Một buổi sáng trên xa lộ, một thanh niên gò lưng đạp xe lên dốc cầu Saigon. Hai gã trai khác trên chiếc xe máy lướt ngang “mượn” mất chiếc mũ của thanh niên kia. Tôi thoáng nghe một gã trai nói: “Cho mượn nghe huynh”. Ôi, phép lịch sự có thừa!
Một buổi chiều trên đoạn cuối đường Lạc Long Quân, quận 11, có hai cô gái trên chiếc xe máy. Chợt xuất hiện hai thanh niên sáp lại gần và “mượn” mất chiếc túi xách. Tự nhiên như ruồi!
Hành động “mượn” mà không hỏi đó tuy nhỏ mà không nhỏ. Có những điều người ta mượn nhau vô cớ. Vô tình hay cố ý? Dĩ nhiên họ chỉ “mượn” mà không bao giờ trả lại!
Tôi đã “mượn” thời gian của cuộc đời khi ngồi lê đôi mách, khi nói chuyện phiếm, nói chuyện “bù khú”, vu vơ “giết thời giờ” hoặc làm những điều vô bổ khác. Đừng nói chi đến hành động tác hại!
Tôi đã “mượn” mọi người tình thương khi tôi làm ngơ trước hoàn cảnh éo le hoặc tình huống khốn khổ của người khác. Tôi đành lòng khép chặt cửa trái tim mình! Tôi biết mà không chỉ cho người khác biết. Tôi thờ ơ lãnh đạm với tất cả mọi tình cảnh như những “chuyện thường ngày ở huyện”. Tôi ích kỷ!
“Mượn không trả” sẽ trở thành mượn không thể trả. William Makepeace Thackeray (1811-1863, tiểu thuyết gia người Anh) phân tích: “Gieo hành vi, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”. Một hệ lụy tất yếu vậy!
Tôi mắc nợ cuộc đời, mắc nợ mọi người, và mắc nợ cả chính tôi!
Chúa Giêsu dạy: “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:42). Ngài còn nhấn mạnh: “Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng” (Lc 6:34).
Và cuối cùng, mặc dù tôi vẫn chưa thanh toán xong các món nợ với tha nhân, tôi lại tiếp tục mắc nợ Thiên Chúa. Tôi thật tồi tệ và khốn nạn biết bao!
Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! (Lc 5:8).
TRẦM THIÊN THU