Home / Chia Sẻ / MÓN QUÀ và NỖI ĐAU

MÓN QUÀ và NỖI ĐAU

unnamedChúa Giêsu cho biết: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15:18) Lời này quen thuộc với chúng ta là những Kitô hữu, nhưng chúng ta cảm nhận được sự chân thực của điều đó khi sự khinh miệt được phơi bày trong tội phạm thánh. Việc phá hoại nhà thờ, ảnh tượng và chế giễu các dòng tu diễn ra thường xuyên. Nỗi đau buồn nổi lên và kêu gào sự hiểu biết và chữa lành. Sau sự phạm thánh, chúng ta tự hỏi: “Tại sao Kitô giáo thường là mục tiêu của sự lạm dụng và tại sao Kitô hữu lại quan tâm sâu sắc đến nó như vậy?”

Không thiếu những lời giải thích thực dụng cho sự báng bổ và phạm thánh. Kitô giáo vẫn là tôn giáo lớn nhất trên thế giới, nó rất phổ biến trong trí tưởng tượng văn hóa, do đó dễ bị chiếm đoạt và ngược đãi. Sự lạm dụng và bạo lực bất công gây ra nhân danh Chúa Giêsu là điều chắc chắn, đôi khi thậm chí là đúng đắn, đã khiến những người tự nhận là Kitô hữu trở thành chủ đề của sự châm biếm và chỉ trích. Tình cảm này có thể tràn lan thành sự căm ghét chính Chúa Kitô. Giáo lý của Giáo hội xung đột với nền văn hóa thế tục, tương đối về mặt đạo đức, vốn cố gắng hạ thấp và coi thường Chúa Kitô để củng cố chương trình nghị sự của riêng mình. Những câu trả lời thực tế này rất thuyết phục, nhưng cũng có những cân nhắc về thần học cần lưu ý. Có thể có lý do sâu xa hơn khiến Kitô giáo, đặc biệt là đức tin Công giáo, trở thành chủ đề của sự chế giễu và tấn công hay không?

NHẬP THỂ

Trọng tâm của Kitô giáo là Sự Nhập Thể – sự kiện căn bản của Thiên Chúa trở thành con người. Đây là sự đầu hàng của tình yêu: Thiên Chúa mong muốn gặp gỡ chúng ta sâu sắc đến nỗi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:14) Nhiều tôn giáo tuyên bố có thể tiếp cận hoặc hiểu biết về thần thánh, nhưng chỉ có Kitô giáo tuyên bố rằng Thiên Chúa đã trở thành Con Người. Điều này phân biệt Kitô giáo với các tôn giáo khác. Bởi vì Thiên Chúa có thân thể, khuôn mặt và danh xưng, chúng ta có thể ôm lấy Ngài trong tình yêu. Bởi vì Chúa Giêsu đã trở nên giống chúng ta, và chúng ta có thể trở nên giống Ngài.

Sự Nhập Thể đã cho phép chúng ta được Chúa Kitô thần thánh hóa, nhưng nó cũng cho chúng ta cơ hội làm ô uế Ngài. Bởi vì Thiên Chúa đã trở thành Con Người, nên Con Người đó có thể bị lạm dụng. Điều đó đã xảy ra trên đồi Canvê, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, cả ở quảng trường công cộng và trong trái tim loài người. Một người có thể dễ dàng bị nhắm mục tiêu, được đưa lên trong một cuộc diễu hành rõ ràng hơn là một triết lý hay giáo lý. Bằng cách trở thành Con Người, Chúa đã đặt mình vào tầm ngắm như một chủ đề để khinh miệt và chế giễu. Điều đó không phải là ngẫu nhiên đối với Sự Nhập Thể của Ngài, nó đã được dự đoán và chấp nhận vì lợi ích của tình yêu. Sự báng bổ và phạm thánh có thể được thực hiện một cách nghiêm trọng, bởi vì Thiên Chúa đã trở thành con người.

THÁNH THỂ

Sau khi thân xác nhập thể của Chúa Giêsu thăng thiên, Ngài vẫn ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích Thánh Thể trở thành đối tượng thù ghét đối với những kẻ chống đối Ngài. Sự phạm thánh đối với Bí tích Thánh Thể là một minh chứng cho Sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Kitô; nếu không, Bí tích Thánh Thể sẽ không phải là đối tượng của hành vi trộm cắp và lạm dụng. Bởi vì Bí tích Thánh Thể không chỉ là một biểu tượng, vì đó là Mình và Máu của Chúa Giêsu, nên nó được đánh dấu riêng cho hành vi tấn công.

Đây là lý do tại sao việc chế giễu Bữa Tiệc Ly, được thấy tại Thế Vận Hội Paris 2024, đã chạm đến người Công giáo sâu sắc đến vậy. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể là khoảnh khắc của món quà thân mật. Khi sự yếu đuối của sự thân mật đó bị lợi dụng, người Công giáo đau buồn. Điều này có thể biểu hiện theo những cách có hại như tức giận, sợ hãi hoặc thu mình, nhưng dù sao thì nỗi đau buồn vẫn có thể hiểu được. Trong những khoảnh khắc này, chúng ta được kêu gọi nhận ra những cảm xúc và noi gương Chúa Giêsu, khiêm nhường đối mặt với bất công, cùng mời gọi người khác gặp gỡ và tôn vinh Thiên Chúa.

KHÔNG SỢ KHI YÊU

Một cân nhắc cuối cùng về lý do sự báng bổ và phạm thánh vẫn tồn tại, đây là lý do: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” (1 Ga 4:18) Thiên Chúa là tình yêu, và vì tình yêu đó, Ngài đã phơi bày chính mình. Ngài không ép buộc chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng những lời đe dọa hoặc hình phạt, nhưng mời gọi chúng ta chấp nhận và ôm lấy Ngài trong sự tự do. Thế gian không sợ chế giễu và chỉ trích Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài vì Ngài sẽ không trả thù bằng bạo lực trong cuộc sống này. Sự dịu dàng của Thiên Chúa cho phép chúng ta hoang phí, nhưng cũng mời gọi chúng ta khiêm nhường. Trong sự tiếp thu và tôn kính Thiên Chúa, chúng ta sẽ sống trong sự thật về con người chúng ta. Những điều duy nhất chúng ta cần phải sợ là tội phạm thượng và phạm thánh, mà qua đó chúng ta từ chối tình yêu của Thiên Chúa và tự chuốc lấy đau khổ.

Trở lại câu hỏi: “Tại sao hành vi phạm thánh và báng bổ chống lại các Kitô hữu lại được thực hiện một cách trắng trợn như vậy?” Đó là vì chỉ trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới trở thành Con Người, và chỉ có một con người mới có thể bị làm nhục. Sự bất công này kêu gọi lương tâm chúng ta, ra hiệu cho chúng ta ăn năn và tận tụy với Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến mình vì chúng ta.

Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’.” (Pl 2:2-11)

LAUREN MEYERS

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …