Home / Chia Sẻ / MÙA DỊCH RỤC RỊCH VỆ SINH

MÙA DỊCH RỤC RỊCH VỆ SINH

MÙA DỊCH RỤC RỊCH VỆ SINHVấn đề vệ sinh chẳng xa lạ gì với ai, nghĩa là điều đó đã quá quen và trở thành phản xạ tự nhiên của con người. Tuy nhiên, đôi khi người ta chưa thực sự chú trọng, còn “dễ dãi” về sự vệ sinh chung – thậm chí cả vệ sinh riêng. Biết giữ vệ sinh chung là người ý thức, có văn hóa, không chỉ tự trọng mà còn tôn trọng người khác, đặc biệt là ở những nơi công cộng, và cũng là cách giữ luật yêu mà Chúa Giêsu đã truyền.

Ngay đầu năm 2020, bất ngờ ôn dịch xảy ra. Người ta giật mình và hoảng hốt, rồi bắt đầu rục rịch lo giữ vệ sinh một cách cẩn thận và chu đáo hơn. Cái gì chứ Tử Thần đứng ngay bên nên thì ai cũng không dám… ho. Tình trạng lây lan quá nhanh, tới nay “vũ nữ phù thủy Vũ Hán” đã xuất hiện ở gần 200 quốc gia và lãnh thổ, gần 20.000 ca tử vong!

Ngày xưa, người ta không ngẫu nhiên mà gọi là Phép Vệ Sinh. Đó là những quy tắc giữ gìn sạch sẽ cho bản thân và môi trường, nhất là ngăn ngừa bệnh tật cho bản thân. Tuy nhiên, điều gì thái quá thì cũng bất cập, cái gì cũng có giới hạn của nó. Thậm chí cái mà chúng ta gọi là “tự do” cũng có giới hạn của tự do, vì không thể làm bất cứ điều gì theo ý mình rồi lấy cớ là “quyền tự do.” Kinh Thánh không đề cập vấn đề vệ sinh thể lý, nhưng đề cập vấn đề vệ sinh tinh thần – vệ sinh tâm linh, vệ sinh linh hồn.

Vệ sinh liên quan tình trạng sạch và bẩn, Việt ngữ thường có từ láy để làm mạnh nghĩa hơn: sạch sẽ, bẩn thỉu. Tình trạng sạch – bẩn không chỉ có nghĩa đen mà còn có nghĩa bóng. Vệ sinh là điều tốt, nhưng xét theo nghĩa đen, có những thứ sạch quá cũng không tốt – nghĩa là đôi khi cũng cần bẩn một chút. Thật vậy, có những loại virus thực sự “tốt” cho cơ thể, chứ không phải cứ virus là độc hại. Cholesterol cũng có loại “tốt” và “xấu.” Nhưng xét về nghĩa bóng thì phải tuyệt đối vệ sinh sạch sẽ, một chút bẩn cũng nguy hiểm, Thiên Chúa không thể chấp nhận một dấu vết dơ bẩn nào – dù nhỏ bé hoặc mờ nhạt.

Trong Anh ngữ, từ ngữ “hygiene” (vệ sinh) xuất hiện vào khoảng năm 1677. Từ này có nguồn gốc từ Pháp ngữ là “hygiène,” nhưng từ này lại là phiên bản Tây phương từ Hy ngữ là ὑγιεινή (τέχνη) – hugieinē technē, có nghĩa là “nghệ thuật của sức khỏe.” Trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Hygeia (Ὑγίεια) là người đại diện cho sức khỏe. Chỉ là từ ngữ thôi mà cũng thú vị bởi vì ý nghĩa thâm thúy, huống gì khi đề cập về nghĩa bóng: vệ sinh tâm linh.

Dơ bẩn thể lý là ghê tởm, bẩn tinh thần càng đáng ghê tởm hơn. Tương tự, vệ sinh thể lý là cần thiết, vệ sinh tâm linh càng cần thiết hơn. Trình thuật Mt 15:1-9 (≈ Mc 7:1-13) đề cập vấn đề thói quen vệ sinh.

Một hôm, có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và đặt vấn đề: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Ngài thản nhiên: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng: ‘Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.’ Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” Lời Chúa thẳng thắn, rõ ràng, thật là nhức buốt tâm can!

Ai cũng biết rằng giả hình là “máu” của Pharisêu, ỷ mình là dân biệt phái, tự nhận là thánh thiện, dạy người khác làm nhưng chính mình lại bỏ qua. Họ là những người nhiệt thành, (Mt 23:15) quan tâm về sự hoàn thiện và sự trong sạch, thực hành tỉ mỉ các lề luật với các truyền thống được truyền khẩu, am hiểu lề luật, lo bề ngoài mà coi thường bề trong. Họ ngăn chặn giáo huấn của Thiên Chúa bằng các truyền thống nhân văn của họ (Mt 15:1-20), mỉa mai người dốt nát nhân danh luật riêng của họ, (Lc 18:11-14) tránh tiếp xúc với phường tội lỗi và bọn thu thuế, tự nhận có luật pháp về Thiên Chúa nhân danh việc làm của họ, (Mt 20:1-16; Lc 15:25-30) ỷ mình có lề luật, tự hào mình có Thiên Chúa, (Rm 2:17-24) nhưng thật ra họ chỉ là những kẻ đui dắt kẻ mù, dốt mà chảnh, đỏng đảng mà tưởng mình duyên dáng. Thế nên Chúa Giêsu đã ví họ như “mồ mả tô vôi.” (Mt 23:27) Đẹp đẽ bên ngoài mà hôi thối bên trong. Kinh tởm!

Ngày nay cũng vẫn có những người mang “dòng máu” Pharisêu, thích chỉ tay năm ngón nhưng lại “không buồn động ngón tay vào,” (Mt 23:4) sống giả hình mà luôn tỏ vẻ nhân đức. Chúa Giêsu đã “tặng” tám chữ KHỐN cho Nhóm Biệt Phái. (x. Mt 23:13-32) Đáng sợ nhất là thứ khốn này: “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?” (Mt 23:33) Giả hình là không thật, chỉ chú trọng hình thức. Ai cũng hiểu. Giống như những người lo chưng diện, son phấn lòe loẹt, ngắm vuốt tối ngày, nhưng cái bụng thì mưu mô thâm độc, mắt sắc như dao cau, lời nói chê trách như lưỡi gươm sắc bén.

Pharisêu là nhóm người rất chảnh, nói hay mà làm dở, hoặc nói mà không làm. Không ai ưa nổi loại người như vậy, phải tránh họ như tránh dịch. Nghe Chúa Giêsu nguyền rủa họ mà thấy “nhột gáy” lắm. Cứ lo giữ vệ sinh bề ngoài mà coi nhẹ bề trong thì nguy hiểm, vì cứ lấy cái chính làm cái phụ, lấy cái phụ làm cái chính.

Chắc chắn vệ sinh là vấn đề thực sự rất quan trọng. Vệ sinh thể lý để ngăn ngừa dịch bệnh – đặc biệt là trong lúc đại dịch đang hoành hành như hiện nay. Vệ sinh linh hồn để ngăn chặn ma quỷ – nhất là đang trong thời gian Mùa Chay và chuẩn bị Tuần Thánh.

Chúa Giêsu mời gọi “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì TỪ BÊN NGOÀI vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Ai có tai nghe thì nghe! Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những Ý ĐỊNH XẤU: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7:14-23)

Có một quy trình rất đáng suy tư: Ý Nghĩ sinh ra Hành Động, Hành Động sinh ra Thói Quen, Thói Quen sinh ra Tính Cách, Tính Cách sinh ra Số Phận. Đó là “chuỗi hợp lý” đáng quan ngại để có thể kịp tự chấn chỉnh trước khi quá muộn. Nếu không thì coi như “hết thuốc chữa” rồi!

Vấn đề vệ sinh không quá phức tạp, có thể nói là khá đơn giản, vậy mà lại có thể hóa nhiêu khê. Vệ sinh đâu chỉ là tình trạng Sạch hay Bẩn bình thường, mà còn liên quan tình trạng linh hồn – và liên quan sự sống đời đời.

Trình thuật Lc 18:9-14 không đề cập vấn đề vệ sinh, nhưng vẫn liên quan vệ sinh. Đó là dụ ngôn nói về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Người biệt phái tự mãn nên khoe khoang công trạng với Chúa, còn người thu thuế chẳng có gì để khoe, chỉ biết ăn năn sám hối. Hai con người với hai cách vệ sinh, một người được sạch, còn một người vẫn dơ bẩn – thậm chí còn bẩn hơn trước khi vệ sinh.

Cô Vy chê Cô Na, Cô Na la Cô Vy. Thế là “xung đột” xảy ra khiến cả thế giới lo lắng, quan ngại, sợ như sợ bom nguyên tử. Mọi người phải giữ khoảng cách, xa thể lý nhưng gần tinh thần. Bài học yêu thương của Thầy Giêsu thực sự lúc này mới thấm thía. Rõ ràng đại dịch “Cô Vy Cô Vít” là cái giá quá mắc mà nhân loại phải trả, nhưng có lẽ cũng là cơ hội tốt để mọi người ý thức hơn về vấn đề vệ sinh – vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, vệ sinh thể lý và vệ sinh tâm linh. Đồng thời đại dịch này cũng nhắc nhở chúng ta phải sống năng động và tích cực, đừng quá thụ động và tiêu cực. Nói thẳng ra là PHẢI DỪNG LẠI NGAY bất cứ những gì là hình thức!

Không chỉ người Công giáo, mà cả thế giới – kể cả những người vô thần, đang trải nghiệm một Mùa Chay đích thực với nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Hãy ghi nhớ lời cảnh báo Thiên Chúa đã nói từ ngàn xưa: “Vất vả bao nhiêu cũng vô ích! Khối han rỉ vẫn không bong ra khỏi nồi, dù đã bị lửa thiêu. Vì tội ô uế của ngươi tày trời; Ta muốn thanh tẩy ngươi, nhưng ngươi lại không để cho thanh tẩy sạch mọi ô uế. Ngươi sẽ không được thanh tẩy cho đến khi Ta trút hết cơn thịnh nộ xuống trừng phạt ngươi.” (Ed 24:12-13)

Ngày xưa Thiên Chúa đã phải nói thẳng với Giêrusalem: “Chính ngươi đã chối bỏ quay lưng lại với Ta, nên Ta dang tay đánh phạt, nhằm huỷ diệt ngươi. Thương xót nhiều rồi, nay Ta đã chán!” (Gr 15:6) Và lời đó cũng đang vang lên trong thời đại ngày nay, nhất là trong mùa dịch và Mùa Chay này.

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Sống và Nguồn Sáng, xin thanh tẩy chúng con nên sạch sẽ từ trong ý nghĩ, ánh mắt, lời nói, cử chỉ, động thái,… để chúng con nên giống Ngài và xứng đáng đến gần Ngài. Chúng con cũng tha thiết cầu xin Ngài thanh lọc không khí, loại bỏ virus, thoát khỏi ma quỷ – dù đen hay đỏ, để thế giới này được sống trong sự bình an đích thực của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Lễ Truyền Tin, 25-03-2020

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …