Home / Chia Sẻ / Miền Ký Ức Xuân

Miền Ký Ức Xuân

Ai cũng biết rằng mùa Xuân là một trong bốn mùa của đất trời, và là mùa đẹp nhất trong năm. Tiết Xuân ấm áp trở thành “gạch nối điều hòa” giữa cái lạnh lẽo của mùa Đông và cái nóng bức của mùa Hạ. Vì thế, mùa Xuân thật tuyệt vời!

Với người Á Đông, Xuân về là Tết đến. Tết Nguyên Đán là tiết đầu năm, là dịp lễ hội cổ truyền, liên quan nhiều phong tục đầy chất văn hóa, đặc biệt là đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Trong những thứ “quốc bảo” đó, có thứ còn được lưu truyền tới nay – dù có thể “giảm sút” ít nhiều, nhưng có những thứ đã mai một khiến người ta vẫn luôn hoài niệm, tiếc nuối, bâng khuâng,… Ký ức là khoảng hồi tưởng, ký ức có thể vui hoặc buồn, và nó luôn khiến lòng người có thể chùng xuống.

Thuở xưa, sau cơn Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa đã giao ước với ông Nô-ê: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa. Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất” (St 9:12-16).

Và rồi Thiên Chúa cũng đã hứa: “Ta sẽ nhớ lại giao ước của Ta với Gia-cóp, Ta cũng sẽ nhớ lại giao ước của Ta với I-xa-ác và giao ước của Ta với Áp-ra-ham” (Lv 26:42).

Thật tuyệt vời biết bao, vì Thiên Chúa luôn hồi tưởngnhớ lại lời hứa để chúng ta an tâm mà sống, nhất là muốn chúng ta cứ vui Xuân mà ăn Tết. Tạ ơn Thiên Chúa!

Ngày Xuân, với lý do nào đó và với mức độ nào đó, chúng ta có thể “hoài cổ” mà ngâm nga ca khúc “Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa” của cố NS Châu Kỳ với chút gì đó lưu luyến ngày xưa: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa… Hỏi nhau thầm: Xuân đã về chưa?… Xuân đến xuân đi, xuân về gieo thương nhớ, Xuân qua để tôi chờ…”.

1KÝ ỨC VĂN HÓA

Hồi tưởng là nhớ lại điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Trong nhiều thứ có thể khiến chúng ta luyến tiếc, có một thứ thứ chỉ còn trong ký ức là phong tục “xin chữ” của người xưa.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Đó là những câu thơ quen thuộc trong thi phẩm “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên được công khai hóa từ năm 1936. Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, đọc lại bài thơ này khiến chúng ta không thể không nhớ tới “phong tục xin chữ ngày Xuân” – một nét đẹp văn hóa truyền thống của tiền nhân.

Thi sĩ Vũ Đình Liên là ai? Ông sinh ngày 12-11-1913 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là một nhà thơ, nhà giáo. Bài thơ “Ông Đồ” của ông được một nhà phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.

Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường Nữ sinh Hoài Đức. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (sở Đoan) tại Hà Nội. Năm 1936, tên tuổi ông được biết đến với bài thơ “Ông Đồ” đăng trên báo Tinh Hoa.

Ông cũng từng giảng dạy nhiều năm và là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài thơ, ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông mất ngày 18-1-1996.

Từ xa xưa, người Việt đã có truyền thống Thờ Chữ, Rước Chữ, Chơi Chữ hoặc Xin Chữ. Đối với những chữ của vua thì người ta gọi là Thờ Chữ và Rước Chữ – được viết trong các sắc phong, còn dân gian thì chỉ gọi là Chơi Chữ và Xin Chữ nơi các ông đồ vào những dịp Lễ, Tết.

Ngày xưa, Ông Đồ thường lớn tuổi, có học thức, có tài, có hoa tay và có kinh nghiệm sống, thế nên cũng gọi là Ông Đồ Già, chứ không là “Chú Đồ” hoặc “Anh Đồ”. Có cái lạ là không bao giờ có “Bà Đồ”, thế nên cũng không có “Cô Đồ” hoặc “Chị Đồ”. Ông Đồ được mọi người tin tưởng lắm!

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay

Ngày xưa người ta trọng người có tài, trí thức cũng là một dạng “có tài”, vì thế những người đàn ông có học thức là “số độc đắc” để các cô gái mơ ước. Phụ nữ thì “khoái” người có tài, vì có tài thì sẽ dễ có danh vọng. Quý cô, quý bà cũng “chẳng vừa” gì đâu, có “tầm nhìn xa” nhưng cũng có gì đó dính líu tới “lòng tham”. Ca dao nói thay họ:

Chẳng ham ruộng cả, ao liền

Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ

Ở đây, ca dao dùng chữ “anh đồ” cho hợp lý, vì tình yêu thì trẻ trung. “Ruộng cả, ao liền” là cách nói để diễn tả sự giàu sang thời xưa. Phụ nữ dù vốn dĩ mê tiền ham bạc, ưa của cải, thích vật chất, nhưng họ vẫn “mê” cái bút, cái nghiên của “anh đồ”. Cũng là điều hợp lý thôi: “Gái tham tài, trai tham sắc”.

Thời gian làm “phai nhạt” mọi thứ, làm “bay” mọi vật. Rồi đến cả Ông Đồ cũng chẳng còn thấy mô! Tại soa? Cung và cầu có liên quan lẫn nhau.

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Con người dễ “no người, chán nết”, mới đầu thì hớn hở, nịnh hót, tâng bốc, khen tặng đủ thứ. Đi tàu bay giấy thì mau rớt lắm, chuyện tất nhiên mà! Đường dần vắng bóng người, Ông Đồ đành “thất nghiệp”, lâu lâu nguệch ngoạc vài chữ cho khỏi “lụt nghề” vậy thôi. Mà người buồn thì cảnh có vui đâu chứ? Thi thoảng có vài chiếc là vàng còn ngủ vùi giấc Đông, giờ mới giật mình thức giấc và… rụng xuống!

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

Không phải là mùa mưa nên mưa lúc này rất nhẹ, hạt nước nhỏ như hạt bụi, gọi là mưa bụi, vì là mùa Xuân nên được người ta gọi là mưa Xuân.

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Xuân vẫn về, Tết vẫn đến, hoa vẫn nở, nhạc vẫn ngân vang, đất trời vẫn giao thừa,… chỉ thiếu mỗi Ông Đồ. Thi sĩ Vũ Đình Liên nhìn càn khôn và thầm hỏi: “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”. Ôi chao, giữa mùa Xuân mà sao lại có tâm trạng buồn vậy nhỉ?

2KÝ ỨC KINH THÁNH

Cựu Ước và Tân Ước đều có nhắc tới trạng thái hồi tưởng hoặc nhớ lại.

Được tạo dựng vì mục đích tốt lành, nhưng con người kiêu ngạo nên phạm tội quá nhiều, Thiên Chúa đã “thanh tẩy” địa cầu bằng cơn Đại Hồng Thủy. Và sau đó, Ngài đã thể hiện lời hứa qua chiếc cầu vồng: “Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (St 9:15).

Trong “Bài Ca của Ông Mô-sê” có lời nhắc nhở chúng ta: “Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, và ngẫm xem từng thế hệ qua rồi” (Đnl 32:7). Như một cách lặp lại lời nhắc nhở, sách Biên Niên Sử nói: “Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra” (1 Sbn 16:12). Vua Sa-lô-môn đã hiệu triệu dân và cầu nguyện với Thiên Chúa: “Xin nhớ lại những hồng ân Ngài đã ban cho Đa-vít tôi tớ Ngài!” (2 Sbn 6:42). Chàng Tô-bi-a luôn nhớ lại lời của thiên sứ Ra-pha-en đã nói: “Cậu lấy trong túi ra gan cá cùng với tim, và đặt trên than của lư hương” (Tb 8:2).

Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê nằm liệt giường, ngày chết đã gần kề, nên cho vời bạn hữu đến, ông vừa sợ vừa thành tâm nói: “Tôi không thể chợp mắt, vì nỗi âu lo canh cánh bên lòng. Tôi tự nhủ: Tại sao giờ đây tôi phải điêu đứng khổ sở như thế này? Trước kia, khi đang cầm quyền, tôi hạnh phúc và được yêu mến biết bao! Nhưng bây giờ, nhớ lại thời ở Giêrusalem, tôi đã lấy mọi vật dụng bằng bạc bằng vàng, đã sai người đi tiêu diệt dân cư ở miền Giu-đa mà không có lý do chính đáng. Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn” (1 Mcb 6:11-13). Nói về con Giao Long, sách Gióp cho biết: “Cứ thử đặt tay lên mình nó, chỉ cần nhớ lại cuộc giao tranh thôi, ngươi sẽ không còn dám chiến đấu nữa!” (G 40:32).

Biết hồi tưởng mà sửa đổi cách sống thì còn “tốt phước” lắm, chứ nếu cứ chai lỳ trong tội lỗi thì nguy to. Tuy nhiên, nếu không sa ngã thì cũng đừng ảo tưởng hoặc “ngủ quên trong chiến thắng”, vì ngôn sứ Isaia đã từng cảnh báo: “Lòng bạn sẽ hồi tưởng nỗi kinh hoàng” (Is 33:18).

Sau khi trở về Giêrusalem, ngôn sứ Isaia cho biết: “Mắt bạn sẽ chiêm ngưỡng một đức vua trong vẻ đẹp của người, sẽ thấy một miền đất trải rộng. Lòng bạn sẽ hồi tưởng lại nỗi kinh hoàng: ‘Đâu rồi viên ký lục? Đâu rồi người thu thuế? Đâu rồi người thanh tra các tháp canh?’. Bạn sẽ không còn thấy giống dân kênh kiệu, một dân có ngôn ngữ xa lạ, khó nghe, giọng nói líu lo, không ai hiểu” (Is 33:17-19).

Còn tác giả Thánh Vịnh cũng có ký ức tuyệt vời nên đã chân thành cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, giữa nơi đền thánh, chúng con hồi tưởng lại tình Chúa yêu thương. Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang” (Tv 48:10-11).

Khi hồi tưởng những kỳ công của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh tâm sự: Tưởng nhớ Chúa, tôi thở vắn than dài, suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao” (Tv 77:4), và bộc bạch thêm: Hồi tưởng lại bao ngày xa cũ, tâm hồn ấp ủ những năm xưa, suốt canh khuya, trong dạ nhủ thầm và suy gẫm” (Tv 77:6-7).

Thánh Phaolô viết thư nói với Thánh Timôthê: “Tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui. Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2 Tm 1:5).

Qua ông Mô-sê, Thiên Chúa căn dặn dân: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không” (Đnl 8:2).

Cuộc sống có ba khoảng thời gian: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện tại phải được rút kinh nghiệm từ quá khứ, tương lai sẽ được rút kinh nghiệm từ hiện tại: “Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, và ngẫm xem từng thế hệ qua rồi” (Đnl 32:7). Bài học sống từ kinh nghiệm rất quan trọng!

Đặc biệt là chúng ta phải hướng về Thiên Chúa: “Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện, những dấu lạ và những quyết định Người phán ra” (1 Sbn 16:12). Đồng thời phải không ngừng cầu xin: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Ngài đã xức dầu. Xin nhớ lại những hồng ân Ngài đã ban cho Đa-vít tôi tớ Ngài!” (2 Sbn 6:42).

Trong bài ca “Ngợi Khen” (Magnificat), Đức Maria đã xác định: “Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:55). Trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus), ngôn sứ Da-ca-ri-a tuyên xưng: “Chúa sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1:72). Tại sao? Một lý do tất yếu vì đó là lời thề hứa, một lý do có vẻ đơn giản mà rất thâm thúy: “Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù” (Lc 1:73).

Ông Phêrô thấy cây vả bị Chúa Giêsu nguyền rủa hôm trước, ông sực nhớ lại và thưa với Sư Phụ Giêsu: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!” (Mc 11:21). Rồi sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các phụ nữ thấy ngôi mộ trống trơn và họ chợt “nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói” (Lc 24:8), các môn đệ cũng nhớ lại Thầy Giêsu đã nói điều đó, họ bắt đầu tin vào Kinh Thánh và lời Ngài đã nói (Ga 2:22).

Thánh Phaolô viết tâm thư nói với Thánh Ti-mô-thê: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch, theo gót tổ tiên; tôi tạ ơn Người khi tôi không ngừng nhắc nhở đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui. Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2 Tm 1:3-5).

Hồi tưởng có rất nhiều hình thức và mức độ, về mọi lĩnh vực, cả đời thường và tâm linh. Nữ văn sĩ và thi sĩ Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) khuyên: “Hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng, bạn sẽ không bao giờ kể lại được điều mình đã quên đi”. Tuy nhiên, Albert Einstein (1879- 1955, Đức quốc) cho biết: “Ký ức dễ lừa gạt vì nó khoác màu những sự kiện của hôm nay”.

Hãy luôn biết nhìn lại những giọt nước mắt mà nó khiến bạn nở nụ cười, nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười mà nó khiến bạn phải khóc. Và đừng bao giờ quên điều này: “Tay hữu Chúa thi hành công lý. Chính Người là Thiên Chúa, đời đời là Thiên Chúa chúng ta, Người lãnh đạo chúng ta đến muôn thuở” (Tv 48:11 và 15).

Xuân về, Tết đến là dịp thuận tiện để chúng ta cùng nhau xem lại chính mình. Quá khứ mãi mãi là quá khứ, không làm gì được nữa, nhưng chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ quá khứ để cố gắng có hiện tại tốt đẹp, và nhờ đó mà có một tương lại xán lạn – cả đời thường và tâm linh.

Nhộn nhịp với Xuân, tưng bừng Tết, nhưng đừng quên tái xác định niềm tin vào Đức Giêsu Kitô theo “công thức” của Thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16; Mc 8:29; Lc 9:20), và theo “công thức” được chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”. Đồng thời cũng hãy thuộc lòng và chân thành cầu nguyện với 7 “công thức” này để có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh:

– Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10:7 & 9).

– Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26:39). Nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha (Mt 26:42)

– Lạy Chúa, xin dạy bảo con về đường lối của Ngài (Tv 25:4).

– Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội (Lc 18: 13).

– Xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con (Mc 9:24), và xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5).

– Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23:34).

– Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23:46).

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Thương Xót, cầu chúc mỗi người là một Khuôn Mặt Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng giàu Lòng Thương Xót, nhưng không chỉ thể hiện Tôn Nhan Thương Xót của Ngài trong năm nay mà mãi mãi như vậy… Nguyện xin Thiên Chúa thương xót, thứ ta và chúc lành cho mọi người.

Cung Chúc Tân Xuân – Happy New Year – Bonne Année.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN