Năm Thánh Thương Xót tha các tội bị dứt phép thông công.
Nói chuyện với Linh Mục Arturro Cattaneo, thần học gia và chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia
Trong sắc lệnh công bố Năm Thánh Thương Xót “Misericordiae vultus” ĐTC Phanxicô khẳng định rằng trong Mùa Chay của Năm Thánh ngài sẽ gửi tới trong mọi giáo phận toàn thế giới các “Thừa sai của Lòng Thương Xót” như “dấu chỉ sống động cho thấy Thiên Chúa Cha tiếp đón tất cả những ai kiếm tìm sự tha thứ của Ngài như thế nào”. ĐTC giải thích rằng đó sẽ là các Linh Mục mà ngài ban cho quyền tha cả các tội dành cho Ngai Tòa Thánh Phêrô.
Thế nhưng dâu là các tội đặc biệt này mà ĐTC ban năng quyền giải chúng cho các Thừa Sai của Lòng Thương Xót?
Sau đây là các câu trả lời của Linh Mục Arturo Cattaneo, Linh mục thuộc giáo hạt tòng nhân Opus Dei, thần học gia kiêm chuyên viên giáo luật, giáo sư Phân khoa thần học Lugano, bắc Italia, liên quan tới các nhiệm vụ của các Linh Mục đặc biệt này trọng Năm Thánh Thương Xót.
Hỏi: Thưa cha, các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội nào, có phải là các tội trọng mà chỉ có Đức Gíáo Hoàng mới có quyền tha hay không?
Đáp: Các tội dành cho quyền của Toà Thánh là các tội mà Giáo Hội cho là các tội đặc biệt nặng, bởi vì chúng gây thiệt hại cho các thiện ích quan trọng mà Giáo Hội cho là phải che chở một cách đặc biệt. Vì thế Giáo Hội không chỉ coi đó là các tội trọng mà là các “tội phạm” đích thật, và vì thế thấy trước một hình phạt giáo luật. Thật vậy, những ai phạm các tội này, trong một vài trường hợp, thì một cách tự động, rơi vào một hình phạt giáo luật, hình phạt nặng nhất là bị dứt phép thông công. Vài tội phạm này được dành riêng cho Tòa Thánh, trong nghĩa chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có quyền tha các hình phạt tương đương mà thôi.
Hỏi: Thế đâu là các tội mà chỉ có Tòa Thánh mới có quyền tha các hình phạt tương đương?
Đáp: Hiện nay theo Giáo Luật hiện hành có 5 tội phạm, nhưng ĐTC Biển Đức XVI đã thêm vào tội thứ sáu liên quan tới “vi phạm bí mật của Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng”. Năm tội phạm đã được Giáo Luật kể ra là: thứ nhất, xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa; thứ hai dùng bạo lực thể lý chống lại Đức Giáo Hoàng; thứ ba, truyền chức Giám Mục không có sự uỷ quyền của Đức Giáo Hoàng: thí dụ điển hình là vụ ĐTGM Lefebvre phong chức Giám Mục mà không có phép của Đức Giáo Hoàng; thứ tư, ban phép giải tội cho tòng phạm trong tội dâm dục tức điều răn thứ sáu; thứ năm trực tiếp vi phạm Ấn bí tích, nghĩa là vi phạm bí mật tòa giải tội.
Hỏi: Tất cả các tội kể trên đều có hình phạt là bị vạ tuyệt thông tự động, và chỉ có Đức Giáo Hoàng mới có thể tha, có đúng thế không thưa cha?
Đáp: Vâng, trong cả 6 trường hợp kể trên việc tha vạ tuyệt thông được dành cho Tòa Thánh. Thật thế, đây là hình phạt tuyệt thông gọi là “latae sententiae”, ai phạm một trong các tội này thì tự động và tức khắc bị dứt phép thông công, mà không cần phải có lời tuyên bố hay đưa ra hình phạt “dứt phép thông công” từ Đức Giáo Hoàng, hay từ Giám Mục, hoặc một tòa án của Giáo Hội. Vạ dứt phép thông công cũng có thể được tuyên bố cho rõ ràng hơn như đã xảy ra cho trường hợp của ĐGM Lefebvre chẳng hạn, cả khi nó không cần thiết cho các mục đích giáo luật.
Bình thường Đức Giáo Hoàng ban phép cho vị Chánh Án Toà Ân Giải Tối Cao, hiện nay là ĐHY Mauro Piacenza, quyền tha các hình phạt này. Tuy nhiên, có các tội trọng khác mà Giáo Hội coi là các “tội phạm”, và bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông nhưng không dành cho Tòa Thánh, mà dành cho Giám Mục giáo phận. Trong mỗi giáo phận có một vị Chánh Án tối cao có quyền tha các hình phạt ấy. Cả các linh mục tuyên úy các nhà tù và các nhà thương cũng có quyền đó.
Hỏi: Thưa cha, thế còn trường hỏp phá thai thì sao?
Đáp: Trường hợp phá thai là trường hợp được biết nhiều nhất bao gồm hình phạt vạ tuyệt thông, nhưng việc giải vạ không được dành cho Tòa Thánh. Phá thai là một trường hợp đặc biệt tự động bị vạ tuyệt thông, không phải chỉ cho người mẹ đã phá thai, mà cả cho người chồng hay các người bà con đã khiến cho người mẹ phá thai, và nhân viên y tế tức các bác sĩ và y tá cộng tác tích cực vào việc phá thai.
Hỏi: Các thừa sai của Lòng Thương Xót có các quyền này không thưa cha?
Đáp: Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót sẽ được ban cho quyền tha bất cứ hình phạt nào theo giáo luật. Từ vạ tuyệt thông dành cho Tòa Thánh, cho tới các vạ tuyệt thông khác nữa, mà thường chỉ có Giám Mục giáo phận hay Kinh Sĩ Chánh Án của giáo phận mới có quyền tha.
Hỏi: Thế nội dung của vạ tuyệt thông bao gồm những gì thưa cha?
Đáp: Hậu qủa chính của vạ tuyệt thông là cấm lãnh nhận các bí tích, bao gồm cả bí tích Hòa Giải, tức bí tích Giải Tội. Vì thế, một người bị vạ tuyệt thông không thể lãnh nhận bí tích Hòa Giải, nếu trước đó dã không được giải vạ tuyệt thông. Bình thường cha giải tội không có quyền tha vạ tuyệt thông. Vì vậy khi linh mục giải tội tiếp nhận một hối nhân và nhận thấy họ bị vạ tuyệt thông, thì không thể ban phép giải tha tội cho họ, mà phải gửi họ, tùy theo trường hợp, tới với vị Chánh Án Tòa Ân Giải Tối Cao thay thế Đúc Giáo Hoàng, hay tới linh mục Chánh Án giáo phận, để họ có thể được tha vạ tuyệt thông trước khi nhận việc xá giải bí tích. Ở đây gương mặt của các Thừa Sai Lòng Thương Xót nổi bật, vì các vị có quyền trực tiếp tha vạ tuyệt thông, rồi ban phép giải tội để khiến cho việc hòa giải của các tín hữu được dễ dàng hơn.
Hỏi: Cha nghĩ gì về sáng kiến này của ĐTC Phanxicô trong Năm Thánh Lòng Thương Xót?
Đáp: Việc tạo ra hình ảnh này của vị Thừa Sai Lòng Thương Xót là một ý tưởng rất hay đẹp của ĐTC. Một mặt nó khiến cho tín hữu suy tư về sự trầm trọng của vài tội. Nhất là tôi nghĩ tới tội phá thai, là một trong các tội phạm bị vạ tuyệt thông, là một tội chắc chắn rất thường xảy ra. Nhưng đồng thời ĐTC cũng đi gặp gỡ các tín hữu qua cử chỉ này, bằng cách khiến cho họ có thể tiếp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn, được tỏ hiện qua Giáo Hội.
Hỏi: Đây cũng là một kiểu giúp tái khám phá ra việc xưng tội hay lãnh bí tích Hòa Giải, có đúng vậy không thưa cha?
Đáp: Vâng, đúng thế. Tôi tin tưởng rằng Năm Thánh ngoại thường này có thể giúp nhiều tín hữu tái khám phá ra vẻ đẹp của bí tích của Lòng Thương Xót, là bí tích Giải Tội. Những trường hợp mà chúng ta đã kể ra trên đây là những trường hợp đặc biệt, nhưng có biết bao tín hữu đã đánh mất đi giá trị của bí tích này, là bí tích có thể sinh ích lợi lớn lao và trợ giúp biết bao người. Vì thế, ngay từ đầu triều đại của ngài ĐTC Phanxicô đã dấn thân mời gọi tín hữu hòa giải với Thiên Chúa, và không mệt mỏi xin ơn tha thứ. Tôi cầu mong rằng một trong các hoa trái của Năm Thánh này là chính việc đưa biết bao người tới gần vẻ đẹp và niềm vui của sự Hoà Giải.
(SD 9-5-2015)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietnamese Vatican Radio