Home / Chia Sẻ / MÓN NỢ YÊU THƯƠNG

MÓN NỢ YÊU THƯƠNG

Món Nợ Yêu ThươngYêu thương là gì? Nếu ai hỏi vậy có lẽ sẽ bị coi là “ngớ ngẩn”, thậm chí là ngu xuẩn. Chẳng ai định nghĩa hoàn toàn chính xác và giải thích đầy đủ ý nghĩa yêu thương, nhưng chắc chắn ai cũng hiểu, và cũng biết phải làm gì cho phù hợp. Thế nhưng đã mấy ai có thể can đảm và thực hiện đúng?

Nói ngắn gọn thì yêu thương là biết chạnh lòng thương, biết động lòng trắc ẩn, biết thương xót, biết cảm thông, biết chia sẻ,… như Chúa Giêsu đã hành động, và chính Ngài muốn mọi người làm như Ngài. Nhưng yêu thương không thể chỉ là lời nói suông, mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, như Thánh Giacôbê đã so sánh: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” (Gc 2:17 & 26). Rất rõ ràng và cụ thể. Chuyện yêu thương thật đơn giản, thế mà lại quá nhiêu khê!

Yêu thương xem chừng là “chuyện dĩ nhiên”, nhưng thực ra đó là món nợ mà ai cũng mắc dù không hề vay, và là món nợ lớn nhất mà cả đời chúng ta cũng không thể trả hết! Bất cứ món nợ gì cũng không nên mắc, dù vật chất hoặc tinh thần, nhưng món nợ yêu thương thì nên “vay” lắm, như Thánh Phaolô khuyên: “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8). Đó là ý tốt lành của Thiên Chúa để chúng ta khả dĩ “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).

TRÁI KHOÁN

Trái khoán là món nợ. Đã đành mỗi chúng ta đều mắc nợ yêu thương với Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn mắc món nợ đó với tha nhân, những người ở xung quanh chúng ta, dù người đó không hề quen mặt, không hề biết tên. Điều đó hoàn toàn là chuyện bình thường chứ không hề bị “triệt buộc”.

Sau cuộc lưu đày Babilon, dân chúng được Thiên Chúa xót thương cho hồi hương. Đó là món nợ yêu thương quá lớn. Tuy nhiên, Ngài cũng đưa ra điều kiện, nhưng đó là truyền mệnh lệnh không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay. Lại một món nợ yêu thương khác. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, nên dân chúng không phải thốt lên: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” (Ðnl 30:12). Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến dân chúng phải kêu lên: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?” (Ðnl 30:13). Thật vậy, Thiên Chúa xác định: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Ðnl 30:14).

Mắc nợ thì phải biết ơn, chứ không thể nghĩ đó chỉ là sự công bằng, có vay thì có trả. Vì thế, hãy bắt chước tác giả Thánh Vịnh thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ. Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu mà đáp lại lời con; xin mở lượng hải hà mà đoái thương nhìn đến. Phần con đây, thật khốn cùng đau khổ, lạy Chúa Trời, xin cứu vớt đỡ nâng” (Tv 69:14, 17 & 30).

Thiên Chúa là Đấng trọn lành, Ngài không muốn bất cứ điều xấu nào xảy ra, dù là điều nhỏ nhoi. Ngài là Đấng chí minh, chí công, và chí thiện, luôn đặc biệt quan tâm những kẻ khốn cùng: “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. Vì Chúa nhận lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm” (Tv 69:33-34).

Luật Chúa đơn giản và ngắn gọn là “yêu thương”, có thể rút gọn theo Việt ngữ là YÊU (love, amour, amore, liebe), như Thánh Gioan Tông đồ nói: “Điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1 Ga 5:3). Ấy thế mà chúng ta vẫn chẳng thi hành đúng ý Chúa. Thiên Chúa toàn thiện nên luật Ngài cũng đặc biệt, khác hẳn luật của con người: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19:8-9).

Ai thực sự thuộc về Chúa thì mới thực sự yêu mến Thánh luật và thực sự quyết tâm thi hành Thánh luật. Trạng từ “thực sự” ở đây rất quan trọng. Vì nếu không “thật lòng” thì chỉ là giả hình, là cái “mác”, là cái vỏ bề ngoài, nói hay mà làm dở. Người thực sự yêu mến Chúa thì sẽ nhận định như tác giả Thánh Vịnh: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19:10-11).

Thánh Phaolô giải thích về Chúa Giêsu, “chủ nợ” của chúng ta: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1:15-16). Phàm nhân chỉ là “số không” to lớn, rỗng tuếch, chẳng có gì mà tự mãn. Vậy có lý do gì mà dám lên mặt và chê trách người khác? Thế nhưng chúng ta vẫn tìm mọi cách để biện hộ cho những hành vi bỉ ổi của mình. Thật khốn nạn quá!

Thánh Phaolô nói thêm: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1:17-18). Tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, đều là những “con nợ” không thể nào thanh toán hết số nợ chúng ta đã mắc, nếu không được “chủ nợ” Giêsu trả dùm và thậm chí còn xóa nợ hoặc tha bổng!

Tại sao Chúa Giêsu làm vậy? “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1:19-20). Chúng ta mắc nợ Chúa Giêsu không phải là món nợ bình thường mà là NỢ MÁU. Trái khoán quá lớn! Biết thân biết phận và nài xin Ngài thương xót thì được tha, nếu không thì “không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26). Ranh giới giữa sống và chết quá mong manh. Thật đáng sợ, lạy Chúa tôi!

Và cũng đừng quên điều quan trọng này: “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Gl 2:6; Cv 10:34). Không thể lấy lý do hoặc viện cớ rằng tôi thế này hoặc thế nọ. Trái khoán nào cũng cần phải thanh toán cho đến đồng xu cuối cùng (x. Mt 5:21-26).

THANH TOÁN

SamariMột hôm, có người thông luật kia hỏi Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 10:25). Đây cũng là dạng chúng ta vẫn thường thấy có những người “chảnh”, tỏ ra mình giỏi giang hơn người, sợ người khác hơn mình nên tìm cách “gài bẫy” và “trù dập” người khác bằng nhiều chiêu thức ranh mãnh rất tinh vi. Có lẽ họ không biết, không nhớ hoặc không muốn nhớ lời cảnh báo của Chúa: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1 Cr 1:19). Phải vậy thôi!

Nghe nhà thông luật hỏi vậy, Chúa Giêsu trả lời bằng cách hỏi lại ông ta: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Ông ấy thản nhiên: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10:27). Đúng là thông luật. Trả lời rất hay. Thế nên Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10:28). Ôi chao, cái vụ này “hơi bị căng” đấy nhá! Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình có lý, nên ngang nhiên hỏi vặn lại Đức Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29). Lý sự quá!

Và rồi Đức Giêsu trả lời ông ta bằng một câu chuyện rất thực tế đời thường: Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10:30-35).

Chúa Giêsu ôn tồn: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:36). Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10:37a). Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37b). Đó cũng chính là lời Chúa Giêsu vẫn “nhắc nhở” mỗi chúng ta hằng ngày, từng phút và từng giây… Nhật Ký của Thánh Faustina ghi: “Linh hồn nào truyền bá Lòng Thương Xót của Ta sẽ được Ta bảo bọc suốt đời” (số 1075). Nhưng nếu chỉ “truyền bá” mà không thể hiện thì liệu có “ổn” không? Chắc ai cũng tự trả lời được!

Tư tế và thầy Lêvi kia là ai? Liệu chúng ta có dám “nói thẳng” và có dám “đấm ngực” hay lại “vỗ ngực”? Dạy người khác yêu thương mà mình lại không hề yêu thương, bảo người ta thương xót mà mình lại chẳng chút xót thương ai! Hạng người này bị Chúa Giêsu mô tả rõ ràng thế này: “Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27). Lời Chúa làm đau nhói và nhức buốt quá! Người Việt chúng ta gọi loại người như vậy là “nói phét” (xạo là còn nhẹ). Chúa Giêsu rất thẳng thắn, không hề úp mở, cũng chẳng rào trước đón sau hoặc tránh né. ĐGH Phanxicô đã và đang làm được điều này khi dám thẳng thắn công kích những thói hư tật xấu của hàng giáo sĩ. Vậy mà một số người (cả giáo sĩ và giáo dân) vẫn cố ý “giả đò ngó lơ”, thậm chí còn cho rằng Chúa nói người khác chứ không hề chỉ trích mình. Thật “tội nghiệp”!

Chúng ta không “vạch lá tìm sâu”, nhưng chúng ta chỉ nói ra những cái tốt thì đôi khi có thể tạo ảo giác, chúng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh với cái tiêu cực để giúp nhau thăng tiến, và cũng là để tự hoàn thiện, vậy mới thực sự can đảm. Xưa nay không ai dám xin lỗi trước bàn dân thiên hạ về những sai lầm của Giáo hội trước đó, thế mà ĐGH Gioan Phaolô II đã dám công khai xin lỗi thế giới thì quả là tuyệt vời. Mắc sai lầm là mắc nợ yêu thương, dám xin lỗi là trả nợ. Thiên Chúa rất vui lòng tha thứ, và loài người cũng sẵn sàng bỏ qua chứ chẳng ai hẹp hòi gì đâu!

Bố thí, công bình và bác ái là ba mức độ khác nhau nhưng đều thể hiện lòng yêu thương: Bố thí là “cho” để tránh bị làm phiền, công bình là chia sẻ vì tôi có dư, bác ái mới là yêu thương đích thực – vì người chứ không vì mình. Đức ái cực kỳ quan trọng, Thánh Tiến sĩ Thomas Aquinas nói: “Nếu không có đức ái thì không có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu không có mặt trời thì cũng không có một tinh tú nào cả”.

Có thể có người cho rằng những người như người Samari nhân hậu kia là những người rảnh rỗi, vô công rồi nghề, ưa chuyện bao đồng, thích “vác tù và hàng tổng”. Nhưng chính những người đó lại là những người được Chúa yêu quý vì sống theo “luật yêu thương” mà Ngài đã truyền, và Ngài luôn khuyến khích mọi người phải cố gắng thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Thiên Chúa không thiên vị ai, ai làm đúng thì thành môn đệ của Ngài, là con cái của Ngài, và được Ngài chúc lành – dù người đó là người ngoại, người khố rách áo ôm, người cùng đinh, người bị xã hội ruồng bỏ, người không theo phe mình, người không đồng đạo với mình,…

Lạy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, “xin cho chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Thánh “nghèo” Phanxicô Assisi), xin Ngài tha thứ và cứu độ chúng con, những tội nhân khốn nạn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN