BaoCongGiao.info – Những ngày theo chân Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa rong ruổi khắp các bản làng miền Tây Bắc đã để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh về vị mục tử chịu thương, chịu khó với chiếc quần tây dính đầy bụi đường đất đỏ.
Những ngày theo chân Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hóa rong ruổi khắp các bản làng miền Tây Bắc đã để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh về vị mục tử chịu thương, chịu khó với chiếc quần tây dính đầy bụi đường đất đỏ, mang yêu thương đến cho đồng bào dân tộc. Với ngài, anh chị em dân tộc hiện là ưu tiên hàng đầu trong chương trình mục vụ, bởi những con người vốn thật thà, chất phác đó đang trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn…
Lên Tây Bắc mùa này, mọi người phải hứng chịu cái lạnh cắt da thịt. Đó là một trải nghiệm mới lạ, đáng nhớ, nhất với những người sống ở miền Nam, nơi quanh năm chỉ biết đến cái nắng chói chang. Riêng với người dân ở đây thì tiết trời năm nay vẫn là “chẳng thấm vào đâu”. Trên các bản làng heo hút ấy, có một “ông cụ”, tuổi trên 60, chưa bao giờ nề hà chuyện thời tiết, bởi từ lâu, ngài như một phần của vùng đất bán sơn địa này. Mặc kệ tiết trời nắng gắt hay mưa lạnh, đường bằng phẳng hay ghồ ghề, trơn trượt, ngài vẫn khoác lên mình tấm áo của vị chủ chăn, đi đến mọi ngóc ngách có đoàn chiên đang sinh sống để thăm viếng, dâng lễ, ăn cùng bữa cơm và sẻ chia cuộc sống còn bao khó khăn, nhọc nhằn.
Nhiều người hay nói, làm linh mục mới vất vả ngược xuôi, đến khi làm giám mục thì an nhàn hơn đôi chút vì phần lớn lo chuyện vĩ mô của giáo phận. Song từ ngày về Hưng Hóa, Đức cha Anphong vẫn thường xuyên bôn ba xuôi ngược, như câu khẩu hiệu giám mục ngài chọn: “Mang vào mình mùi chiên”. Khắp giáo phận có trên 200.000 giáo dân (người Kinh khoảng 85%), còn lại là người H’Mông – chiếm khoảng 1/10, cùng số ít các dân tộc khác như Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao,… Số anh em dân tộc so ra khá nhỏ, nhưng lại luôn chịu nhiều thiếu thốn cả về đời sống lẫn trong hành trình gìn giữ đức tin. Đây cũng chính là đặc điểm nơi các giáo hữu vùng cao mà vị mục tử luôn trăn trở, lo lắng.
Đường lên các bản mùa này ngập chìm trong sương, đã 9 giờ sáng nhưng xe phải bật đèn nếu muốn di chuyển. Cao, lắt lẻo, ngoằn ngoèo, đá lởm chởm… là hình ảnh quen thuộc của những con đường nơi đây. Có đoạn dài chỉ 7 cây số mà mất cả tiếng xe mới qua được. Trên xe, lúc nào cũng có chai cà phê đen pha sẵn. Có lần Đức cha chia sẻ về sở thích uống cà phê, vì những chuyến xe đường dài cần dùng nó chống lại cơn buồn ngủ để đến nơi có tâm trạng tỉnh táo, tư thế thoải mái nhất khi gặp gỡ bà con.
Mỗi lần đến, ông cụ tóc bạc mang theo rất nhiều tràng hạt và thuốc bổ tặng người lớn tuổi, còn lũ trẻ xem ngài như ông bụt, vì lúc nào xuất hiện cũng có bánh trái, bong bóng làm quà. Dưới miền xuôi, những thứ đó xem ra quá bình thường, nhưng ở đây lại chính là quà quý đối với những người không được no đủ ngay trong bữa ăn hằng ngày. Người già thì nhận được sự quan tâm, còn trẻ nhỏ lại có niềm vui, sự phấn khích, chờ đợi mà phải lâu lắm mới có được một lần nên ai nấy tay nhận quà, miệng không ngừng cám ơn và quyến luyến không dứt.
Ở mỗi nơi đi qua, ngài ân cần hỏi han, tỉ mỉ ghi chép để nắm chính xác số các tín hữu hiện diện, từ đó lên những kế hoạch dài hơi hơn. Điều đầu tiên được thực hiện là sắm mới số ảnh tượng cùng đồ phụng vụ dùng trong thánh lễ và chuyển lên ngay sau đó; chỗ khác sẽ được xây dựng nhà nguyện để bà con xóa đi cảnh chen chúc dự lễ trong những nhà dân mượn tạm; sau cùng, như một cách để đáp lại tâm tình quý mến mà giáo hữu dành cho mình, ngài không quên hẹn vài tháng sau sẽ trở lại thăm. Người dân tộc vốn rất dễ thương bởi cái đơn sơ, và chính bản tính này khiến họ quay quắt mãi mà chả biết phải làm như thế nào để thoát khỏi cảnh cùng cực. Do đó, tại khu đất nằm gần giáo xứ Kiệt Sơn (xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ), Đức cha Anphong dự tính sẽ mở ngôi nhà nội trú để các em dân tộc có điều kiện theo đuổi con chữ, từ đó mang tri thức và văn minh về với các bản làng heo hút.
Vị mục tử vùng cao cũng luôn nhắn nhủ bà con nên siêng năng việc nhà Chúa. Không có điều kiện đi lễ hằng tuần thì gia đình cùng nhau quây quần đọc kinh, lần chuỗi. Sống trong Năm Gia Đình, mỗi người hãy biết xây dựng, vun đắp cho mái ấm mình ngày thêm tốt đẹp. Bên cạnh đời sống thiêng liêng, ngài cũng nhắc nhở mỗi bậc làm cha mẹ tạo mọi điều kiện cho con cái được đi học; khi con đủ tuổi mới lấy vợ gả chồng; tránh xa tệ nạn trộm cắp, buôn ma túy, ly dị, phá thai; nhà này giúp nhà kia, người này biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn…
Nhiều lần có người đến xin thuốc, rồi ê a trình bày đau cái tay, mỏi cái lưng vì bị “con ma nó bắt”, ngài nhẹ nhàng, từ tốn giải thích cho họ hiểu khi đau bệnh thì tìm tới trạm xá, bệnh viện chứ đừng mời thầy lang, thầy cúng. Cảm mến tình thương và niềm tin của vị chủ chăn gần gũi, thân thiện, đã có những người ngoài Công giáo xin rửa tội gia nhập đạo.
Nói về cách sống của Đức cha Anphong, thầy Giuse Trần Ngọc Anh, người thường tháp tùng theo ông cụ trong những chuyến viếng thăm mục vụ chia sẻ: “Tôi quen biết Đức cha tới nay đã trên 40 năm, khi ngài còn là một chủng sinh. Chừng đó thời gian, ngài vẫn vậy, từ tính cách tới phong thái, đi đâu cũng mang theo bánh trái làm quà cho lũ trẻ, tiếp xúc với mọi người đều vui vẻ niềm nở”. Chúng tôi cũng được dịp cảm nghiệm lối sống giản dị đó khi trong suốt hành trình, nhiều đêm đoàn ngủ lại nhà dân, buổi sáng ngài giành việc pha trà, rửa chén phụ với anh em. Ngài nói mỗi người mỗi việc, ai cũng lao động như nhau thì sẽ nhanh chóng và dễ dàng. Có lần, đến thăm giáo dân ở giáo họ Sùng Đô, gặp mùa mưa nên muốn vào bản phải lội qua suối, lúc này nhiều anh em đã sẵn sàng, chìa vai định cõng, nhưng ngài từ chối, rồi xắn quần, vác thêm bịch bánh và lội nước như bao người.
Chúa đã gởi đến cho Đức cha Anphong những bà con dân tộc đơn sơ, chất phác trên miền Tây Bắc xa xôi, và ngài vẫn đang từng ngày, từng giờ, hy sinh hết mình để làm tốt sứ vụ. Sắp tới đây, ngài còn mong muốn thực hiện nhiều kế hoạch, trước mắt là học thêm tiếng H’Mông để có thể dễ dàng tiếp xúc và thấu hiểu cuộc sống của bà con.
Một tuần lễ theo chân ngài đến thăm các bản làng anh em Công giáo H’Mông ở Sơn La, chúng tôi đã mạo muội suy nghĩ về ngài với cái tên: Người mục tử mang vào mình mùi… H’Mông. Đó là mùi của sự rong ruổi, đầy yêu thương, sẵn sàng sẻ chia và cho đi.
ĐÌNH QUÝ