Dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng” hoặc “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32) là một trong các dụ ngôn nổi bật nhất, và lý do cũng thật dễ hiểu. Mặc dù ngắn gọn nhưng câu chuyện đầy kịch tính. Chúng ta có thể cảm nhận được tất cả những cảm xúc quen thuộc trong đó. Chúng ta hiểu sự nổi loạn của người con thứ với nhu cầu phóng túng và hoang dã, chúng ta hiểu nỗi đau của người cha khi nhìn nó ra đi, từ bỏ quyền thừa kế của mình để có thể bị đứa con ngang tàng ăn chơi phung phí. Chúng ta có thể nhận ra bước ngoặt, sự bẩn thỉu của những con lợn và sự bỏ rơi của những người bạn. Chúng ta khiêm tốn trước lòng thương xót của người cha mở rộng vòng tay chào đón đứa con hoang đàng trở về, một sự chào đón vượt xa cả những giấc mơ ngông cuồng nhất của đứa con.
1. KHÔNG PHẢI AI CŨNG ĐỒNG CẢM VỚI ĐỨA CON HOANG ĐÀNG
Có lẽ chúng ta cảm thấy gần gũi nhất với hình bóng mờ ảo của người con lớn, câu chuyện mà đôi khi chúng ta đọc như phần hậu truyện được đính kèm, phần nhỏ hơn đưa ra phía sau của sự kiện chính thú vị hơn. Đúng, chúng ta nói vậy, và cũng có người con lớn – người ăn chơi xả láng, người trở về từ cánh đồng và không muốn dự tiệc vui. Đó là sự cay đắng đối với câu chuyện đẹp khác về sự cứu chuộc.
Tôi nhận thấy mình ngày càng đồng nhất với người con lớn, nhất là khi tôi lớn khôn. Tôi đã nghe dụ ngôn này khi còn tuổi thiếu niên và nghĩ “đúng là đồ ngốc” khi nói đến người con lớn, giờ đây tôi đã đồng cảm với anh ta một cách tích cực và muốn nói với anh ta: “Tôi hiểu rồi. Tôi hoàn toàn hiểu bạn.” Nỗi đau của anh ta hiện rõ qua sự tức giận. Theo cách riêng, anh ta có nhiều cách trở về giống như người con thứ, nhưng anh ta chưa biết.
Chắc chắn đã có vài lần trong đời tôi đồng cảm với đứa con hoang đàng. Đôi khi vào thời điểm 5 giờ sáng mà tôi nhận ra với cảm giác chìm đắm rằng câu chuyện về cuộc đời tôi đang trôi tuột khỏi nơi nó được kêu gọi. Một cuộc hành trình trở về phải được thực hiện, một cuộc hành trình đầy lo lắng, không tin rằng ân sủng có thể được ban cho nhưng vẫn hy vọng. Những khoảnh khắc này nổi bật bởi vì chúng rất rõ ràng. Chúng là trắng đen, trước sau, từ đau khổ đến tha thứ. Chúng giống như những biển chỉ dẫn xuyên suốt tuổi thiếu niên và tuổi đôi mươi của tôi; những biển chỉ dẫn cho biết rằng bạn đã quay lại, và bạn đã được tha thứ. Chúng đòi hỏi lòng biết ơn, vì lòng biết ơn nảy sinh rất tự nhiên, vì bạn biết mình đã được tha thứ nhiều.
2.HẦU NHƯ KHÔNG AI ĐỒNG CẢM VỚI NGƯỜI CON THỨ
Bởi vì tôi có thể nghĩ ra một loạt những điều tôi đã không làm. Những cám dỗ mà tôi đã không nhượng bộ, bởi vì thật ra chúng khá dễ dàng từ bỏ. Những hy sinh khác mà tôi đã thực hiện thực sự, thực sự đau đớn nhưng tôi vẫn băn khoăn về chúng. Những lần tôi đã làm điều đúng đắn và cuộc sống trở nên nhàm chán vì điều đó. Những lần tôi nói với Chúa rằng tôi đã làm mọi điều đúng đắn, dâng cho Ngài mọi thứ tôi có thể, đổ mồ hôi và vất vả vì Ngài, và để làm gì? Ngài vẫn đối xử với tôi như vậy sao?
Tôi là người con lớn và kiêu hãnh nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’” (Lc 15:29-30)
Người con lớn có lẽ là cuộc sống hằng ngày của các Kitô hữu dấn thân, người Công giáo gốc, người hoán cải, là guồng quay hằng ngày của người chưa bao giờ rời Nhà Cha hoặc trở về từ rất lâu, đủ lâu cho phép màu tuyệt đối của sự trở lại đã phai nhòa.
Đó là lý do tại sao khó nhận ra rằng hoàn toàn không có sự khác biệt nào trong cách người cha đối xử với người con hoang đàng và người con lớn của ông. Người con lớn không thấy được điều đó. Hãy xem xét cẩn thận những gì anh ta nói với cha mình. Hãy nhìn vào sự tức giận của anh ta. Anh ta bị bao trùm trong cay đắng, bận tâm đến đúng và sai, vâng lời và không vâng lời. Anh ta nói rằng anh ấy đã “làm nô lệ” cho cha mình.
3.CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ NẾU NHẬN RA MÌNH LÀ NGƯỜI CON LỚN?
Điều thú vị là trong khi đứa con hoang đàng có giải pháp cho chuyện đời mình, còn người con lớn không có. Không biết anh ta có dẹp cơn giận sang một bên mà nhập tiệc, ôm em vào nhà nghinh đón hay không. Người con lớn không giải quyết được chuyện đời mình bởi vì anh ta không thực hiện cùng một hành động ăn năn mà cả hai anh em đều phải làm. Người con lớn không nghĩ rằng anh ta cần phải ăn năn. Chúng ta không biết anh ta làm gì tiếp theo, trái tim anh ấy hướng về đâu, có hướng ra ngoài tình yêu của cha mình hay không.
Chính chúng ta có thể bỏ lại đằng sau những chiếc lồng cay đắng và kiêu hãnh để tìm thấy hơi ấm của ngôi nhà mà chúng ta chưa từng rời xa hay không hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ chúng ta sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa. Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ việc mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết hơn với Ngài.
RUTH KENNEDY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ catholic-link.org)
Mùa Chay – 2023