Home / Chia Sẻ / MỘT MÌNH

MỘT MÌNH

 

MỘT MÌNH“Một Mình” là một trong những ít nhạc phẩm của người nhạc sĩ tài ba Lam Phương viết riêng cho mình.  Lúc sáng tác, ông chỉ đơn giản trút nỗi niềm u uẩn qua những vần thơ nốt nhạc, có điều ông không ngờ bài hát “Một Mình” được nhiều người ưa thích và trở thành một lời tiên tri buồn cho chính bản thân mình.  Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình, ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình… đây có thể là nỗi sợ không chỉ một mình Lam Phương.  Ai cũng sợ một mình, dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, khỏe mạnh hay bịnh tật…  Dù là bất chợt một khoảng khắc một mình, một quãng đời tạm một mình, hay cả đời một mình…. thì cái một mình nào cũng đáng sợ.  Với người Á Đông, từ nhỏ đã quen sống chung đụng với anh chị em, cha mẹ, ông bà… thì cái một mình cô đơn mới đáng sợ hơn.  Vậy một mình có thật sự đáng sợ không?

 

Từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mời gọi con người một mình đi vào sa mạc để trong cõi hoang tịch cô liêu đó con người có thể nghe được tiếng tỏ tình từ trời cao “Này ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16).  Trong cõi một mình của Lam Phương phủ đầy những nỗi niềm u uất, những trằn trọc giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái một mình cô đơn đang bủa vây xung quanh, đang một mình nhưng không muốn một mình, muốn bay vút ra khỏi “ngoài hiên nắng lóe” rực rỡ ngoài kia, muốn có ai đó ở bên kia hàng hiên nghe được tiếng lòng của mình“biết lời tỏ tình, đã có người nghe….?”  Còn trong sa mạc của Kinh Thánh là một sa mạc tĩnh lặng, ngọt ngào, ngập tràn những tiếng lòng thổn thức lãng mạn mà chỉ khi một mình bước chân vào đó mới nghe được “Vào ngày đó…. ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi,” chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa.” (Hs 2,18).  Một sa mạc mở rộng vòng tay mời gọi con người một mình tự do tự tại bước vào để sống chậm lại, để cảm nhận “lời Ngài đã hứa, ngọt ngào hơn mật ong trong miệng” (TV 119, 103), để “nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (TV 34, 9).  Hàn Mạc Tử khi một mình cô đơn đau đớn vì bịnh tật thay vì oán hận số phận hẩm hiu lại tha thiết mời gọi thế nhân “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hồ reo; để nghe tơ liễu run trong gió, và để xem trời giải nghĩa yêu… (Đà Lạt trăng mờ).  Vì chỉ khi một mình trong thanh vắng tôi mới nghe, mới xem, mới cảm và mới nếm được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đang muốn mạc khải cho.

 

“Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành, đời mong manh quá, kể chi chuyện mình, nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh…  Cõi một mình của Lam Phương giăng đầy những nỗi buồn da diết kể về cuộc đời mong manh, là những giọt nước mắt khóc cho tình yêu dễ tan, là những tiếc nuối con người dễ quên, là cái nhìn ảm đạm cho một tương lai tăm tối sầu lo.  Lam Phương không hận, chỉ là những lời trách nhẹ nhàng bâng quơ “đường xưa quen lối, tình dối người mang,” buồn cho phận mình long đong lận đận tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan,” những nỗi buồn kế tiếp nỗi buồn.  Một nỗi buồn không chia sẻ được với ai, buồn lại càng thêm buồn, may mà có những nốt nhạc vần thơ nói lên được cõi lòng đơn côi của ông.  Ngược lại, cõi một mình trong sa mạc với Thiên Chúa là những hoan ca rộn ràng của hai tâm hồn có dịp gặp gỡ trò chuyện hàn huyên, là những nức nở buồn vui, cũng có những giọt nước mắt nuối tiếc cho những lầm lỡ sa ngã đã qua, sau đó là những vỗ về ủi an tha thứ, là những khích lệ nâng đỡ, là những lời tỏ tình mật ngọt… “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).  Và đoạn kết của một chuyện tình đẹp là một kết thúc có hậu với “một hôn ước vĩnh cửu.  Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương.” (Hs 2,21).

 

Nghe rồi mới hiểu tại sao phải đi vào sa mạc cô tịch, tại sao phải là một mình, phải lắng đọng, phải thinh lặng mới nghe được những lời tỏ tình mật ngọt rất nhỏ kia.  Nếu Lam Phương không buồn, không một mình, không cô đơn thì chắc chắn sẽ không có nhạc phẩm bất hủ “Một Mình.”  Nếu tôi không chọn một mình, không đi vào sa mạc, không rũ áo với những tiếng ồn tất bật xung quanh, biết tôi có nghe được gì chăng cho dù Chúa vẫn nói?  Một mình không phải để viết nhạc như Lam Phương,  làm thơ như Hàn Mạc Tử, nhưng một mình để mở lòng hướng về trời cao, trao ban cho Thiên Chúa cái tự do để Ngài muốn viết nên những vần thơ, điệu nhạc gì lên linh hồn tôi thì túy ý Ngài.  Khi một mình là lúc trở về với chính mình, tôi mới nhận ra có một niềm khắc khoải trong hồn muốn tìm về cội nguồn Chân Thiện Mỹ, mới nghe được những khao khát sâu kín trong trái tim mình.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu trước khi bắt đầu cuộc đời công khai, Ngài đã lui vào sa mạc để ở một mình 40 ngày.  Trước khi chọn 12 tông đồ, Ngài cũng đi vào cõi một mình và “Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12).  Sau những phép lạ, những lúc rao giảng mệt mỏi, Ngài lánh riêng ra một mình, khi thì “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt,” hoặc “chiều đến.”  Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Giêsu cũng đi vào cõi một mình trong vườn Cây Dầu cầu nguyện suốt đêm cho tới khi binh lính đến bắt Ngài.  Trong ba năm rao giảng và huấn luyện các tông đồ, Giêsu cũng buộc các ông sau những ngày bận rộn với đám đông, rao giảng, chữa lành… thì lánh riêng ra một chỗ nghỉ ngơi, cầu nguyện, tránh xa thế gian ồn ào… Đôi khi, Thầy Giêsu cũng phải dùng tới biện pháp mạnh là “đem các ông đi riêng với mình…” (Lc 9,10).

 

Như vậy một điều dễ nhận thấy là Giêsu thích ở một mình!  Khi tôi một mình ở với Giêsu Một Mình thì không còn là một mình nữa.  Hai cái một mình thì là hai rồi, không còn là một nữa.  Một mình ở với Giêsu không phải là cái một mình của cô đơn, lo lắng, tiếc nuối như cái một mình của Lam Phương, mà đó là cái một mình đáng yêu của Hàn Mạc Tử, trong đau đớn thể xác vẫn rung động với cảnh vật, vẫn nghe được Trời giải nghĩa yêu… 

 

Một chiều thứ Sáu trên đồi Canvê năm xưa, có ba người tử tội bị hành hình trên ba cây thập tự giữa một đám đông ồn ào huyên náo, la hét, người cười kẻ khóc, người đau khổ tiếc thương, kẻ hả hê đắc chí…. 

 

Tử tội thứ nhất, tên cướp không ăn năn, khi sống hắn đã chọn con đường gian ác cô độc lẻ loi, ai ai cũng sợ hãi kinh khiếp tránh xa.  Đến gần với sự chết, hắn vẫn tiếp tục ngoan cố một mình giãy giụa trong sự dữ luôn miệng nguyền rủa và một mình đi vào cõi chết trong giận dữ, oán hận…  Cái một mình kinh hoàng của bóng đêm sự dữ, thiếu vắng bóng dáng tình yêu mặc dù Thiên Chúa Tình Yêu đang ở ngay cạnh bên.

 

Tử tội thứ hai, tên trộm lành, cũng như bạn mình đã sống cuộc đời của một tên cướp ác ôn.  Nhưng khi đối diện với thần chết, hắn lại mở lòng để nhìn ra những lầm lỡ sai trái của mình, mở mắt để nhìn thấy người tử tội bên cạnh là người vô tội bị án oan, dám mở miệng để mắng tên đồng bọn ngu ngốc, và khiêm nhường để xin sự tha thứ…  Và hắn đã được mãn nguyện!  Hắn không cô đơn một mình đi vào cõi chết!  Người bạn mới tử tù Giêsu đã nắm tay cùng đồng hành với hắn đi về một nơi mà hắn chỉ biết lơ mơ “Nước của ông,” với một lời hứa bao người mơ ước: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 43b).

 

Tử tội cuối cùng, Giêsu thành Nazaret, trong ba năm rao giảng làm bao nhiêu phép lạ cả thể, xung quanh lúc nào cũng có đám đông lớn nhỏ tung hô vạn tuế, với 12 tông đồ, 72 môn đệ, đến khi hấp hối chỉ còn một mẹ, một trò và vài người đàn bà khác dưới cây thập giá.  Lúc này đây có lẽ tử tội Giêsu mới thấm thía hai chữ một mình.  Một mình không nhất thiết là khi chỉ có một mình.  Một mình giữa đám đông với những tiếng la hét, nguyền rủa…  Một mình đang bị nhấn chìm từ từ với những cánh tay giơ lên “Đóng đinh nó vào thập giá!”  Một mình mới thấm thía cảm giác bị đệ tử thân tín phản bội, bị trò yêu chối bỏ, bị cả thế gian lên án.  Và cái đáng sợ nhất là cảm giác bị Người Cha yêu dấu bỏ rơi, để rồi trong hơi tàn sức kiệt trước khi chết, Giêsu đã phải thốt lên “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34b).  Cái một mình này mới thật đáng sợ!  Chúa Giêsu trên cây thập giá đã đi đến tận cùng của một mình cô đơn, bị kết án, bỏ rơi, nguyền rủa…  Có ai hiểu cảm giác một mình lẻ loi bị bỏ rơi cho bằng Giêsu? 

 

Sống là chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng!  Trong chuyến đi đó dù muốn hay không ai rồi cũng phải một mình ra đi.  Cho dù có vạn người khóc, triệu người thương, nhà nhà tiễn đưa… nhưng không ai có thể cùng đồng hành với tôi trong chuyến đi đó.  Chỉ một mình tôi sẽ độc hành trong chuyến đi cuối cùng này.  Chỉ một mình tôi sẽ ra trước tòa phán xét của Đấng Tối Cao.  Chỉ một mình tôi thôi!  Một mình lúc đó mới thật đáng sợ!  Vậy sao ngay bây giờ tôi không tập sống một mình với Giêsu để Ngài sẽ cùng đồng hành với tôi trong chuyến đi cuối cùng như Ngài đã từng đồng hành với tên trộm lành trong chuyến đi cuối cùng của hắn.  Và tôi sẽ không bơ vơ một mình trước tòa phán xét vì đã có Giêsu bênh đỡ cho tôi.

 

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã yêu thích một mình, xin cho con biết sắp xếp thời gian bận rộn của mình để bước vào cõi tĩnh lặng với Chúa mỗi ngày, để làm bạn với Ngài ngay từ bây giờ để rồi con không phải một mình cô đơn trong cuộc sống này, không một mình trong chuyến đi cuối cùng, và chắc chắn sẽ không một mình lạc lõng trước tòa phán xét Chúa trong ngày sau hết.  Amen!

 

Lang Thang Chiều Tím

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …