Home / Tiêu Điểm / MỪNG LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI, BỔN MẠNG HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

MỪNG LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI, BỔN MẠNG HIỆP HỘI THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI

(Ngày 25 tháng 01 năm 2018)

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

Ngay từ sáng sớm ngày 25 tháng 01 năm 2018, toàn thể quý cha và anh em trong Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại từ khắp các cộng đoàn đã tập trung về Nhà Thờ Thánh Mẫu, số 3-5, đường Chử Đồng Tử, phường 7, quận Tân Bình để mừng lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại, Bổn Mạng của Hiệp Hội.

Theo chương trình đã định:

  • 8h30 đón tiếp Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Quý Ân Thân Nhân và Quý Khách
  • 9h30 Thánh Lễ Trọng Thể kính thánh Phaolô Tông Đồ trở lại
  • Sau lễ là phần tiệc mừng

Đúng 9h30, mọi người đón đoàn đồng tế tiến vào Thánh Đường để cử hành Thánh lễ mừng Bổn Mạng do cha chủ tế Lui B. Cao Đức Thuận, S.S.P. Bề trên sáng lập, Tổng Phụ Trách Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại.

Hiện diện trong Thánh lễ, ngoài cha Tổng Phụ Trách, còn có sự hiện diện của quý cha:

Cha Phêrô Nguyễn Văn Phương, O.P. Phó Tổng Phụ Trách Hiệp Hội. Cha Đaminh Đinh Văn Vãng, Chánh xứ Giáo xứ Sao Mai, Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu Việt Nam. Cha Vinhsơn Nguyễn Cao Dũng, tổng thư ký Đại Học Công Giáo, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Cha Antôn Đoàn Văn Vinh, S.D.D. Phó Tổng Phụ Trách Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa. Cha Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, S.V.D. Phụ Tá Hiệp Hội Thánh Mẫu Việt Nam. Cha Giuse Phạm Quốc Văn, O.P. Phó Giám Đốc Học Viện Liên Dòng – Phaolô Nguyễn Văn Bình. Cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P. Phó bề trên Tu Viện Alberto  – Phú Nhuận, Linh hướng Tập Việp Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại. Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết, Chánh xứ Tân Sa Châu, Trưởng Ban Mục Vụ Văn Hóa Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Ngoài ra, còn đông đảo quý cha xứ nơi Hiệp Hội có các Cộng đoàn hiện diện, quý cha nghĩa phụ của anh em, quý cha thân quen, quý tu sĩ, và rất đông quý vị Ân Nhân, Thân Nhân….

Bên cạnh đó, Hiệp Hội rất vui mừng vì có sự hiện diện của ngài Gioan B. Lê Đức Thịnh – Đại Hiệp Sĩ Thánh Giá Phẩm Hàm Thánh Gregorio Cả của Tòa Thánh.

Sau phần giới thiệu của thầy MC, cha Tổng Phụ Trách mời gọi cộng đoàn bước vào thánh lễ trong tâm tình tạ ơn và sám hối, ngài nói: “Xin Chúa ban ơn hoán cải cho tất cả chúng ta, nhờ Thánh Phaolô nâng đỡ để chúng ta biết ăn năn sám hối, trở về với Chúa một cách chân thành như thánh nhân”.

Giảng lễ là cha Giuse Phạm Quốc Văn, O.P, vị giảng phòng thường niên hằng tháng cho Hiệp Hội.

Trong phần quảng diễn Lời Chúa, cha Giuse chia sẻ:

Thánh Phaolô trước khi trở lại, ngài là một con người rất hăng say, nhiệt tình với đạo Dothái, với truyền thống cha ông. Vì thế, mang trong mình một sự nhiệt huyết và thượng tôn truyền thống, nên Phaolô được cấp giấy phép để đi bách hại tất cả những ai dám cả gan tin vào Danh Chúa Giêsu, một Danh rất mới mẻ và Phaolô nghĩ sẽ nguy hại đến truyền thống của tiền nhân.

Tuy nhiên, con đường Đamas và cú ngã ngựa lịch sử đã bẻ gẫy những gì Saolô coi trọng, bẻ gẫy khí phách anh hùng trong con người của Saolô, bẻ gẫy những suy tưởng và những lý thuyết mà chàng thanh niên từng bám víu!

Con đường Đamas chính là con đường định mệnh của Saolô. Bởi vì trên con đường ấy, Saolô đã bị khuất phục sau cú ngã ngựa. Đức Giêsu Phục Sinh đã mặc khải cho Saolô biết thánh ý của Ngài và Saolô đã được ơn biến đổi.

Từ đó, ông đã được đón nhận ánh sáng chân lý mới, một niềm tin mới, một trí thức mới, và nhận một tên gọi mới là Phaolô. Chính trong cuộc đổi mới và đổi đời ấy, Phaolô đã trở nên vị Tông đồ thời danh, thay vì một kinh sư lỗi lạc.

Nhưng điều quan trọng để Phaolô nhận ra Chúa và sẵn sàng biến đổi, đó là sự khiêm tốn thẳm sâu nơi ngài. Khi khiêm tốn đón nhận thánh ý Chúa, Phaolô đã hoàn toàn hiến dâng cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, cho sứ vụ và cho tha nhân cách trọn vẹn.

Chính vì thế, Phaolô đã không ngừng sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời và cũng không ngừng loan báo về Tin Mừng của Đức Giêsu cho anh chị em mình.

Kết thúc bài giảng, ngài kêu gọi quý cha, quý thầy trong Hiệp Hội và toàn thể cộng đoàn, hãy cũng với thánh Phaolô tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã làm cho ta biết bao việc diệu kỳ.

Hơn nữa, Cha Giuse khuyến khích anh em Hiệp Hội, hãy học nơi thánh Phaolô, đó là: sau những cú ngã ngựa trong cuộc đời, hãy khiêm tốn, can đảm đứng lên và hướng tới tương lai, bởi lẽ: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai”.

Vì thế, khi đã trở thành một con người mới trong ân sủng, hãy học nơi thánh Phaolô bài học về tinh thần hy sinh tuyệt đối cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhà thừa sai của Giáo Hội phải là người nau náu lời tâm huyết của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Trong phần dâng lễ vật, các cháu tại Mái Ấm Yêu Thương do quý thầy của Hiệp Hội cưu mang đã nâng tâm hồn cộng đoàn lên với Chúa qua những vũ điệu mang âm sắc dân tộc Tây Nguyên.

Sau lời nguyện Hiệp Lễ, thầy Giuse Vinh sơn Nguyễn Ngọc Biển đã giới thiệu Cha Tổng Phụ Trách có đôi lời cám ơn tới Quý Cha, Đại Hiệp Sĩ Thánh Giá, Quý Tu Sĩ và Quý Ân Thân Nhân cùng Quý Khách.

Cha Tổng Phụ trách đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Cha Đaminh Đinh Văn Vãng, Chính xứ Sao Mai, Tổng Giám Huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu Việt Nam. Biết ơn ngài vì lòng yêu thương, ưu ái mà Cha đã dành cho Hiệp Hội, nhất là từ khi Hiệp Hội đặt trụ sở tại địa bàn Giáo Xứ Sao Mai.

Bên cạnh đó, Cha Tổng Phụ Trách cũng bày tỏ lòng biết ơn tới Quý Cha Bề Trên, Quý Cha Đồng Tế, Quý Tu Sĩ, Quý Ân Thân Nhân và toàn thể Quý Khách đã về tham dự thánh lễ đặc biệt hôm nay.

Cuối phần cám ơn, cha Tổng Phụ Trách hướng về vị khách đặc biệt, đó là ngài Gioan B. Lê Đức Thịnh – Đại Hiệp Sĩ Thánh Giá Phẩm Hàm Thánh Gregorio Cả của Tòa Thánh.

Cám ơn ngài Đại Hiệp Sĩ vì đã đồng hành với Hiệp Hội ngay từ những ngày đầu tiên gần 10 năm về trước cho tới hôm nay.

Đáp lời, Đại Hiệp Sĩ đã chúc mừng Hiệp Hội nhân lễ Bổn Mạng. Đặc biệt, ngài đã chia sẻ về tinh thần hiệp nhất, yêu thương và sứ vụ truyền giáo qua những câu chuyện rất ý nghĩa mà Đại Hiệp Sĩ đã gặp trong khi thi hành sứ vụ.

Sau thánh lễ, mọi người tiến ra sân nhà thờ để tham dự bữa cơm thân mật với Hiệp Hội. Trong khi mọi người dùng tiệc, các cộng đoàn và một số vị khách đã cống hiến những “món ăn” tinh thần qua phần trình diễn văn nghệ thật đơn sơ, thân thiện, vừa mang đậm nét mừng lễ Bổn Mạng, về sứ vụ truyền giáo và không khí của những ngày Xuân Mậu Tuất sắp tới.

Trước khi ra về, toàn thể anh em Hiệp Hội quây quần bên cha Tổng Phụ Trách, cha Phó Tổng Phụ Trách để được nghe những lời căn dặn, dạy dỗ của các ngài, đồng thời mừng xuân mới Mậu Tuất tới các đấng trong bầu khí thân thương gia đình.

Tưởng cũng nên nhắc lại, lý do Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại chọn ngày lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở lại làm Bổn Mạng của Hiệp Hội, vì:

  1. Ý thức được sự giới hạn, yếu đuối của con người, nên đã có lúc ngã ngựa trong đời. Bởi vì đã là con người trên trần gian, không ai mà không có tội. Nếu ai tự nhận mình tốt lành, hoàn thiện, ấy là kẻ nói dối vì sự thật không có trọng họ. Chính vì lý do này mà Hiệp Hội luôn dang rộng cánh tay đón nhận những anh em “ham tu”, “khát tu” được có cơ hội tu tiếp để tu chỉnh mình ngày càng tốt đẹp.
  2. Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vì Người làm được mọi chuyện và biến đổi cách phi thường. Chẳng hạn như: từ một kẻ ngoại tình, thành vị thánh của lòng thương xót. Từ một tên ăn trộm trở thành thánh trộm lành. Từ một người chối Chúa, trở thành vị giáo hoàng đầu tiên. Từ một kẻ bắt đạo như Saolô thành một Tông đồ Phaolô vĩ đại, xuất chúng. Từ một người coi thường, khinh bỉ và ngay cả đi theo trường phái phản đạo bằng triết thuyết, thành một Auguttinô tiến sĩ thời danh, và, còn biết bao nhiêu vị thánh khác cùng chung mẫu số ấy….
  3. Cuối cùng, vị sáng lập Hiệp Hội muốn mọi thành viên của Hiệp Hội noi gương thánh Phaolô, sống một cuộc đời khiêm nhường thực sự để nhạy bén với ơn soi sáng của Chúa, hầu biến đổi bản thân thành con người mới. Chỉ có khiêm nhường như thánh Phaolô, anh em mới đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Khi đón nhận được lòng xót thương của Ngài, người đón nhận chắc chắn sẽ có kinh nghiệm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Qua đó, đương sự mới có thể “ngửi”, “cảm thấu” “mang đậm mùi chiên” nơi mình trong khi thi hành sứ vụ truyền giáo. 

Xin bấm vào đây để xem hình

Ban truyền thông Hiệp Hội

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …