Home / Chia Sẻ / Năm vị thánh có thói quen lành mạnh

Năm vị thánh có thói quen lành mạnh

fr.aleteia.org, Linh mục Michael Rennier, 2017-09-30

Chăm lo cơ thể và sức khỏe, đó là thiết yếu! Tấm gương của năm vị thánh nổi tiếng chăm lo sức khỏe, từ Thánh Luca thánh sử đến Thánh Gioan Phaolô II, Hildegarde de Bingen, Pier Giorgio Frassati và hai thánh song sinh Cômê và Damien…

Người ta thường hay nghĩ các thánh là những vị thuộc về một thế giới khác, người có tâm hồn thanh khiết, chỉ nghĩ chuyện trên Trời, hay ăn chay, không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời vì cả ngày họ ở trong căn phòng nhỏ xíu cầu nguyện, loại phòng chỉ có một cửa sổ bé tí! Vì thế họ thường có hình ảnh xanh xao ốm yếu… Đương nhiên là có một số thánh như thế thật!

Nhưng cũng có những vị thánh tràn đầy sức khỏe, thích sống ngoài thiên nhiên, chơi thể thao nhiều và quan tâm đến sức khỏe người khác. Chúng ta có năm vị thánh với thân thể tráng kiện và có đời sống thiêng liêng vững mạnh. 

Thánh Gioan-Phaolô II, giáo hoàng thể thao

Đức Gioan-Phaolô II là giáo hoàng được mến chuộng, người đã làm cho chế độ cộng sản sụp đổ, người thu hút đông đảo giới trẻ tham dự những Ngày Thế giới Trẻ. Nhưng ngài cũng được biết đến như một nhà mê thể thao, thích  leo núi với túi xắc trên lưng, thích chèo thuyền và trượt tuyết. Ngài thích thể thao đến mức ngài hay có các buổi nói chuyện với các nhóm hay các câu lạc bộ thể thao, nội dung không phải để nói về dụng cụ thể thao hay thành tích chiến thắng nhưng về ý nghĩa sâu xa của sinh hoạt thể dục thể thao.

Theo Đức Gioan-Phaolô II, thể xác và tâm hồn liên kết chặt chẽ với nhau. Ngài đã nói như trên trong bài diễn văn với nhóm cầu thủ đá banh Quốc gia Ý, bộ môn được xem là một trong các môn thể thao làm hưng phấn cả về mặt trí tuệ. Ngài nói với các cầu thủ: “Khi sinh hoạt thể dục thể thao tốt, nó làm cho cơ thể phát triển về sức mạnh, về năng khiếu, về hài hòa, về sức đề kháng và cả về sự phát triển sức mạnh nội tâm. Lúc đó thể thao là trường học của lòng trung thực, can đảm, kiên trì và tình huynh đệ.

Pier Giorgio Frassati, người miền núi

Pier Giorgio sinh ở Ý năm 1901. Ngy qua đời sớm vì bị bệnh bại liệt trẻ em. Đó là điều đau khổ cho thân nhân ngài vì trước khi bị bệnh, ngài là hình ảnh của một người đầy sức khỏe. Ngài đặc biệt thích các môn thể thao ngoài trời, ngài đi bộ, trượt tuyết, leo núi. Đặc biệt ngài thích leo núi và ngài thường leo lên đỉnh trước các bạn cùng nhóm.

Khi nào ngài cũng có tràng hạt trong túi và ống điếu để một khi lên đỉnh cao, ngài “rít” một hơi! Có một tấm hình Pier Giorgio leo núi một tháng trước khi qua đời, ở mặt sau tấm hình, ngài viết: “Tiến đến các đỉnh cao”. Một câu châm ngôn áp dụng cho việc đi tìm một đời sống thiêng liêng, tìm niềm vui và tìm một sức khỏe tráng kiện… Trong tất cả những gì bạn làm, hãy hướng lên cao!

 

Hildegarde de Bingen, “thầy thuốc nam” 

Hildegarde sinh vào đầu thế kỷ 12. Được xem là vị nữ thánh bác sĩ đầu tiên, nhà thực vật học người Đức. Khi còn trẻ, Chúa đã mạc khải cho thánh nhân các thị kiến mà Đức Giáo hoàng xin bà chia sẻ với người khác và đã làm cho Thánh Hildegarde trở thành danh tiếng. Bà cũng là vị thánh thông minh, viết rất nhiều tác phẩm với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó có một sách nói về thảo mộc và trị liệu bằng cây cỏ. Đây là quyển sách nói về cây cỏ và thú vật được dùng trong y khoa. Chẳng hạn dùng cúc ngải để trị họ, trị chứng sổ mũi.

Dĩ nhiên không ai mong muốn trở về thời mà y khoa chưa phát triển, nhưng các phương pháp mà Thánh Hildegarde dùng cho thấy, đó là cả một nền tảng của sự hiểu biết ngày càng lớn về y khoa và chăm sóc sức khỏe. Bây giờ vẫn còn nhiều người dùng các hiểu biết về cây cối của Thánh Bingen để chữa trị. Ngoài các thị kiến và những lần ngây ngất khi cầu nguyện, Thánh Hildegarde còn quan tâm đến các khoa học tự nhiên, vấn đề sức khỏe và đã làm cho thánh nhân là một nhân vật phi thường. 

Thánh Luca, bác sĩ

Với sách Phúc Âm và Công vụ Tông đồ, Thánh Luca đã viết quyển sách lớn nhất của mọi thời. Nhưng viết không phải là công việc chính của ngài, ngài còn là bác sĩ… Nghề của ngài không phải là một bí mật dù không được nêu rõ trong Phúc Âm, nhưng được thấy qua một vài chỉ dẫn.

Chẳng hạn khi ngài kể câu chuyện con lạc đà không thể chui qua lỗ kim, ngài dùng thuật ngữ mô tả cái kim dùng trong phẫu thuật chứ không phải bất cứ loại kim nào. Khi tả người đàn bà đau khổ xin Chúa Giêsu chữa lành, ngài không ngần ngại châm chích một chút các đồng nghiệp của mình khi tả “người đàn bà tiêu hết tài sản của mình cho các bác sĩ, nhưng không ai chữa lành”. Ngài cũng gãi nhẹ các bác sĩ khi ngài kể chuyện Chúa Giêsu trích một câu ngạn ngữ quen thuôc: “Bác sĩ, ông hãy tự chữa cho mình”.

Thánh Luca quan tâm đến y khoa và các vấn đề sức khỏe là chuyện rõ ràng. Nhưng ngài hiểu sức khỏe còn vượt qua khỏi khoa học, khi ngài nói về chữa lành là ngài vừa nói chữa lành cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. 

Thánh Cômê và Damien, thánh song sinh chữa bệnh

Thánh Cômê và Damien là hai thánh song sanh sống ở thế kỷ thứ 3. Cả hai đều học y khoa và hành nghề trong miền Syria một cách uyên bác. Tương truyền hai thánh đã tháp chân mới cho một người bệnh, như thế đây là trường họp ghép cơ quan đầu tiên của thế giới!

Khi hành nghề y khoa, cả hai đều mong họ là người chữa lành cho những người đau khổ. Tiền bạc không quan trọng đối với hai tôi, người đương thời gọi hai thánh là “người không tiền bạc” bởi vì họ không nhận một thù lao nào cho các việc mình làm. Bây giờ hai thánh là bổn mạng của các bác sĩ phẫu thuật và những người hiến tặng cơ quan.

Các thánh là bằng chứng cho việc quan tâm đến người khác, nhất là chăm lo sức khỏe cho người bệnh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN