Một lần nữa, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về mục tử. Trước hết là những mục tử lãnh đạo dân Israen. Một số trong họ bị Thiên Chúa lên án, vì vô cảm và thiếu trách nhiệm với công việc được trao. Họ là những người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, trong khi đó nhiều người đói khát và bị bỏ rơi không được quan tâm. Khi đề cập đến các mục tử, Lời Chúa hôm nay chất vấn những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, nhất là những người có thái độ dửng dưng, sống ích kỷ và chỉ lo bản thân mình.
Thiên Chúa mới là Mục tử đích thực của Dân Ngài. Nếu những người được trao phó trách nhiệm bất trung, thì chính Ngài can thiệp và bù đắp. Chính Chúa quy tụ Dân Ngài, băng bó những vết thương, khôi phục những đổ vỡ, đem lại niềm hy vọng cho những người đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời. Chúa là vị Thẩm phán chí công. Ngài trừng phạt những mục tử vô lương tâm, yêu thương chăm sóc những con chiên yếu thế.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Tình yêu thương ấy được thể hiện qua việc Thiên Chúa sai con của Ngài đến thế gian, là Đức Giêsu Kitô. Tin mừng Thánh Máccô diễn tả Đức Giêsu với trái tim mục tử. Người chạnh lòng thương đám đông dân chúng, vị họ như bầy chiên không người chăn dắt. Nếu ông Môisen và vua Đavít thường được tôn vinh như những vị lãnh đạo trung thành, thì Đức Giêsu được các tác giả Phúc Âm trình bày như một Môisen mới, như một Đavít đến trần gian để lãnh đạo Dân Chúa. Đàn chiên của vị Mục tử này không còn đóng khung trong dân tộc Do Thái, mà đã vượt ra khỏi ranh giới để đến với các dân tộc. Như thế, những ai nghe tiếng vị Mục tử Giêsu, bất luận họ thuộc nền văn hoá hay chủng tộc ngôn ngữ nào, đều thuộc về đàn chiên của Ngài. Thánh Phaolô (Bài đọc II) đã trình bày Đức Giêsu là sự bình an của chúng ta. Qua giáo huấn của Người và nhất là qua hy tế thập giá, Người đã phá đổ bức tường ngăn cách dân Do Thái với các dân ngoại. Không chỉ dừng ở đó, Chúa Giêsu còn hoà giải Thiên Chúa với con người. Người tiêu diệt sự thù ghét, nối kết muôn người nên một trong tình thương mến chan hoà.
Trước một đám đông đang đói khát chân lý, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương,” vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Sứ mạng của Đức Giêsu là đem cho nhân loại tình thương của Thiên Chúa. Giáo huấn của Người nhằm giúp cho con người tìm được chân lý vĩnh cửu, đồng thời tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.
Để tiếp nối sứ vụ mục tử, Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ. Thánh Máccô khởi đầu trình thuật bằng việc gọi các ông là “Tông đồ.” Đây là lần sử dụng duy nhất thuật ngữ này trong Tác phẩm Tin Mừng của thánh Máccô. Tông đồ là người được sai đi. Đức Giêsu đã huấn luyện các ông và sai đi truyền giảng những gì Người đã dạy. Các ông rất vui mừng vì thấy lời giảng dạy của mình mang lại nhiều hiệu quả nhãn tiền. Chính trong lúc các ông đang say sưa với thành quả đã đạt được, Chúa lại bảo các ông dành thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện. Đời sống của người tông đồ phải tạo được sự quân bình giữa “động” và “tĩnh.” Nếu chỉ “động” mà thôi, lời chứng của họ sẽ rỗng tuếch. Nếu chỉ dừng lại ở “tĩnh” cuộc đời họ sẽ vô nghĩa đối với tha nhân.
Nhờ bí tích Thánh tẩy, mối người tín hữu đều trở nên tông đồ của Chúa. Được xức dầu và được sai đi, họ nhân danh Chúa Giêsu để đem tình thương đến cho con người bất hạnh, ở mọi nơi và mọi thời. Như vậy, người Kitô hữu đích thực vừa là người gắn bó với Mục tử của mình, vừa là người có trái tim “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, để đem tình thương cho những ai đang cần.
Trong những ngày này, cả nước đang hướng về các tỉnh thành phía Nam, nhất là thành phố Sài Gòn, vì ở đó dịch Covid-19 đang bùng phát. Số những người nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng. Người dân phải giãn cách xã hội. Biết bao người nghèo lâm cảnh thiếu thốn khó khăn. Trong cơn hoạn nạn, chúng ta vui mừng chứng kiến những tấm lòng quảng đại san sẻ tinh thần vật chất. Đây là những nghĩa cử đáng trân trọng và làm lan toả yêu thương nơi cuộc sống và trong hoàn cảnh cụ thể của thời dịch bệnh. Chúng ta cám ơn những người đang xả thân phục vụ bất chấp mọi nguy hiểm. Họ là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng chạnh lòng thương xót đối với những người nghèo khổ và đói khát tinh thần cũng như vật chất. Họ đang góp phần làm lan toả giáo huấn yêu thương của Người giữa cuộc sống hôm nay.
“Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương” (Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận ĐHV 606).
TGM Vũ Văn Thiên