Có một cuộc chiến tâm linh đang diễn ra trong cõi lòng sa ngã của nhân loại. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng cho Ngài. Tâm hồn chúng ta khao khát Ngài và những thứ xung quanh Ngài một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sự sa ngã của chúng ta là ham muốn những thứ chóng qua của “xác thịt,” tình yêu hỗn loạn vì lạc thú, tiện nghi và quyền lực. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trong chúng ta.
Cuộc chiến phản ánh hai con đường được Chúa Giêsu mô tả, một con đường dẫn đến sự sống vĩnh hằng và con đường kia dẫn đến sự diệt vong. (Mt 7:13-14) Đó là sự căng thẳng đằng sau con đường của Thần Khí và con đường của xác thịt được Thánh Phaolô mô tả ở nhiều chỗ. Nó nằm sau hai thành phố của Saint Augustine, hai tiêu chuẩn của Saint Ignatius of Loyola, và gần đây hơn là hai nền văn hóa của Thánh GH Gioan Phaolô II. Cuộc chiến có thật, hữu hình và có thể quan sát.
Cuộc chiến tâm linh là lý do của một cuộc chiến văn hóa trong thế giới đương đại của chúng ta. Trái tim con người sa ngã thế nào thì xã hội cũng thế. Không tín hữu nào tìm kiếm cuộc chiến văn hóa, không người có thiện chí nào mong muốn điều đó. Tuy nhiên, cuộc chiến văn hóa vẫn tồn tại ở bất cứ nơi nào có hai lối sống cạnh tranh nhau để giành lấy linh hồn của nhân loại.
Tính tất yếu của cuộc chiến văn hóa là hiển nhiên đối với những ai tìm kiếm con đường nhân đức và thánh thiện. Cuộc chiến văn hóa không là điều xa lạ đối với những người tìm kiếm Ơn Cứu Độ nơi Chúa Giêsu Kitô. Đó là tình trạng hầu như có sẵn trong một thế giới sa ngã đang tìm kiếm sự cứu rỗi ngoài các thiết bị và mưu đồ của chính nó. Điều đó được các thánh, các bậc thầy tâm linh và các nhà thần bí đã hiểu biết, nắm bắt và chuẩn bị trong hơn hai thiên niên kỷ.
Vì vậy, thật đặc biệt khi các mục tử đương đại của Giáo Hội nói với chúng ta rằng không có cuộc chiến văn hóa hoặc một số người trong chúng ta đang tạo ra và thúc đẩy một cuộc chiến văn hóa một cách không cần thiết, hoặc chỉ những người phát triển mạnh trong tranh chấp mới tiếp tục ảo tưởng về một cuộc chiến văn hóa. Chúng ta được yêu cầu tin rằng bất kỳ gợi ý nào về việc thừa nhận một cuộc chiến văn hóa đều gây chia rẽ, gây hiểu lầm và trái ngược với Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô.
Một viễn cảnh như vậy khác xa với hy vọng mà chúng ta nên có là ngăn chặn cuộc chiến văn hóa thông qua chiến thắng của đức hạnh, chiến thắng của sự tin kính, sự cải đạo hàng loạt sang Tin Lành và tích cực theo đuổi ân sủng trong đời sống con người và xã hội. Thông điệp mà chúng ta được biết ngày nay rất khác.
Trong lịch sử, chúng ta thường được kể về các thành phố hoặc tiền đồn trong các cuộc chiến khác nhau vẫn tiếp tục chiến đấu sau khi hiệp định đình chiến được ký kết. Lãnh đạo tiền đồn không hề hay biết về việc đầu hàng nên họ tiếp tục chiến đấu.
Ngày nay nhiều tín hữu bắt đầu tự hỏi liệu lá cờ trắng đầu hàng đã được giương cao bởi các giáo sĩ tối cao hay không, trong khi nhiều quân đội – những người đã được rửa tội ở giữa thế gian – vẫn ở trong cuộc chiến, đấu tranh vì chính nghĩa, lao động vì sự tốt lành và sự công chính để chiến thắng trong lòng người và trong xã hội. Nhiều Kitô hữu đã được rửa tội bắt đầu thắc mắc: “Chúng ta có thua cuộc?”
Ý tưởng như vậy gây sốc, vì Phúc Âm không thể mất. Nhưng nó thể hiện sự cần thiết đối với sự rõ ràng và xác định. Đầu hàng chỉ được đưa ra bởi những người không bao giờ tham gia cuộc chiến ngay từ đầu, hoặc bởi những người xuất hiện nhưng quyết định cuộc chiến là không đáng, hoặc bởi những người bắt đầu chiến đấu nhưng vỡ mộng trước Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô. Họ đã để cho mình bị thỏa hiệp hoặc bị dụ dỗ và bắt đầu tin cậy vào một điều gì khác hơn là lời hứa về sự sống đời đời của Chúa Giêsu.
Mặc dù ví dụ lịch sử về các tiền đồn chiến đấu sau khi đầu hàng có thể giúp ích theo một số cách, nhưng ví dụ này không phù hợp với cuộc chiến văn hóa. Các cuộc chiến được tiến hành đây đó, các quốc gia tăng và giảm theo thời gian. Nhưng cuộc chiến của Nhiệm Thể Chúa Kitô – cuộc chiến trọng tâm nhất của lịch sử nhân loại – chính là vì sự cứu rỗi của thế giới. Cuộc chiến này quyết định sự lành mạnh của Giáo Hội, hiệu quả của Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng đích thực cho Chúa và Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Điều đó liên quan số phận vĩnh hằng của vô số người trên thế giới ngày nay, những người cần sự cứu chuộc và niềm hy vọng sinh ra từ đó, cho dù nó được công nhận hay bị từ chối.
Nhiều mục tử của Giáo Hội ngày nay đang noi gương vua Saun của Israel. Thiên Chúa khiến Saun trở thành người cao nhất trong Israel. Ngài chúc phúc cho ông với sức mạnh và năng lực quân sự. Tuy nhiên, khi quân Philitinh đến, nhà vua dẫn quân trì trệ, ngồi sau đội hình chiến đấu, đắm chìm trong sự nghi ngờ và bất an, hèn nhát trốn tránh cuộc chiến ngay cả vì danh dự của Thiên Chúa, tìm kiếm đường tránh chiến đấu, sống thoải mái và sự tôn trọng.
Những lời phỉ báng của Gôliát đã không được chú ý và không được kiểm soát. Người đàn ông cao nhất Israel đã run sợ trước lời đe dọa.
Một cậu bé chăn cừu nhỏ bé đã đứng lên, với những viên đá và trái tim dũng cảm, nói sự thật và bảo vệ sự uy nghiêm của Thiên Chúa. Theo nhiều cách, chàng trai trẻ Đavít phản ánh nhiều người đã chịu phép rửa – mặc dù có những Saun đứng sau họ – vẫn biết sự khác biệt giữa đúng và sai, ánh sáng và bóng tối. Họ nhìn thấy cuộc chiến tâm linh và họ sẵn sàng chiến đấu cho chân, thiện, mỹ.
Có những mục tử đáng lẽ phải là vua và tướng lĩnh, những người cao nhất trong chúng ta, nhưng họ đã co rúm người lại và trở thành nô lệ cho một thế giới sa ngã và theo con đường xác thịt. Họ phủ nhận chính cuộc chiến mà họ đã được tạo lên và vì đó mà họ phải lãnh trách nhiệm. Việc họ thiếu hành động, thiếu sót và thiếu can đảm là nỗi xấu hổ lâu dài của họ.
Tuy nhiên, vì không có sự lãnh đạo vững chắc và mạnh mẽ được trao cho họ, vẫn còn nhiều Kitô hữu đã được rửa tội, những người đã nắm lấy tấm áo choàng và sẽ không chấp nhận lá cờ trắng đầu hàng sai lầm của những mục tử ương ngạnh. Họ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thật, hành động vì sự thiện và chấp nhận sự ngược đãi để bảo vệ cái đẹp. Họ sẽ chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, chạy cuộc đua giành chiến thắng, và sốt sắng tìm kiếm triều thiên bất diệt đã được hứa cho những người yêu mến Thiên Chúa.
JEFFREY KIRBY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Chiều 31-07-2023