Chiều thứ hai 12.1 chúng tôi rời Úc lên đường bay sang Colombo, Tích Lan (Sri Lanka). Sau hơn 5 giờ bay và hơn 3 giờ chờ đợi ở Singapore để đổi chuyến bay, chúng tôi đã đến phi trường Colombo sau 3 tiếng 30 phút vào lúc 0.15am sáng thứ ba (hôm nay) – giờ địa phương đi sau giờ Việt Nam 2 tiếng 30 phút.
Nhờ gia đình người giáo dân trong giáo xứ liên lạc với người thân ở Colombo ra phi trường đón anh em chúng tôi, nên cũng an tâm. Nếu không, vấn đề vận chuyển về khách sạn không mấy dễ dàng, vì nhiều đường xá từ Xa Lộ dẫn vào thành phố và những con đường chính trong thành phố đã được phong tỏa trong những ngày trước để bảo đảm an ninh cho việc tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến đất nước nầy vào 9.00am ngày hôm nay (thứ Ba 13.1), cho nên xe phải chạy rất xa..
Trên chuyến xe từ phi trường vô thành phố Colombo, dọc 1 bên đường chúng tôi thấy quá nhiều cờ tòa thánh Vatican và quốc gia Sri Lanka xen kẽ nhau trên suốt xa lộ dẫn vào thành phố không thể nào đếm cho hết được. Cứ cách nhau khoảng 10 mét là 1 lá cờ tòa thánh và kế tiếp cũng khoảng 10 mét là cờ của đảo quốc. Chúng tôi nói với nhau trên xe chắc là không dưới mấy trăm ngàn cây cờ của Tòa Thánh Vatican và đảo quốc Sri Lanka bay phất phới trong đêm khuya. Khi xe vào trong thành phố chính, những đoạn đường nào mà xe Đức Thánh Cha sẽ đi qua hoặc sẽ gặp dân chúng thì cờ xí cũng bay phất phới. Nhiều bảng hiệu quảng cáo trên các cao ốc hay trên những cây cầu bắt ngang các con đường dành cho người đi bộ cũng vẽ họa nhiều hình ĐGH Phanxicô với những câu chào đón kính trọng trân quý chuyến viếng thăm của Ngài và Phái Đoàn Tòa Thánh.
Sáng hôm nay, chúng tôi có dịp đi tham quan thành phố Colombo. Thành phố Colombo sáng nay không có kẹt xe và nhộn nhịp nhiều như thường lệ. Có lẽ do 2 lý do: Một số đường dẫn đến tụ điểm chính nơi ĐGH Phanxicô sẽ đến gặp gỡ dân chúng bị giới hạn. Lý do thứ hai là 9.00am sáng nay ĐGH đến phi trường Colombo, nên dân chúng đã đi đón Ngài ngoài phi trường và dọc các tuyến đường dẫn vào thành phố, nên phố xá, siêu thị hơi vắng khách mua sắm vãng lai như mọi ngày.
Chúng tôi đi tham quan vài siêu thị chính trong thành phố, tiệm bán đồ… dường như nhân công phục vụ đông hơn là khách hàng đi mua sắm sáng hôm nay. Nhìn cách khách quan, đa số các cửa hàng trong những siêu thị chính thì dường như nhiều tiệm bán đồ nữ trang hay vàng vòng. Chúng tôi đoán có lẽ xứ sở nầy họ trân quý vàng bạc như Ân Độ, Miến Điện và ngay cả Việt Nam hơn là ngoại tệ…
Chuyện vui nho nhỏ…. Trong một siêu thị, khi chúng tôi muốn đổi Australian Dollars ra tiền địa phương (Rupee) thì người đổi tiền phải trình Passport. Còn người đổi tiền American Dollars thì không cần phải trình Passport và ký biên nhận đổi tiền như khi đổi tiền Úc….
Đa số người dân trong thành phố nầy nói tiếng Anh. Họ có tiếng nói riêng của dân tộc như tiếng Sinhalese Rodiya, Sri Lankan Creole Malay và cũng có đa số dân nói tiếng Tamil, di dân từ Ấn Độ… Tôn giáo chính ở đảo quốc nầy là Phật Giáo 69%, Hindu 15%, Kitô Giáo 8% nói chung và người Công Giáo trong số nầy khoảng 7%, người Islam 7%, Sinhalese 74% và Tamils 18% trên tổng số dân khoảng hơn 20 triệu tương đương với dân số Úc Châu khoảng 20 triệu.
Chúng tôi là những du khách khi cần họ hướng dẫn chỉ đường cho dù chúng tôi hỏi một người đàn ông trên đường phố, một cô gái tình cờ gặp ở ngã ba hay ngã tư đang chờ đèn xanh dành cho người đi bộ hoặc một người tài xế lái xe giống như xe Lambretta của quê hương ngày xưa….. tất cả đều lịch sự nhã nhặn trả lời bằng tiếng Anh với Sri Lankan accent cũng như anh em chúng tôi nói tiếng Anh nhưng với Vietnamese accent. Khi thấy mọi người chúng tôi gặp trên đường, trong tiệm ăn, trong phố chợ đều nhã nhặn, chúng tôi liên tưởng đến một vài gia đình giáo dân gốc Sri Lankans trong giáo xứ chúng tôi đang phục vụ… Khi biết chúng tôi sẽ lên đường đi qua xứ sở họ… họ cho chúng tôi số điện thoại, địa chỉ thân nhân của họ vì họ quan tâm đến chúng tôi và cũng phần nào muốn chúng tôi có cơ hội đến thăm gia đình của họ còn ở lại Sri Lanka. Cho dù chúng tôi đến Sri Lanka trong một thời gian rất ngắn, nhưng họ đã liên lạc liên tục và mong chúng tôi đến thăm và dùng cơm với gia đình của họ.
Những nghĩa cử hiếu khách nầy làm chúng tôi liên tưởng đến một nhân vật Việt Nam đang phục vụ cho Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka trong vai trò Sứ Thần của Tòa Thánh trên đảo quốc nầy đó là Đức Tổng Giám Mục Pierre Nguyễn văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh của Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka. Ngài đã giúp chúng tôi có cơ hội đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ ngày mai. Mỗi lần chúng tôi liên lạc với ngài qua bất cứ hình thức nào, ngài đều nhã nhặn trả lời từng lần, từng vấn đề trong sự tế nhị, khiêm tốn và hiếu khách của Dân Tộc Việt Nam. Như hôm qua chẳng hạn, khi chúng tôi còn chờ chuyến bay từ Singapore sang Colombo, chúng tôi liên lạc với ngài ít nhất là 3 lần. Ngài đều trả lời đúng ba lần và không quên cầu chúc anh em chúng tôi thượng lộ bình an và mong gặp chúng tôi sớm.
Qua sự nhã nhặn của dân chúng Sri Lankans và cách riêng với Đức Sứ Thần Tòa Thánh mang dòng máu Việt Nam, chúng tôi cảm thấy vui và thân mật khi đặt chân đến một quốc gia mà đa số là Phật-Hồi-Ấn: Chúng tôi đang chờ giây phút gặp gỡ Đức Sứ Thần Tòa Thánh để phỏng vấn Ngài. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh với chức vụ là Tổng Giám Mục, chúng tôi đọc tất cả những văn thư mà ngài liên lạc với chúng tôi trong suốt thời gian qua, chúng tôi chưa từng thấy cuối trang hay cuối văn thư mà ngài đề Tổng Giám Mục hay Sứ Thần Tòa Thánh bao giờ. Nhưng luôn khiêm tốn viết: Mến. Pierre Nguyễn văn Tốt.
Dù bận rộn trong những ngày nầy với cương vị Sứ Thần Tòa Thánh, Ngài vẫn liên lạc với chúng tôi ngay cả hôm nay và đã cho người đến khách sạn đưa cho chúng tôi giấy phép được đồng tế với Đức Thánh Cha ngày mai thứ Tư 14.1 và ngài cũng cho linh mục và tài xế đến đưa chúng tôi đi ăn tối và đưa chúng tôi hôm nay và sẽ đưa chúng tôi đến nơi đồng tế với Đức Giáo Hoàng vào sáng ngày mai. Sau khi ĐGH bay sang Phi Luật Tân, thi trưa ngày thứ Năm, Ngài dành cho chúng tôi vinh dự phỏng vấn ngài và được ngài mời ăn trưa trước khi từ giã ngài và đảo quốc tuyệt đẹp Sri Lanka mà ngài được cử sang phục vụ trong chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh.
Một niềm hãnh diện cho Giáo Hội Việt Nam, có những người con ưu việt vì hoàn cảnh của Quê Hương-Giáo Hội đã và đang sống cũng như phục vụ Giáo Hội Mẹ Thánh Hoàn Vũ khắp nơi với lòng nhiệt thành, khiêm nhu, quảng đại và hiếu khách. Luôn luôn hướng về Giáo Hội Mẹ, trong sự cầu nguyện và cùng chung một hoài bão: Ước mong một ngày nào đó, Nguời Cha Phanxicô của Giáo Hội Hoàn Vũ cũng đặt chân lên mãnh đất hình chữ S Việt Nam như Ngài đang đặt chân trên đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan) trong 3 ngày nầy.
Với tâm tình biết ơn và ngưỡng mộ sự khiêm nhường của Đức Tổng Pierre, chúng tôi có thể xác quyết một điều là nếu không có ĐTGM Pierre Nguyễn văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Đảo Quốc Sri Lanka chúng tôi đã không có mặt trên đảo quốc nầy hôm nay.
Vâng, Đức Sứ Thần mang dòng máu Việt đang cùng với Hàng Giáo Phẩm của Đảo Quốc Sri Lanka đang đóng góp công sức để xây dựng lại quốc gia nội chiến hơn một phần tư thế kỷ trong đó có Giáo Hội Công Giáo, cho dù con số dân Công Giáo không đông (7%) nếu như thánh ý Thiên Chúa muốn 7% Công Giáo nầy sẽ là ‘Men’ làm “Dậy” khối bột 20 triệu dân của Đảo Quốc nầy trong tương lai,.. Đó có thể là ước muốn của Giáo Hội Công Giáo Tích Lan và đó chính là mục đích chính của chuyến viếng thăm ngắn ngủi của người Cha Phanxicô như Ngài đã phát biểu khi vừa bước xuống mảnh đất của hòn đảo này sáng hôm nay mà chúng tôi xin trich lại cho lời kết của bài viết nầy mà Vietcatholic đã đăng trên website của Vietcatholic hôm nay thay cho lời kết:
“Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô”.
Nhóm Phóng Viên Vietcatholic
Colombo, 13.1.2015
Nguồn: Vietcatholic