Home / Tiêu Điểm / Mười điểm về Đức Giáo hoàng Phanxicô

Mười điểm về Đức Giáo hoàng Phanxicô

Từ thời điểm ngài bước ra ban công Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, khi được bầu lên ngai giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến cả thế giới chú ý vì thông điệp đơn sơ về tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Và đây là 10 điểm bạn cần biết về Giáo hoàng Phanxicô:

pope-francis (11)

1-Đức Giáo hoàng Phanxicô là giáo hoàng của những cái đầu tiên.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên nhận xưng hiệu là ‘Phanxicô’, lấy theo tên của thánh Phanxicô thành Assisi, vị tu sỹ rong ruổi và là vị thánh lớn của người nghèo và người bị áp bức.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ, được sinh ra và dưỡng dục tại Argentina trong một gia đình Ý nhập cư.

Ngài là giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, được thành lập bởi thánh Inhaxiô thành Loyola, là nơi phát xuất nhiều vị phúc âm hóa và nhà cải cách lớn.

Cuối cùng, ngài là giáo hoàng đầu tiên được phong chức linh mục sau Công đồng Vatican II, công đồng chung đã hiện đại hóa Giáo hội. Với giáo hoàng Phanxicô, Vatican II là ‘công việc tuyệt đẹp của Thánh Thần,’ và là ‘phong trào canh tân đơn thuần đến từ Tin mừng.’

2-Giáo hoàng Phanxicô là một tội nhân.

Vâng, một tội nhân như mọi người khác, nhưng là một tội nhân mà Thiên Chúa lòng lành đã nhìn đến và kêu gọi sống đời phục vụ. Cảm nghiệm lòng đạo của ngài có thể gói gọn trong khẩu hiệu của ngài Miserando atque Eligendo. Câu này, được trích từ bài giảng của thánh Bede Khả kính, cũng là khẩu hiệu giám mục của đức cha Jorge Mario Bergoglio, rồi vẫn tiếp tục là thế khi ngài làm giáo hoàng. Dịch ra, câu này có nghĩa là, ‘Được Ngài thương xót và chọn lấy.’ Thánh Bede suy niệm về cách Chúa Giêsu Kitô gọi Matthêu, một người thu thuế bị người ta căm ghét. Với lòng thương xót, Chúa gọi Matthêu, ‘Hãy theo Ta.’ Phanxicô, từng có thời làm bảo vệ câu lạc bộ, đã nói với bạn cùng dòng Antonio Spadaro rằng: ‘Ngón tay Chúa Giêsu chỉ về Matthêu. Là tôi đó. Tôi cảm thấy mình như … Matthêu vậy.’

Tổng giám mục Jorge Mario Bergoglio

3-Và vì thế, với giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội phải nên giống như một ‘bệnh viện dã chiến sau trận đánh,’ với các giám mục phục vụ như những mục tử thực sự, và các linh mục dành thêm nhiều thời gian cho việc giải tội, xoa dịu những linh hồn thương tích. Ngài đã nói rằng, ‘Trên tất cả, các thừa tác viên của Giáo hội, phải là các thừa tác viên của lòng thương xót.’ Các linh mục phải tránh xa thói tham danh vọng hay miếng bả là leo lên các vị trí cao trong hàng giáo phẩm. Các giám mục phải tránh ‘tai ác’ của việc trở thành một ‘giám mục sân bay’ và phải chăm sóc đàn chiên được giao phó cho mình. Ngài đã nói rõ rằng, ‘Các thừa tác viên của Tin mừng phải là những người có thể sưởi ấm quả tim của dân chúng, phải là người cùng họ bước qua đêm đen, là người biết cách để đối thoại và đi vào bóng đêm của dân, vào bóng tối đó nhưng không để mình bị lạc lối.’

4-Giáo hoàng Phanxicô muốn giữ mọi chuyện đơn sơ.

Những chiếc Limousin rõ ràng không phải là thứ thường dùng của vị giáo hoàng tiết kiệm này, người đi tàu bằng vé tháng thời còn làm giám mục ở Buenos Aires. Đến bây giờ, giáo hoàng vẫn mang chiếc vali cũ của mình, vẫn giữ chiếc nhẫn cũ và thánh giá bạc từ thời được phong hồng y năm 2001. Rất nhiều bài báo đã viết về việc Đức Thánh Cha quyết định sống tại Nhà trọ thánh Martha, nhà cư trú của Vatican dành cho các linh mục khách, hơn là sống tại Căn hộ giáo hoàng trong Dinh thự Tông Đồ. Giáo hoàng Phanxicô đã làm rõ rằng, nơi ở của các vị tiền nhiệm, dù rộng rãi và được trang trí thẫm mỹ, nhưng không có gì xa hoa. Lý do ngài không muốn đến đó ở, đơn giản là vì ngài muốn mình có thể được gặp mọi người. Ngài đã nói với cha Spadaro rằng: ‘Tôi không thể sống thiếu mọi người. Tôi cần sống đời mình với những người khác.’

pope24n-4-web

5-Việc ‘hai giáo hoàng’ tại Vatican hoàn toàn chẳng khiến ngài thấy phiền.

Trong lòng giáo hoàng Phanxicô chỉ có những tình cảm mến sâu đậm dành cho ‘người anh’, là Giáo hoàng Danh dự Benedicto XVI, đang sống trong một tu viện ở Vatican. ‘Ngài là một con người của Chúa, một người khiêm nhượng, con người cầu nguyện,’ đó là lời giáo hoàng Phanxicô nói với các nhà báo trên chuyến bay về Roma sau Đại hội Giới trẻ Thế giới 2013 tại Rio de Janero. ‘Như thể bạn có người ông trong nhà vậy, một người ông khôn ngoan. Khi các gia đình có một người ông trong nhà, thì đó là người đáng tôn kính, được yêu thương và lắng nghe. Giáo hoàng Benedicto là một người hết sức nghiêm túc. Ngài không can thiệp vào công việc!’ Giáo hoàng Phanxicô cũng ủng hộ những cải cách của vị tiền nhiệm như việc cho dùng rộng rãi hơn Phụng vụ Thánh lễ theo nghi thức La Tinh truyền thống, việc mà ngài đã mô tả là ‘nghiêm túc và được đánh động bởi khao khát muốn giúp dân Chúa có được nhạy cảm này’.

6-Ngài là một người cải cách.

Giáo hoàng Phanxicô không sợ lay chuyển mọi sự. Đức Thánh Cha đã tiến hành nhiều cải tổ tại Trụ sở các Công việc Tôn giáo (hay còn gọi là Ngân hàng Vatican), một việc đã được khơi mào từ thời vị tiền nhiệm Benedicto XVI. Tháng 2 năm 2014, ngài đã lập một chức danh mới, Phòng Kinh tế, hoạt động như giám sát tài chính Vatican. Văn phòng này báo cáo với Hội đồng Kinh tế mới được thành lập, bao gồm 7 hồng y và giám mục, và 7 thành viên nữa là các chuyên gia giáo dân, một việc chưa từng có. Gần đây, giáo hoàng Phanxicô đã lập một ban cố vấn, với 8 hồng y tín nhiệm, công việc của họ là cố vấn cho ngài trong việc cải tổ Giáo triều Roma và công tác quản trị Giáo hội Hoàn vũ.

Vui tuoi cuoi

7-Giáo hoàng Phanxicô nói ‘không’ với một nền kinh tế loại trừ.

Đức Thánh Cha đã củng cố Huấn giáo Xã hội của Giáo hội Công giáo bằng Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng). Ngài nói ‘không’ với một nền kinh tế thúc đẩy sự bất bình đẳng, một ‘nền văn hóa dùng một lần rồi vứt’, và ‘thói thờ ngẫu tượng tiền bạc.’ Ngài than rằng: ‘Tin tức chẳng nói gì khi một người già vô gia cư chết phơi xác trên đường, nhưng lại rộn lên khi thị trường chứng khoán mất 2 điểm, thế là thế nào?’ Giải pháp cho việc này là, giải quyết, không chần chừ, những căn nguyên mang tính cơ chế gây nên sự nghèo đói. Phúc lợi chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Và còn cần phải loại trừ nạn đầu cơ tài chính và sự tự tác tuyệt đối của thị trường.

8-Với giáo hoàng Phanxicô, Kitô hữu không được rơi vào cái bẫy ‘quy về bản thân nhưng ẩn trong vỏ bọc là một thứ tôn giáo không có Chúa,’ hay là cái mà ngài gọi là sự trần tục hóa đường thiêng liêng. Trong tông thư Niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh Cha đã giải thích rằng, ‘Sự trần tục tâm linh vốn ẩn sau vẻ ngoại sùng đạo và thậm chí là yêu mến Giáo hội, nó chẳng quyết tâm tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, nhưng là tìm vinh quang con người và sung túc cho bản thân.’ Một giáo hội trần tục có thể mang lấy những bận tâm đầy phô trương với các học thuyết và thanh thế, những thành tựu xã hội và chính trị, hay một đời sống xã hội ‘đầy thể hiện, các buổi họp, tiệc tối và nghi thức.’ Và trong cái ‘tâm thức kinh doanh’ đó, người ta có thể ‘bị chìm trong việc điều hành, thống kê, kế hoạch, và định giá, những thứ mà người hưởng lợi sẽ không phải là dân Chúa nhưng là một Giáo hội kiểu công ty.’ Để tránh điều này, Giáo hội phải ‘không ngừng ra khỏi chính mình, giữ sứ mạng của mình luôn quy hướng về Chúa Giêsu Kitô, và luôn tận tâm vì người nghèo.’

9-Giáo hoàng Phanxicô là một người nhiệt thành với Mẹ Diễm phúc. Khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đến viếng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Roma, hai lần, để lần hạt và ký thác triều giáo hoàng của mình vào tay Mẹ Thiên Chúa. Châu Mỹ La tinh, nơi giáo hoàng xuất thân, được biết đến đặc biệt vì lòng gần gũi với Đức Mẹ, và là nơi có những đền thánh kính Đức Mẹ như Guadalupe và Aparecida. Giáo hoàng Phanxicô tin rằng, Đức Mẹ có vai trò không thể thiếu trong công việc của cuộc Tân Phúc âm hóa. ‘Bất kỳ khi nào chúng ta hướng về Mẹ, chúng ta lại một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình yêu và sự dịu hiền. Nơi Mẹ, chúng ta thấy được rằng, sự khiêm nhượng và dịu hiền không phải là đức tính của người yếu đuối, nhưng là của những người mạnh mẽ, những người không được xử tệ với người khác vì muốn thấy mình quan trọng.’

Pope Francis touches a painting of the Virgin Mary as he arrives to lead the Holy Rosary at the Saint Mary Major Basilica in Rome

10-Giáo hoàng Phanxicô là con cái Giáo hội.

Cái gọi là ‘Hiệu ứng Phanxicô’ đã trở thành câu cửa miệng của giới truyền thông, và một vài nhà bình luận đã đi xa đến mức dự đoán sẽ có những thay đổi cấp tiến cho Giáo hội 2000 năm tuổi này. Nhưng Giáo hoàng Phanxicô đã làm rõ rằng: quan điểm của Giáo hội về các vấn đề luân lý cũng là quan điểm của ngài. Ngài đã nhận rằng, ‘Tôi là con cái Giáo hội.’ Ngài cho rằng, thời này, phải bận tâm đến ‘những nhu cầu thiết thực’, và Tin mừng phải có một tác động thực sự trên các tín hữu. Những nhận định của Giáo hội phải được nói ra với một tình thương yêu chân thật, bởi lòng thương xót của Chúa là không giới hạn. Giáo hoàng nói rằng: Chúng ta phải tìm kiếm một sự cân bằng mới, nếu không, ngay cả công trình luân lý của giáo hội cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà làm bằng giấy, đánh mất sự tươi mới và hương thơm của Tin mừng. Những đề xuất từ Tin mừng phải đơn sơ, sâu sắc và rạng rỡ hơn. Chính từ đề xuất như thế, sẽ tuôn trào các hệ quả luân lý.’

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …