“Khi một tâm hồn chai đá biết để mở ra với Thần Khí, Thiên Chúa sẽ luôn ban ơn sủng dồi dào và một phẩm giá được phục hồi. Điều này cần được diễn ra ngang qua sự khiêm nhường, tự hạ. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 15.04, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta.” Bài đọc một hôm nay thuật lại cuộc hoán cải của Thánh Phao-lô.
“Có lòng nhiệt thành với những điều thánh thiêng thì không có nghĩa là sẽ có một con tim rộng mở với Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha đã minh họa điều này bằng gương của Sao-lô (Phao-lô), quê ở Tác-xô, một người đầy sốt sắng trong niềm tin tưởng và nghiêm chỉnh tuân giữ những quy tắc mà đức tin truyền dạy, nhưng lại có một con tim khép kín, hoàn toàn câm điếc trước Đức Kitô, thậm chí ông còn đồng ý tiêu diệt và bỏ tù những Kitô đang sống ở Đa-mát.
Sự khiêm nhường làm tan chảy con tim
“Ngay trên con đường thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tất cả mọi sự đã đảo ngược so với dự định của Phao-lô. Cuộc hành trình trên con đường Đa-mát ấy đã trở thành khúc tình sử về một con người dám để cho Thiên Chúa biến đổi trái tim mình: Một luồng ánh sáng từ trới chiếu xuống bao phủ lấy Phao-lô.Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông. Trong phút chốc, mắt ông hóa mù lòa, không còn thấy gì nữa. Một Phao-lô đầy mạnh mẽ và xác tín, giờ đây đã ngã xuống đất. Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, ông thấu hiểu sự thật về mình: Ông đã không là một người như Thiên Chúa mong muốn, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả chúng ta là những con người hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất. Vì thế, tiếng nói bởi trời không chỉ tra vấn Phao-lô: “Tại sao ngươi bắt bớ ta?” nhưng còn mời gọi ông đứng dậy.
“Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” Nhưng khi bắt đầu đứng dậy, Phao-lô nhận ra mình đã mù, không còn thấy gì cả. Ông để cho người ta dẫn ông đi. Và từ đó, con tim của ông bắt đầu mở ra. Như vậy, Phao-lô đã được những người bạn đồng hành cầm tay dẫn tới Đa-mát. Ông ở trong tình trạng mù lòa suốt ba ngày và cũng chẳng ăn, chẳng uống gì cả. Con người này đã bị té xuống đất và ngày lập tức nhận ra rằng cần phải chấp nhận sự nhục nhã, bẽ mặt này trong khiêm hạ. Như vậy, chính con đường tiến về Đa-mát ấy đã mở toang con tim của Phao-lô và giúp ông biết khiêm tốn hơn. Cũng thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta khiêm tốn và cho phép những nhục nhã, bẽ mặt xảy xa với chúng ta, chỉ với mục đích là giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn, giúp mở rộng con tim chúng ta ra với Đức Giêsu. Đó là một con tim đã hoán cải.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính
Con tim của Phao-lô đã tan chảy. Trong những ngày cô đơn và bị mù lòa ấy, cái nhìn nội tâm của Phao-lô đã biến đổi. Thiên Chúa sai Kha-na-ni-a đến đặt tay trên Phao-lô để cho mắt ông lại thấy được. Có một khía cạnh quan trọng trong tiến trình năng động này cần được để ý.
Chúng ta nhớ rằng nhân vật chính của câu chuyện không phải các thượng tế, kinh sư; cũng không phải Tê-pha-nô, cũng không phải Phi-líp-phê hay viên thái giám, và cũng không phải là Phao-lô… nhưng là chính Chúa Thánh Thần. Nhân vật chính trong Giáo hội là Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn Đoàn Dân Chúa. Khi Kha-na-ni-a đặt tay trên Phao-lô, ngay lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Con tim chai đá của Phao-lô đã tan chảy và trở nên ngoan ngoãn trước Thần Khí.
Phẩm giá được phục hồi
Thật là đẹp khi chúng ta chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người, cho dù đó là những tâm hồn trai đá, ngang bướng, để trở nên mềm mại và ngoan ngoãn trước Thần Khí. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều có lòng chai dạ đá. Nếu ai trong anh chị em không có, xin vui lòng giơ tay lên xem. Ít nhiều, tất cả chúng ta đều có lòng chai đá. Bởi vậy, chúng ta hãy nài xin để được nhìn thấy những chai đá đó quật ngã chúng ta xuống đất. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng khiêm tốn xin ơn để đừng nằm mãi dưới đất nhưng biết đứng dậy, đứng dậy với phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo nên ta. Đó chính là ơn sủng của một con tim rộng mở và ngoan ngoãn trước Thần Khí.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ