Home / Suy Niệm Lời Chúa / Một số bài giảng Lễ Giáng Sinh của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Một số bài giảng Lễ Giáng Sinh của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

LỄ GIÁNG SINH

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

 

Câu chuyện kể rằng: Có một người kia không tin vào việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà lại xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, đêm Giáng Sinh ông không tới nhà thờ dự lễ, mà ở lại nhà.

Sau khi vợ con rời khỏi nhà thì trời bắt đầu đổ tuyết. Một lúc sau, ông nghe một tiếng lạo xạo, rồi tiếp theo là một tiếng nữa, và nhiều tiếng nữa, giống như có ai đó đang ném những nắm tuyết vào cửa sổ.

Ông mở cửa bước ra xem. Thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ trú chân.

Ông thầm nhủ:
– “Tội nghiệp những chú chim bé nhỏ. Mình phải tìm cách giúp chúng mới được”.

Ông chợt nghĩ đến cái nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào. Nhưng lạ thật, bầy chim vẫn đứng im. Ông nghĩ – “Hay là chúng không thấy lối vào”. Ông bật đèn nhà kho lên. Rồi trở ra gọi chúng. Chúng vẫn đứng im.

– “Lạ nhỉ! Hay mình phải đi lùa chúng vào”.

Thế là ông đi đến chỗ cửa sổ, đưa tay lùa đàn chim. Lũ chim chẳng những không vào theo hướng ông muốn, mà còn bay chạy tán loạn tứ phía. Cuối cùng ông mới hiểu ra rằng: “Chúng sợ mình là phải, vì mình không phải là chim.

Phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng, chúng  sẽ không còn sợ hãi nữa.”

Phải chi mình mình giống loài chim, chắc hẳn không làm chúng sợ hãi.

Điều ước mơ mà người đàn ông trong câu chuyện không làm được thì chính Đức Giêsu đã thực hiện nơi chúng ta.

Ngài đã nhập thể để nên giống chúng ta và Ngài đã nhập thế để ở với chúng ta.

Ngài là Emmanuel, một vị Thiên Chúa đã đến với chúng ta, đang ở với chúng ta.

Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy xác phàm chúng ta như thánh Phaolô đã nói:

”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,1-8).

Đức Giêsu, đã nhập thể để nên giống chúng ta và đã nhập thế để ở với chúng ta. Người có tên là Emmanuel như lời thiên thần truyền tin cho Giuse:

“Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về nhà, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu Dân Người khỏi tội lỗi. Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. (Mt 1, 20-23)

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã đến với con người chúng ta.

– Emmanuel, một Thiên Chúa luôn hiện diện bên chúng ta, giữa cuộc đời buồn vui lẫn lộn.

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã trầm mình vào một thế giới hỗn độn và cuộc sống bất ổn của chúng ta.

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã từ chối tất cả để mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, để chia sẻ những yếu đau buồn vui và cô đơn của kiếp người.    

– Emmanuel, một Thiên Chúa đã đến với con người để nâng con người lên thành những người con của Thiên Chúa.

Một Thiên Chúa như thế đã đến với con người, nhưng con người đã không tiếp nhận, như trong Tin Mừng Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe: Thời ấy, hoàng đế Cesare Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số. Đây là cuộc kiểm tra đâu tiên được thực hiện thời Quirino làm thủ hiến xứ Syria. Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse cũng từ thành Nagiaret, miền Galilê, lên thành vua Đavit gọi là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đavit. Ông lên đó khai tên cùng với Maria là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang mang thai.

Khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ (Lc 2, 1-7)

Không còn chỗ trọ, một câu chuyện năm xưa:

Chúng ta thử hình dung lại sự kiện, Đức Maria và thánh Giuse, từ làng Nagiarét vùng Galilê thuộc miền Bắc Do Thái,

phải vượt qua đồi núi của miền Trung để về tận làng Bêlem vùng Giuđê thuộc miền Nam Do Thái. Đường chim bay cũng phải là 120 cây số, đường ngoằn ngoèo trong thực tế hẳn phải trên 150 cây số.

Sau một cuộc hành trình vất vả như thế, khi tới nơi những tưởng rằng Thiên Chúa sẽ dành cho Con của Ngài một chỗ để sinh ra tương xứng, nhưng khốn thay… tất cả mọi quán trọ đều từ chối! Nếu hai ông bà có đủ tiền, chắc hẳn không đến nỗi bị xử tệ như thế! Chưa sinh ra, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể đã phải đối diện với sự ích kỷ và tính coi trọng tiền bạc của con người! Không kiếm được chỗ để trọ và sinh con, hai ông bà đành trọ và sinh con trong chuồng bò lừa. Đây là một sự kiện lịch sử nói lên cách đối xử của con người.

Khi Con Thiên Chúa giáng trần, không có chỗ trong lòng con người như thánh Gioan đã diễn tả: “Chúa Cứu Thế đã đến với thế giới do chính Ngài tác tạo, nhưng thế gian đã không nhận biết Ngài” (Jn 1,10)

Đó là câu chuyện “không còn chỗ trọ” của năm xưa, Còn câu chuyện”không còn chỗ trọ” của hôm nay như thế nào:

Một giáo sư tâm lý của trường đại học tại Hoa kỳ ra một bài trắc nghiệm để dò xem ý tưởng của 40 sinh viên trong lớp của mình. Trước hết ông bảo họ lấy giấy bút viết ra hàng chữ “Lễ Giánh Sinh”, rồi ông nói: ”Bây giờ các anh chị hãy viết vào sau chữ ấy ý nghĩ đầu tiên mà các anh chị liên tưởng đến về ngày lễ Giáng Sinh”.

Khi họ nộp bài, ông coi lại thì thấy có những chữ như sau: cây giáng sinh, dây kim tuyến, tặng phẩm, gà tây, ông già Noel,bài ca giáng sinh. Và tuyệt nhiên không có một ai viết “Ngày Chúa Giêsu ra đời”.

Quả thật, chúng ta đã chồng chất bao nhiêu thứ trong tâm hồn chúng ta, nên không còn một chỗ cho Ngài khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện:

Bức tranh “ổ khóa cửa ở bên trong”

Trong một cuộc triển lãm tranh của những họa sĩ nổi tiếng, khách thưởng ngoạn đặc biệt chú ý tới một bức tranh về hình Chúa Giêsu đứng trước cửa một căn nhà tồi tàn. Người ta rất thích chí khi khám phá ra rằng trên cửa lại không có nắm cửa để mở. Chẳng lẽ họa sĩ lại quên đi một chi tiết tầm thường nhưng lại rất quan trọng như vậy sao?

Chỉ khi mọi người xì xầm thắc mắc, tiếp tục ngắm nghía và ngẫm nghĩ một hồi lâu, họ mới “ngộ” ra được cái dụng ý tuyệt diệu của bức tranh:

Thiên Chúa luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài cánh cửa lòng chúng ta, dù tuyết rơi, mưa đổ, gió bão, phong ba thi nhau ập tới, Ngài vẫn đứng đó.

Ngài vẫn đứng đó. Ngài không thể vào nhà vì nắm cửa nằm bên trong.

Quyền quyết định ở trong tay chúng ta, Ngài chỉ có thể bước vào và ngự trị trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta mở cửa cho Ngài.

Lạy Chúa, chẳng lẽ Chúa cứ phải đứng ở ngoài cửa tâm hồn chúng con hết mùa Giáng Sinh này đến mùa Giáng Sinh khác.

 

 

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

 

Từ lâu, Giáng Sinh đã trở thành một Ngày Lễ được đón mừng nhất trên thế giới. Dù ở đâu, thuộc tôn giáo nào, khi thời tiết se lạnh là lòng người cảm thấy háo hức đón chờ ngày lễ Giáng Sinh. Còn chúng ta là những Kitô hữu, Giáng Sinh có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Sau đây là một chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô về ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, được trích dẫn trong bài phỏng vấn ĐTC dành cho “La Stampa” tại nhà thờ Thánh Matta vào thứ ba, ngày 10 tháng 12  năm 2013.

Đối với Đức Thánh Cha,

“Giáng Sinh là một cuộc gặp gỡ Đức Giêsu. Thiên Chúa luôn luôn tìm kiếm dân người, dẫn dắt và chăm sóc họ, và Ngài đã hứa với họ là Người luôn luôn đồng hành với họ.

Giáng Sinh là một cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với dân Ngài.

Đó cũng là một niềm an ủi, một mầu nhiệm đầy an ủi.

Nhiều lần, sau thánh lễ nửa đêm, ĐTC đã cảm nghiệm được một tâm tình đầy an ủi và một sự bình an sâu xa.

Đối với tôi, (ngài nói tiếp) Giáng Sinh luôn là một cuộc chiêm ngắm về việc Thiên Chúa viếng thăm dân Người.” 

Quả thật, Giáng Sinh là cuộc gặp gỡ Đức Giêsu, nhưng làm sao gặp được Ngài nếu chúng ta không mở cửa cho Ngài.

ĐTC nói tiếp: “Khi Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta, Ngài nói với chúng ta hai điều.

Điều đầu tiên Ngài nói với chúng ta là: Các con hãy hy vọng. Thiên Chúa luôn mở các cánh cửa, Ngài chưa bao giờ đóng lại. Ngài là Cha, Đấng luôn mở cửa cho chúng ta.

Điều thứ hai Ngài nói với chúng ta là: các con đừng sợ sự dịu dàng. Khi các Kitô hữu lãng quên niềm hy vọng và sự dịu dàng, họ trở nên một Giáo Hội lạnh lẽo, họ trở nên một Giáo Hội không biết mình đi về đâu, họ trở nên một Giáo Hội tự giam mình trong các ý thức hệ và thái độ của thế gian.

ĐTC nói tiếp: Tôi cảm thấy lo lắng khi các Kitô hữu đánh mất hy vọng và khả năng để ôm trọn và mở rộng sự quan tâm đầy yêu thương dành cho tha nhân (Nguyễn Minh Triệu sj).

Mở rộng sự quan tâm đầy yêu thương dành cho tha nhân chính là giới răn mới của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con”, nhưng con người đã thực hiện như thế nào?

 

Và có câu chuyện kể rằng:

“Vương quốc Fanxica là một đất nước thái bình, thịnh vượng. Nhà vua và hoàng hậu lại có diễm phúc sinh được hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Hai vị hoàng tử này lại thương yêu nhau, đêm ngày gắn bó với nhau như hình với bóng. Trong khi đó, vua nước láng giềng là một người cực kỳ nham hiểm và ác độc. Ông này căm thù vua Fanxica bằng một mối thù truyền kiếp. Lòng căm thù của ông lại càng dâng cao khi thấy vua Fanxica có hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, vũ dũng hơn người, trong khi mình thì không có lấy một mụn con. Vì thế, ông rắp tâm hạ sát hai vị hoàng tử kia cho bằng được.

Vua độc ác biết hai vị hoàng tử thường hay vào rừng săn bắn, nên vua cho người mai phục, giăng bẫy bắt được hoàng tử em. Sau khi hay tin em mình bị mất tích trong rừng, hoàng tử anh một mình một ngựa xông vào rừng sâu để tìm em. Không ngờ chính anh cũng lại bị vua độc ác giăng bẫy bắt được. Nhà vua độc ác giam hai anh em vào ngục tối nên hai hoàng tử không hề hay biết gì về nhau.

Theo thông lệ hằng năm, vào dịp sinh nhật của vua, vua cho tổ chức những cuộc quyết đấu giữa những con ác thú, để chúng phanh thây xé xác nhau làm trò vui cho quan quân và dân chúng. Năm nay, thay vì thú dữ, nhà vua ác độc bắt hai tù nhân, mỗi người mang một bộ da sư tử, đeo thêm mặt nạ sư tử, và buộc họ phải quyết đấu cho đến khi một trong hai người phải chết. Ai sống sót sẽ được trả tự do.

Cả đấu trường hò la vang dậy khi quân lính dẫn hai đấu thủ mặc lốt sư tử bước ra.

Với thanh mã tấu trên tay, hai con người đội lốt sư tử xông vào nhau chiến đấu vô cùng ác liệt như hai con ác thú say mồi. Đám đông cổ võ hò la vang trời dậy đất.

Cuộc chiến kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai đấu thủ mệt nhoài, mình đầy thương tích máu me… Nhưng không ai chịu nhường ai. Mỗi người đều dốc hết toàn lực hạ đối thủ, để dành sự sống, để được trả tự do, để khỏi làm nô lệ suốt đời. Một là chiến thắng hai là chết.

Cuối cùng bằng sức mạnh và sự khéo léo, đấu thủ cao lớn đã vung đao chém xoạc mặt đối phương, làm rơi mặt nạ sư tử, để lộ ra một khuôn mặt thật của địch thủ.

Anh kinh hoàng sợ hãi! Thanh mã tấu trên tay rơi xuống. Anh giật bỏ mặt nạ của mình xuống. Cả hai đều kinh ngạc. Họ bàng hoàng nhận ra nhau. Không ai xa lạ, họ chính là anh em ruột thịt. Họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Họ đâu ngờ rằng đối thủ mà họ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được lại chính là người anh em của mình. Nước mắt tuôn tràn hòa lẫn với máu. Hai con người bầm dập, mình đầy máu me ôm nhau khóc nức nở. Khóc vì đã coi nhau như kẻ thù, khóc vì đã đấu tranh với nhau như ác thú; khóc vì đã gây cho nhau bao vết thương đau. Họ vẫn đứng đó, ôm nhau khóc sướt mướt trước hàng ngàn cặp mắt bàng hoàng kinh ngạc của mọi người”.

Kính thưa OBACE,

Câu chuyện trên đây dẫn chúng ta đến một điều quan trọng: Chính ma quỉ thù địch của Thiên Chúa đã gây ra biết bao tội ác trên trần gian. Ma quỉ đã đeo cho con người đủ thứ mặt nạ ác thú để chém giết lẫn nhau, và không còn nhận ra nhau là con cái Thiên Chúa nữa. 

Chúa Giêsu Giáng Sinh, Nhập Thể xuống thế để lột mặt nạ ác thú ra khỏi con người, để họ nhận ra nhau là con cái Thiên Chúa, là anh chị em với nhau. Ngài đến để cứu chúng ta thoát khỏi vòng tội lỗi, khỏi lòng hận thù oán ghét  như Công Đồng Vaticanô II  đã diễn tả: “Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã thể hiện trong việc Con Một Thiên Chúa đã được Chúa Cha sai đến thế gian, để một khi hóa thân làm người, Người tái sinh và qui tụ toàn thể nhân loại nên một bằng cách cứu chuộc họ”.

Bước vào thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng bố và chiến tranh tàn bạo với những vũ khí tối tân và kỹ thuật tinh xảo. Ước gì chúng ta không đầu hàng bạo lực và oán thù, nhưng sẽ là những sứ giả của hòa bình.

Niềm vui Giáng Sinh chính là niềm vui được giải thoát khỏi hận thù ghen ghét. Đó chính là niềm vui mà các thiên thần đã ca vang trong ngày Chúa giáng trần:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Amen.

 

 

LỄ RẠNG ĐÔNG

CÁC MỤC ĐỒNG

 

Hôm nay một Hài Nhi đã chào đời.

Hôm nay một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta.

KTOBACE

Đêm nay trời se lạnh, làm cho chúng ta dễ hình dung quang cảnh của Belem năm xưa. Xa xa ngoài cánh đồng lặng lẽ, thấp thoáng bóng người qua lại. Họ là những mục đồng đang canh giữ đàn chiên trong đêm đen giá lạnh.

Một ánh chói lòa xuất hiện và họ được báo tin: Hôm nay trong thành Belem, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Người là Chúa Kitô, là Đức Chúa.

Các mục đồng là những người chăn chiên:

      Họ là những người nghèo nàn đói rách

      Họ là những người hèn mọn dốt nát.

Thân phận của họ thật mịt mù tăm tối, xã hội hầu như không biết đến họ, thế mà họ lại là những người đầu tiên được loan báo tin mừng.

Các mục đồng là những người đơn sơ chất phát, nên khi họ nhận được tin báo, họ không lý luận tranh cãi, nhưng vội vã lên đường. Họ vào thành Belem và thấy đúng như lời thiên thần báo: “Một Hài Nhi vấn tã, nằm trong máng cỏ”

Quả thật, với con mắt người trần, với con mắt xác thịt, các mục đồng đã thấy “Một Hài Nhi vấn tã, nằm trong máng cỏ”. Nhưng với con mắt đức tin, họ đã nhận ra Hài Nhi chính là Đấng Cứu Thế. Họ vui mừng thờ lạy. Sau đó, họ lại trở về với đàn chiên. Họ lại phải tiếp tục đối mặt với đêm đen giá lạnh. Họ tưởng chừng niềm vui lại lặng xuống và ánh vinh quang cũng nhạt dần. Không, hoàn toàn không, vì thánh Luca đã ghi lại: Họ trở về “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”.

Họ trở về với những ngày thường nhật của họ, cũng với những đồng cỏ đó cũng với những đàn gia súc đó và một cuộc sống bình thường tiếp tục tái diễn tưởng chừng như không có gì thay đổi.

Không, hoàn toàn không, vì giờ đây tâm hồn họ vui mừng rộn rã.

– Họ vui mừng rộn rã vì họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho họ.

– Họ vui mừng rộn rã vì họ nhận ra một Thiên Chúa đang hiện diện bên họ.

   Hiện diện bên họ để chia sẻ cuộc sống lầm than và thân phận tăm tối của họ.

– Họ rộn rã vì giờ đây một Thiên Chúa làm người đã làm cho cuộc đời hèn kém của họ có một ý nghĩa.

 

Hôm nay chúng ta đến đây để gặp gỡ một Hài Nhi, một Hài Nhi bé bỏng nhưng Hài Nhi bé bỏng đó lại là một vị Thiên Chúa. Rồi một ít phút nữa, chúng ta trở về gia đình và tiếp tục cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tâm hồn chúng ta có rộn rã như các mục đồng không?

Hòa quyện với tâm tình của các mục đồng, chúng ta thấy văng vẳng bên tai lời ngôn sứ: “Này đây một trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23)

– Một Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta.

– Một Thiên Chúa đến bên chúng ta, giữa cuộc đời buồn vui lẫn lộn.

– Một Thiên Chúa đã trầm mình vào một thế giới hỗn độn và cuộc sống bất ổn của chúng ta.

– Một Thiên Chúa đã từ chối tất cả để mặc lấy thân phận yếu đuối của con người để chia sẻ những yếu đuối và cô đơn của kiếp người.

Một Thiên Chúa như thế chắc chắn sẽ đem lại cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩa. Amen

LỄ BAN NGÀY

NGÔI LỜI NHẬP THỂ

 

Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Jn 1,1-18)

Từ Nhập Thể, không phải là một từ được sử dụng trong ngôn ngữ thường ngày và cũng không có trong tòan bộ Kinh Thánh. Người ta gọi từ này là một thứ “tốc ký” để chỉ một quan niệm được triển khai dần dần trong Tân Ước.

Lần đầu tiên Thánh Kinh đề cập đến quan niệm Đức-Giêsu-là-Thiên-Chúa là trong Phúc Âm thánh Gioan: “Ngôi Lời (Verbum) đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của Người Con Một đầy ân sủng và chân lý” (Jn 1,14).

Sự hiểu biết về mầu nhiệm Nhập Thể thực ra đã phát triển dần dần.

Mãi đến gần cuối của Tân Ước mới thấy đề cập đến Đức Giêsu, trong thân xác của Người, có đầy đủ bản tính của Thiên Chúa (Col 2,9) và cho đến khi có kinh Tin Kính, các Kitô hữu mới tuyên xưng Đức Giêsu “đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.

Tưởng cũng nên ghi nhận sự kiện này là Thiên Chúa, trong Đức Giêsu đã bước vào thế gian này để trở thành con người giống như chúng ta ngọai trừ tội lỗi và cũng sống giống như chúng ta. Vì Người đã nhập thể và nhập thế, nên Đức Giêsu cũng đã cảm nhận được những nỗi thống khổ trên trần thế:

–         Người đã phải chịu đau khổ như nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nếm biết bao đắng cay.

–         Người đã cảm thấy đau đớn, cảm thấy bị ruồng bỏ.

–       Cuối cùng Người cũng đã có cảm nghiệm về cái chết, một kinh nghiệm mà sớm hay muộn cũng sẽ xảy đến cho bất cứ một người nào trong chúng ta. (Khi Chúa đến với con người, p.69-70).

– “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng bất cứ cuộc sống nào, cho dù bé nhỏ, vô nghĩa đến đâu, thì cuộc sống ấy vẫn có một ý nghĩa.

– “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” muốn nói lên rằng cho dù chúng ta thuộc về hạng người nào, chúng ta vẫn có thể sống trọn vẹn lời Người đã dạy và theo gương các việc Người đã làm.

Người ta có kể rằng ở một thành phố bên Tiệp Khắc, trong các di tích trưng bày có một chiếc cày từ thế kỷ 18.

Người ta thuật lại câu chuyện như sau:

Một hôm hòang đế Joseph II cùng đòan tùy tùng đến thăm một ngôi làng. Thấy anh nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên chiếc cày, ông đến trò truyện cvà xin cày thử. Anh nông dân rất ngạc nhiên khi thấy một người sang trọng lại xin tra tay vào cày, một cái cày lấm bùn dơ bẩn. Rồi lại thấy ông ta cày một cách vụng về, anh bật cười và nói: Xin lỗi ông, hạng người như ông làm sao cày mà kiếm sống được.

Nghe nói thế, một người trong đoàn tùy tùng ghé vào tai anh nông dân mách nhỏ: Người đó chính là hoàng đế.

Anh nông dân như muốn độn thổ. Anh không thể tưởng tượng một vị hòang đế mà tra tay cầm cày như anh…

Anh cảm phục đến nỗi từ đó anh không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Anh chùi rửa sạch sẽ, rồi cất giữ như một báu vật. Về sau, chiếc cày đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm tại Vienne, nước Áo.

Quả thật, vua Joseph là một vị hòang đế nhưng cũng là người như chúng ta, ấy thế mà anh nông dân đã cảm phục trước hành động của nhà vua đến nỗi không dám sử dụng chiếc cày đó nữa. Còn đối với chúng ta, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, mặc lấy xác phàm như chúng ta, để ở với chúng ta, chúng ta phải đối xử với Người như thế nào?

Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

 

 

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …