Home / Chia Sẻ / MỘT CHÚA BA NGÔI

MỘT CHÚA BA NGÔI

MotChuaBangoiTín điều Chúa Ba Ngôi có nghĩa là có một Thiên Chúa vĩnh hằng với ba Ngôi riêng biệt – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Thiên Chúa là một bản thể và ba Ngôi Vị. Những định nghĩa này bày tỏ ba sự thật quan trọng: (1) Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là những Ngôi riêng biệt, (2) mỗi Ngôi hoàn toàn là Thiên Chúa, (3) và chỉ có một Thiên Chúa.

  1. CHÚA CHA, CHÚA CON, CHÚA THÁNH THẦN LÀ NHỮNG NGÔI RIÊNG BIỆT

Kinh Thánh nói về Cha là Thiên Chúa, (Pl 1:2) Chúa Giêsu là Thiên Chúa, (Tt 2:13) và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. (Cv 5:3-4) Có phải đây chỉ là ba cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa, hay chỉ đơn giản là những cách đề cập ba vai trò khác nhau mà Thiên Chúa đảm nhận?

Câu trả lời hẳn là KHÔNG, vì Kinh Thánh cho biết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là những Ngôi riêng biệt. Chẳng hạn, vì Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian, (Ga 3:16) nên Ngài không thể là cùng một người với Chúa Con. Cũng vậy, sau khi Chúa Con về với Chúa Cha, (Ga 16:10) Chúa Cha và Chúa Con đã sai Chúa Thánh Thần xuống thế gian. (Ga 14:26; Cv 2:33) Vì vậy, Chúa Thánh Thần phải riêng biệt với Chúa Cha và Chúa Con.

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta thấy Chúa Cha phán từ trời và Thánh Thần từ trời xuống dưới hình chim bồ câu khi Chúa Giêsu lên khỏi nước. (Mc 1:10-11) Và Ga 1:1 nói rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, cho thấy Chúa Giêsu là một Ngôi khác biệt với Chúa Cha. (x. 1:18) Trong Ga 16:13-15, chúng ta thấy rằng mặc dù có sự hiệp nhất chặt chẽ giữa tất cả các Ngôi, nhưng Chúa Thánh Thần cũng khác biệt với Chúa Cha và Chúa Con.

Nói cách khác, việc Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là những Ngôi riêng biệt có nghĩa là Chúa Cha không là Chúa Con, Chúa Con không là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài không phải là Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, nhưng Ngài không phải là Chúa Cha hay Chúa Con. Đó là những Ngôi Vị khác nhau, không phải là ba cách nhìn khác nhau về Thiên Chúa.

Người ta thường lý luận: “Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thì chắc hẳn ngài đã cầu nguyện với chính mình khi còn ở trên đất.” Nhưng câu trả lời đơn giản là áp dụng những gì chúng ta đã thấy. Chúa Giêsu và Chúa Cha đều là Thiên Chúa, nhưng là những Ngôi khác nhau. Như vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha mà không cầu nguyện với chính Ngài. Trên thực tế, chính cuộc đối thoại liên tục giữa Chúa Cha và Chúa Con (Mt 3:17; 17:5; Ga 5:19; 11:41-42; 17:1 và tiếp theo) cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất rằng đó là những Ngôi riêng biệt với các trung tâm ý thức riêng biệt.

Mặc dù ba Ngôi Vị là khác biệt, nhưng điều này không có nghĩa là Ngôi này hơn hoặc kém Ngôi khác. Cả ba Ngôi Vị giống nhau về thuộc tính, bình đẳng về quyền lực, tình yêu thương, lòng thương xót, công lý, sự thánh thiện, kiến thức và tất cả các phẩm chất khác.

  1. CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA

Nếu Thiên Chúa có Ba Ngôi, điều này có nghĩa là mỗi Ngôi là “một phần ba” của Thiên Chúa hay sao? Có phải Chúa Ba Ngôi có nghĩa là Thiên Chúa được chia thành ba phần? Chúa Ba Ngôi không chia Thiên Chúa thành ba phần. Kinh Thánh nói rõ rằng cả Ba Ngôi đều là Thiên Chúa một trăm phần trăm. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều hoàn toàn là Thiên Chúa. Ví dụ, nó nói về Đức Kitô rằng “nơi Ngài, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể.” (Cl 2:9)

Nếu mỗi Ngôi là Thiên Chúa khác biệt và hoàn toàn, thì chúng ta có nên kết luận rằng có nhiều hơn một Thiên Chúa? Rõ ràng là không thể, vì Kinh Thánh nói rõ rằng chỉ có một Thiên Chúa: “Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác.” (Is 45:21-22; x. Is 44:6-8; Xh 15:11; Đnl 4:35; 6:4-5; 32:39; 1 Sm 2:2; 1 V 8:60)

Khi đã thấy rằng Cha, Con và Thánh Thần là những Ngôi riêng biệt, rằng mỗi Ngôi đều hoàn toàn là Thiên Chúa, và chỉ có một Thiên Chúa, cả ba Ngôi đều là Thiên Chúa như nhau. Nói cách khác, chỉ có một Thiên Chúa hiện hữu với ba Ngôi riêng biệt.

Có một câu tập hợp tất cả những điều này lại một cách rõ ràng nhất: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19) Đầu tiên, hãy lưu ý rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được phân biệt là những Ngôi riêng biệt. Chúng ta làm phép rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

  1. TAM VỊ NHẤT THỂ CÓ MÂU THUẪN?

Thiên Chúa duy nhất một bản thể, nhưng có ba Ngôi Vị. Ngài là Đấng Tam Vị Nhất Thể. Điều đó cho chúng ta thấy tại sao không có ba Thiên Chúa, và tại sao Ba Ngôi không mâu thuẫn. Để một cái gì đó mâu thuẫn, nó phải vi phạm luật không mâu thuẫn. Định luật này nói rằng A không thể vừa là A (cái nó là) vừa không phải là A (cái nó không là) cùng một lúc và trong cùng một mối quan hệ. Nói cách khác, bạn đã mâu thuẫn với chính mình nếu bạn xác định và phủ nhận cùng một tuyên bố. Ví dụ, nếu tôi nói rằng mặt trăng được làm bằng phô-mai nhưng sau đó lại nói rằng mặt trăng không được làm bằng phô-mai. Tôi tự mâu thuẫn với chính mình.

Các tuyên bố khác thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực sự không phải vậy. Charles Dickens có câu nói nổi tiếng: “Đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất.” Rõ ràng đó là điều mâu thuẫn nếu Dickens muốn nói rằng “đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất và cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất.” Nhưng ông tránh mâu thuẫn với tuyên bố này bởi vì ông muốn nói rằng theo một nghĩa nào đó thì đó là thời điểm tốt nhất, nhưng theo nghĩa khác thì đó là thời điểm tồi tệ nhất.

Chuyển khái niệm này sang Chúa Ba Ngôi, việc Thiên Chúa vừa là BA vừa là MỘT không là mâu thuẫn bởi vì Ngài không phải là ba và một theo cùng một cách. Ngài là ba theo một cách khác với Ngài là một. Do đó, chúng ta không nói bằng một cái lưỡi chẻ đôi – chúng ta không nói rằng Thiên Chúa là một và sau đó phủ nhận Ngài là một bằng cách nói Ngài là ba. Điều rất quan trọng: Thiên Chúa là MỘT và BA cùng lúc, nhưng riêng biệt.

Thiên Chúa là một về bản thể, nhưng Ngài là Ba Ngôi. Bản thể và Ngôi Vị khác nhau. Thiên Chúa là MỘT theo một cách (bản thể) và là BA theo một cách (Ngôi Vị). Vì Thiên Chúa là một theo một cách khác với Ngài là ba, nên Ba Ngôi không là điều mâu thuẫn. Chỉ mâu thuẫn nếu chúng ta nói Thiên Chúa là ba giống như Ngài là một.

Vì vậy, việc xem xét kỹ hơn sự kiện Thiên Chúa về bản chất là một nhưng có ba ngôi vị đã giúp cho thấy tại sao Chúa Ba Ngôi không mâu thuẫn. Làm thế nào chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa thay vì ba? Rất đơn giản: Cả Ba Ngôi là một Thiên Chúa, bởi vì cả ba Ngôi Vị đều có cùng một bản thể. Vì vậy, Thiên Chúa chỉ là một bản thể, nên Ngài chỉ là một chứ không là ba. Điều này sẽ làm sáng tỏ lý do tại sao điều quan trọng là phải hiểu rằng cả ba Ngôi Vị cùng một bản thể. Vì nếu chúng ta phủ nhận điều này, chúng ta đã phủ nhận sự hiệp nhất của Thiên Chúa và xác định rằng có nhiều hơn một bản thể của Thiên Chúa (tức là có nhiều hơn một Thiên Chúa).

  1. VĨ NGÔN

Ba Ngôi quan trọng vì Thiên Chúa quan trọng. Hiểu đầy đủ hơn về Thiên Chúa là một cách tôn vinh Ngài. Hơn nữa, chúng ta nên để cho sự kiện Thiên Chúa có ba Ngôi làm sâu sắc thêm sự thờ phượng của mình. Chúng ta tồn tại để thờ phượng Thiên Chúa. Ngài tìm kiếm những người thờ phượng Ngài trong “thần khí và sự thật.” (Ga 4:24) Vì vậy, chúng ta phải luôn cố gắng đào sâu sự thờ phượng Thiên Chúa – bằng cả tâm trí và sự thật.

Chúa Ba Ngôi rất quan trọng đối với việc cầu nguyện. Mẫu cầu nguyện chung trong Kinh Thánh là cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, để “chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2:18) Mối tương giao của chúng ta với Thiên Chúa nên được nâng cao bằng cách ý thức rằng chúng ta có quan hệ với Chúa Ba Ngôi!

Nhận thức về vai trò riêng biệt của mỗi Ngôi trong Ba Ngôi trong sự cứu độ của chúng ta có thể đặc biệt đem lại cho chúng ta sự an ủi và đánh giá cao hơn đối với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, cũng như giúp chúng ta cầu nguyện một cách cụ thể. Tuy nhiên, trong khi nhận ra vai trò riêng biệt của mỗi Ngôi, chúng ta đừng nghĩ rằng vai trò của ba Ngôi quá tách biệt đến mức các Ngôi khác không tham gia. Thay vào đó, bất cứ điều gì mà một Ngôi có liên quan thì hai Ngôi kia cũng liên quan – bằng cách này hay cách khác.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con tin yêu và thờ lạy Ngài, xin thương xót chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)

 Cầu Xin Ba Ngôi – https://youtu.be/_qHgd9dVP8s

  

Xem trước video trên YouTube ✠ CẦU XIN BA NGÔI – Lời: Thánh Thi, Nhạc: Trầm Thiên Thu

✠ CẦU XIN BA NGÔI – Lời: Thánh Thi, Nhạc: Trầm Thiên Thu

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …