Cô đơn (đơn côi) là lẻ loi, trơ trọi, quạnh quẽ, hắt hiu. Cô đơn thật đáng sợ! Tuy nhiên, cũng nên phân biệt: Cô đơn có thể là một mình (mình ên), nhưng một mình (alone) chưa hẳn là cô đơn (lonely). Cô độc không đáng sợ bằng cô đơn. Có những người sống một mình nhưng không cô đơn, họ có niềm đam mê chân chính nào đó (nhạc, thơ, họa, dịch thuật, nghiên cứu,…). Có những người ở giữa nhiều người mà vẫn cảm thấy cô đơn. Nỗi cô đơn tâm hồn nguy hiểm hơn sự cô đơn thể lý hoặc ngoại cảnh.
Nếu không có gì để “làm bạn” thì cô đơn thật kinh khủng, nó sẽ làm cho người ta chết dần chết mòn, chưa chết về thể lý thì cũng chết về tinh thần. Nỗi cô đơn như loại virus độc hại nhất. Khoảng cô đơn trở nên như mênh mông hơn mỗi khi màn đêm buông xuống. Ca dao đã bộc bạch thay cho những tâm hồn cô đơn:
Đêm khuya nằm nghĩ sự tình
Xót xa sự thế, thương mình cô đơn
Sa mạc rộng rãi và trống trơn, nhưng sa mạc chưa chắc là miền cô đơn. Trong cuộc sống, đặc biệt là đời sống tâm linh, người ta rất cần có những “khoảng lặng”, phải biết vào “miền sa mạc tâm hồn” để hồi phục sau thời gian mệt nhọc, hao tâm tổn lực, đặc biệt là để gặp được chính Đức Kitô. Miền sa mạc đó là những lúc chúng ta cầu nguyện riêng, nhất là buổi tối, và những dịp tĩnh tâm.
Nỗi cô đơn cũng có thể xảy ra khi mình “cho” mà không ai muốn “nhận”, hoặc mình muốn “nhận” mà chẳng có ai “cho”, hoặc điều mình mong chờ lại không xảy ra. Khi cô đơn, một ngày cũng vẫn 24 giờ, nhưng người ta cảm thấy như nó dài hơn nhiều. Sự cô đơn có thể xảy ra ở mọi nơi và mọi lúc. Hai bờ sông luôn đối diện nhau, gần mà vẫn xa, vì chẳng bao giờ gặp nhau. Con người với nhau đôi khi cũng có tình trạng này. Cùng ở trong một gia đình, một cộng đoàn, một nhóm,… ra vào nhìn thấy nhau hàng ngày mà vẫn khó “gặp nhau”. Gần nhau về thể lý nhưng xa nhau về tâm hồn – bằng mặt mà không bằng lòng. Khoảng cô đơn này thật đáng sợ!
Có nhiều lý do khiến người ta cảm thấy cô đơn với nhiều mức độ khác nhau: Bị mất mát (cha, mẹ, thân nhân), bị thất vọng, bị xa lánh, bị tình phụ, bị hàm oan, bị ghen ghét, bị chê trách, bị chơi gác, bị lợi dụng, bị phản bội, bị bỏ rơi,… Nói chung là đủ thứ “bị”. Sự đời nhiêu khê và phũ phàng lắm, người ta gọi là “thế thái nhân tình”. Thế thái là thói đời. Nhân tình là tình đời – ở đây không có nghĩa là người yêu hoặc tình nhân. Người ta thường thở dài và buông lời: “Đời là thế!” – C’est la vie! It’s life! Quả thật, tình đời nhạt như nước ốc, bạc trắng như vôi!
Tuy nhiên, cuộc đời vốn dĩ có nhiều nghịch lý, chính cái “nghịch” lại có thể là cái “thuận”. Ai từng trải “nỗi đau đời” như vậy mới khả dĩ “thành nhân”, như trong ca khúc “Thói Đời”, Nhạc sĩ Trúc Phương cho biết: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trong thói đời, cười ra nước mắt…”.
Văn hào William Shakespeare (Anh quốc) nhận định: “Những gương mặt tươi cười không có nghĩa là không có nỗi buồn, mà có nghĩa là họ có thể chế ngự nó” (Laughing faces do not mean that there is absence of sorrow, but it means that they have the ability to deal with it). Không ai lại không có ít nhiều đau khổ và đã từng có những lúc cô đơn, nhưng hơn nhau là biết kiềm chế hay không.
Cũng như đau khổ, cô đơn như một phần tất yếu của cuộc sống. Ngày xưa, Ét-te đã cầu nguyện: “Lạy Chúa của con, lạy Vua chúng con, Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Này con đang liều mạng, xin đến cứu giúp con. Con cô đơn, chẳng còn ai cứu giúp, ngoại trừ Ngài. Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, con đâu còn ai nữa!” (Et 4:17). Nỗi cô đơn đó vì yêu thương, và vì yêu thương mà người ta khả dĩ làm tất cả mọi thứ.
Trong những nỗi đau khổ dồn dập, ông Gióp đã có lần thốt ra lời nguyền rủa ngày ông chào đời: “Này, phải chi đêm ấy là đêm cô đơn buồn thảm, đêm chẳng hề có tiếng reo vui” (G 3:7). Trong “Bài Ca Người Tôi Trung” thứ hai, Ngôn sứ Isaia cũng có nhắc tới “thân phận lưu đày, số kiếp lẻ loi” (Is 49:21).
Trong bài “Ai Ca” thứ nhất có câu: “Tôi khóc ròng khóc rã, cặp mắt tôi, suối lệ tuôn trào. Bởi Đấng ủi an tôi, Đấng ban lại cho tôi sức sống, Người đã lìa xa tôi. Con cái tôi phải mồ côi cô độc bởi chưng thù địch quá hung tàn” (Ac 1:16). Còn trong bài “Ai Ca” thứ ba có câu: “Người để tôi lạc lối nhằm xé xác phanh thây, bỏ mặc tôi cô đơn tiều tuỵ” (Ac 3:11). Khoảng cô đơn thật khó tả vì nó vượt qua “tầm nhìn” của phàm nhân.
Con người là vậy, yếu đuối, kém cỏi, mỏng dòn, cứ tưởng Thiên Chúa làm ngơ hoặc “ngủ quên”, bỏ mặc chúng ta chống chọi với bao nỗi gian khổ ngay trong nỗi cô đơn cùng cực. Nhưng không, Ngài vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời – dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay bình thường. Thánh tiến sĩ Augustinô đã xác nhận: “Ngài có đó khi ta tưởng mình cô đơn, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi mọi người hững hờ”.
Vua Khít-ki-gia (vua xứ Giu-đa) lâm bệnh và tưởng chừng sẽ chết, ông cảm thấy cô đơn và thất vọng lắm, nhưng rồi ông được khỏi. Rồi ông đã sáng tác một bài ca, trong đó có câu: “Tôi có nói: nửa cuộc đời dang dở mà đã phải ra đi, bao tháng năm còn lại, giam tại cửa âm ty. Tôi có nói: chẳng còn được thấy Đức Chúa ở trên cõi dương gian, hết nhìn thấy con người đang sống nơi trần thế. Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ. Từ sáng tới khuya, Chúa làm con hao mòn sinh lực” (Is 38:10-12). Có vẻ Thiên Chúa “vô tình” lắm, nhưng không phải vậy, vì Ý Chúa hoàn toàn cách biệt và khác hẳn với ý phàm nhân. Có những trường hợp chúng ta thấy rất tốt đẹp, nhưng bỗng dưng bị ngưng – như khi chúng ta thấy một người giỏi giang và đạo đức, đang làm được những việc tốt đẹp. Chúng ta thấy nuối tiếc. Nhưng Ý Chúa khác hẳn!
Phàm nhân cô đơn. Thánh nhân cô đơn. Và chính Chúa Giêsu cũng đã từng đơn độc trong Vườn Dầu. Ngài đã tâm sự nỗi lòng mình với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26:38; Mc 14:34). Nỗi cô đơn quá lớn khiến nhân tính của Ngài cảm thấy như chết đi được, đến nỗi Ngài đã “toát mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44). Theo nhân tính, Ngài cũng run sợ. Tuy nhiên, Ngài đã chiến thắng chính mình: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:39 và 42; Lc 22:42).
Trên Núi Sọ, các đệ tử bỏ của chạy lấy người, nỗi cô đơn của Chúa Giêsu dân cao tột đỉnh, đến nỗi Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? Lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?” (Mt 27:46; Mc 15:34; x. Tv 22:2). Thế nhưng Ngài vẫn chấp nhận, và còn xin tha thứ cho những kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Trong khoảng cô đơn ấy, Ngài vẫn tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46; x. Tv 31:6).
Các biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu trên hành trình tâm linh và lữ hành trần gian này cho chúng ta thấy rằng, cuộc đời của chúng ta cũng như vậy, hành trình của chúng ta cũng diễn biến tương tự. Thánh Phêrô căn dặn: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5:7).
Chính Chúa Giêsu vẫn luôn mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Không chỉ vậy, chúng ta còn được sống dồi dào trong chính Đức Kitô (x. Ga 10:10). Ai làm những điều đẹp Ý Chúa thì sẽ không phải cô đơn (x. Ga 8:29). Thật vậy, có những lúc Chúa Giêsu cô độc nhưng Ngài không cô đơn, vì Chúa Cha luôn ở với Ngài (x. Ga 16:32).
Thánh Faustina Kowalska (1905-1938) muốn một loại “cô đơn” đặc biệt nên đã cầu nguyện: “Lạy Đức Kitô, xin cho con các linh hồn. Xin đừng để những gì con thích lại xảy ra với con, nhưng xin cho con các linh hồn. Con muốn cứu các linh hồn. Con muốn các linh hồn biết Lòng Thương Xót của Chúa. Con không còn lại gì cho riêng con, vì con trao mọi thứ cho các linh hồn, với kết quả là con sẽ đứng trước mặt Chúa với đôi tay trắng trong Ngày Phán Xét, vì con đã trao tất cả cho các linh hồn. Như vậy, Chúa không còn gì để phán xét con, Chúa và con sẽ gặp nhau vào ngày đó: Tình Yêu và Lòng Thương Xót (Nhật Ký, số 1426). Tình yêu ấy quá lớn, tình yêu của Thánh Faustina dành cho các linh hồn!
Trong tình yêu thương liên đới Kitô giáo, chúng ta hãy cầu xin cho những người cô đơn được cảm thấy Chúa gần gũi và nhận được sự trợ giúp của tha nhân. Cầu thay nguyện giúp cho tha nhân cũng chính là cầu nguyện cho chính mình: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình, Thánh Phanxicô Assisi).
Tháng Mười Một “gắn liền” với miền cô đơn Nghĩa Trang, nơi có những thân xác con người lặng lẽ chờ ngày phục sinh. Chúng ta cảm thấy lòng chùng xuống mỗi khi vào cõi lặng này. Chân Phước Anna Katharina Emmerich (1774-1824, người Đức) được Đức Mẹ mặc khải và kể lại: “Đêm nay tôi ở trong Luyện Hình. Tôi như thể bị dẫn vào một vực thẳm, tôi thấy có một phòng lớn. Thật thống thiết khi thấy các linh hồn lặng lẽ và u buồn, nhưng khuôn mặt họ cho thấy rằng họ vẫn vui trong lòng vì nhớ lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Trên ngai tòa vinh hiển, tôi nhìn thấy Đức Mẹ, xinh đẹp hơn tôi đã từng thấy. Đức Mẹ nói: “Mẹ xin con bảo người ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình’ Chắc chắn các linh hồn sẽ cầu nguyện lại cho vì biết ơn. Cầu nguyện cho các linh hồn là điều làm vui lòng Thiên Chúa vì điều đó làm cho các linh hồn được sớm diện kiến Thiên Chúa”.
Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi cô đơn, nếu đẹp Ý Ngài. Chúng con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để chúng con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười chúng con. Đường nẻo Ngài, xin dạy cho chúng con biết; lối đi của Ngài, xin chỉ bảo chúng con (Tv 25:2 và 4); và xin cứu chúng con khỏi bước ngặt nghèo (Tv 143:11). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU