Home / Chia Sẻ / MÙA THANH LỌC

MÙA THANH LỌC

+ MÙA THANH LỌC 1Trong cuộc sống thường nhật có nhiều thứ phải thanh lọc, từ thể chất đến tinh thần, bởi vì ô nhiễm quá nhiều, ô nhiễm trong mọi lĩnh vực: Môi trường, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, ý tưởng, lòng người, xử thế,… Đã đành đời thường bị ô nhiễm, nhưng tâm linh cũng bị ô nhiễm. Chính tội lỗi là “chất” gây ô nhiễm trầm trọng nhất!

Động từ “thanh lọc” là làm cho trong sạch, làm cho tinh khiết, loại bỏ chất dơ bẩn và giữ lại chất tốt lành. Anh ngữ dùng chữ “purge” để chỉ hành động thanh lọc, do đó sinh ra tính từ “purgatory” (có tính chất làm trong sạch), và vì thế mà lại sinh ra danh từ “purgatory” (nơi thanh lọc, chốn thanh luyện). Theo ý nghĩa Công giáo, Purgatory có nghĩa là Luyện Hình hoặc Luyện Ngục – nơi tẩy rửa linh hồn để xứng đáng vô Nước Trời.

Mùa Vọng là thời gian tẩy rửa linh hồn để đón Con Thiên Chúa giáng sinh. Thanh lọc là hành động cần thiết trong cuộc sống, nhất là thời đại ngày nay, nhiều thứ ô nhiễm. Càng phải thanh lọc kỹ hơn khi sống trong môi trường ô nhiễm nặng như Việt Nam hiện nay – mọi nguồn đều ô nhiễm, kể cả ẩm thực.

Tại sao phải thanh lọc? Thanh lọc để bảo vệ mình khỏi những thứ tác hại do môi trường. Đơn giản nhất là dạng “khẩu trang” được đa số sử dụng khi ra đường, có người không chỉ đeo vài lớp khẩu trang, mà còn thêm vải tấm chụp từ đầu tới cổ, đôi khi nhìn phụ nữ Việt Nam mà cứ ngỡ là phụ nữ Hồi giáo. Ai cũng bịt kín mít, thật khó có thể nhận biết ai quen hay lạ. Kỹ quá cũng… mệt!

Thể lý đã vậy, tinh thần còn cần được bảo vệ kỹ hơn nữa. Ngày nay có quá nhiều thứ rác rưởi nguy hiểm trên internet – net trắng thì ít mà net đen thì nhiều. Facebook được nhiều người “ưa dùng” nhưng lại có quá nhiều mối nguy hiểm. Có những người comment (nhận xét, bình luận) những câu chẳng đâu vào đâu, vu vơ, linh tinh, vớ vẩn. Và tất nhiên cũng không ít kẻ lợi dụng Facebook để mưu tính những chuyện khuất tất.

Có những tên nghe rất “kêu” hoặc có vẻ “đạo đức” nhưng trong đó có mối nguy tiềm ẩn khó lường trước. Ngay cả hình đại diện cũng chưa đáng tin nếu chúng ta không biết họ là ai, vì có những kẻ lấy “râu ông nọ cắm vào cằm bà kia”, không biết đâu là thật hay giả. Cũng có những trang xem chừng “nghiêm túc” nhưng biết đâu chừng phía sau là một ổ virus độc hại. Những kẻ câu LIKE (thích) là những kẻ thật tồi tệ. Có thể nên block (khóa) họ để tự bảo vệ, tức là tự thanh lọc trước khi quá muộn!

Vì thế mà luôn phải cảnh giác cao độ, đúng như tiền nhân đã xác định: “Cẩn tắc vô ưu”. Thời buổi này cũng nên “di truyền” máu-đa-nghi của Tông đồ Tôma lắm đấy! Và thật chí lý với câu nói nghe như vè thế này: “Đừng cãi lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng chiến đấu với kẻ liều, đừng nói nhiều với kẻ ngu”. Chí lý lắm đấy chứ. Thật thà thì thẳng thắn, thẳng thắn thì thật tốt. Những kẻ nói ngọt và lấy lòng thì chẳng ra gì, người Anh gọi họ là dân “fair-weather” – tức là những người bạn phù thịnh, ưa nịnh, chỉ chấp nhận quen khi chúng ta có cái gì đó mà họ có thể lợi dụng, nhưng khi chúng ta gặp hoạn nạn thì họ không bao giờ xuất hiện.

Mùa Vọng về, năm mới Phụng Vụ tới, đó là thời điểm chúng ta cần thanh lọc kỹ lưỡng hơn, thanh lọc bằng cách tỉnh thức và cầu nguyện.

Trình thuật Is 11:1-10 nói về vị Minh Quân thuộc dòng dõi Đa-vít. Ngôn sứ Isaia mô tả: “Từ gốc tổ Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành”.

Nông dân Việt Nam có câu: “Nó bé nhưng gié nó to”. Ý nói về những cây lúa tuy nhỏ bé nhưng trổ ra những gié lúa trĩu nặng những hạt căng mọng. Những thứ nhỏ bé thường là những thứ quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn như DNA (deoxyribonucleic acid), dạng chuỗi xoắn đôi quá nhỏ bé, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó lại khả dĩ duy trì sự sống, khỏe hay yếu lệ thuộc vào nó và nó mang tính di truyền. DNA ở người có khoảng 3 ngàn tỷ cặp base – gồm 4 hóa chất: Adenine (A), Guanine (G), Cytosine (C), và Thymine (T). Thật là vô cùng kỳ diệu, và chỉ có Thiên Chúa mới tạo được như vậy!

+ MÙA THANH LỌC 2Kinh Thánh cho biết về thời đại của Thiên Chúa: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. Đến ngày đó, cội rễ Giessê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang”.

Đó là sự bình an đích thực, chỉ có ở Vương Quốc của Thiên Chúa. Hòa bình mà chúng ta hưởng ngày nay không vững bền, đôi khi chỉ là hòa-bình-ảo, nghĩa là không có chiến tranh súng đạn nhưng vẫn lo sợ đủ thứ, sợ vì nạn ô nhiễm khắp nơi, ngay cả thực phẩm cũng không an toàn thì làm sao bình an được đây? Ảo giác về hòa bình thôi!

Chưa được hưởng nền hòa bình đích thực vì chưa có công lý nghiêm minh. Có công lý mới khả dĩ có hòa bình. Có thời đại nào kỳ cục đến mức độ phải báo cáo hoặc khai báo khi đi làm từ thiện? Những người hảo tâm muốn làm từ thiện là có tội sao? Thật tồi tệ! Thảo nào tác giả Thánh Vịnh đã từng phải tha thiết cầu xin: “Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” (Tv 72:1-2).

Vương Triều Thiên Chúa rất tuyệt vời, bởi vì Ngài là Quốc Vương Chân Lý, và Ngài chỉ tuyển trạch các quần thần thực sự có lòng nhân ái, vì thế mà “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Tv 72:7-8).

Thế lực trần gian luôn coi thường công lý và rất sợ sự thật, đám dân đen luôn bị những kẻ ăn trên ngồi trước đày đạo và áp bức, ăn chặn mọi thứ, kể cả túi mì tôm. Những người hảo tâm biếu một chút thực phẩm và ít tiền thì bị chúng cướp mất. Từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã nói rất chính xác: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân oán than” (Cn 29:2). Trái ngược với nhân gian, Thiên Chúa là tình yêu, Ngài luôn chạnh lòng trắc ẩn với những kẻ thấp cổ bé miệng: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ” (Tv 72:12-13).

Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay, thế nên người ta nói rằng “sự thật thì hay mất lòng”. Thà mất lòng trước rồi được lòng sau. Thiên Chúa luôn thẳng thắn, những người ưa lươn lẹo cảm thấy khó chịu và chói tai khi nghe Ngài giáo huấn, nhưng ai chịu nghe thì sẽ được an tâm và sống thanh thản. Quốc Vương Công Lý là Đức Giêsu Kitô, luôn nói thật và nói thẳng. Không thế cũng không được, bởi vì chỉ có sự thật mới khả dĩ giải thoát con người khỏi lầm lạc (x. Ga 8:32).

Kinh Thánh xác định rạch ròi: “Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ, nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời. Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành, và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc” (Tv 72:17). Chắc chắn như thế. Sự thật mãi mãi là sự thật, người ta có cố ý bóp méo cỡ nào cũng không được. Người Việt cũng có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”.

Kinh Thánh cũng đã nói rõ: “Nịnh hót ai là giăng lưới dưới chân kẻ ấy” (Cn 29:5). Những kẻ bất tài vô dụng thì ưa nịnh bợ, khoái tâng hót. Chắc chắn kẻ nịnh hót là kẻ xấu, không đáng tin, vì họ là kẻ giăng bẫy hại chúng ta. Vậy mà thế gian lại “chuộng” phong cách đó. Thế nên ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: “Hãy DỌN đường Chúa, hãy SỬA đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ THẤY ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:4 & 6). Con đường đó chính là lòng dạ con người, là chính nếp nghĩ và các động thái khúc khuỷu đầy mưu mô thâm độc. Sửa cho thẳng con đường là một cách thanh lọc cần thiết để tâm hồn trở thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa ngự vào.

Dù có thế nào thì cũng đừng tự ái, đừng tuyệt vọng về tình trạng của mình. Mùa Vọng không chỉ nhắc chúng ta mong chờ Đấng Cứu Thế, mà còn dạy chúng ta duy trì niềm hy vọng. Có “lửa” hy vọng rồi sẽ có thể thắp sáng những thứ khác. Hãy lưu ý “chuỗi liên kết” này: Cuộc sống sẽ chấm dứt khi chúng ta NGỪNG mơ ước, hy vọng chấm dứt khi chúng ta KHÔNG còn tin tưởng, tình yêu cũng chấm dứt khi chúng ta KHÔNG còn quan tâm người khác. Thật đáng lưu ý biết bao!

Kinh Thánh là kho tàng vô giá, vì mọi thứ đều có thể tìm thấy trong đó. Càng biết Kinh Thánh càng thấy kỳ diệu. Thánh Phaolô cho biết: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15:4). Vững lòng trông cậy tức là tiếp tục hy vọng. Niềm hy vọng là cửa ngõ dẫn tới những vùng miền kỳ diệu mà con người chưa bao giờ ngờ tới.

Là con người, ai cũng rất yếu đuối, vấn đề là có cố gắng hay không. Thánh Phaolô đã kinh nghiệm như vậy, thế nên ông chân thành cầu mong: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 15:4-6).

Không ai có thể giúp mình bằng chính mình tự giúp mình. Thánh Phaolô cầu mong như vậy, nhưng chúng ta có nỗ lực thay đổi hay lại là chuyện khác. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa thì đó là do lòng thương xót của Người, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa” (Rm 15:7-9).

Phục vụ là điều cao cả. Chính Chúa Giêsu đã phục vụ và khuyên chúng ta phải phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không hẳn là phục dịch như tôi tớ, mà đơn giản chỉ là yêu thương nhau, thiện cảm phải chân thành thể hiện từ ánh mắt.

Trình thuật Mt 3:1-12 nói về “con người giao thời” có tên gọi là Gioan. Ông là người-nối-kết-Tân-Cựu-Ước, là người tiền phong đi trước “mở đường” cho Chúa Giêsu.

Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đã rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Kinh Thánh cho biết rằng ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. DỌN và SỬA là hai hành động cần thiết: DỌN là làm sạch, SỬA là làm cho ngay ngắn. Phải DỌN trước rồi mới SỬA, không thể làm ngược lại.

Ông Gioan là “dị nhân” thứ thiệt, “bụi đời” chính cống, sống rất giản dị: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, thực phẩm là châu chấu và mật ong rừng. Người giản dị là người có chiều sâu nội tâm, thần kinh vững mạnh. Tất nhiên ông cũng có đặc điểm khác người: thật thà và thẳng thắn. Và chỉ vì ông nói thật, nói thẳng, muốn bảo vệ công bình xã hội, bảo vệ luân thường đạo lý nên ông bị những kẻ mưu ác ghét bỏ, toa rập với nhau lấy thủ cấp của ông (x. Mt 14:3-11).

Nghe nói có “anh chàng bụi đời” tên là Gioan ăn nói lưu loát và có phong cách lạ lùng, từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, người ta kéo đến ùn ùn để xem “người cõi trên” thế nào. Có lẽ mới đầu họ chỉ tò mò theo bản tính hiếu kỳ mà thôi, nhưng càng nghe càng thấm. Thế là họ cùng nhau thú tội và xin ông Gioan làm phép rửa cho họ ở sông Gio-đan.

Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Sađốc đến chịu phép rửa, ông biết họ giả vờ để mưu mô chuyện khuất tất, nên ông nói thẳng với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham’. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham”. Mèn ơi, nói “xóc óc” ghê đi! Nhưng không thể không nói thẳng với những người giả hình, bề ngoài hiền như chiên ngoan mà bề trong là con cọp dữ gầm gừ.

Chắc là họ cũng “chạm tự ái” lắm, nhưng họ không biết nói gì để phản đối, và lại họ thấy ông Gioan “chửi” đúng quá trời mà! Thấy họ im như thóc thối, ông Gioan nói luôn một lèo: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: THÓC MẨY thì THU VÀO KHO LẪM, còn THÓC LÉP thì BỎ VÀO LỬA không hề tắt mà đốt đi”. Cách thanh lọc của Thiên Chúa rất kỹ lưỡng!

Những lời của ông Gioan nói với nhóm Pharisêu và Sađốc cũng là lời cảnh báo dành cho mỗi chúng ta hôm nay. Có hồn thì tự liệu lấy. Thuận ngôn thì nghịch nhĩ, thuốc đắng mới đã tật. Phúc cho ai cảm thấy “ngứa tai” và “đắng lòng” khi nghe những lời thật như vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết nhận ra Ngài qua các biến cố của cuộc đời để con kịp chấn chỉnh trong thời gian còn Giờ Thương Xót của Ngài. Xin giúp con dọn sạch và sửa lại đường đời con cho ngay ngắn để con được diễm phúc đón Đấng Emmanuel, Con Yêu Dấu Ngài, ngự vào – hôm nay và mãi mãi. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại và luôn ở với chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …