Chiếc xe bảy chỗ rà rà, len lỏi qua các làn xe và những dòng người trên khoảng đường gần nửa cây số, tìm chỗ trống tấp vào. Chưa tới ngày giỗ 12 tháng Ba, nhưng xe cộ đã thấy nườm nượp, dòng người đã dập dìu tuôn về nhà thờ Tắc Sậy viếng mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Chúng tôi bước xuống xe, đi vào bên trong khuôn viên nhà thờ. Bầu khí bên trong tương đối trang nghiêm so với cảnh tượng huyên náo ngoài đường. Các tín hữu hành hương có nhóm đang bước vào tòa nhà đặt phần mộ cha, có nhóm bước lên các bậc thang vào nhà thờ dự lễ. Chúng tôi vào Nhà Chúa, kịp hiệp thông tham dự thánh lễ 7 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 28, tháng Hai vừa qua.
Trước lễ là nguyện kinh. Tôi say đắm giọng một phụ nữ xướng kinh cùng các bổn đạo rộn ràng hòa điệu theo giọng Nam Bộ, chân chất, êm đềm. Tôi càng say mê những lời kinh đơn sơ, mộc mạc đã thấm vào tâm trí tôi từ thuở nhỏ mỗi sáng đi lễ chủ nhật ở nhà thờ xứ đạo miền quê tôi: “Ngày Chúa Nhật hôm nay, chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, ca khen cảm tạ Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con… Vậy chúng con phải ân cần lo lắng mà năng chịu các phép bí tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh…” (Kinh Nghĩa Đức Tin). Cảm xúc tôi dâng trào hòa theo lời kinh: “Thương người có mười bốn mối. Thương xác bảy mối. Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ hai cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc… Thương linh hồn bảy mối. Thứ nhất lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai mở dạy kẻ mê muội… Thứ bảy cầu cho kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Thương Người Có 14 Mối). Năm Thánh Lòng Thương Xót, cùng nghe cùng đọc cùng suy gẫm những câu kinh này thật thấm thía, động lòng.
Dù là một trung tâm hành hương lớn, nhưng ngôi thánh đường giáo xứ Tắc Sậy không nguy nga, bề thế. Các giáo hữu bổn xứ và tín hữu hành hương thập phương tham dự thánh lễ ngồi chen lẫn nam nữ, lớn nhỏ bên nhau như là cùng một gia đình hoặc chung một nhóm. Giờ lễ trang trọng với ba linh mục đồng tế. Lần đầu tiên trong đời tôi bỗng rưng rưng nước mắt khi cùng cộng đoàn dân Chúa hát nguyện: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con… Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con”. Trước khi ban phép lành, cha chủ tế xướng Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, mọi người đồng thanh đọc theo để lãnh ơn toàn xá. (Giáo xứ Tắc Sậy được chọn làm điểm hành hương trong Năm Thánh của giáo phận Cần Thơ).
Thánh lễ đã xong, làm dấu Thánh giá nhận phép lành và lời chúc “đi bằng an” của cha chủ tế, chúng tôi theo dòng người hành hương bước xuống, tìm đến ngôi nhà đặt mộ phần cha Diệp. Khói hương nghi ngút lan tỏa mịt mù, thể hiện lòng sùng mộ của mọi người đã vào đây, thắp nhang, vái lạy cha. Kẻ đứng, người quỳ trước ngôi mộ vị mục tử quá cố, lâm râm khấn nguyện. Vợ tôi là một tín hữu tân tòng, lần đầu tiên đến đây nên có điều thắc mắc hỏi tôi: “Sao có nhiều người vào đây vái lạy cha Diệp thế? Có cả mấy người đem heo quay tới tạ”. Tôi trả lời: “Khách hành hương đến viếng mộ cha Diệp xin ơn này nọ không chỉ là những người Công giáo mà còn có những người theo đạo khác. Có những người xin cha được ơn nay trở lại tạ ơn cha theo tục lệ của họ.” Hương khói bên trong nghi ngút, khách hành hương ríu rít gọi nhau. Tôi ra ngoài sân đứng chút cho thoáng. Vợ tôi theo ra rồi vào lại, dường như đang đặt niềm tin nào đó nơi cha Diệp.
Gia đình cô em gái tôi cũng mới từ trên phòng xin khấn bước xuống. Đứa cháu trai đưa tôi tấm hình và tờ lịch in hình cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Chúng tôi ra xe, tìm chỗ ăn xế rồi bon bon về lại Sài Gòn. Đến nhà khoảng 5g30 chiều, kết thúc chặng đường hành hương Năm Thánh về nhà thờ Tắc Sậy khởi hành từ 10 giờ sáng hôm qua thứ Bảy, 27 tháng Hai. Trước khi kết thúc bài viết, tôi nhìn ngắm bức chân dung cha Diệp đặt bên trái trên bàn phím máy vi tính cùng với hàng chữ ghi phía dưới: CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP. Sinh: 01.01. 1897. Thụ phong Linh Mục: 1924. Tử Đạo: 12. 03. 1946. Một lần nữa tôi làm dấu Thánh giá khấn nguyện trong lòng: “Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhờ lời cầu thay của Tôi Tớ Chúa là cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, xin Chúa ban cho con an khang mọi phần, để con luôn bền lòng vững chí trong cuộc sống đức tin; luôn tận tâm, tận lực trong mọi hoạt động tông đồ, bác ái với vai trò là trưởng Legio một giáo xứ, một thành viên Caritas Tổng Giáo Phận, một thông tín viên Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót và trên hết là một người Kitô hữu. Amen.
Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa