Home / Chia Sẻ / Mối tội đầu nặng nhất

Mối tội đầu nặng nhất

Ronald Rolheiser, 2018-02-12

Kitô giáo kinh điển đã đưa ra bảy mối tội đầu, nghĩa là những chuyện vô đạo đức khác mà chúng ta làm, cách nào đó, bắt nguồn từ một trong những thiên hướng bẩm tại này. Chúng là bảy thứ xấu xa: kiêu ngạo, tham lam, dâm dục, ghen tỵ, tham ăn, tức giận, và lười biếng.

Trong văn học thiêng liêng, ba mối tội đầu là kiêu ngạo, tham lam và dâm dục là được nói đến nhiều nhất. Kiêu ngạo được xem là nguồn gốc mọi tội lỗi, là sự ngông cuồng của Luciphe trước Thiên Chúa cứ mãi dội lại trong cuộc đời chúng ta: Tôi sẽ không phục vụ! Tham lam được xem là cơ sở cho sự ích kỷ và sự mù quáng trước tha nhân, và dâm dục thường được xem là thói xấu tột cùng, như thể điều răn thứ sáu là điều răn duy nhất vậy.

Tôi không bác bỏ tầm quan trọng của ba mối tội đầu này, nhưng tôi cho rằng có thể mối tội đầu tác hại chúng ta nhiều nhất mà lại ít được nhắc đến trong các tác phẩm thiêng liêng, chính là tức giận, bao gồm giận dữ và thù ghét. Tôi dám nói rằng hầu hết chúng ta vận động nhờ sự giận dữ, dù là một cách vô thức. Và điều này thể hiện qua hàng loạt những chỉ trích dành cho người khác, sự chua cay, ghen tức, và không thể mở lời khen ngợi người khác. Và không như các tội khác của chúng ta, tức giận dễ dàng ngụy trang và hợp lý hóa nó như một nhân đức.

Ở cấp độ một, tức giận thường hợp lý hóa nó như một sự căm phẫn chính đáng trước những khuyết điểm, ngu ngốc, ái kỷ, tham lam và lỗi lầm của người khác. Với đủ chuyện thấy mỗi ngày, làm sao tôi không nổi giận được! Tức giận thể hiện qua những cáu bẳn triền miên và những lúc nhanh miệng phê bình, chỉnh đốn, và bình luận gay gắt. Ngược lại, chúng ta thường rất chậm khi cần khen ngợi ai đó. Như thế, sự hoàn hảo trở thành kẻ địch của sự thiện và như thế, chẳng còn gì hay bất kỳ ai hoàn hảo cả, chúng ta luôn luôn sẵn sàng phê bình và xem đây là nhân đức hơn là một cơn giận và sự buồn bực sâu trong chúng ta.

Nhưng thói chỉ trích cay nghiệt không phải là vấn đề lớn nhất. Nghiêm trọng hơn nữa, tức giận thường tự thể hiện nó như một đức tính của Chúa, như là sự công chính, là tính cách ngôn sứ, là điều lành mạnh, sự hăng hái chiến đấu vì sự thật, vì chính nghĩa, vì nhân đức và vì Chúa. Và như thế, chúng ta xem mình là “những chiến binh thánh” và “hiệp sĩ bảo vệ sự thật”, biện minh cho mình bằng quan niệm phổ biến nhưng sai lầm rằng các ngôn sứ là những người nóng nảy do nhiệt tâm vì Chúa.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa sự giận dữ của ngôn sứ và sự giận dữ mà thời nay tự nhận là của ngôn sứ. Daniel Berrigan, trong tiêu chuẩn của mình về một ngôn sứ, đã nêu lên rằng ngôn sứ là một người đã thề hứa sẽ yêu thương chứ không phải ruồng rẫy. Ngôn sứ là yêu thương, mong mỏi gắn kết, chứ không phải là tức giận chia rẽ và xa cách.

Mà tình yêu lại không phải là đặc điểm của cái gọi là sự giận dữ ngôn sứ của thời nay, nhất là khi nó liên quan đến Thiên Chúa, tôn giáo, và bảo vệ sự thật. Bạn có thể thấy dạng xấu xa nhất của nó trong chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, khi họ thù hận, bạo lực và giết người bừa bãi nhân danh Thiên Chúa. Blaise Pascal đã nói rất chuẩn điều này trong quyển Tư tưởng (Pensees): “Người ta không bao giờ làm sự dữ hoàn toàn và vui vẻ cho bằng lúc họ làm thế vì xác quyết tôn giáo.” Ông đã sai một điều thôi, hầu hết chúng ta ngày nay làm sự dữ, không phải với vui vẻ, mà với tức giận. Chỉ cần đọc những lá thư độc giả gởi biên tập viên các tờ báo, lắng nghe những buổi talk-show, hay nghe các tranh luận về chính trị, tôn giáo hay đạo đức, là chúng ta thấy ra sự thù ghét và giận dữ đang hợp lý hóa chính nó bằng những gì là đạo đức và thiêng liêng.

Cơn giận dữ ngôn sứ lành mạnh là một phản ứng mãnh liệt khi người nghèo của Chúa, lời Chúa hay chân lý của Chúa bị phỉ báng, phạm thượng, hay bỏ bê. Có những chính nghĩa và ranh giới quan trọng cần phải bảo vệ. Nhưng cơn giận ngôn sứ là cơn giận xuất phát từ tình yêu thương và lòng cảm thông, và nó luôn luôn thể hiện tình thương và cảm thông, dù cho phải gặp vô vàn thù ghét đi chăng nữa, thật không khác gì người mẹ yêu thương khi đối mặt với đứa con ngỗ ngược. Chúa Giêsu đã nhiều lần thể hiện cơn giận này, nhưng cơn giận của Ngài đối lập hoàn toàn với cái đang tự nhận là cơn giận ngôn sứ thời nay, một thứ thiếu vắng tình thương và lòng cảm thông rõ ràng.

Có người từng nói rằng chúng ta dành nửa đời đầu để đấu tranh với Điều răn thứ sáu, rồi dành nửa đời sau đấu tranh với Điều răn thứ năm. Chớ giết người! Chúng ta thấy điều này được thể hiện trong dụ ngôn về người con hoang đàng, người anh cả, và người cha. Người con thứ đã bỏ nhà cha mình vì chạy theo những sinh lực tuổi trẻ đầy quyến rũ. Người anh cả thì ra khỏi nhà cha mình, không phải vì phạm tội, mà vì cơn giận dữ.

Khi còn trẻ, tôi được dạy xưng các “ý nghĩ xấu”  là tội, nhưng các ý nghĩ xấu đó được chúng tôi xác định là các ý nghĩ dâm dục. Khi đã có tuổi, tôi cho là chúng ta vẫn tiếp tục xưng các “ý nghĩ xấu”, nhưng giờ đó lại là các ý nghĩ giận dữ.

Có câu nói rằng, “Một người cay độc, là người đã từ bỏ, nhưng không chịu im miệng!” Và đó cũng là người đã đánh đồng mối tội đầu giận dữ với một nhân đức.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …