Tuy các tài liệu lịch sử về Đức Maria rất hiếm, nhưng bên cạnh đó lại có nhiều truyền thuyết chung quanh cuộc đời Đức Mẹ, cũng tương tự như đối với Chúa Giê-su. Các sách Tin Mừng hầu hết đều chú trọng đến hoạt động công khai của Đức Ki-tô, đặc biệt là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Cũng nhằm đáp ứng óc hiếu kỳ của độc giả nói chung – các tín hữu nói riêng – nhiều truyền kỳ đã được soạn với những chi tiết liên quan đến gia thế và thời thơ ấu cũng như hành trình Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Người. Đó là nguồn gốc các sách được gọi là “ngụy Phúc Âm” soạn theo thể văn của Tin Mừng chính hiệu. Các sách này xuất hiện từ thế kỷ thứ II trở đi.
Mỗi lần đi tìm gia thế của Đức Giê-su, thì lại bắt gặp những truyền kỳ về Đức Maria, nổi tiếng nhất là tác phẩm được đặt tên là “Proto-Evangeliun Jacobi – Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (1). Tác phẩm này được soạn từ một người tự xưng là Gia-cô-bê, người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước). Tác phẩm “Proto-Evangeliun Jacobi” cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria). Dựa theo tác phẩm này, người đọc được biết quý danh song thân Đức Maria là ông Gioakim và bà Anna. Sách gồm 24 chương chia làm ba phần:
* Phần I (16 chương đầu) kể lai lịch, thời thơ ấu của Đức Maria.
* Phần II (5 chương từ 17 tới 21) thuật lại các phép lạ xung quanh việc sinh hạ Đức Giê-su.
* Phần III (3 chương cuối: 22-24) kể chuyện vua Hê-rô-đê tàn sát các thiếu nhi ở Bê-lem.
Trước hết, xin tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “ngụy Phúc Âm” trong những bản dịch tiếng Việt của HĐGMVN. Mới nghe tiếng “ngụy” thì giật mình, vì nó mang một ý nghĩa xấu (Ngụy thư: ngụy là sai trái, giả tạo; thư là sách báo, văn thư). Từ điển Hán Nôm của Nguyễn Quốc Hùng định nghĩa Ngụy thư là “Loại sách sai lầm, vô giá trị – Loại sách giả mạo, không phải thật do đời xưa truyền lại.” Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu thì định nghĩa Ngụy thư (偽 書) là: 1- Sách mạo danh người xưa viết ra, không phải thật của tiền nhân truyền lại. 2- Ngụy tạo văn thư. Nếu khách quan nhận xét thì có thể coi Ngụy Phúc Âm “Proto-Evangeliun Jacobi” theo nghĩa 1 của Từ điển Thiều Chửu (vì chính tác giả đã mạo danh Thánh Gia-cô-bê Tông đồ, người anh em cùng cha khác mẹ của Đức Giê-su).
Tuy nhiên, nếu tìm về nguyên bản La-tinh thì có thể hiểu rõ hơn: Danh từ “Apocrypha” (Việt Nam dịch là Ngụy thư) phát xuất từ tiếng Hy Lạp “apokryhos” nghĩa là “ẩn giấu” hay “bí mật.” Danh từ này được dùng để chỉ các tác phẩm được viết “bên lề” và thường có liên hệ ít nhiều với các sách Thánh Kinh. Theo nghĩa thứ hai, đây là các sách không có nguồn gốc rõ ràng, không chính thống, nội dung chứa đựng những điểm kỳ bí, mặc dù ban đầu “Apocrypha” là một danh từ mang nghĩa tốt, đáng tôn trọng. Theo ý kiến của ông Rhodes Montague (người Pháp), các Ngụy Thư là loại sách “linh thánh và bí ẩn nên không thể truyền bá đến tay mọi người, vì thế phải được dùng riêng trong số các tín hữu đứng đầu, bộ phận vòng trong của các tín hữu.” (ý muốn nói sách này được dùng riêng cho các giáo phụ)
Wikipedia tiếng Việt giải thích khá chi tiết và rõ ràng: “Ngụy thư Gia-cô-bê” hay “Tin Mừng của Gia-cô-bê” còn được gọi là “Tin Mừng Thời thơ ấu của Gia-cô-bê” hoặc “Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê” (Protoevangelium Jacobi), là một Tin Mừng có lẽ được viết vào khoảng năm 145, trình bày một câu chuyện liên quan đến sự ra đời và sự dạy dỗ của Đức Mẹ Maria. Nó là nguồn gốc lâu đời nhất để khẳng định sự đồng trinh của Đức Maria không chỉ có trước, nhưng cả trong và sau sự ra đời của Chúa Giê-su. Các bản thảo cổ xưa còn lưu lại về cuốn sách có tiêu đề khác nhau, bao gồm “Sự ra đời của Đức Maria”, “Các câu chuyện về sự sinh ra Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa” và “Các khải huyền của Gio-an.”
Ngụy thư này xứng đáng được gọi là “Phúc Âm Đức Maria” vì là “văn phẩm Ki-tô giáo đầu tiên quan tâm đặc biệt về cuộc đời Đức Maria.” Nhiều chi tiết của tác phẩm này còn là tiền đề được khai triển trong các nghệ phẩm và văn chương Thánh Mẫu qua nhiều thế kỷ như: “Đức Maria thuộc dòng dõi vua Đa-vít”, “Việc ra đời kỳ lạ của Mẹ Maria” và “biến cố Truyền Tin cho Đức Maria” xảy ra tại Giê-ru-sa-lem; kể cả cuốn sách “Các anh em của Chúa” (là con của Thánh Giu-se với người vợ trước). Tác phẩm “Proto-Evangelium Jacobi” cũng đã mở đường cho việc thiết lập ba lễ: Đức Maria Đầu Thai, Sinh Nhật Đức Maria, và Lễ Đức Maria dâng mình vào đền thờ.
Căn cứ vào “Proto-Evangeliun Jacobi”, thì không thấy nói đến ngày sinh của Đức Maria. Theo dự đoán của các Giáo phụ, có lẽ lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ bắt nguồn từ Giê-ru-sa-lem: Vào thế kỷ V, một nhà thờ được xây cất tại khu đất theo tục truyền là nơi bà Anna đã sinh con, mà người ta suy đoán ngôi thánh đường này được cung hiến vào ngày 8/9, nên lấy ngày đó là ngày sinh của Đức Mẹ. Dưới khía cạnh thần học, có thể tìm được 2 khía cạnh chủ yếu:
1- Liên quan đến bản thân Đức Maria: Từ lễ sinh nhật Đức Mẹ, Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội – tức là lễ bà Anna thụ thai, chín tháng trước đó – vào ngày 8/12.
2- Liên quan đến lịch sử cứu độ: Lời nguyện Phụng vụ lễ Sinh nhật Đức Mẹ (“Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giê-su Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.”) đã chúc tụng Thiên Chúa vì công trình cứu chuộc nhân loại. Kế hoạch này được tiền định từ trước vô cùng, nhưng được thực hiện tiệm tiến qua dòng lịch sử: Ngày sinh của Đức Mẹ kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho biến cố Nhập Thể của Đức Ki-tô, bây giờ chỉ còn chờ đón ngày ra đời của Đấng Cứu Tinh.
Hội Thánh chỉ mừng kính 3 lễ “sinh nhật”: Ngày sinh của chính Đức Giê-su, của Đức Trinh nữ Maria và của Thánh Gio-an Tẩy Giả. Ngoài ra, Giáo hội không mừng ngày sinh của các thánh, vì ngày sinh của con cháu A-đam là một ngày u buồn tràn đầy nước mắt do cái di sản tội lỗi mà con người mang theo khi vào đời (vì tội Nguyên tổ, con người chỉ chào đời bằng tiếng khóc chớ chưa thấy ai cười khi được sinh ra).
1- Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả: Vì được thánh hóa từ trong lòng mẹ, nên việc chào đời của Thánh Gio-an Tiền Hô là một biến cố vui mừng đặc biệt.
2- Riêng với lễ sinh nhật của Đức Mẹ: Giáo hội hân hoan ca tụng vì nhờ có Mẹ làm cầu nối đem hồng ân cứu rỗi đến cho trần gian.
3- Người đem hồng ân đó chính là Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: Ngày sinh của Người tràn đầy niềm vui trong tiếng hoan ca của các thiên thần (“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”).
Vì thế, ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo hội Đông phương và Tây phương đều đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ. Đến thế kỷ X, lễ mừng được phổ biến khắp nơi và trở thành một trong các lễ trọng mừng kính Đức Mẹ. Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị bầu Giáo hoàng. Các Nghị phụ hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ, nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng. Đức Giáo Hoàng Cê-les-ti-nô IV đắc cử chỉ trị vì được có 17 ngày (25/10/1241 – 10/11/1241) nên chưa thực hiện được lời hứa. Mãi đến giữa thế kỷ XIII, Đức Giáo Hoàng In-nô-cen-tê IV (1243-1254) đã hoàn thành lời hứa này.
Mừng kính sinh nhật Mẹ, người Ki-tô hữu hãy tuyên tín rằng Đức Maria là Người Mẹ đích thực của chúng ta, còn hơn gấp bội phần người mẹ sinh ra phần xác của chúng ta nữa. Mẹ chính là Mẹ của những người mẹ trên thế gian. Đức Ki-tô Thiên Chúa đã ban Mẹ cho chúng ta qua đại diện là môn đệ yêu dấu Gio-an trong hy tế thập giá. Vì là hiền mẫu, Mẹ Maria yêu thương chúng ta một cách trìu mến nhất: Mẹ bảo bọc và gìn giữ, lo liệu và giúp đỡ chúng ta trong mọi tình huống, cả tinh thần lẫn vật chất. Hãy thử nghĩ xem Thiên Chúa muốn con cái Người phải yêu một người mẹ như vậy với một tình yêu thế nào?
Trong 10 điều răn Thiên Chúa đã truyền dạy, thì có 3 điều “mến Chúa” và 7 điều “yêu người”, và trong 7 giới răn “yêu người” thì điều răn đứng hàng đầu là “Hãy thảo kính cha mẹ.” Điều đó cho thấy Thiên Chúa muốn chúng ta phải yêu mến, kính trọng, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào. Với cha mẹ phần xác còn như vậy, huống hồ là đối với Người Mẹ trên hết các người mẹ ở thế gian này. Vì thế, hãy xác tín rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta hãy phụng sự, tôn vinh, và yêu mến Mẹ Maria bằng tất cả tâm hồn, sức lực và trí khôn, đồng thời hãy học theo Mẹ sống đức tin bằng hai tiếng “xin vâng” đối với Thiên Chúa và bằng cả tấm lòng thương yêu với tất cả mọi người. Càng yêu mến Mẹ, chúng ta càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là điều tất yếu.
Ôi! Mẹ tuyệt mỹ, Mẹ tuyệt vời, Mẹ là kỳ công của sự cao sang, của sự vĩ đại, chúng con vui mừng xiết bao vì Thiên Chúa đã cất nhắc Mẹ lên phẩm tước cao trọng nhường ấy! Mẹ thật xứng đáng được mọi thế hệ ca ngợi là người diễm phúc, mọi miệng lưỡi hoan ca chúc tụng, mọi thân thể phủ phục tung hô, và mọi dân nước mến yêu, kính trọng. Từ ngai tòa Nữ Vương cao sang Mẹ đang ngự trị, xin Mẹ ghé mắt nhân từ đoái thương cứu giúp đàn con nơi cõi trần chất ngất đau thương. Cúi xin Mẹ hãy bảo bọc, chở che, cứu giúp, đỡ nâng, và cầu bầu cùng Trưởng Tử Giê-su Ki-tô cho chúng con được hưởng nhờ những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, để chúng con đời sau cũng được vui hưởng ánh sáng huy hoàng của vinh quang Mẹ cho đến muôn muôn đời.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh tìm được sức mạnh trong thánh lễ chúng con đang cử hành. Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Chính Người đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giê-su Ki-tô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ “Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria”). Xin tất cả hãy cùng “xin vâng” như Mẹ:
XIN VÂNG
Ôi! Hôm nay là ngày sinh của Mẹ,
Thần học tìm được hai sự liên quan:
Là hai khía cạnh mang tính liên hoàn,
“Bản thân Mẹ” và “Hồng ân Cứu Độ”.
Mẹ hoàn toàn không nhiễm tội Nguyên tổ,
Hồng ân đổ tràn cung lòng Anna.
Một thai nhi tên là Maria.
Thánh danh bao hàm lịch trình cứu thế.
Lời nguyện Phụng vụ lễ sinh nhật Mẹ,
Chúc tụng Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân,
Đức Giê-su xuống thế làm người trần,
Chịu đòn, chịu chết trong tay quân dữ.
Ôi! Lạy Mẹ! Khi nghe lời Thiên sứ,
Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền”,
Đã tượng thai trong lòng Mẹ trinh nguyên,
Chính bào thai là Ngôi Lời Nhập Thể.
Toàn nhân loại Nhờ Mẹ và Với Mẹ,
“Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần” (2),
Con Chúa Trời giáng thế cứu phàm nhân,
Chính là Mẹ sẽ đạp đầu rắn dữ (St 3, 14-15).
Chính là Mẹ hạ sinh một Trưởng Tử (Rm 8, 29),
Là Con Một Thiên Chúa xuống cõi trần,
Đấng Thiên Sai – Đấng Cứu Độ muôn dân,
Khỏi tội lỗi từ muôn đời muôn thủa.
Chính là Mẹ hiệp công cùng Thiên Chúa,
Trong chương trình giải thoát cả loài người,
Để giờ đây hưởng hạnh phúc tuyệt vời,
Cả Hồn Xác được vinh thăng Thiên Quốc.
Chính là Mẹ được muôn vàn ơn phước,
Từ nguyên sơ không mắc tội tông truyền,
Hạ sinh Con Trời, Mẹ vẫn trinh nguyên,
Để hiệp cùng Con đồng công cứu chuộc.
Ôi! Lạy Mẹ! Dưới cõi trần nhơ nhuốc,
Ngước nhìn lên ngai toà Mẹ Từ Nhân,
Con khấn xin khi rũ sạch bụi trần,
Được cùng Mẹ hưởng Thánh nhan Thiên Chúa.
Lam Thy ĐVD
—————————————
Chú thích:
1) Các sách Thánh Kinh nói về Đức Maria rất sơ lược, trong khi đó cuốn “Proto-Evangeliun Jacobi” (Tiền Phúc Âm của Gia-cô-bê) cũng được gọi là “De Nativitate Mariæ” (việc sinh hạ Đức Maria) lại nói khá chi tiết về tiểu sử Đức Mẹ. Vì thế các giáo phụ đã sử dụng sách này mỗi khi nói đến Đức Maria, thậm chí còn dùng tác phẩm này mở đường cho việc thiết lập ba lễ: “Đức Maria Đầu Thai”, “Sinh Nhật Đức Maria” và Lễ “Đức Maria dâng mình vào đền thờ.” Duy chỉ có điều tác giả sách này không công khai xuất hiện, mà núp dưới danh hiệu “Gia-cô-bê” – người anh cùng cha khác mẹ với Đức Giê-su (tức là con riêng của Thánh Giu-se với người vợ trước) – nên sách này bị coi là “ngụy thư”.
Theo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia thì nhân vật tên Gia-cô-bê trong Thánh Kinh có tới 4 người: Gia-cô-bê hay Gia-cơ (tiếng Anh: James, tiếng Pháp: Jacques, tiếng Tây Ban Nha: San Tiago) có thể đề cập tới:
a- Gia-cô-bê Công chính, anh em của Đức Giê-su, được cho là tác giả “Thư của Gia-cô-bê” thuộc Tân Ước, giám mục tiên khởi Giê-ru-sa-lem.
b- Gia-cô-bê, con của Dê-bê-đê, Tông đồ, cũng gọi là Gia-cô-bê Tiền, anh trai của Tông đồ Thánh sử Gio-an.
c- Gia-cô-bê, con của An-phê, Tông đồ, đôi khi được xác định là Gia-cô-bê Công chính.
d- Gia-cô-bê Hậu, con của bà Maria Clô-pát và ông An-phê; thường được xác định là Gia-cô-bê con của An-phê (trong trường hợp này, An-phê có tên khác là Clô-pát, hoặc ít nhất là chồng của Maria Clô-pát), hoặc được xác định là Gia-cô-bê Công chính.
(2) “Đem Vầng Đông rực rỡ xuống gian trần: Hymne Ave Regina Cælorum” (Đây là lời Giáo hội hát mừng Đức Maria, sau khi Mẹ “xin vâng như lời sứ thần truyền” hoàn tất mầu nhiệm Nhập Thể).