Home / Chia Sẻ / MŨI NHỌN

MŨI NHỌN

Trước khi trở lại, Phaolô (Paul) tên là Saul. Người việt không thống nhất phiên âm chữ Saul – người thì Saolô, lúc thì Saolê, lúc thì Saun. Khi nói thì nói là Saolô hoặc Saolê, khi đọc Kinh Thánh lại thấy lời Chúa nói: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14) Do đó, tín nhân Việt Nam đôi khi khó phân biệt. Kiểu như thường nói là Maria Mađalêna, nhưng Kinh Thánh lại ghi là Maria Mácđala.

Cái gì nhọn thì sắc bén, chạm vào thì hại, đạp vào thì nguy! Tuy nhiên, Thiên Chúa khôn dò khôn thấu, (x. Gđt 8:14; G 5:9; G 9:10; Tv 145:3; Is 40:28) Ngài biến cái không thể thành có thể, ngược thành xuôi, xấu thành tốt, dại thành khôn, yếu thành mạnh, hèn mọn thành cao cả,… và tội nhân thành thánh nhân.

Đavít phạm hai trọng tội: giết người và cướp vợ người, nhưng ông là đại vương, là tổ tiên của Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu được gọi là “con vua Đavít.” Phêrô chối Thầy, tội tày trời, nhưng Chúa đặt ông làm giáo hoàng tiên khởi. Phaolô là người Biệt Phái quá khích, nhất định triệt hạ bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu, rồi ông trở thành người nhiệt thành rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh. Augustinô hoang đàng chi địa, rồi trở thành đại thánh. Mọi thứ thay đổi và chuyển hướng ngược chiều. Thiên Chúa làm những điều “ngược đời” để người ta thấy rằng “kinh nghiệm rất quan trọng.” Cả Đavít, Phêrô, Phaolô và Augustinô đều có kinh nghiệm tội lỗi rất nhiều.

Đúng là “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Tất nhiên là phải nhờ Ơn Chúa. Và Ơn Chúa luôn đủ cho mỗi chúng ta, để sức mạnh của Ngài được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta. (x. 2 Cr 12:9) Thật vậy, không có Ngài thì không ai có thể làm được gì. (x. Ga 15:5)

Với kinh nghiệm dày dạn, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Anh em đừng trở nên nô lệ cho người phàm. Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa.” (1 Cr 7:23-24) Chính Chúa Giêsu đã luôn tuân lệnh Chúa Cha, kể cả khi Ngài run sợ vì phải uống chén đắng. (Mt 26:42; Mc 14:36; Lc 22:42) Vấn đề quan trọng nhất là điều Thiên Chúa muốn: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy thì Ngài ban cho anh em.” (Ga 15:16)

Chính Chúa Giêsu truyền lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16:15-16) Mùa Thường Niên là Mùa Truyền Giáo, đời tín nhân là đời truyền giáo, và truyền giáo là nhiệm vụ chung của mọi người. Thánh Phaolô chia sẻ: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.” (1 Cr 9:16-17)

Có vấp ngã mới biết đau. Có mắc bệnh rồi mới biết khổ. Người bị tai nạn rồi sẽ có kinh nghiệm hơn người chưa bị. Phaolô đạp vào mũi nhọn và bị đau điếng, nên ông có kinh nghiệm hơn, và rồi ông trở thành “mũi nhọn” trong việc truyền giáo. Chúa Giêsu đã biến cái gai nhọn nguy hiểm thành đòn bẩy hữu ích!

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …