Người ta nói: “đời như hoa trước gió” chẳng sai! Nó sớm nở chiều tàn. Nó mong manh như kiếp cỏ hoa. Nó phù du như mây hợp rồi tan. Theo thống kê của chính phủ thì trong đợt mưa lớn ngày 09 – 10/10 xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Bắc, gây nên lũ quét và sạt lở đã cướp cướp đi hàng trăm sinh mạng, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và hàng ngàn gia súc trôi dạt trên dòng nước mênh mông.
Nhìn vào những cái chết tức tưởi ấy ta mới thấy kiếp người thật mong manh. Cái chết không có tuổi. Không hẳn tuổi già cái chết mới đến, mà tuổi trẻ cũng có thể phải ra đi, vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ.” Có khi người trẻ lại ra đi trước người già như trong ca dao xưa đã nói:
Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống, có hay hỡi trời.
Sự thật này nói lên tính cách mong manh của kiếp sống con người. Thật mong mang như hoa cỏ đồng nội mà thánh vịnh 102 cũng từng nói tới:
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một con gió thoảng là xong,
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(Tv 102,15-16)
Nghĩ đến thân phận mỏng dòn của kiếp người, trong tâm hồn tôi chợt vang lên giai điệu bài hát “Nay anh mai tôi” của Tuấn Kim. Lời bài hát đã bóc trần sự phù du của kiếp người hòa với giai điệu du dương khi trầm khi bổng như xé nát tâm can vì nó diễn tả quá đúng về kiếp người “nay anh mai tôi” sẽ lần lượt đi qua con đường hẹp là sự chết.
Giai điệu bài hát như dội vào tim, khiến tôi cũng muốn cất lên lời hát:
“Nay anh mai tôi, chung đường chung lối,
xuôi tay ra đi giã từ cuộc đời”.
Nhưng cuộc ra đi này cũng có phần an ủi cho kiếp người lắm truân chuyên nhiều nước mắt, vì nó mở ra cho chúng ta một chân trời mới trong ngôi nhà Cha trên trời tràn đầy an vui.
“Vì trong tiếng cười có nước mắt rơi
Về nơi quê trời, bên Chúa an vui”.
Qua bài hát này ta thấy một chân lý đã được khẳng định:
“Ngày con sinh ra, Chúa đã biết rõ, ngày con qua đời Chúa không cho hay”.
Phận số cuộc đời không tùy thuộc vào ta. Sự sống hay chết đều nằm trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng có sinh có tử dường như là lẽ trời mà ai cũng phải chấp nhận “nay anh mai tôi” mà thôi!
“Dòng đời ngày qua bao kẻ chia xa, mà lòng thầm suy nay người mai ta, thế gian phù hoa.”
Thế nên, sự khôn ngoan như mời gọi ta hãy sống thanh thoát với cuộc đời, đừng quá bon chen thú vui hay lợi danh, vì khi chết có mang theo được gì đâu?
“Cuộc sống mong manh chớ ham lợi danh, ngày mai chết đi sẽ mang được gì?”
Tháng 11 là tháng để nhớ và cầu nguyện cho những người đã chết. Họ đã về với Chúa, với họ là niềm vui, vì được chuyển đổi từ sự sống tạm trần gian qua sự sống vĩnh cửu quê trời, được chuyển đổi nơi trần đời bi ai đầy nước mắt để tiến vào thiên đàng vĩnh phúc. Có lẽ, nếu được nghe thì họ sẽ đang nói với chúng ta như nhà văn John Bun-y-an đã nói: “Các bạn đừng than khóc cho tôi. Tôi sẽ về nhà đời đời nơi Đức Chúa Trời là Cha Đức Giêsu Kytô: Ngài sẽ tiếp rước tôi dù tôi là một tội nhân bởi công lao cứu chuộc của Con Ngài. Tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau trên nước sáng láng của Chúa để hát bài ca mới và sống hạnh phúc trong cõi đời đời.”
Thế nhưng, trong thân phận con người ai cũng có yếu đuối cần được ân hưởng máu cứu chuộc của Con Thiên Chúa, vì “ai nên khôn mà không dại một lần.” Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa. Vì thế, trong tình liên đới giữa người với người, và nhất là trong đạo hiếu Việt Nam luôn mời gọi con cái hãy biết đền ơn đáp nghĩa mẹ cha qua những thánh lễ cầu nguyện cho những người đã khuất, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các tiền nhân. Nhớ đến công lao cha mẹ không chỉ bằng những giọt nước mắt nuối tiếc mà cần phải tỏ lòng hiếu thảo qua lời kinh cầu hằng đêm và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm cho cha mẹ mới là tấm lòng hiếu thảo mà tổ tiên đang cần nơi con cháu chúng ta.
Ước mong khi nhìn về kiếp người mong manh ta hãy cầu nguyện cho những người đã khuất hôm nay để ngày mai sẽ gặp nhau trên quê trời. Chúng ta hãy tín thác ông bà cha mẹ và những người thân hữu đã qua đời nơi tình thương quan phòng của Chúa. Amen!
Lm. Jos Tạ duy Tuyền