Home / Chia Sẻ / MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ

MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ

MƯỜI HAI TÔNG ĐỒỞ cuối Phúc Âm theo Thánh Mátthêu, trước khi mô tả Chúa Giêsu lên trời, Thánh sử cho biết Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20)

Như đã thấy trong sách Công Vụ và trong nhiều tác phẩm truyền thống Kitô giáo khác (ngụy thư hoặc không), có một nhiệm vụ thiêng liêng là đi khắp thế giới vì Tin Mừng, các tông đồ đã không lãng phí thời gian. Tất cả các tài liệu ban đầu cho biết rằng họ cầm cày ngay lập tức, tham gia công việc khó khăn là gieo hạt giống đức tin ở mọi nơi họ đi tới.

Vậy họ kết thúc ở đâu? Có phải họ thực làm nên các môn đệ của các quốc gia?

  1. PHÊRÔ – Theo truyền thống, người ta tin rằng Phêrô lần đầu tiên đến Antiôkia và thành lập một cộng đồng ở đó. Ông không ở lại lâu, nhưng ông thường được biết đến là giám mục đầu tiên của Antiôkia. Sau đó, có thể ông đã viếng thăm Côrintô trước khi đi Rôma. Ở đó, ông đã giúp thành lập cộng đồng Kitô giáo, và cuối cùng ông đã được tử đạo thời Nero khoảng năm 64 sau công nguyên tại Rôma. Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican được xây dựng trên mộ của Thánh Phêrô.
  2. ANRÊ – Sau Lễ Ngũ Tuần, nhiều truyền thống cổ xưa nói tới Anrê, anh của Phêrô, là tông đồ cho người Hy Lạp. Người ta tin rằng ông đã thuyết giảng cho các cộng đồng Hy Lạp và đã tử đạo tại Patras trên cây thập tự có hình chữ X. Cuối cùng, thánh tích của ông đã được chuyển đến Nhà thờ Duomo ở Amalfi, Ý.
  3. GIACÔBÊ TIỀN (LỚN) – Người ta tin rằng Giacôbê là tông đồ đầu tiên bị tử vì đạo. Kinh Thánh cho biết: “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan.” (Cv 12:1-2) Ông mất năm 44 sau công nguyên tại Giêrusalem, nhưng mộ của ông không ở gần vị trí này. Sau khi ông chết, thi thể được chuyển tới Tây Ban Nha và hiện đang được đặt tại Santiago de Compostela. Mộ của ông là điểm hành hương từ nhiều thế kỷ qua tại El Camino, và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay.
  4. GIOAN – Là tác giả sách Tin Mừng thứ tư và sách Khải Huyền, Gioan là tông đồ duy nhất không tử đạo. Trong sách Khải Huyền, ông viết từ đảo Pátmô, Hy Lạp: “Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pátmô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu.” (Kh 1:9). Ông chết khoảng năm 100 sau công nguyên và được mai táng gần Êphêsô.
  5. PHILÍPPHÊ – Trong những năm sau Lễ Hiện Xuống, Philípphê đã giúp cho các cộng đồng nói tiếng Hy Lạp. Người ta biết rất ít về những chuyến đi của ông, ngoại trừ việc ông tử đạo vào khoảng năm 80 sau công nguyên. Thánh tích của ông được đặt tại Nhà thờ Santi Apostoli, Rôma.
  6. BATÔLÔMÊÔ – Người ta biết rất ít về nỗ lực truyền giáo của Batôlômêô. Nhiều truyền thống khác nhau đã được ông giảng ở những vùng khác nhau. Người ta tin rằng ông đã tử đạo và hài cốt của ông hiện đang được đặt tại nhà thờ Thánh-Batôlômêô-ở-đảo, Rôma.
  7. TÔMA – Là tông đồ “đa nghi,” Thomas được biết đến rộng rãi nhờ các nỗ lực truyền giáo ở Ấn Độ. Có câu chuyện phổ biến về các chuyến đi của ông tập trung vào việc hoán cải một vị vua đa nghi ở địa phương. Ông mất khoảng năm 72 sau công nguyên và mộ của ông ở Mylapore, Ấn Độ.
  8. MÁTTHÊU – Là một trong bốn thánh sử, Thánh Mátthêu nổi tiếng nhất với sách Phúc Âm thứ nhất. Ông đã thuyết giảng cho các cộng đồng khác nhau ở Địa Trung Hải trước khi tử đạo ở Ethiopia. Mộ của ông ở nhà thờ tại Salerno, Ý.
  9. GIACÔBÊ HẬU (NHỎ) – Các học giả tin rằng Thánh Giacôbê Hậu là tác giả của thư Thánh Giacôbê trong Tân Ước. Sau khi các tông đồ giải tán và rời Giêrusalem, ông vẫn ở lại và trở thành giám mục đầu tiên tại Thành Thánh. Ông ở đó vài thập niên cho đến khi bị chính quyền Do Thái ném đá đến chết năm 62. Một số thánh tích của ông có thể được tìm thấy ở nhà thờ Santi Apostoli, Rôma. Người ta cũng tin rằng mộ của ông ở nhà thờ Thánh Giacôbê ở Giêrusalem.
  10. GIUĐA TAĐÊÔ – Người tông đồ bị lãng quên bởi vì tên của ông giống với Giuđa Ítcariốt, Giuđa Tađêô đã rao giảng Phúc Âm ở nhiều nơi khác nhau. Ông được Giáo Hội Armenia tôn kính là tông đồ của người Armenia. Ông chịu tử đạo khoảng năm 65 sau công nguyên tại Beirut, Lebanon. Hài cốt của ông hiện ở Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma.
  11. SIMON NHIỆT THÀNH – Simon thường được đề cập cùng với Giuđa Tađêô. Một số người tin rằng họ đã rao giảng Phúc Âm cùng nhau. Điều này một phần là do một truyền thống nói rằng cả hai đều tử đạo ở Beirut trong cùng một năm. Một số thánh tích của ông được cho là ở Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma.
  12. MÁTTHIA – Sau khi được chọn làm tông đồ, thay thế cho Giuđa Ítcariốt, một truyền thống nói rằng Mátthia đã thành lập một Giáo Hội ở Cappadocia và giúp cho các Kitô hữu tại duyên hải Caspia. Người ta tin rằng ông đã tử đạo, bị người ngoại đạo chặt đầu bằng rìu, ở Colchis. Một số thánh tích của ông được cho là được Thánh Helena mang tới Rôma.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Đêm 14-07-2020

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …