Home / Chia Sẻ / Mẹ Sầu Bi

Mẹ Sầu Bi

 

Giáo hội mừng kính lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14.09, liền sau đó ngày 15.09 kính nhớ lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Tôn vinh Thánh Giá Chúa Kitô thì không thể không nhớ đến những giọt nước mắt, tâm hồn tan nát và nỗi đau đớn tột cùng của Mẹ Maria.

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ có một cảm xúc khác nhau đối với người thân trong gia đình khi họ ra đi. Vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, người tình yêu dấu… Hình ảnh nào rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Không thấy ai còn khóc ngày đám giỗ như ngày đưa tang bao giờ.

“Rồi đây có nhắc tên nàng để

Kể chuyện nàng như kể chuyện vui“ (NB)

May mắn lắm là còn nhớ và nhắc lại những kỉ niệm vui, buồn khi người đó còn sống, rồi cười vui với nhau. Đa số tới ăn đám giỗ rồi lẳng lặng ra về, hoặc kể chuyện thời sự, bóng đá, chuyện tội phạm, tham nhũng, chuyện linh tinh khi rượu đã ngà ngà say. Xin lễ mỗi năm một lần, còn lại là… quên. Đời… nó vậy đó!

Duy có một người không bao giờ quên người nằm xuống. Đó là người mẹ. Quy luật cuộc sống: tre già măng mọc. Nhưng lá xanh rụng trước lá vàng là nỗi đau không dễ nguôi ngoai của mẹ… Người đau khổ nhất trong đêm Chúa bị trao nộp cho đến bên thập giá là Mẹ Maria. Tin Mừng của ba Thánh Matthéo, Macco, Luca đều không thấy nói đến Mẹ đứng bên thập giá của Người, chỉ có Tin Mừng Thánh Gioan ghi rõ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông cơ-lô-pat, cùng với bà Maria Mac-đa-la“ (Ga 19, 25a). Đức Mẹ đã chứng kiến cảnh Con Mẹ sinh thì, và cả khi tên lính cầm giáo đâm vào cạnh sườn xuyên thấu tim Con, tức thì Máu và những giọt Nước cuối cùng chảy ra vì nhân loại (x Ga 19, 34). Mẹ nhớ lại lời tiên tri của ông Si-mê-on ngày Mẹ tiến dâng con trẻ Giêsu vào Đền thánh “Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên, cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà“ (Lc 2, 34-35). Lưỡi đòng ấy đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, trái tim Mẹ nhỏ máu theo từng giọt Máu Con rơi…

Khi ông Giô-xếp xin Phi-la-tô cho hạ thi hài Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá và mai táng trong ngôi mộ gần nơi Chúa chịu đóng đinh. Không thấy Tin Mừng ghi lại có Đức Mẹ và các Tông Đồ hiện diện khi việc an táng diễn ra. Nhưng chắc chắn Thánh Gioan, Đức Mẹ và các bà phụ nữ nhân đức nói trong TM có mặt nơi đây.

Cuối thế kỷ 15, họa sĩ kiêm nhà điêu khắc thiên tài Michel Angelo đã tạc nên bức tượng Pietà được gọi là Đức Mẹ Sầu Bi vào năm 1498-1500 bằng đá hoa cương nguyên khối. Ngày nay tượng được đặt tại nhà thờ Thánh Phaolô. Mẹ đã ẵm Chúa trên tay như đã từng ẵm từ thuở ấu thơ. Bức tượng đã mang lại nhiều cảm xúc khó tả, là nguồn cảm hứng cho biết bao hồn thơ bay bổng. Nhưng có lẽ cảm xúc chung của mọi người phụ nữ là sự khổ đau. Những đau đớn này, mỗi người sẽ cảm nhận một cách khác nhau, nhưng đều nói lên sự tột cùng của mất mát và tuyệt vọng. Nếu Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng trong cơn đau đớn tột cùng: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?“ (Mc15, 34) thì Mẹ cũng gào lên trong đớn đau như Con của Mẹ, khi Người ẵm thân xác lạnh giá của Con mình.

Vành khăn tang cho người Mẹ. Quả là điều đau buồn chẳng thể nào diễn tả nỗi, và cho dù cả thế gian này quên Con, Mẹ cũng sẽ không bao giờ quên. Mẹ khắc ghi tất cả những kỉ niệm về Con, những lời Con dạy bảo mọi người, trong đó có Mẹ, những việc Con làm để tôn vinh Thiên Chúa Cha và lòng thương xót dành cho những người lầm than bệnh tật. Mẹ đã cùng với các Tông Đồ chuyên chăm cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa dựng nên được bền vững muôn đời. Mẹ đã thông công vào Ơn Cứu Độ. Mẹ đã mang Đấng Cứu Thế trong cung lòng vẹn sạch của mình. Mẹ đã sẻ chia mọi nguồn ơn từ Thiên Chúa Cha dành cho Hài Nhi bé nhỏ của Người. Mẹ đã nuôi nấng, bảo bọc và nhìn con trẻ Giêsu lớn lên mỗi ngày, và Mẹ đã dõi theo Con, đi bên Con qua mọi nẻo đường rao giảng. Mẹ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mẹ đã hiến dâng máu thịt của mình cho nhân loại khổ đau. Trong Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu có phần của Mẹ. Dòng sữa ngọt ngào của Mẹ đã nuôi dưỡng con trẻ Giêsu lớn lên giữa cuộc đời.

Ngày nay, mỗi khi ta rước Chúa vào lòng, ta cảm nhận được một phần mình và máu Mẹ. Thân xác vẹn tuyền và dòng máu khiết trinh của Mẹ đã chảy trong thân Mình Chúa Giêsu. Chúa hiến dâng thân xác mình cho Thiên Chúa Cha để Người ban sự sống cho nhân loại, có phần của Mẹ. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ con trẻ Giêsu, rồi Người lấy lại sau 33 năm Mẹ ẵm bồng, bú mớm, dưỡng nuôi. Mẹ chẳng còn lại gì ngoài nỗi đau vô vàn, thế mà một lần nữa Mẹ cúi đầu vâng phục Thánh ý Thiên Chúa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi…” (Lc 1, 35). Mẹ đi bên cạnh các Tông Đồ là những học trò yêu quý của Chúa và củng cố niềm tin cho các ông như một người mẹ. Mẹ mất Con để Mẹ có cả và thiên hạ con cái. Mẹ sầu Bi cũng là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại, vì Mẹ đã vâng phục Thánh ý Chúa và đem ra thực hành mỗi ngày: “Ai là mẹ Tôi? Ai là anh em Tôi?… vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha Tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em Tôi, là mẹ Tôi“ (Mt 12, 48-49).

Mẹ Đấng Cứu Thế có khác Mẹ thế gian không nhỉ? Chắc chắn là khác rất nhiều. Con người hèn mọn và tội lỗi như chúng ta không bao giờ đạt đến. Nhưng chắc chắn có một điểm chung là sự đau khổ khi mất con. Chúng ta cảm nhận nỗi đau ấy của Mẹ qua chính nỗi đau của mình, để thấy rằng: Với người mẹ, con cái là tất cả cuộc đời họ …

Với Mẹ Maria, Chúa Con và sự vâng phục Thánh ý Thiên Chúa lớn hơn nỗi đau mà Mẹ phải gánh chịu. Vì vậy Mẹ mới là Nguồn Cậy Trông cho người đau khổ:

“Con khấn xin Mẹ mỗi khi đau buồn .

Trên đường con đi trong những ngày nguy khốn.

Phó thác nơi Mẹ tấm thân nhỏ hèn.

Để đời con luôn vui sống bằng yên“ (T. Ca)

Maria Mỹ Ánh

CĐ LCTX-GX Hòa Bình-GV

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …