Ngày 01/12 vừa qua (năm 2017), trong chuyến viếng thăm Bangladesh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại công viên Suhrawardy Udyan cho khoảng 100 ngàn tín hữu và ngài đã truyền chức Linh mục cho 16 phó tế. Cha Josim Murmu, 30 tuổi, là một trong số 16 tân linh mục. Cha là người đầu tiên trong làng của cha trở thành linh mục. Chính chứng tá Kitô hữu của cha đã đưa gia đình cha trở lại Công Giáo và sau đó, trong vòng 4 năm, toàn thể 800 người trong làng của cha đã đón nhận phép rửa tội. Cha Josim đã chia sẻ với hãng tin Á châu rằng những người quan trọng nhất với cha là gia đình và trên hết là người bố đau bệnh của cha. Cha cho biết, dù đi lại đối với bố của cha thật khó khăn, nhưng ông không thể vắng mặt trong ngày trọng đại nhất đời của cha.
Cha Josim sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Pollibut, giáo phận Dinajpur, miền bắc Bangladesh. Bố của cha là một nông dân, còn mẹ cha là người nội trợ ở nhà, chăm sóc 7 người con, 4 trai 3 gái. Người dân sinh sống tại làng của cha Murmu đều là những người thuộc các bộ tộc, theo đạo thờ vật linh; họ chịu ảnh hưởng của Ấn độ giáo. Từ khi còn là một trẻ nhỏ, cha Josim đã được “gặp” Chúa Kitô qua cuộc gặp gỡ với cha Giêrônimô, một linh mục dòng Phanxicô. Cha Josim kể lại: “Một ngày kia, cha Giêrônimô đến gặp và nói với tôi: ‘Josim, chúng ta đi dạy cho những người đó.” Và tôi đã đi cùng với cha Giêrônimô. Sau một thời gian theo cha Giêrônimô, trong lòng tôi nảy sinh ước muốn trở nên giống như cha ấy.” Cậu bé Josim đã hỏi cha Giêrônimô làm thế nào để trở thành một Kitô hữu và câu trả lời của cha làm cho cậu bé ngạc nhiên: “Đầu tiên con phải học hành đã.” Sau một thời gian chuẩn bị và cầu nguyện, Josim nói cho gia đình biết là cậu muốn được rửa tội. Thế là đến lượt gia đình của Josim lại ngạc nhiên. Cha Josim kể: “Mọi người đồng ý với tôi, họ chấp nhận quyết định của tôi. Họ đã nói với tôi rằng họ cũng muốn trở thành các Kitô hữu. Thế là cả gia đình tôi đã theo đạo Công Giáo.”
Còn một sự kiên quan trọng khác trong hành trình ơn gọi của cha Josim, đó là cuộc nói chuyện với một linh mục khác. Cha Josim chia sẻ: “Cha ấy đã nói riêng với tôi: ‘Josim, con có một ngọn lửa đang cháy bỏng trong lòng con. Đừng dập tắt nó’. Ngọn lửa đang cháy đó chính là Chúa Kitô.” Trong thời gian đó, chàng trai trẻ Josim đã hoàn thành giai đoạn một của chương trình đại học và quyết định gia nhập chủng viện Dinajpur. Cha Josim chia sẻ về ước muốn của mình khi ấy: “Mong ước của tôi là trở thành linh mục, dạy dỗ cho ngừoi khác, làm việc vì họ, rao giảng Tin Mừng là Thiên Chúa.”
Cha Josim đã là một chứng tá trong cuộc sống và chính thái độ và cách sống của cha đã thu hút những người dân làng của cha. Chỉ trong vòng 4 năm, toàn bộ dân làng của Cha đã trở lại và được rửa tội. Cha Josim nhớ lại: “Ban đầu họ không chấp nhận Tin mừng, họ chống lại chúng tôi và không muốn giúp đỡ chúng tôi. Họ thuộc các nhóm khác nhau, họ có nhiều truyền thống từ Ấn giáo, như là thờ các thần và dâng cúng cho các thần. Dù là nghèo khổ, họ dâng những thứ họ có. Tôi đã không biết phải làm gì và tôi đã trao đổi với vị linh hướng của tôi. Ngài nói với tôi: ‘Con đừng lo lắng. Hãy sống cuộc sống của con, đi theo quyết định của con cho đến cùng. Họ sẽ hiểu và từ từ cuộc sống của họ cũng sẽ thay đổi.’”
Cha Josim xác tín mạnh mẻ rằng: “Chúa Giêsu Kitô đã đến cho tôi. Ngài là bạn, là Chúa của tôi, là Đấng dựng nên tôi. Khi Ngài đến thế gian này, Ngài đã dạy dỗ và giảng dạy cho dân chúng. Ngài đã trao ban sự sống của Ngài vì tôi. Ngài đã đến trên trái đất này và đã cứu tôi khỏi tội lỗi, Ngài đã chết để cứu tôi khỏi tội lỗi.” Sau khi được chịu chức linh mục, cha Josim sẽ bước theo gương mẫu của mình. Cha chia sẻ rằng cha sẽ đi làm chứng cho Chúa Kitô, rao giảng Tin mừng, không phải bằng cách hét thật to. Cha nói: Khi tôn trọng niềm tin của mỗi người, Phật giáo hay Hồi giáo, tôi sẽ mang Tin Mừng cho họ và theo gương hoạt động vì con người của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi sẽ phục vụ dân tộc của tôi trong giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Suihari, nơi tôi sẽ là phụ tá của cha xứ Gian Battista Zanchi. Tôi yêu quý dân của tôi, người nghèo và người khuyết tật, Kitô hữu và Hồi giáo.
(Asia News 29/11/2017)