Home / Chia Sẻ / MÙA CHAY – CÁM DỖ và ĐỀN TỘI

MÙA CHAY – CÁM DỖ và ĐỀN TỘI

CÁM DỖ & ĐỀN TỘITrong Mùa Chay, chúng ta cố gắng tránh xa tội lỗi và trở về với Thiên Chúa. Mỗi hành động Mùa Chay (cầu nguyện, ăn chay, và bố thí) đều giúp chúng ta làm điều đó. Mùa Chay không là mùa vui mừng trong Giáo Hội, nhưng hãy cố gắng làm cho Mùa Chay trở nên mùa của niềm vui và hy vọng.

Tội lỗi là quay lưng lại với Thiên Chúa. Đó là bất tuân Thánh Ý Ngài dành cho chúng ta, và là theo ý riêng đối nghịch với Thiên Chúa. Thật vậy, vì Thiên Chúa không gồm các phần, thực sự ba câu này là một và cùng một cách trình bày. Trong cuốn “Mere Christianity”, C.S. Lewis đưa ra sự tương tự của một cuộc sống tốt và một xã hội tốt so với việc hải hành của một đoàn tàu. Muốn đạt tới đích đến, những con tàu phải đi đúng hướng. Chúng phải phối hợp để không cản trở lẫn nhau, chúng phải xác định đích đến và đường đi để đạt tới đích. Tội lỗi trong sự tương tự này có ba dạng – mỗi con tàu có thể được điều hành không khéo hoặc không được phối hợp đúng đắn, thế nên bị lạc hướng, có thể do định hướng sai nên không đến đích theo kế hoạch.

Ba điều kiện này đối với đoàn tàu tương ứng với ba điều kiện trong một cuộc sống tốt và một xã hội tốt:

  1. Con tàu được điều khiển tốt tương tự cách sống tốt của một người.
  2. Đoàn tàu được phối hợp tốt giống như sự hài hòa giữa các thành viên trong xã hội.
  3. Đích đến đúng của đoàn tàu giống như cuộc sống tốt của mỗi cá nhân và của xã hội.

Điều kiện thứ nhất nghĩa là mỗi người phát triển các nhân đức để trí năng (hoa tiêu) điều khiển ý muốn (người quản lý neo), điều khiển những đam mê (thủy thủ đoàn) và có thể thắng vượt các ước muốn hoặc thị hiếu (sợ hãi, chướng ngại vật). Điều kiện thứ nhì nghĩa là người ta giúp đỡ nhau gia tăng nhân đức, cùng hướng về mục đích chung (đôi khi có cả mục đích riêng); trên diện rộng có luật chân chính, người ta làm cho nhau có thể thực hiện điều đúng đắn và ngăn chặn khả năng thực hiện điều sai trái. Điều kiện thứ ba là xác định nguyên tắc hoặc “nguyên nhân cuối cùng” của một xã hội tốt và một cuộc sống tốt. Nghĩa là cả con người và xã hội đều phải cố gắng đạt tới điều tốt nhất, tức là nhận thức và theo đuổi ý Chúa dành cho mỗi người và cả xã hội.

Trong “Commentary on the Lord’s Prayer”, Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas mô tả ba nguồn cám dỗ này. Đó là xác thịt, thế gian, và ma quỷ. Đó là “ba thù”. Khi ba loại cám dỗ này có thể “đánh” vào chúng ta với mọi mức độ, chúng tương tác với nhau đối với mỗi loại cám dỗ của cuộc sống tốt và xã hội tốt:

  1. Cám dỗ về xác thịt đánh trức tiếp vào chúng ta khi tìm cách gài bẫy chúng ta qua ý muốn, qua đam mê hoặc thị hiếu. Thánh Thomas Aquinas nói rằng xác thịt cám dỗ chúng ta bằng “các lạc thú nhục dục”, thường là tội lỗi trong đó. Nó dụ dỗ chúng ta ham lạc thú nhục dục mà khinh suất những điều về tâm linh”. Các cám dỗ này đặ chúng ta vào sự bất hòa nội tâm. Vài tội trọng cũng đánh chúng ta ở đây – nhất là tội dâm dục và mê ăn uống.

  1. Các cám dỗ về lời nói đối với điều tốt có thể chúng ta không sở hữu. Theo Thánh Thomas, lời nói cám dỗ chúng ta bằng “sự ham muốn thái quá về điều tốt của thế gian này”, và cũng bằng “sự sợ hãi đe dọa bởi những kẻ khủng bố và ngang ngược”. Các cám dỗ này đặt chúng ta vào sự bất hòa với người khác, với xã hội, và thậm chí với cả Giáo Hội. Tội tham lam và đố kỵ được gợi lên bởi sự cám dỗ của thế gian, và có thể chúng ta phẫn nộ với người khác khi bị cám dỗ.

  1. Ma quỷ là loại cám dỗ xảo quyệt nhất. Thánh Thomas cho biết: “Ma quỷ rất tinh ranh khi cám dỗ chúng ta. Nó hành động như một vị tướng tài ba khi sắp tấn công một thành phố kiên cố. Nó tìm các nơi yếu thế để tấn công, và ma quỷ cũng tấn công chúng ta vào chỗ nào yếu nhất. Nó cám dỗ những tội nào chúng ta dễ phạm nhất… Có vẻ nó không “gợi ý” điều gì xấu, nhưng là điều có vẻ tốt lành lắm. Nó làm cho chúng ta không hướng tới mục đích chính, và điều đó có vẻ dễ dụ chúng ta phạm tội, nó chuyển hướng chúng ta một cách rất tinh vi”.

Các cám dỗ này làm chúng ta bất hòa với Thiên Chúa và Giáo Hội. Tội trọng kết hợp với các cám dỗ này là lòng kiêu ngạo và sự phẫn nộ.

Ba điều khác nên đề cập ở đây là ba dạng cám dỗ. Thứ nhất, cả ba dạng cám dỗ đều có thể dụ dỗ chúng ta làm điều xấu hoặc tránh né điều tốt. Có hai dạng tội lỗi, thế nên chúng ta phải xưng thú để xin ơn tha thứ tội đã phạm và điều đã không thực hiện. Thứ hai, cả ba dạng cám dỗ đều có thể hoạt động với nhau. Thứ ba, bất kỳ tội trọng nào cũng có thể đánh vào chúng ta qua các dạng cám dỗ này hoặc liên kết các dạng cám dỗ, thậm chí một số cám dỗ dẫn tới các tội trọng nào đó.

Như đã nói, có ba nguồn cám dỗ là xác thịt, thế gian, và ma quỷ – tức là “ba thù”. Do đó cũng có ba cách thực hiện mùa Chay để chống lại ba thù: ăn chay, cầu nguyện, và bố thí. Nói chung, mỗi việc này giúp chúng ta chống lại cơn cám dỗ một cách hiệu quả hơn, nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng mỗi việc làm này đều tốt để củng cố chúng ta khi chống trả chước cám dỗ:

  1. Ăn chay giúp chúng ta thắng vượt sự ham muốn và chống lại cơn cám dỗ của xác thịt. Lưu ý rằng ăn chay ở đây không chỉ có nghĩa là “ăn ít” hoặc “ít ăn” theo nghĩa đen, mà còn có nghĩa là khước từ những gì làm cho chúng ta vui thích (ăn sô-cô-la, hút thuốc lá, uống cà-phê, tán gẫu, lướt facebook,…). Ăn chay cũng có thể chỉ là từ bỏ một thói quen riêng nào đó. Thật chí lý khi Việt ngữ nói rằng ăn chay là “hãm mình” và “ép xác”.

  1. Cầu nguyện giúp chúng ta nhận biết ý Chúa dành cho chúng ta, giúp chúng ta chống lại chước cám dỗ. Khi cầu nguyện, chúng ta hướng về Thiên Chúa, ca tụng Ngài về lòng nhân từ, cảm tạ Ngài về ơn lành, cầu xin Ngài ban ơn, và xin Ngài hướng dẫn trên đường đời. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”. Không phải là cầu xin Ngài cho chúng ta không bị cám dỗ, mà là cầu xin Ngài trợ giúp để chúng ta đủ sức mạnh mà chiến thắng mọi cơn cám dỗ.

  1. Bố thí giúp chúng ta trở nên thành viên của xã hội tốt và chống lại cơn cám dỗ của thế gian. Nhờ biết trao tặng những gì chúng ta có, chúng ta biết tách mình ra khỏi vật chất thế gian, và nhắc chúng ta nhớ rằng những gì chúng ta có (thời gian, tài năng, tiền bạc,…) đều là tặng phẩm từ Thiên Chúa, chúng ta có quyền quản lý chứ không sở hữu mãi. Đó là cách giúp chúng ta không luyến tiếc những gì cho đi.

Thiết tưởng có hai điều cần nói thêm. Thứ nhất là điều nên làm: Khi làm việc đền tội, hãy nhớ có sự khác biệt giữa sự kiềm chế và hành xác. Thứ hai là nên áp dụng cách thực hành mùa Chay và đền tội với ý nghĩa vui mừng nào đó. ĐHY Fulton J. Sheen đã viết suy niệm về “Bảy Lời Cuối” (Seven Last Words) thế này:

Kitô hữu ăn chay không vì thể xác mà vì linh hồn, không ăn chay vì thể xác xấu xa mà để làm cho thể xác dễ uốn nắn theo sự điều khiển của linh hồn, giống như dụng cụ trong tay của người thợ khéo léo…

Chúng ta hành xác bằng cơn đói và cơn khát, không vì xác thịt xấu xa, nhưng vì linh hồn phải chiến thắng xác thịt, chứ đừng như bạo chúa hoặc kẻ khủng bố. Khi ăn chay vì linh hồn, hãy vui vẻ mà làm chứ đừng miễn cưỡng hoặc phô trương. Chúa Giêsu dạy phải ăn chay kín đáo: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6:16-18).

Chúng ta phải biết trau dồi bằng cơn đói khát tâm linh. Hành xác là phương tiện chứ không là kết thúc. Mục đích là kết hiệp với Thiên Chúa, niềm khao khát của linh hồn.

Ngoài việc khước từ niềm vui, việc đền tội trong mùa Chay còn là vui mừng tiến về phía Thiên Chúa. Một phần trong đó là tự kiềm chế bản thân, và trở nên thành viên của xã hội tốt. Chúng ta đang phát triển tâm linh, và điều này chịu đựng cách đau đớn nào đó. Chúng ta hy vọng chiến đấu trong tiến trình này, điều đó cần kỷ luật. Chúng ta có thể thất bại và cảm thấy buồn, nhưng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn dạt dào, hãy vững tin và chúng ta sẽ khả dĩ chiến thắng cùng với Chúa Giêsu. Trong cuốn “Meditations and Devotions”, ĐHY Henry Newman đã viết: “Lạy Thiên Chúa Cha, tội lỗi của chúng con nhiều vô kể. Ngài đếm tội lỗi của chúng con, và Ngài có thể tha thứ cho chúng con, bởi vì lòng thương xót của Ngài bao la và công nghiệp của Chúa Giêsu vô giá”.

 

NICENE GUY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN