Home / Chia Sẻ / MẸ TÊRÊSA CALCUTTA, VỊ THÁNH CỦA THỜI ĐẠI      

MẸ TÊRÊSA CALCUTTA, VỊ THÁNH CỦA THỜI ĐẠI      

                               

         Trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, toàn thể Tín hữu trên khắp địa cầu lại càng thêm vui mừng đón nhận một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ đó là: Đại lễ phong thánh Mẹ Têrêsa Calcutta vào ngày Chúa nhật 4.9.2016 tại quảng trường Thánh Phêrô, Thủ đô Giáo hội Công giáo.

         Cả cuộc đời Mẹ Têrêsa là biểu tượng của lòng nhân ái, không riêng gì tại vùng Cacultta đất nước Ấn độ tôn kính Mẹ, mà nhiều người sống khắp nơi trên thế giới luôn xem Mẹ như vị thánh sống.

I.- ĐÔI NÉT VỀ CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG CỦA THÁNH NHÂN:

         h1Đi sâu vào  tìm hiểu đôi nét về cuộc sống và những việc làm thường nhật của vị nữ tu khả kính đạo cao đức trọng này, chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

       Mẹ Têrêsa với tên gọi ban đầu Agnes Gonxha Bojakhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại thành phố Skopje (Macedonia), cha mẹ là người Albania. Về nguồn gốc của mình, chính Mẹ Têrêsa đã có lần tự bạch: “Theo máu huyết, tôi là người Albania. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về trần gian. Còn theo tâm hồn tôi, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Khi lên 12 tuổi Mẹ đã có chí hướng dâng mình cho Chúa, để rồi đến năm 18 tuổi Mẹ đã chính thức vào tu viện và được gọi là nữ tu Têrêsa. Sau đó di chuyển đến sống tại Ấn Độ vào năm 1928, bắt đầu làm việc liên tục ở đây cho tới năm 1980.

          Khởi đầu nơi đất nước xa lạ Ấn độ, một cô gái 18 tuổi nhỏ nhắn hằng ngày đẩy chiếc xe nhỏ đi khắp nơi, từ những đống rác, khu kênh rạch hôi hám đến cửa các Giáo đường, nơi chợ búa và cả các thềm dinh thự công cộng cho đến các khu xóm tồi tàn, để tìm những người bệnh thoi thóp, các em bé bị bỏ rơi, người già hấp hối, rồi còn phải đi khắp nơi kiếm đồ ăn, thức uống, áo quần, xin thuốc chữa trị bệnh, gõ cửa các tư gia tìm Bác sĩ, y tá giúp đỡ bệnh nhân. Nhiều người thật xúc động khi chứng kiến cảnh Mẹ dìu một người ăn mày từ rãnh nước bẩn, chân ghẻ lở ruồi nhặng bâu đen, hoặc thấy Mẹ âu yếm kề trán vào sát bên một người bệnh hấp hối, hay nhìn Mẹ giành đứa bé đang khóc thét từ mõm một con chó. Hằng ngày âm thầm làm việc đến năm 1948 Mẹ đã trở thành công dân Ấn Độ.

        Vào thời điểm 1952, Mẹ Têrêsa  nhìn thấy một phụ nữ đang hấp hối trên đường phố, cả thân mình bị chuột và kiến gặm nhấm tơi tả mà chẳng được ai đoái hoài tới. Mẹ đưa Chị này vào nhà thương, nhưng đã muộn không phương cứu chữa, qua sự kiện này Mẹ nhận thấy còn có nhiều người đang sắp chết trên hè phố trong cảnh cô đơn, Mẹ động lòng thương đã mở ngay một ngôi nhà: “ Tấm lòng Thanh Khiết” (Nirmal Hriday) dành cho những người sắp chết. Chỉ tính nguyên 20 năm đầu nơi đây đã tiếp nhận hơn 20 ngàn người và phân nửa đã  qua đời giữa tình yêu thương của tu hội Dòng Bác Ái Truyền Giáo của Mẹ săn sóc, bởi vậy nơi này còn được gọi là: “Ngôi nhà cho kẻ hấp hối” dành cho những con người được thu lượm từ khu cống rãnh hôi hám, đang hấp hối đưa về, sau khi tắm rửa, mặc áo quần và cho ăn uống, một người xúc động đã thưa với Mẹ: “Tôi đã sống như một con thú vật, nhưng nay tôi được chết chẳng khác một thiên thần”.

      Mẹ Têrêsa là người sáng lập ra Dòng Thừa Sai Bác Ái, sinh hoạt tiếng tăm lan tỏa khắp nơi, nhưng cuộc đời Mẹ luôn sống trong cảnh nghèo khổ, nơi Mẹ ở chỉ có hai đồ điện gia dụng: cái đèn và cái điện thoại. Toàn bộ tài sản của Mẹ là bức tượng Chúa Giê su, 3 bộ tu phục và 1 đôi giầy sandal. Mẹ cố gắng khiến mình trở thành người nghèo để phục vụ cho người nghèo nhất, các Tu sĩ nam và nữ trong Dòng đều theo gương Mẹ Bề trên, nguyện làm người nghèo vì chỉ như thế thì những người nghèo được họ phục vụ mới cảm thấy mình được tôn trọng, trong ý nghĩa tốt đẹp này Mẹ còn nói: “Người nghèo không cần chúng ta thương hại, họ cần tình yêu và sự thông cảm”“ Họ cho chúng ta nhiều hơn là chúng ta cho họ”. Lời nhận định thật là sâu sắc.

II.- ẢNH HƯỞNG HOẠT ĐỘNG BAO TRÙM TRÊN TOÀN THẾ GIỚI.

     h2Từ năm 1928 khi mới bước chân đến miền đất Ấn Độ tới năm 1980, những người cùng làm việc với Mẹ đã lên tới 139.000 người, được phân bổ trên toàn thế giới và họ không cần đòi hỏi một sự đãi ngộ hay ưu đãi nào, ngay cả giấy chứng nhận cũng không mà chỉ biết quên mình để tiếp cận làm việc giúp đỡ kẻ cơ cực bần hàn.

     Sự hy sinh và những hoạt động giúp đỡ các nạn nhân gặp hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật cô đơn của Mẹ không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp với tốc độ nhanh nhất mà hiệu quả cao nhất, trải dài trên 600 tổ chức chi nhánh nhà Dòng Thừa Sai Bác Ái tại 126 quốc gia. Chỉ tính riêng năm 1960 Mẹ đã thiết lập ra 26 trung tâm thu nhận trẻ em mồ côi trên toàn Ấn Độ.

     Điều hành công việc bác ái bao trùm trên khắp các lục địa, thế nhưng văn phòng điều hành của Mẹ chỉ có hai nữ tu và một cái máy đánh chữ cũ, cơ sở vật chất gồm 1 cái bàn và 1 cái ghế, nơi đây Mẹ tiếp đón đủ mọi hạng người từ: giới ngân hàng, doanh nhân, chính trị gia, sinh viên, diễn viên, người mẫu, tiểu thư nhà giầu, đến các thống đốc, nhà tỷ phú giầu có…

     Tiếng tăm Mẹ đã có những hành động không mệt mỏi để phục vụ người nghèo, kẻ bệnh hoạn, trẻ mồ côi, và người hấp hối tại Ấn Độ cũng như trên Thế giới trong gần 50 năm qua, từ những thành quả nhân đạo trên, Mẹ Têrêsa đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1979, và khi đến Mẹ mặc bộ tu phục Sari chỉ đáng giá 1 USD lên bục lãnh giải vì Mẹ không có bộ nào khác. Phía dưới khán phòng toàn những quý nhân giầu có thân thế lẫy lừng hiện diện, nhưng Mẹ coi như không thấy ai, trong mắt Mẹ chỉ có người nghèo. Trong bầu khí lặng như tờ Mẹ chậm rãi nói: “Vinh hạnh này, cá nhân tôi không xứng đáng, tôi chỉ xin thay mặt cho tất cả những người nghèo đói, người bệnh tật, người cô độc đến đây để nhận giải thưởng này, vì tôi tin họ muốn gửi giải này cho tôi, để thừa nhận người nghèo cũng có sự tôn nghiêm”. Vào dịp này Mẹ được biết có bữa tiệc trong lễ trao giải Nobel sẽ tốn 7.000 USD, Nữ tu thỉnh cầu Chủ tịch Hội nghị bỏ bữa tiệc này và nói: “Mọi người dùng số tiền này chỉ chiêu đãi 135 người, nhưng nó có thể đủ cho 15.000 người ăn một ngày”. Thế là bữa tiệc bị hủy bỏ cộng với số tiền quyên góp 400.000 Franc cùng toàn bộ tiền phần thưởng giải Nobel, kể cả huy chương giải Nobel mà nhiều người ngưỡng mộ đem ra bán lấy tiền, tất cả đều dành cho quỹ người nghèo.

      Mẹ Têrêsa nổi danh vì tấm lòng nhân ái đối với kẻ nghèo khó, đau khổ nên đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ưu ái cho diện kiến nhiều lần, và tại Ý các nữ tu Dòng thừa sai Bác ái cũng chăm lo cho các trung tâm ở gần ga Termini, Rôma, San Gregorio al Celio và ngày 7.10.1015 thêm một nhà trọ có tên “Chúa nhật của lòng thương xót” dành cho người vô gia cư ở gần quảng trường Thánh Phêrô được khai trương .

      Ảnh hưởng hoạt động của Mẹ Têrêsa đối với đất nước Hoa Kỳ cũng rất sâu đậm qua những công việc thiện nguyện đã thực hiện đó đây, nên năm 1985  Tổng thống Ronald Reagan đã trao tặng Mẹ Têrêsa “Huân chương Tự Do của Tổng thống” (Presidential Medal of Freedom) và cũng vào năm này Mẹ khởi đầu công việc giúp các nạn nhân bệnh AIDS ở Mỹ và các Quốc gia khác

      Tiếp đến vào năm 1996 Tổng thống Bill Clinton và Quốc Hội tưởng thưởng Mẹ Têrêsa thành: “Công dân Danh Dự của Hoa Kỳ”. Vinh dự này từ khi lập quốc đến nay chỉ ban tặng cho 7 người.

     Năm 1997 nhận định vì: “Những đóng góp xuất sắc và bền bỉ trong những công tác nhân đạo và từ thiện”. Một lần nữa Quốc hội Hoa Kỳ tặng thưởng Mẹ: “Huân chương Vàng của Quốc Hội” (Congressional Gold Medal).

     Vào thời điểm năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Sinh của Mẹ, Bưu Điện Hoa Kỳ đã vinh danh Mẹ Têrêsa trên tem thư phát hành rộng rãi trên toàn quốc, tuyển chọn trong tác phẩm trúng giải của Họa Sĩ Blackshear II ở Colorado Springs, CO. Tem thư được giới thiệu một cách long trọng tại Vương Cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ở Thủ đô Washington.

      Cảm phục công việc các Nữ tu Dòng Bác Ái Truyền Giáo làm, Ông Lý Gia Đồng hiệu trưởng Đại học Đài Loan đã đến phụ giúp Mẹ làm những công việc từ nấu ăn, rửa chén, cho bệnh nhân uống thuốc, đến vận chuyển thi hài người chết, chính Ông đã kể lại câu chuyện sau: Khi Quốc gia Nam Tư xẩy ra nội chiến, Mẹ Têrêsa đi tìm gặp một vị tướng chỉ huy cuộc chiến và nói: “phụ nữ cùng trẻ em trong khu chiến sự không chạy thoát ra được”. Vị tướng kia trả lời: “Nữ tu à, tôi muốn ngừng chiến nhưng đối phương không muốn, tôi cũng chẳng còn cách nào”. Mẹ Têrêsa nói: “Vậy thì tôi đành phải đi”. Thế là mẹ đi vào khu chiến sự, hai bên vừa nghe nữ tu Têrêsa đi vào khu chiến sự liền ngay lập tức ngừng bắn, sau khi Mẹ đưa phụ nữ và trẻ em ra xong, hai bên lại bắn nhau tiếp. Tin này loan truyền đến Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ông Kofi Annan hết lời ca ngợi, và cho biết việc thế này đến tôi cũng không làm được, vì trước đây tổ chức Quốc tế này đã từng mấy lần can thiệp nhưng vẫn không cách nào khiến cuộc nội chiến ở đây ngừng bắn, từ đó ta thấy sức mạnh nhân cách của Nữ tu Têrêsa có sức thuyết phục thế nào.

    Đất nước Việt Nam cũng vinh dự đón tiếp vị sứ giả bác ái này nhiều lần và Mẹ cũng đã để lại nhiều cảm tình quý mến  cho những người có dịp được diện kiến. Chính Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn văn Bình, Tổng giáo phận Sài Gòn, cũng đã kết nghĩa với Mẹ Têrêsa. Hai vị cùng sinh năm 1910, nhưng Mẹ Têrêsa lớn hơn mấy ngày tuổi nên làm Chị (26.8. 1910) còn Đức Tổng Bình nhỏ hơn mấy ngày tuổi nên làm Em (01.09.1910). Theo Linh mục Inhaxiô Hồ văn Xuân, thư ký của Đức Tổng cho biết: các cuộc gặp gỡ giữa hai vị rất thân tình, lần cuối cùng các Ngài gặp nhau tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse vào chiều ngày 26. 3. 1995 khi Đức Tổng Giám mục đang nghỉ dưỡng bệnh tại đây và sau đó qua đời vào ngày 01. 07. 1995.

III.- MỘT VỊ THÁNH TỪ CHỐN BÙN LẦY:

        h3Thoạt đầu mới nhìn bề ngoài của Mẹ Têrêsa với hình dạng nhỏ bé, da mặt nhăn nheo, lưng hơi gù với vẻ già nua và có đôi bàn tay xương xẩu gầy guộc, thế nhưng khi mọi người gặp mặt tiếp xúc đều thấy con người Mẹ có đời sống bình dị, dễ thương với đôi mắt sáng ngời và nụ cười trên môi rạng rỡ niềm vui, lời nói đầy thuyết phục, kèm theo một sự khiêm tốn, hiền lành chân thật, bởi vậy chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau khi tìm hiểu về cuộc đời Mẹ đã phải thốt lên: “Tôi không đáng xách dép cho nữ tu Têrêsa”.

    Nữ Tu Têrêsa không bao giờ hãnh diện khoe khoang trước đám đông, mặc dù được đón tiếp long trọng tại các đô thị huy hoàng, nhận được hàng chục giải thưởng của các quốc gia, nhưng sau đó từ giã tất cả Mẹ lại trở về vùng đầm lầy nước đọng để sinh hoạt, bởi vậy năm 1985 đặc biệt  trong Huân chương Tự do của Tổng Thống Hoa Kỳ tưởng thưởng đã kèm một tấm plaque có ghi dòng chữ mô tả Mẹ là “Vị Thánh chốn bùn lầy” để nói về đời sống đích thực của Mẹ, thật là ý nghĩa vô cùng.

    Mẹ Têrêsa qua đời tại Kolkata (tên trước kia là Calcutta) Ấn Độ vào ngày 5 tháng 9 năm 1997 và được an táng tại đây. Khi nhận được tin Mẹ qua đời, Đất nước Serbia của Mẹ muốn xin đưa thi hài về an táng, nhưng Thủ tướng Ấn Độ đã đích thân gọi cho lãnh đạo Serbia để từ chối và nói sẽ chôn cất và làm quốc táng cho Mẹ tại Ấn Độ, lúc này người dân Ấn Độ xem sự ra đi của Nữ Tu Têrêsa như là: “Tổ quốc mất đi một người Mẹ” vậy.

     Ngày đưa tang, trên người Mẹ phủ lá quốc kỳ Ấn và do 12 thanh niên khiêng thi hài di hành trên đường phố, tất cả mọi người có mặt, kể cả Thủ tướng và những ai ở trên những tòa nhà cao tầng hai bên đường đều xuống, quỳ trên mặt đất để thể hiện niềm thương tiếc và sự kính trọng tột cùng đối với vị Thiên sứ tình yêu, cả cuộc đời sống cho tha nhân. Một hình ảnh thật sống động đi vào lòng người với niềm tôn kính vị Thánh thời đại từ chốn bùn lầy: Mẹ Têrêsa Cacultta.

     Ngày 19.10.2003 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Mẹ Têrêsa Calcutta lên hàng Chân Phước trước sự tham dự của hơn 300.000 Tín hữu.

    Trong tiến trình phong Hiển thánh ngày 17.12.2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn  một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa và mở đường cho lễ tuyên Thánh. Đặc biệt chỉ 18 năm sau khi qua đời “Mẹ của người nghèo” như Thánh Gioan Phaolô II từng gọi Mẹ như thế, đã được tôn kính trên bàn thờ.

Hoa Thịnh Đốn, những ngày đầu tháng 9 năm 2016

VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …