEDY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ catholic-link.org)

Mùa Chay – 2023

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

NÊN SỨ GIẢ “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt …